Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Con Đường Phục Thiện | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A 14
(Mt.18,15-20)

CON ĐƯỜNG PHỤC THIỆN

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
_______________

SUY NIỆM

CON ĐƯỜNG PHỤC THIỆN

1. Tình liên đới…

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt.18,15). Nhưng nếu chúng ta bắt chước một người thông luật kia, hỏi Chúa Giêsu: “nhưng ai là anh em con ?”, hẳn chúng ta sẽ nhận ra tình liên đới của “đồng loại” rộng lớn như thế nào, nó không có biên giới.

Nhưng người thông luật đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng:

Nhưng ai là anh em của tôi ?

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy“. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.(Lc 10, 25-37).

Như vậy, quan hệ giữa mọi người đều là “anh em” với nhau. Dù có trăm ngàn thứ khác biệt, chúng ta đều có “tình người”, tuy có những nẻo đường khác nhau của những người thiện chí đi tìm Chân lý, chúng ta đều là con cái Thiên Chúa.

Trong thực tế đời thường, tha nhân nói chung, là những người sống bên ta, quanh ta, người thân, bạn bè, những người chúng ta có dịp gần gũi, tiếp xúc, có quan hệ trong công việc… mặc nhiên chúng ta có bổn phận giúp nhau sống ngay lành, chân thiện.

Thân xác có những lúc “gặp nạn” – như người lữ hành đi Giê-ri-cô, thì tinh thần cũng có những lúc “sa cơ” – không còn nhận ra phương hướng cuộc sống. “Sai lầm là thường tình của con người”, và như thế, một lúc nào đó, ta rất cần một người Samari tốt bụng cứu giúp ta khi tinh thần của ta suy sụp giữa dòng đời. Đó là lúc ta “sai lầm”, “phạm tội”, lệch hướng, mê ngủ, bóng tối tâm hồn che khuất điều chân thiện trong đời ta…

2. Kẻ lên tiếng…

Lên tiếng khi bạn sai lầm, đó là bổn phận và trách nhiệm. Đó không phải là chuyện tự do lựa chọn nói – hay – không nói”. 

“Hãy đi sửa lỗi nó” (Mt.18,15).

Thật ra, kinh nghiệm cho thấy việc giúp tiền giúp bạc cho một người dễ hơn nhiều so với việc giúp cho một người biết sửa lỗi. Giúp cho một người tiền của lập tức được hoan nghênh, còn giúp cho một người biết sửa lỗi, có khi chẳng được đón nhận, mà còn phải chuốc lấy thù ghét.

Người “trót phạm tội” (Mt.18,15), phạm sai lầm, có tâm lý rất dễ mặc cảm, tự ái, tự tôn… “Lời thật mất lòng”, những “lời hay ý đẹp” mà ta lên tiếng với người “trót phạm tội” có thể đối với họ là những bài học khó nuốt, những câu nói thật lòng có thể bị xem như những bài học dạy đời khó chấp nhận, những hướng dẫn chân thành có thể bị xem như thái độ “lên lớp” của kẻ cả… 

“Không phải đất để trồng, thì có trồng cây cũng chẳng mọc; không phải người để nói, thì có nói họ cũng chẳng nghe” (Khổng Tử Gia Ngữ).  

Chúa Giêsu thấu hiểu sự yếu đuối của con người, Ngài đã dạy cách sửa lỗi cho người anh em từng bước một. Tế nhị, kiên nhẫn, bình thản, yêu thương… Ta có thể tóm tắt: “Trước tiên, một mình anh với nó. Nếu không được, thêm một hai người nữa. Nếu vẫn không được, thì thưa Hội Thánh. Nếu cuối cùng không được nữa, thì cứ xem nó như người ngoại.” (Mt.18,15-17).

Từ lời khuyên dạy của Chúa Giêsu, ta suy luận ra rằng: “Người lên tiếng phải biết cách lên tiếng bằng tấm lòng yêu thương

3. Người lắng nghe…

+ Luôn biết lắng nghe

Không ai câm bằng người không muốn nói.
Không ai điếc bằng người không muốn nghe.
Không ai bằng người không muốn thấy. (Khổng Tử).

Nếu một người không còn muốn nghe rồi thì… “bó tay”, không thể làm gì hơn được !

Sau năm 1975, những luồng tư tưởng bôi nhọ và bài bác tôn giáo, đặc biệt là Ki-tô giáo, lan tỏa nhiều nơi ở miền nam  Việt Nam, trong đó có ý tưởng cho rằng thời buổi này in ấn phổ biến sách Kinh Thánh làm gì, đặc biệt là Tân Ước, ai mà còn muốn nghe sách đó nữa. Sau đó không lâu, xuất hiện cuốn sách có tựa đề “Tin Mừng cho người muốn nghe”.

Thế nên, để phục thiện, người “trót phạm tội” phải luôn có thiện chí lắng nghe.

“Nếu các ông mù, thì các ông đã chẳng có tội, nhưng vì các ông nói : chúng tôi nhìn thấy được, nên tội các ông vẫn còn đó” (Ga 9, 41).

+ Sẵn sàng phục thiện

Người xưa có câu:

Có 3 hạng người có ích, có 3 hạng người có hại:

Bạn ngay thẳng,
bạn rộng lượng,
bạn biết nhiều: Đó là bạn có ích vậy.
Bạn vênh vang,
bạn chiều chuộng,
bạn xảo mị: Đó là bạn có hại vậy. KHỔNG TỬ

Ích giả tam hữu, tổn giả tam hữu:
Hữu trực,
Hữu lương,
Hữu đa văn: Ích hỹ.

Hữu tiện tịch,                                                     
Hữu thiện nhu,
Hữu tiện nịnh: Tổn hỹ. KHỔNG TỬ.

Một người bạn ngay thẳng – dám nói điều sai lầm của ta. Một người bạn rộng lượngbiết ta sai lầm vẫn cố đeo bám theo ta để kéo ta trở về con người ngay lành với một tình yêu chân thật. Một người bạn biết nhiềuthấy xa hiểu rộng, giúp ta nhận ra những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Thật là người xứng đáng để ta nghe theo, để ta tránh được những sai lầm, không ngừng vươn lên thăng tiến.

Có câu chuyện xưa quen thuộc tên “Tham lợi trước mắt quên hại sau lưng” mà nhiều người thường hay nhắc đến, nội dung như sau:

Vua nước Ngô muốn đem quân đánh nước Kinh. Đã nhiều người can ngăn, vua nhất định không nghe. Sau lại hạ lệnh rằng: “Ai can Ta đánh nước Kinh thì phải xử tử”.

Có một viên quan trẻ tuổi muốn can ngăn mà không dám nói, luôn ba ngày cứ sáng sớm cầm cung tên đến đứng vườn sau nhà vua, sương xuống ướt đẫm cả áo.

Hôm thứ ba, vua gặp mới hỏi rằng:

Ngươi đến đây làm gì mà để sương xuống ướt cả áo thế ?

Viên quan thưa rằng:

Trong vườn có một cây cổ thụ. Chót vót trên ngọn cây có con ve sầu hút gió, uống sương, rả rích kêu cả ngày, tưởng đã được yên thân lắm. Biết đâu rằng phía sau nó có con bọ ngựa đang giơ càng chực bắt. Chính con bọ ngựa muốn bắt con ve sầu lại biết đâu có con chim sẻ nghểnh cổ chực mổ. Chính con chim sẻ muốn bắt con bọ ngựa lại biết đâu dưới gốc cây tôi cầm cung tên chực bắn. Chính tôi đây muốn bắt con chim sẻ, mà không biết sương xuống ướt đẩm cả áo… Như thế đều chỉ là tham cái lợi trước mắt mà quên hẳn cái hại ở ngay sau lưng vậy.

Vua nghe nói tỉnh ngộ, bèn thôi không đánh nước Kinh nữa. (Thanh Lê Tử. Cổ Học Tinh Hoa).

Kẻ muốn nói tìm đủ mọi cách nói, người muốn nghe luôn ngẫm nghĩ chuyện đã nghe. Kẻ nói người nghe cùng chung một thiện chí. Kẻ muốn nói mà không ai chịu nghe, người muốn nghe mà không ai dám nói, không có niềm tin vào nhau, không có bầu khí tình thương, thì làm sao cùng nhau đi trên con đường phục thiện được !

Tất cả cố gắng đi theo một hướng chân thiện, loại bỏ những lầm lỗi, vì tất cả những ai thành tâm thiện chí đều hiểu rằng không ai là hoàn hảo. “Ai tưởng mình đang đứng vững thì coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12) và, vì thế, người vững vàng là người biết đứng lên sau khi té ngã, tất cả mọi người luôn giúp nhau đi qua con đường phục thiện để tiếp tục tiến bước về Cõi Phúc Vĩnh Hằng.

4. Đâu là chuẩn mực để giúp nhau Phục Thiện

Không có chuẩn mực để định hướng con đường phục thiện thì khó tìm được điểm chung để nhắc bảo nhau, sửa lỗi cùng nhau để sống tốt hơn trong đời sống Đức Tin. Chính Lời Chúa là chuẩn mực để soi sáng mọi suy nghĩ và việc làm của ta.

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119,105).

Tất cả là anh em nhau trong Giáo Hội, trong Tình Yêu Thiên Chúa. “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. (Mt.18,17). Đó là bước cuối cùng để giúp nhau phục thiện khi trót sai lầm. Vì nếu là anh em với Chúa Giêsu, thì “thi hành ý muốn Thiên Chúa” – Xây dựng một cộng đoàn huynh đệ – “một thế giới huynh đệ” – biết thờ phượng Chúa và yêu thương nhau. Tất cả hiệp nhất nên một trong Đức Ki-tô, đó là Dân Chúa, là Giáo Hội.
Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi (Mc 3, 31-35) 

Lạy Chúa,

Con luôn trông cậy vào tình yêu của Chúa,
Xin mở mắt con, gởi đến cho con mọi cơ hội tốt lành…

Khi lầm lỗi con kịp quay về đường ngay nẻo chính…
Con đường phục thiện trả con về tình Chúa bao dung. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
Bài suy niệm năm 2014
_______________
Bạn muốn xem thêm bài viết năm 2011, xin mời vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/513-chua-nhat-23-thuong-nien-a-nhung-hoi-chuong-tinh-thuc

 

Bài liên quan

Back to top button