Sự im lặng đáng sợ của người tốt
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN C
(Lc.10,25-37)
***
SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ CỦA NGƯỜI TỐT
25Một hôm có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia gia nghiệp?” 26Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” 27Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? ” 30Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. 32Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” 37Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
__________________
SUY NIỆM
SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ CỦA NGƯỜI TỐT
Nỗi xót xa…
Sinh thời, Matin Luther King đã từng lên tiếng “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt“.
Chúa Giê-su kể: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.” (Lc.10,30-32).
Thầy tư tế và thầy Lê-vi là hạng người nào vậy? Có phải là người tốt không? – Tốt đó chứ! Tư tế là người thuộc dòng dõi A-ha-ron có nhiệm vụ dâng chiên bò sát tế trong Đền thờ. Thầy Lê-vi, hay trợ tế, thuộc dòng dõi Ghéc-sôn, là một trong ba ngành lớn của dòng họ Lê-vi, quý thầy có nhiệm vụ đàn hát trong các buổi thờ phượng tại Đền thờ. Nhưng họ lại là những người im lặng đáng sợ! Sự im lặng ở đây không phải là không nói, mà là không làm điều phải làm ít nhất là theo đạo lý làm người, chứ chưa nói đến đạo lý mà mấy vị thầy này đang có niềm tin.
Nỗi xót xa ở đây càng lớn hơn nữa khi “người tốt” lại im lặng, còn “người xấu” dám lên tiếng. “Lên tiếng” ở đây, là người dám can thiệp để giành lấy sự sống cho người lâm nạn, thất thế, sa cơ.
Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” (Lc.10,33-32).
Chữ “nhưng” trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, “Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường” , cho thấy sự đối nghịch giữa hai hạng người. Một bên là “thầy tư tế, thầy Lê-vi”, được cho là tốt, mà lại không tốt; một bên là “người Sa-ma-ri”, được cho là không tốt, mà lại tốt.
Người Samari là hạng người nào vậy? – Là người sống ở Samari, miền đất nằm ở giữa hai miền Bắc (Galilê) và Nam (Giuđê) của nước Do thái. Họ có đền thờ riêng ở núi Garizim, không về hành hương ở Giê-ru-sa-lem. Người Do Thái xem người Samari là thứ dân lai căng, khinh miệt họ, không giao du với họ và liệt họ vào hàng dân ngoại. Đó là “người xấu” trong tầm mắt của người Do Thái.
Vì sao thầy tư tế và thầy Lê-vi lạnh lùng trước nạn nhân như vậy? – Có thể có rất nhiều lý do. Như: các thầy này sợ dụng vào người chết sẽ bị ô uế không còn xứng đáng làm việc phượng tự. Đường quá vắng bọn cướp có thể còn ẩn núp đâu đó. Nhúng tay vào giúp có thể mang họa vào thân. Ách giữa đàng mang vào cổ. Vừa tốn kém tiền bạc vừa mất thời gian…
Dù kể bao nhiêu lý do, cũng từ một lý do duy nhất, đó là vì ích kỷ chỉ lo cho bản thân.
Nỗi xót xa còn đó…
“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt“. (Matin Luther King).
Để bảo vệ an toàn bản thân mình, người ta chọn sự im lặng đáng sợ:
Sự im lặng vì quyền chức để bảo vệ chiếc ghế.
Sự im lặng vì ganh tỵ trước thành công của người khác.
Sự im lặng vì đồng lõa trước mối lợi tiềm ẩn.
Sự im lặng vì muốn bưng bít sự thật.
Sự im lặng vì uy vũ…
Cũng xót xa thay, chính sự im lặng lại là lúc nói lên. Nó nói lên sự tệ hại của một thứ tư duy hẹp hòi, lệch lạc, vị kỷ… của một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái, một guồng máy… đang xa rời dần với chuẩn mực đạo lý con người.
Trong xã hội ngày nay, khi những giá trị tinh thần ngày một teo tóp, gầy gò… loại “im lặng là vàng” ngày một trở nên xa lạ… Nội tâm con người có chiều hướng cạn dần… và thứ im lặng mà con người thật sự cần thì ngày một cạn kiệt.
Thứ “im lặng quý báu thiêng liêng” trở nên hiếm hoi, điều mà con người rất cần để nghe được “tiếng lòng”, tiếng lương tri, tiếng lương tâm..
Thứ “im lặng là vàng” để con người biết ngẫm suy để sống vươn lên những giá trị tinh thần cao cả.
Thứ “im lặng là vàng” để con người biết nguyện cầu tìm hiểu ý nghĩa đích thực của đời người, để biết chọn lựa cách sống xứng với bậc thang giá trị “nhân linh ư vạn vật” của mình.
Thay vào đó… cũng sự im lặng, nhưng là thứ “im lặng đáng sợ”, thì ngày một tràn lan, đặc biệt trong xã hội ngày nay. – Thứ im lặng lời nói, thứ im lặng việc làm, im lặng bịt tai, im lặng khóa miệng, im lặng ngoảnh mặt làm ngơ, im lặng rửa tay vô trách nhiệm…
“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt“. (Matin Luther King).
Trông thấy người này, thầy tư tế tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. (Lc.10, 31-32). – “Im lặng tránh qua bên kia mà đi”. Cả hai đều giống nhau. Những kẻ im lặng như vậy, đều gần như có cùng một công thức hành động.
Vâng, hai vị thầy lo việc thiêng liêng tư tế, phụng tự… hai người tốt… và có biết bao người tốt như hai vị thầy này trong thế giới này. “sự im lặng đáng sợ của họ thật làm chúng ta xót xa…”.
Lạy Chúa,
“Thực thi lòng thương xót…
Hãy làm như vậy.” (Lc.10,37).
Cho con sự im lặng nội tâm
Để lắng nghe tiếng lòng
Cho con sự tĩnh lặng trong lòng
Để lắng nghe tiếng Chúa
Cho con luôn lắng nghe Lời Chúa
Để biết chạnh lòng thương
Bước chân đi trên mọi nẻo đường…
Cho con biết thực thi lòng thương xót… Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG