Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

CN.30.TN.B. Xin được thấy | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN B
(Mc.10,46-52)

XIN ĐƯỢC THẤY

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
__________________

SUY NIỆM

XIN ĐƯỢC THẤY

Mù hay sáng mắt ?

1. Đôi mắt thể lý

Ai cũng biết người mù là người có đôi mắt thể lý không thể tiếp nhận ánh sáng. Vì không thể tiếp nhận ánh sáng, nên không thể thấy những thứ xung quanh mình.

Người có đôi mắt bình thường, ta gọi là có đôi mắt sáng, có thể thấy được những thứ xung quanh ta.

Nhưng, nhiều người có đôi mắt sáng, vẫn như người mù.

Thí dụ như câu chuyện sau đây thật đáng cho chúng ta suy gẫm:

Một người kia bị mù từ thuở mới sinh ra. Mãi sống trong sự tối tăm như thế nên anh ta không tin gì ngoài bóng đêm thăm thẳm. Mặc cho nhiều người kể cho anh ta rất nhiều thứ về cuộc sống hàng ngày và thế giới chung quanh, anh ta vẫn quả quyết nói:

Tôi không tin gì cả vì tôi không nhìn thấy.

Một vị lương y thất vậy động lòng thương hại, bèn cố gắng tìm cách chữa trị đôi mắt cho anh ta. Đến khi sáng mắt, anh ta rất sung sướng nhưng lại trở nên tự phụ vì luôn luôn lớn tiếng với mọi người rằng:

Giờ đây tôi đã thấy được tất cả mọi thứ trên đời.

Nghe thế, có nhiều người khuyên anh ta rằng những gì anh ta trông thấy chưa phải là tất cả, rằng anh ta chỉ mới thấy được một “góc nhỏ” của thế giới mà thôi. Còn rất nhiều điều mà anh chưa hề biết được, chẳng hạn như vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, sự sống của cây cối, chim muông…

Anh ta phản đối:

Làm gì có những điều ấy! Tôi không tin. Những gì thấy được thì tôi đã thấy rồi!

Nói thế nào, anh cũng không thay đổi suy nghĩ của mình. Mọi người đều cảm thấy thương hại anh ta, vì tuy đôi mắt đã sáng nhưng anh ta vẫn còn mù.

Câu chuyện làm tôi nhớ lại phi hành gia nào đó thời Liên Xô, sau khi bay vào vũ trụ, anh đã phát biểu:

Tôi đã bay lên chín tầng trời cao thăm thẳm, tôi xác nhận là không hề thấy Thiên Chúa.

Khác hẳn với phi hành gia này, Neil Amstrong, phi hành gia Mỹ,  người đặt chân lần đầu tiên trên mặt trăng, giữa cảnh bao la kỳ diệu, anh vô cùng xúc động điện về trái đất câu Kinh Thánh:

Thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật.

Thế đấy, thấy Thiên Chúa hay không, còn tùy đôi mắt của mỗi người.

Đôi mắt để “thấy tốt” không chỉ dựa vào “thị lực” để phân “độ” thấy hay không thấy, mờ hay rõ, xa hay gần, lệch lạc hay trung thực… mà còn tùy thuộc vào tâm hồn để cảm nhận ý nghĩa đích thực những gì mình thấy.

Nên con người quan hệ với nhau không chỉ nhờ thấy nhau bằng đôi mắt thể lý, mà còn nhận ra nhau bằng đôi mắt tâm hồn.

2. Đôi mắt tâm hồn

“Thấy” là nhờ ánh sáng. Đôi mắt thể lý không thể thấy gì trong đêm đen dày đặc, nó cần phải có ánh sáng.

Nhưng, đâu là bóng tối, đâu là ánh sáng?

Vị đạo sĩ hỏi người học trò:

– Ðâu là lằn mức giữa đêm và ngày? Lúc nào ngày bắt đầu? Lúc nào đêm chấm dứt?  (…)
Vị đạo sĩ trả lời:

– Con ạ, Thượng Ðế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Ðế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ, tham lam, thù hận đấy là đêm!

Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu.

Ði giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung. (xem trọn truyện Đêm và Ngày ở cuối bài này)

Vậy, chỉ có “đôi mắt tâm hồn” mới thấy được những điều mà đôi mắt thể lý không thể thấy. “Đôi mắt thể lý” đang ngập tràn ánh sáng vật lý, nhưng vẫn như mù vì trái tim trĩu nặng nên vẫn như chìm trong “đêm tối”.

Thí dụ: Trong dụ ngôn Ông phú hộ và La-da-rô nghèo khó (Lc.16,19-31), Ông phú hộ có đôi mắt sáng nhưng lại ‘không thấy” anh La-da-rô bần cùng khốn khổ đang ở ngay thềm cửa nhà ông, kết quả là ông phú hộ khi chết đã phải  chịu cực hình dưới âm phủ. Không có ánh sáng của lòng từ ái bao dung, nên anh không thể thấy sự bất hạnh của La-da-rô, đôi mắt tâm hồn ông mù lòa nên mắt thể lý của ông tuy sáng nhưng thật ra là mù tối.

3. Đôi mắt tâm linh

Vươn lên một cấp độ cao hơn của con người, đó  là đời sống tâm linh.

Những kẻ lớn tiếng tự nhận mình không có tín ngưỡng hay tôn giáo nào vẫn phải nghiêng mình mặc niệm trước những người nằm xuống và không thể đối xử với những nắm xương tàn kia như cát bụi vô tri. Vẫn còn đó một cái gì thiêng liêng đang tiếp tục tồn tại sau thân xác của một con người vừa biến mất.

Thế giới tâm linh ở ngay trong lòng người và sở dĩ con người không còn nhận ra nó vì bóng tối của dục vọngđêm đen của sa đọa.

Cuộc sống trăm năm chỉ là đoạn đường đi ngắn ngủi của con người và cuộc hành trình hướng về vô biên giúp con người nhận ra giá trị nhân sinh đích thực của mình.

Vị trí con người đích thực được thăng tiến trong quan hệ “đối Thần, đối Thân, đối Nhân” – Đối với Thiên Chúa, đối với chính mình, đối với tha nhân.

Ánh sáng nào soi rọi giúp con người sống hoàn hảo trong tương quan ấy? Đó là cuộc hành trình tiềm kiếm không ngừng nghỉ của những người thiện chí.

4. Đôi mắt Đức Tin

Đời sống tâm linh của người Công Giáo được soi rọi dưới ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giê-su. Người Công Giáo nhìn tất cả mọi việc xảy ra với Đôi Mắt Đức Tin.

Vì thế, xin cho con được thấy” trước tiên và là chính yếu được thấy Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế.

Đôi mắt Đức Tin được mở sáng nhờ Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế.

Đôi mắt Đức Tin Thấy được Đấng Cứu Thế, thấy được Đấng Vô Hình – thấy được Thiên Chúa – và đó là hồng ân lớn lao nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Bài ca “An Bình Ra Ði” (Nunc dimittis)

Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài. (Lc.2,25-32).

Đôi mắt Đức Tin thấy đời là hy vọng.
Đôi mắt Đức Tin thấy đời là tình yêu.
Đối mắt Đức Tin thấy đời không cô đơn,
Đôi mắt Đức Tin thấy đời đầy ý nghĩa,

Vì,  đơn giản, ta có Chúa  Giê-su đồng hành, Ngài luôn yêu thương nâng đỡ, và đưa ta về Vương Quốc Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài.

Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12).

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho con được thấy,
Con tin tưởng nơi Ngài. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button