Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Lời tuyên xưng muộn màng | NVT

     SUY NIỆM TIN MỪNG      
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH C
(Ga.20,19-31)
****
LỜI TUYÊN XƯNG MUỘN MÀNG

 

Tám ngày sau, Đức Giêsu đến. 19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” 24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! ” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” 30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

_______________

SUY NIỆM

LỜI TUYÊN XƯNG MUỘN MÀNG.   

1. Tình yêu thuở bình yên…

Các môn đệ Chúa Giê-su:

Đã từng có những lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ.

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Đã từng có sự hiểu biết và chọn lựa dứt khoát về lẽ sống và hướng đi của đời người.

Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không? Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68).

Đã từng có sự quyết tâm bảo vệ Đức Tin sống chết với Thầy, ngay cả Tô-ma.

– “Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga.11,16).

Đã từng có những lời cam kết chắc nịch như hai với hai là bốn:

– “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33).

Đã từng có những lời thề “đồng sanh đồng tử” thật đậm tình và cảm động.

– “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35).

2. Đổi thay thời sóng gió…

Nhưng, than ôi, tất cả rồi ra tan biến như mây khói khi bão táp cuồng phong cuốn đi tất cả những gì đẹp nhất của một thời vinh quang và đầm ấm khi thầy trò còn bên nhau.

Cũng vẫn là những con người đó, cũng vẫn là những bờ môi đó, cũng vẫn là những vùng đất đó, những khung trời đó… Nhưng bây giờ tất cả đã đổi thay…

Trong màn tối âm u, lòng người đã hoàn toàn khác.

Các môn đệ Chúa Giê-su:

Ngày tháng đồng hành với Thầy, không rời nửa bước … bây giờ là phản bội.

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ. Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện (Mc.14,10-11).

Khi vui luôn ở bên Thầy… bây giờ đến lúc đau thương, đã tìm bình yên trong giấc ngủ vùi.

Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt.26,40).

Ngày nào cái gì cũng Thầy, một cũng Thầy, hai cũng Thầy, bây giờ ngoảnh mặt làm ngơ, cố làm ra vẻ xa lạ…

“Tôi không biết cô nói gì. Tôi không biết người ấy” (Mt 26,69-75).

Ngày nào thề thốt ngọt ngào sống chết có nhau, bây giờ “thề độc” để thoát thân sống chết mặc ai.

Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy”. (Mt.26,74).

Ngày nào vui vầy xum họp, bây giờ đường ai nấy đi, nẻo ai nấy bước… ai về nhà nấy, tất cả đã qua rồi như một giấc mơ.

Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác (Mt.36,30).

3. Lời tuyên xưng muộn màng.

Có thật là Thầy đã sống lại không?

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga.20,25).

Những lời Thầy Giê-su dạy là một chuyện, còn Thầy có sống lại thật không, là một việc khác!

Làm sao “tai nghe, mắt thấy” tận tường việc Thầy đã sống lại?

Làm sao tìm được chứng cứ Thầy Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết?

Không thể tin được Thầy Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết, thì không thể nào tin Thiên Chúa được! Ta mất Đức Tin, mất đi niềm hy vọng, ta trở về với cuộc đời thường tìm vui trong trần gian phù phiếm.

“Không ai đến được với Cha mà không qua thầy(Gn 14,6).  

Những suy nghĩ ấy không chỉ của Tô-ma. Đó là của các môn đệ, của chúng ta, của mọi người, của mọi thời đại!

Ngay chính những chuyện trong cuộc đời thường, tai ta vẫn nghe mà không hiểu, mắt ta vẫn thấy mà không nhận ra… làm sao tai ta, mắt ta, có thể nghe được tiếng Chúa trong lòng ta, thấy Chúa hiện diện trong ta, trong anh em ta, trong mọi biến cố đời ta?

Biết bao điều dẫn đến sự hoài nghi bóp chết dần hạt giống Lời Chúa trong lòng ta.

Có khi đó là những ngang trái, khổ đau, tang tóc…

Thiên Chúa ở đâu?

Khi người cha nhận giấy báo tin con trai ông, một cậu bé thông minh xuất sắc, đã chết trong một tai nạn đường sắt, ông liền quay sang vị linh mục và kêu lên tuyệt vọng:

Xin Cha nói cho tôi biết, Thiên Chúa ở đâu khi con trai tôi bị nạn?

Một luồng ánh sáng soi dẫn vị linh mục, và ông nói:

Này, anh bạn, Thiên Chúa ở tại chỗ Người đang ở, khi Con Một của Người chịu chết!”.

Có khi là những thú vui, tiền tài, danh vọng

“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.

Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoàichỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó. (Augustino)

Và biết bao điều còn hơn thế nữa

Tô-ma đã được toại nguyện. Toại nguyện, không phải vì ông đã được thỏa mãn yêu cầu “tai nghe mắt thấy” chính Thầy Giê-su Phục Sinh, mà vì ông vẫn được Chúa yêu thương. Chúa Giê-su chiều theo ý ông, không vì lý lẽ nào khác, ngoài Lòng Thương Xót của Ngài dành cho ông.

Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.(Ga.20,27)

Cuối cùng Tô-ma đã tuyên xưng Đức Tin.

Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga.20,28).

Cũng như sau khi thầy trò trải qua bao nhiêu sóng gió, Chúa vẫn muốn Phê-rô tuyên xưng niềm tin yêu của mình vào Ngài, lời tuyên xưng muộn màng, cũng là lời tuyên xưng cuối cùng trước khi Chúa Giê-su về trời.

Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy“. Ðức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. (Ga.21,17).

Và, cứ thế… dòng đời cứ trôi đi… Trong cơn lốc cuộc đời, ta đâu chắc mình luôn vững bước…

“Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã(1Cr 10,12).

Nên, xin được một lần, dù chỉ một lần, được tuyên xưng đức tin với trọn tấm lòng, dù đó là lời tuyên xưng muộn màng, dù đó là lời tuyên xưng cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay, vì trong bước đi trần gian nhiều lầm lỗi, con có thể “yêu chúa quá trễ, yêu Chúa quá muộn màng”.

Nhưng với Lòng Chúa Thương Xót – Tình Chúa Bao La – không có gì là quá tr… Chúa vẫn chờ ta…

Lạy Chúa,

Con yếu đuối…
Con phản bội…
Con chối bỏ…
Con đòi hỏi…

Nhưng trên tất cả…
Chúa biết rõ mọi sự…
Chúa biết rõ lòng con…
Chúa biết con yêu mến Chúa.

Lòng Chúa Thương Xót,
Xin tha thứ con,|
Xin nâng đỡ con,
Con luôn tín thác vào Ngài. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button