SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT LỄ LÁ C
(Lc.19,28-40)
****
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ
CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
(Lc. 22,14 – 23,56)
CƠN KHÁT CỦA CHÚA CÒN ĐÓ !
Tha thứ vì Giáo Huấn Yêu Thương
Đọc tác phẩm kinh điển Quo Vadis (Thầy đi đâu) của Henryk Sienkievich, Nobel văn học 1905, ta gặp một nhân vật tên Khilon, một con người vô tài kém đức nuôi cao vọng quyền cao chức trọng trong thời bạo chúa Nero, ông đã hành động hèn hạ phản bội người Ki-tô hữu và dẫn tới cái chết của nhiều người, trong đó có một người tên Glaukox.
Glaukox , cùng với hàng trăm người, đang bị treo trên cột cây quấn rơm rạ tẩm nhựa, và bị đốt lên để tạo thành những ngọn đuốc sống, vừa để xóa tên những người Ki-tô hữu vừa để bạo chúa Nero cùng quần thần mua vui.
Lão già độc ác Khilon đã hối hận khi đối mặt với Glaukox, người đang bị thiêu sống trên cây tẩm nhựa, cũng chính là người mà ông rắp tâm hãm hại, vừa để lập công, vừa để khử trừ một tín hữu ngoan đạo mà ông cho rằng đó là chướng ngại nguy hiểm cản bước tiến của ông.
Chúng ta đọc lại đoạn văn trong Quo Vadis diễn tả sự tha thứ của Glaukox đối với Khilon, và sự trở lại của Khilon.
Nhìn thấy người ấy, đột nhiên lão Khilon gập người lại như một con bò sát bị trúng thương, miệng lão bật ra một tiếng kêu giống tiếng quạ quàng quạc hơn là giống tiếng người:
– Glaukox! Glaukox!…
Quả thực, thầy thuốc Glaukox đang nhìn lão từ trên chiếc cột rừng rực cháy.
Ông cụ hãy còn sống. Mặt cụ đau đớn nghiêng xuống đường như muốn nhìn một lần cuối cùng cái tên đao phủ đã từng phản bội, đã từng khiến cụ mất vợ mất con, đã từng thuê người giết cụ, rồi khi nhờ danh Chúa Crixtux (Chúa Ki-tô) tất cả những điều đó đã được bỏ qua, hắn lại một lần nữa giao nộp cụ vào tay bọn cầm quyền. Chưa bao giờ một con người lại gây cho con người khác những điều xúc phạm kinh khủng và đẫm máu hơn thế. Thế mà giờ đây, nạn nhân đang bị thiêu sống trên một chiếc cột tẩm dầu, còn tên đao phủ thì lại đứng ngay dưới cột. Đôi mắt cụ Glaukox không rời khỏi lão già Hy Lạp. Chốc chốc khói lại che mờ đôi mắt ấy, nhưng khi hơi gió xua khói đi, Lão Khilon lại nhìn rõ đôi đồng tử đang dán chặt vào lão. Lão nhổm bật dậy định chạy trốn, nhưng không thể. Đột nhiên lão cảm thấy như hai chân lão bằng chì và có một bàn tay vô hình nào đó giữ lão lại trước chiếc cột này bằng một sức mạnh siêu nhiên. Lão như hóa đá. Lão chỉ còn cảm thấy rằng trong người lão có gì đó đầy tràn, có gì đó gãy vỡ, lão cảm thấy đã quá đủ cực hình và máu, cảm thấy cái kết cục của cuộc đời đã đến và tất cả chung quanh đều biến mất, vây bọc chỉ còn là một khoảng trống vô đáy, kinh khủng, đen ngòm, trong đó trông rõ đôi mắt kia của con người tử vì đạo, đôi mắt đòi lão ra trước tòa án. Còn ông cụ mỗi lúc cúi thêm thấp đầu xuống và vẫn nhìn hoài nhìn mãi. Những người có mặt đoán ra rằng giữa hai con người này đang diễn ra một cái gì đó, song nụ cười chết lặng trên đôi môi họ, bởi nét mặt lão Khilon có gì đó thật khủng khiếp: một nỗi hãi hùng cùng một nỗi đau đớn vô chừng khiến cho nó nhăn nhúm lại, dường như những lưỡi lữa kia đang thiêu đốt chính thân xác lão. Đột nhiên lão loạng choạng vươn tay lên trời và kêu bằng một giọng kinh khủng xé lòng người:
– Ông Glaukox! Nhân danh Chúa Crixtux! Hãy tha thứ!
Chung quanh ắng lặng: cơn rùng mình chạy suốt thân những người có mặt và tất thảy các đôi mắt bất giác đều ngửng lên.
Mái đầu của con người tử vì đạo khẽ động đậy, rồi người ta nghe từ trên đỉnh cột một giọng nói như một tiếng rên:
– Ta tha thứ!…
Lão Khilon gục mặt xuống rú lên như một con thú, hai tay bốc đầy đất rắc lên đầu. Trong lúc ấy, những ngọn lửa đã vọt lên cao ôm lấy lồng ngực và khuôn mặt cụ Glaukox, làm xổ tung vòng lá sim thơm đội trên đầu cụ, và leo lên tận đỉnh cột, cây cột đang bừng bừng tỏa ra cả một vừng ánh sáng khổng lồ và rạng rỡ.
Lát sau lão Khilon nhổm dậy với nét mặt biến đổi đến nỗi đám cận thần tưởng như đang nhìn một con người khác. Mắt lão sáng lên những hình ảnh không bình thường, từ vầng trán nhăn nheo tỏa ra nỗi say mê: lão già Hi Lạp vô năng vừa nãy, giờ trông như một vị tăng lữ vừa được trông thấy thần linh, đang muốn phát hiện ra những chân lý chưa từng biết.
Hắn ta làm sao thế? Điên à! – vài giọng nói cất lên.
Còn lão quay lại phía đám đông, giơ tay phải lên, bắt đầu kêu to, hay nói đúng hơn là thét lên vang động, để cho không chỉ đám cận thần mà cả những kẻ tiện dân cũng nghe thấy:
Hỡi dân chúng Roma! Tôi xin lấy cái chết ra thề rằng những người vô tội đang phải chết, còn kẻ đốt nhà chính là – tên kia!
Và lão chỉ thẳng ngón tay vào Nero.
Xin Cha tha cho chúng
Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm (Lc 23,34)
Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, Ngài không làm một điều gì ngoài ý Chúa Cha. “Nhân danh Cha của Ngài”, Chúa Giê-su tha cho nhân loại lỗi lầm.
Khác với trần thế, nhiều khi người ta nhân danh những điều thiêng liêng để đạt được mục đích trần tục, nhân danh từ bi để đạt được những điều ích kỷ, nhân danh công bằng để thực hiện chiến tranh, nhân danh cộng đoàn để khử trừ đồng loại và đưa họ vào cuộc sống bơ vơ cô độc… Ngoài mặt vô cùng sáng láng nhưng cái tâm cực kỳ đen tối!
Chúa Giê-su muốn quy tụ tất cả về một mối, đó là Tình Yêu – nhân loại sống trong Tình Yêu Thiên Chúa. Ngài khát khao mọi người nên một như Chúa Cha và Ngài là một. Con người không thể nên một được nếu không hiệp thông với Tình Yêu Thiên Chúa.
“Để họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11b-19)
Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người bao la và mãnh liệt, không có một ngôn ngữ và hình tượng nào ở trần gian nào có thể sánh ví. Tất cả đòi hỏi con người không ngừng suy ngẫm chiêm nghiệm để lòng trí có thể ngộ ra đến mức cao nhất như thể, nhờ đó đáp lại tình yêu của Ngài như một khát vọng cháy bỏng triền miên không bao gì dập tắt.
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.(Ga 3,16)
“Thiên Chúa đã không tha cho chính Con của Người, nhưng phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy.” (Rm 8,32).
Cơn khát của Chúa còn đó
Sai lầm là thường tình của con người. Nên, để yêu thương, con người phải biết tha thứ. Tha thứ như Thiên Chúa tha thứ con người.
Yêu thương là mạch sống của con người. Thiên Chúa là tình yêu, nên con người phải yêu thương nhau với Tình Yêu Thiên Chúa. “Yêu thương như Thầy yêu thương”. (Ga 15, 12-17).
Khoa học tiến bộ rất xa. Thù hận vây bọc rất gần. Tiện nghi hưởng thụ thật nhiều. Tình thương chia sẻ rất thiếu. Con người rất khó tha thứ cho nhau, vì lòng không mở rộng được.
Ta khát (Ga 19,28).
Hận thù đã giết chết Thiên Chúa.
Ông [Phi-la-tô] thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người (Mt 27:18, Mc 15:10).
Nhân loại khát khao hòa bình. Hòa bình chỉ đếnt ừ một thế giới huynh đệ, yêu thương. Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh một mái ấm đại gia đình nhân loại có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em.
Thiên Chúa muốn thế và Ngài yêu thương nhân loại đến thế. Nhưng, thế giới vẫn không ngừng chinh chiến. Quay cuồng trong tranh giành hưởng thụ, con người đối xử lạnh lùng với nhau. Hòa bình và tình yêu mỏng manh như ngọn đèn trước gió.
Ta khát (Ga 19,28). Cơn khát của Chúa còn đó! Giấm chua mật đắng còn đây! (Mt 27,34). “Một trái đất yêu thương huynh đệ trong tình yêu Thiên Chúa” – Bao giờ… cho đến bao giờ…
Lạy Chúa,
Đời con khát khao yêu và được yêu,
Nhưng trái tim con là gỗ đá.
Thứ tình yêu ích kỷ, cô liêu,
Xa tình Chúa làm sao đầy ơn phúc.
Nên tình yêu của con gợn đục
Ích kỷ mọn hèn như cơn bệnh xanh xao…
Con khao khát một Tình Yêu Bát Phúc
Như nai về dòng suối mát dạt dào. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG