Chúa Nhật Hiển Linh: Vì Sao Nào Cho Đời Ta | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT HIỂN LINH
(Mt.2,1-12)
****
VÌ SAO NÀO CHO ĐỜI TA
(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.(4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
(7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
_______________
SUY NIỆM
VÌ SAO NÀO CHO ĐỜI TA
+ 1. Những vì sao định hướng
Chúng ta cùng suy nghĩ về câu chuyện này:
Trong trường ca “Ô-đi-xê”, thi hào Hy Lạp cổ đại Hô-mê đã mô tả sự trở về nước Ý quê hương của người anh hùng cuộc chiến tranh Tơ-roa là Ô-đi-xê khôn ngoan. Trên con thuyền, Ô-đi-xê đã định hướng theo vị trí chòm sao Gấu Lớn. Đoạn thơ còn nhắc đến các chòm sao chúng ta biết ngày nay: Mục Phu, Thợ Săn và quần sao Tuarua.
Hiển nhiên, Ô-đi-xê không phải chỉ là chiến binh can đảm mà còn là một hoa tiêu tài giỏi hiểu biết thiên văn. Chàng giữ cho con thuyền theo các chòm sao đang lặn đúng hướng Tây-Bắc. Chàng biết đường dịch chuyển của cụm sao Rua trong đêm để lái thuyền.
Tất nhiên, “la bàn” sao chủ yếu vẫn là sao Bắc Cực.
Nếu đứng quay mặt về hướng sao Bắc Cực, thì phía trước mặt sẽ là hướng Bắc, sau lưng là hướng Nam, bên phải là hướng Đông, bên trái là hướng Tây. Phương pháp đơn giản này thời cổ xưa đã giúp những người lên đường đi xa chọn đúng hướng dù là trên bộ hay trên biển.
“Đạo hàng thiên văn” – định hướng theo các vì sao – vẫn còn giá trị trong thời đại ngày nay. Trong các ngành hàng không, hàng hải, các chuyến viễn du trên bộ, hoặc chuyến bay vũ trụ, không thể thiếu môn khoa học này.
(từ Internet).
+ 2. Vì sao Ba Vua
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt.2,2).
Từ lời của Ba Vua (chúng ta dùng từ “Ba Vua” theo cách gọi quen thuộc xưa nay), chúng ta có thể thấy diễn tiến từng bước cuộc hành trình của Ba Vua đến Bê-lem.
- (Chúng tôi) thấy
- vì sao của Người
- (chúng tôi) đến
- bái lạy Người.
Chúng ta có thể rút ra bài học ngắn gọn như sau:
- Phải tìm tòi, suy nghĩ, mới khám phá, mới nhận ra, mới “thấy” được một vì sao lạ.
- Và nhận ra một vì sao đặc biệt, nổi bật, không giống, không hòa lẫn vào các vì sao khác: “Vì sao của Người”.
- Đây không phải là cuộc nghiên cứu cho vui, hay tìm thỏa mãn kiến thức nhất thời rồi xếp vào trong những trang sách nghiên cứu, nhưng đây là đi tìm một hướng đi cho cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời. Là nhu cầu của chiều sâu nội tâm, là lắng nghe tiếng lòng, là khát vọng tâm linh. Nên khi đã tìm thấy hướng đi của cuộc đời, ý nghĩa của cuộc sống, là phải bắt đầu cuộc hành trình, là thực hiện tiếp những gì đã khám phá, là đi tìm và “đến” bến bờ của mong đợi.
4. Đã “đến” bến bờ mong đợi, Ba Vua vui mừng vì “cuộc gặp gỡ” Thiên Chúa Giáng Sinh. Cuộc gặp gỡ ấy không phải là cuộc gặp gỡ thỏa mãn tính tò mò, càng không phải là cuộc gặp gỡ chỉ vì những lý do trần tục. Hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ của Hê-rô-đê, nếu có, “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (Mt.2,8), ta có thể suy ra hậu quả của cuộc gặp gỡ đó như thế nào. Cuộc gặp gỡ của Ba Vua đối với Hài Nhi Giê-su đưa các ngài đến tâm tình dâng hiến, thờ phượng: “bái lạy Người”.
+ 3. Vì sao nào cho đời ta?
Trong chân trời ước mơ bay bổng của cuộc đời, có muôn ngàn vì sao ! Có những vì sao thật, và có những vì sao ảo.
Có những vì sao sáng chói khiến ta có thể lầm tưởng đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống. Có những vì sao rực rỡ lại đưa ta đến những ngõ cụt của cuộc đời.
Vì sao địa vị, vì sao danh vọng. vì sao tiền của, vì sao tình ái…
Những vì sao ấy có thể rực sáng trên bầu trời cuộc đời, nhưng không thể rực sáng trong lòng ta…
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt.2,2).
Chúng ta luôn tự hỏi, “vì sao nào đó” ta “đã thấy” có thật là “vì sao của Ngài” không, và cuộc đời ta đã làm gì để trung thành với ánh sao của Ngài soi lối cuộc đời ta.
LỜI NGUYỆN
Bên Hang Đá, con nguyện cầu, lạy Chúa…
Chỉ một vì sao, hiện tại và ngày mai…
Luôn hướng nhìn theo “Vì sao của Ngài”
Dẫn đường cho con từng ngày tiến bước.
Xin cho đời con chỉ một nguyện ước
Một niềm tin “bái lạy Chúa” hết lòng.
Ôi, lòng người ai biết được đục trong,
Xin cho con đừng thay lòng đổi dạ…
Chỉ có Chúa, Chúa là tất cả.
Đêm tối cuộc đời con tha thiết nguyện xin
Vì Sao Ngài rực sáng mãi tâm linh
Con vững tin tiến bước đường chân chính.
Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG