Nhiều tác giảSuy niệm

Tha Thứ | Thứ Năm 16.06.2022 | Damiano ofm

THA THỨ
Thứ năm sau CN.XI TN.C
 Mt.6, 7-15

Khi dạy các môn đệ mình Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến một điểm trong Kinh ấy, đó là tha thứ.

Sau khi đọc xong bài Tin Mừng nầy, một câu hỏi liền đặt ra trong đầu óc tôi: Tại sao Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến sự tha thứ nhỉ ? Những vấn đề khác trong kinh nầy, như “cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…” không quan trọng hơn sao? Phải chăng, lúc bấy giờ, vấn đề tha thứ là một vấn đề rất thời sự.

Thật vậy, xã hội Do Thái lúc bấy giờ là một xã hội vị luật. Người Do Thái thường đánh giá đời sống đạo trên vấn đề có giữ luật hay không, nhiều hay ít. Ngoài luật Mô sê ra, các Rabbi còn thêm 275 khoản luật và 635 điều cấm kỵ hay bắt buộc khác, chi phối cuộc sống đến từng chi tiết nhỏ. Chúng ta có rất nhiều ví dụ trong Phúc Âm như ngắt bông lúa ngày Sabát, không rửa tay trước khi ăn…đó là những việc thiếu đạo đức.

Sống tinh thần vị luật như thế Biệt Phái và Pharisiêu luôn sẵn sàng lên án kẻ khác. Con người thời bấy giờ như bị trói chặt bởi những luật lệ rườm rà. Với lối sống mới mà Chúa Giêsu đem đến, người muốn giải thoát dân Người, bằng cách dạy cho mọi người Giới Luật Tình Thương đứng trên mọi luật khác. “Ta đến không phải để lên án nhưng để cứu thế gian”. Người Do thái lôi người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Chúa để chờ Chúa lên án chị ta, nhưng Chúa Giêsu không lên án mà lại nói lời tha thứ: “Tôi không lên án chị, chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.

Như chúng ta biết, tha thứ là một vấn đề xưa như trái đất vậy; Cựu Ước là một bi kịch giữa sự phản bội của dân và sự tha thứ của Thiên Chúa. Những con-người đầu tiên đã không biết tha thứ cho nhau: Con Adong và Evà là Cain và Abel đã giết nhau. Ngày nay, con người cũng đang lặp lại bi kịch đó.

Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi về những thiếu sót lỗi lầm của Giáo Hội và con cái Giáo Hội trong qúa khứ, và ngài được mọi người đánh giá cao.

Sự tha thứ hôm nay vẫn là một thời sự nóng bỏng. Chúng ta đang chứng kiến hằng ngày những cuộc chiến sắc tộc, tôn giáo đẫm máu nhiều nơi trên thế giới, cũng vì con người không biết tha thứ cho nhau. Chúng ta đang chứng kiến nhiều gia đình đổ vỡ, cũng vì vợ chồng không tha thứ cho nhau. Những lủng củng trong cuộc sống giữa người với người chứng tỏ sự tha thứ rất cần thiết để con người sống hạnh phúc.

Hai chữ tha thứ thật ngắn, nhưng đường đi của nó thật dài, ý nghĩa của nó thật quan trọng. Hai chữ ấy coi ra rất dễ nói, nhưng rất khó thực hành. Khó nhưng tôi phải thực hành vì không thì tôi không thể gọi Chúa là Cha của tôi được.

Nhà tu đức học nổi tiếng người Anh là cha Antoni de Melo kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Chúa không công bằng!

Một hôm Thiên Chúa nhìn xuống hỏa ngục, Ngài ngạc nhiên chẳng thấy ai trong đó cả; quay nhìn vào Thiên ‘Đàng thì lại thấy mọi người đều ở trong đó. Rồi Ngài tự nghĩ “Phải chăng Ta không phải là Đấng công bằng vô cùng? Thế rồi Ngài ra lệnh cho thiên thần Gabriel tập trung tất cả mọi người và đọc từng điều răn một để Ngài phán xét lại.

Sau khi thiên thẩn đọc xong điều răn thứ nhất, Thiên Chúa phán: “Kẻ nào dám lỗi phạm điều răn thứ nhất này, hãy xuống hỏa ngục ngay”. Một ít người tách ra khỏi hảng và buồn bã đi xuống hỏa ngục. Rồi sau khi nghe đọc mỗi điều răn, đều có một số người xuống hỏa ngục. Khi nghe đọc xong điều răn thứ sáu, thì tất cả mọi người đều nối đuôi nhau đi xuống hỏa ngục, trừ một nhà ẩn sĩ già, đầu trọc bụng phệ.

Thấy vậy, Thiên Chúa tự nhù: nhà ẩn sĩ nầy sẽ cô đơn và chết buồn mất! Thế thì Ta lại không công bằng đối với nhà ẩn sĩ nầy! Thế là Ngài lên tiếng kêu mọi người và cho họ lên thiên đàng hết. Nhà ẩn sĩ tức giận cằn nhằn : “Ăn chơi cho đã rồi cũng được lên Thiên Đàng.” Rồi ông lớn tiếng thưa với Chúa: “Chúa không công bằng! Tại sao Chúa không bảo trước với con điều nầy! “. Thiên Chúa mỉm cười đáp: “Tòa án loài người còn cho người ta cơ hội được ân xá, huống gì Ta!”

Damiano ofm.

Bài liên quan

Back to top button