Kinh Lạy Cha | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Lc.11,1-13)
*****
KINH LẠY CHA
1Một hôm Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; 7mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được? 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9″Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người ?”
_______________
SUY NIỆM
KINH NGUYỆN DUY NHẤT
Ngày xưa khi thi vào Tiểu Chủng Viện, tôi nhớ một trong những bài thi có câu hỏi: “Kinh nào là kinh duy nhất chính Chúa Giê-su dạy?”. Lớn lên một chút, tôi và nhiều bạn học vẫn luôn thắc mắc: sao Chúa Giê-su chỉ dạy một kinh duy nhất, làm sao đủ “đáp ứng nhu cầu” của con người? Còn có biết bao điều phải xin trong cuộc đời này?
Thực tế, trong cuộc sống, chúng ta vẫn nghe nhiều người có ý nghĩ như vậy. Trong một lớp học Rước Lễ Lần Đầu, Giáo lý viên cho câu hỏi: “Em hãy cho biết em đã cầu nguyện thế nào?”. Tất cả đều kể ra những điều mình cầu xin. Có em ghi đầy 4 trang vỡ học trò những điều mình xin.
Khi tiếp xúc với nhiều người, nếu được hỏi về việc cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy câu trả lời thường có một điểm chung: “cầu nguyện là cầu xin”, và “xin” những gì mình đang cần, đang thiếu thốn. Mà chuyện con người cần, con người đang thiếu thì… biết bao nhiêu mà đủ! Thế nên, những lời nguyện xin thì … ôi, mênh mông như sông dài biển rộng – “tràng giang đại hải” !
Khi chúng ta có một cái nhìn thoáng qua như vậy, chúng ta sẽ hiểu vì sao, trước khi dạy Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã nhắc nhở: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt.6,7).
Từ đó, Chúa Giê-su đã dạy Kinh Lạy Cha:
ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến” (Lc.11,2).
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (trích Kinh Lạy Cha).
Có thể nào người dân được an cư lạc nghiệp trong một xã hội loạn ly không? Có thể nào người dân được ấm no hạnh phúc trong một chế độ tàn bạo không? Có thể nào người dân được tự do và được tôn trọng nhân vị trong một chế độ độc tài áp bức không? Có thể nào người dân có cơ hội thăng tiến trong một chế độ thối nát không?
Nên, một cuộc sống mà người dân được an cư lạc nghiệp, được ấm no hạnh phúc, được thể hiện quyền tự do và tôn trọng nhân vị, được luôn thăng tiến, xã hội đó phải được điều hành trong một “triều đại” của những con người mang con tim “thành tâm thiện chí”, biết trân trọng những giá trị tâm linh.
Thành tâm thiện chí không phải chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất, mà còn ở giá trị tinh thần nữa. Trong những giá trị tinh thần, không thể thiếu giá trị tâm linh. “Giá trị tâm linh” – Đó phải là điểm tựa chính yếu cho mọi quyết định.
Sau năm 1975, có rất nhiều nơi những người cầm quyền tổ chức lễ “Chống Thiên”. Tôi có “tò mò” đi dự hai lần… cho biết. Tại điểm hành lễ, người ta đọc lên những thứ thiệt hại mà những người đứng ra tổ chức qui trách nhiệm cho Trời (Thiên), như hạn hán, lũ lụt, mất mùa… Rồi người ta “kết tội” trời, xong, một người cầm súng, quay họng súng lên trời, bắn mấy phát đạn. Sau đó kết thúc buổi lễ. Một cụ già sau buổi lễ đã nói với mấy anh chàng tổ chức, trong đó có cháu của mình: “Đó là mấy cậu nói, chứ tụi tôi không có nói nhen!”. Ôi, ở đâu mà người ta nghĩ ra cái lễ thuộc loại “hàng độc” vô tiền khoáng hậu như thế không biết!
Sau đó một thời gian, có lần kiểm tra mấy em tôi học bài, tôi đọc được một câu thơ trong sách giáo khoa cấp I (Tiểu học) : (…) Mở mang thủy lợi nhà nhà ấm no. Ấm no không đợi trời cho. Người làm ra nước sức to hơn trời! Trong một phản xạ tự nhiên, tôi nhớ lại mấy câu thơ tôi học cũng thời Tiểu học: Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy bát cơm đầy. Lấy khúc cá to!
Chính những giá trị tâm linh mới định hình nhân phẩm con người, chứ không phải những giá trị vật chất. Những giá trị tâm linh chuẩn mực phải bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chối bỏ Thiên Chúa, con người không có điểm tựa. Không nhìn nhận Thiên Chúa, con người không còn nghe được Lời Ngài trong sâu thẳm lòng mình. Lời Ngài giúp cho cái Tâm của con người được vươn lên đến hoàn thiện. “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi quả tim bằng thịt”. (Ed.36,26). Và như vậy, quả tim của chúng ta là quả tim biết yêu thương của Thiên Chúa trao ban, chứ không phải quả tim của quỷ sứ cài vào – một quả tim chai đá! “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (ND). Từ đó, ta thấy, chối bỏ Thiên Chúa cũng là chối bỏ chính mình, chối bỏ những gì thiêng liêng nhất, sâu xa nhất, cao quý nhất, tạo nên một con người đúng nghĩa, một con người cho ra người. “Nhân linh ư vạn vật”.
Và như thế, chúng ta cần đến Chúa. Ngài là Chúa nhân từ. Ngài không phải là một vị thần quyền uy chúng ta đeo theo vì sợ hãi, nhưng Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, hơn thế nữa, Ngài là Cha chúng ta, chúng ta nương tựa Ngài vì Ngài yêu thương chúng ta và chúng ta yêu thương Ngài. Thật hạnh phúc biết bao, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, ta được cất cao lời kêu danh thánh Chúa một cách thật gần gũi ngọt ngào: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Mọi sự bắt đầu bằng tiếng “Cha” cho con người niềm hạnh phúc bất tận. Cha yêu thương, Cha bảo vệ, Cha thứ tha, Cha làm tất cả cho con được hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải chỉ là chuyện “no cơm ấm áo”, mà trên hết, chính là sự bình an thật sự trong tâm hồn của con người. “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm.14,17). Sự Bình An mà ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời chỉ vì yêu thương nhân loại. “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc.2,14).
ĐỐI VỚI THẾ GIAN
“Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” (Lc.11,3)
“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (trích Kinh Lạy Cha).
Chúng ta có thể nhận ra ở đây ý Chúa Giê-su dạy cho chúng ta về tâm tình đơn sơ phó thác. Chúng ta đã có Thiên Chúa là Cha, thì không có lý do gì người Cha giàu lòng thương xót ấy lại bỏ rơi chúng ta. “Vì thế, anh đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt.6,31-33).
Sự giàu có có thể dẫn chúng ta đến thói ăn chơi hưởng thụ, không còn nhận ra chân lý cuộc sống, ý nghĩa đời người. “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc.12,19).
Sự giàu có có thể dẫn ta đến cách sống ích kỷ, chỉ biết có mình, không còn cảm được sự đau khổ của tha nhân, lạnh lùng trước những bất hạnh của đồng loại. Thế giới ngày nay có những nơi thiếu lương thực trầm trọng, lại có những nơi dư thừa, phung phí, tất cả vì thiếu tình thương, thiếu sự chia sẻ trong đại gia đình nhân loại. “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc.16,19-20).
Chúa Giê-su không bảo ta sống nghèo khó như kiếp đời rách rưới bần tiện, Người có ý dạy chúng ta sự thanh thản tâm hồn không bị trói buộc bởi tiền bạc vật chất cùng với những lợi lộc phù phiếm của nó. “Chúa Giê-su đáp: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi’. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt.19.21-22).
Sự giàu có có thể dẫn chúng ta đến kiêu căng, thấy mình tài năng và bất cần đến Chúa. Nhất là sự giàu có trí tuệ, sự khôn ngoan kiểu thế gian, quyền uy chức vị. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (Mt.11,25). – “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Chúa Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu rồi sẽ thấy; không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả” (Ga.7,48-52).
Thế nên, hạnh phúc không đến từ miếng cơm manh áo, mà đến từ niềm vui tâm hồn – một con tim vui tươi – vì biết phó thác tin yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa. “Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ trở nên những người giàu lòng quảng đại”.(2Cr.2).
ĐỐI VỚI THA NHÂN
“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. (Lc.11,4)
“Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (trích Kinh Lạy Cha).
Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Nên mọi người phải yêu thương và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Tình yêu luôn cần có sự tha thứ. Sự tha thứ chứng minh con tim bao dung và tràn ngập yêu thương.
Yêu thương nhau, tha thứ nhau, đó là điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương. Vì biết thứ tha, cũng chính là biết nhận ra mình tội lỗi. “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thinh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt. 18,32-34).
Biết nhận ra tội lỗi mình, ta mới không “bảo vệ sự thánh thiện” cho riêng mình, Không lo nên thánh chỉ “phần mình”, không giữ lấy sự an toàn cho riêng bản thân mình, không lạnh lùng, ngoảnh mặt với tha nhân. “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên mà đi” (Lc.10,30-32).
Biết nhận ra tội lỗi mình, ta mới thấu hiểu những niềm đau thân phận, ta mới nhận ra những giới hạn cuộc đời, ta mới có thể đến với anh em bằng con tim bác ái yêu thương hồn nhiên, không tính toán, chân thành và cư xử trọn vẹn tình người. “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc…” (Lc.10,33-35).
ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH
“và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc.11,3).
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” (trích Kinh Lạy Cha).
Cuộc đời bao nhiêu là cạm bẫy. Muôn thứ cám dỗ. Con người thì yếu đuối, dục vọng khôn cùng. Khuynh hướng tục hóa của thế gian ngày càng hấp dẫn. Những giá trị tâm linh có chiều hướng mờ dần. Ta chắc gì thức tỉnh trong những cơn nguy khốn? Ta chắc gì can đảm để chọn lựa theo tiếng lòng ta? “Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm.7,18-19).
Sai lầm lớn nhất là ta sai lầm mà vẫn thấy mình đúng. Tội lỗi lớn nhất là khi ta tội lỗi mà vẫn thấy mình thánh thiện. Ánh sáng Lời Chúa không đến được cõi thâm sâu trong tâm hồn ta. Ta chìm trong bóng tối của sự dữ. “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga.9,41).
NHẬN RA TÌNH CHA
Chúng ta không kiên nhẫn trong lúc cầu xin.
Chúng ta hoài nghi trong lúc cầu xin…
Là vì chúng ta chưa nhận ra Tình Cha – Tình Chúa là Cha yêu thương chúng ta.
Người xưa có dạy :
Một chết, một sống – mới biết tình nhau.
Một giàu, một nghèo – mới rõ thái độ nhau.
Một hèn, một sang – mới tinh tường tình nghĩa.
Nhất tử, nhất sinh – nãi tri giao tình.
Nhất bần, nhất phú – nãi tri giao thái.
Nhất quí, nhất tiện – giao tình nãi hiện. (HÁN THƯ)
Chúa là Đấng Hằng Sống – con người phải về bụi tro.
Chúa là Đấng Giàu Có, mọi sự là của Ngài – con người bàn tay trắng trở về trắng tay.
Chúa là Đấng Chủ Tể mọi loài – Con người chỉ là loài hoa cỏ dại.
Thế mà Chúa vẫn yêu thương con người. Chết vì con người. Trung thành với con người.
Cho con người được làm con Ngài, được gọi Ngài là Cha.
Ta còn chưa nhận ra Tình Cha sao?
Ôi, Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Tất cả là Hồng Ân Thiên Chúa.
Xin dâng lời cảm tạ Tình Cha. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_____________
BÀI ĐỌC THÊM