Lễ Hiển Linh | Cuộc Hành Trình Đức Tin | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
LỄ HIỂN LINH
(Mt.2,1-12)
****
CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. (Mt.2,1-12).
______________
SUY NIỆM
CUỘC HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
- TỪ MỘT VÌ SAO LẠ…
Có ba thái độ khác nhau khi con người phát hiện ra một vì sao lạ:
- Thái độ Thành Tâm Thiện Chí của Các nhà chiêm tinh. (Thường gọi Ba Vua)
Khi phát hiện ra một vì sao lạ, các nhà chiêm tinh từ phương Đông đã đến Giêrusalem để tìm “Đức Vua dân Do Thái”.
“Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh. Họ tin rằng, dựa vào vì sao họ có thể tiên đoán tương lai. Họ cũng tin rằng số mệnh một người được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu, vì các ngôi sao đi theo một đường cố định, chúng tượng trưng cho trật tự vũ trụ. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, nếu trật tự của từng trời bị dao động bởi một hiện tượng đặc biệt, thì dường như Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự việc nào đó.” (William Barclay).
Lịch sử cho thấy, vào thời điểm Chúa Giêsu giáng sinh, trong thế giới lúc ấy cũng có sự chờ mong một vị vua sẽ đến. Như ở Roma, sử gia Suetonius đã viết: “Khắp phương Đông có một niềm tin là vào thời đó, nhất định có người từ Giuđa đến cai trị thế giới”, (Suetonius, Đời sống Vespasian 4,5). Sử gia Tacitus cũng đã viết: “Có một xác tín rằng trong chính thời gian này, phương Đông trở nên hùng mạnh và những người cai trị đến từ Giuđê sẽ chiếm được đế quốc toàn cầu” (Tacitus, Biên niên sử 5,13). Người Do Thái cũng tin : “Vào khoảng thời gian đó, một người trong xứ họ sẽ trở thành vua của mọi dân trên mặt đất” (Josephus, Những cuộc chiến tranh của người Do Thái 6,5)…
“Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang thiết tha trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa. Sự khao khát nung nấu lòng người. Họ đã nhận biết mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến với một thế gian đang khắc khoải đợi mong và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên Chúa Giêsu chinh phục thế giới.” (William Barclay).
“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạyNgười.” (Mt.2,2).
Họ bái lạy với trọn vẹn lòng thành sau cuộc hành trình xa xôi vất vả. Niềm tin vào “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra” là hoàn toàn chân thật và họ đã dâng lên Hài Đồng Giêsu những lễ vật tượng trưng sự cao trọng và ý nghĩa nhất dành cho Đấng Cứu Thế.
“Vàng là để tặng vua, nhũ hương tặng thầy tế lễ, mộc dược dành cho Đấng phải chịu chết. Đấy là những lễ vật của các nhà chiêm tinh dâng ngay trước nôi của Chúa Giêsu. Những lễ vật đó có ý nghĩa Ngài là vua chân thật, thầy tế lễ trọn vẹn và sau hết, Ngài là Đấng Cứu Thế cao cả của loài người” (William Barclay).
- Thái độ Ganh Ghét và Thù Địchcủa vua Hêrôđê.
“Con vua thì được làm vua. Con sãi ở Chùa thì quét lá đa”.
Vua nào cũng muốn bảo vệ ngai vàng của mình, và cho con cháu sau này. Nên khi nghe nói có một hài nhi sinh ra sẽ là vua thì tất nhiên vua nào cũng lo lắng. Nhưng, đối với con người của Hêrôdê, thì sự lo lắng càng dữ dội hơn nữa, vì cá tính đầy tham vọng của ông.
Lịch sử cho biết ông là một người đa nghi. Về điểm này, ông rất giống Tào Tháo. Sẵn sàng giết chết bất cứ ai mà ông nghi làm tổn hại đến quyền hành của ông. Ông đã giết vợ là Mariamne cùng mẹ nàng là Alexandra. Con cả là Antipater và hai con trai khác là Alexander, Aristobulus cũng bị ông sát hại. Hoàng đế Rôma là Augustus cay đắng nói rằng: “Làm con heo của Hêrôdê còn an toàn hơn làm con trai ông ta”.
Một con người đầy tham vọng như vậy làm sao có thể đón nhận được Thiên Chúa, Vua Tình Thương.
Vì thế, ông tìm cách loại trừ Hài Nhi Giêsu.
- Thái độ Dửng Dưng như không hay biết gì của các thượng tế và kinh sư.
“Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: ‘Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.’” (Mt.2,4-6).
Các thượng tế và kinh sư quả thấm nhuần Kinh Thánh, nhưng rõ ràng thái độ của họ xem những gì nói đến trong Kinh Thánh như những chuyện huyền thoại xa xưa không dính líu gì với cuộc đời họ. Và rồi, có hay không có Giêsu cũng không thành vấn đề gì đối với họ.
Họ đang no đầy những lợi lộc và cả quyền lực. Họ không thể thay đổi con đường của họ đang đi. Họ bằng lòng với những gì đang có, cuộc sống của người khác mặc họ. Một Đấng Cứu Tinh không như ý họ thì cần gì phải quan tâm đến.
- … ĐẾN VÌ SAO THÁNH GIÁ
Vài câu chuyện đời thường
Ở quê tôi, tôi quen biết một anh công giáo rất tốt. Anh thường xuyên đi lễ ngày thường, và giúp nhiều việc nhà thờ. Nhưng sau 1975, anh không đến nhà thờ nữa. Một ngày kia, sau khi nhận một chức vụ lớn ở xã, anh dẹp bàn thờ Chúa và Đức Mẹ mà anh đang để nơi trang trọng nhất giữa nhà. Bước vào nhà anh, không còn dấu vết gì là người Công Giáo. Sau ba bốn năm làm việc, rồi anh cũng đã quay về, dựng lại bàn thờ xưa. Đường công danh thấy cũng không đến đâu.
Ở quê tôi, có một anh cũng có một chức vụ quan trọng. Anh này không chỉ xoá dấu vết Công Giáo ở nhà, mà muốn khẳng định mình đã đoạn tuyệt với Đạo. Lúc ấy, tôi chưa biết anh, tôi nghe đồn là anh ta đã kích Đạo dữ lắm. Một hôm, tình cờ tôi đi dự tiệc giỗ cùng với một Cha và ngồi cùng bàn với anh ta, và được một người giới thiệu danh tánh và chức vụ của anh. Đang giữa tiệc, anh xé một miếng bánh mì và nói: “Này là mình ta…”, rồi anh cầm lấy ly rượu, nói tiếp: “Này là máu ta…”. Vị linh mục và tôi bước ra khỏi bàn …Sau này, anh mất chức. Nghe nói có một người có chức vụ lớn đã nói về anh ta: “Là một người Công Giáo được dạy dỗ từ nhỏ mà anh ta còn quay lại xúc phạm đến thế, thì có thể tin anh sẽ là người trung thành khi anh là một người mới gia nhập vào một tổ chức nào đó không ?”.
Đã hơn hai ngàn năm qua, Thiên-Chúa-làm-người-và-ở-cùng-chúng-ta vẫn mời gọi con người đến với Ngài sau khi Ngài đi bước trước là “đã đến với nhân loại”. Tình yêu không thể đơn phương, tình yêu cần có sự đáp trả. Con người cần có thành tâm thiện chí để đến với Ngài.
Thành tâm thiện chí như các đạo sĩ phương đông.
+ Không ngừng tìm hiểu dấu chỉ của Thiên Chúa (khám phá ra vì sao lạ).
+ Hành trình Đức Tin (tìm đến với Thiên Chúa).
+ Vượt qua mọi thử thách (khi vì sao lạ khuất bóng).
+ Thờ lạy Chúa hết lòng (dâng lễ vật), và :
+ luôn biết khôn ngoan để bảo vệ niềm tin (đi con đường khác trở vể quê hương).
Xem đó, chúng ta thấy cần có một con tim yêu thương mãnh liệt để đáp lại tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành cho con người.
Nếu không, tiền, tình, danh vọng; tham, sân, si, sẽ là những chướng ngại vật, những rào cản tách con người xa lìa Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, hờ hững với Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới hôm nay hình ảnh những Hê-rô-đê, những thượng tế và biệt phái thời đại, và có khi, chúng ta cũng tìm thấy những hình ảnh ấy ở trong chính ta.
Tôi nhớ ngày xưa có lần tôi xem một câu truyện cổ tích.
Câu chuyện kể về một mối tình thật đẹp của một đôi nam nữ. Nhưng một bà phù thủy độc ác đã ganh tỵ muốn xé lẻ đôi uyên ương ấy, bà hô lên lời nguyền biến chàng trai thành một con dã nhân trông ghê rợn và chỉ trở lại kiếp người như xưa nếu có một ngày nào đó cô gái ấy dám nhìn thẳng vào đôi mắt của anh. Chính anh cũng không biết được chiếc chìa khóa ấy để giải lời nguyền của bà phú thủy độc ác. Nhận ra mình mang lốt loài thú hoang dã, không còn nói được tiếng người, anh đau buồn và âm thầm lánh xa cô gái. Cô gái không hay biết điều gì. Cô vô cùng đau khổ vì người yêu bổng dưng bỏ cô đi đâu biền biệt.
Một bà tiên hiền lành đã thương tình muốn cứu chàng trai và trả lại tình yêu trong sáng cho họ. Bà gặp cô gái và trao cho cô một “viên ngọc dẫn đường” để cô đi tìm người yêu. Cô đặt viên ngọc trước mặt, nó lăn đi qua muôn nẻo đường băng sông vượt núi. Cô gái đáng thương cứ bám theo viên ngọc. Có lúc cô gục ngã và đứng lên tiếp tục cuộc hành trình không có điểm hẹn, không có giới hạn thời gian. Có lúc tưởng như cô bỏ cuộc. Có lúc tưởng như cô không còn đủ sức đứng lên.
Cuối cùng, cô đến một bờ rừng. Cô gặp một dòng suối, cô cố gắng cúi xuống uống vài ngụm nước và mệt mỏi nằm bất động bên bờ suối. Tiếng muôn thú trong rừng về đêm nghe ghê rợn, nhưng cô gái tội nghiệp không hay biết gì. Cô đã chìm sâu trong giấc ngủ.
Cô tỉnh dậy, muôn tiếng chim đua hót líu lo hòa vang khúc nhạc ngày mới. Nắng ban mai xuyên qua cành lá như những sợi tơ vàng óng ánh quanh cô. Cô gái đẹp như tiên nữ dạo chơi trần thế, nhưng nỗi sầu trong lòng cô vẫn đang trĩu nặng. Viên ngọc dẫn đường nằm im lìm và cô không biết phải đi đâu nữa.
Chợt cô nghe tiếng vỡ gẫy của những nhành cây cỏ dại. Cô quay nhìn lại, phía sau cô, nép mình sau gốc cổ thụ, một bóng hình đen đúa như ma quái. Một con quái vật ! Cô gái thét lên và bỏ chạy. Cô không còn sức nữa, cô ngã xuống và nằm im một lúc. Cô ngồi dậy, đứng lên định chạy nữa, rồi lại té xuống, cứ thế, đôi ba lần. Cô liết nhìn con quái vật, đầy sợ hãi. Con vật vẫn còn đó. Nó đứng im.
Cuối cùng, cô đứng dậy. Can đảm nhìn về con quái vật. Lúc này, cô thấy rõ đó là con dã nhân. Cô nhìn nó. Nó không có vẻ gì hung dữ. Nó không có vẻ gì đang muốn hãm hại cô.
Con dã nhân tiến lại gần cô. Những ngày tháng đi theo “viên ngọc dẫn đường”, cùng với những giây phút sự sợ hãi hôm nay đã làm cô kiệt sức. Cô đứng im lặng, thu hết can đảm để nhìn con dã nhân đang tiến lại mỗi lúc một gần cô hơn. Gần hơn… rất gần. Mắt cô nhìn thẳng và đôi mắt nó.
Trong khoảnh khắc tột cùng sợ hãi, cô ngỡ ngàng nhận ra một ánh mắt thật quen không thể nào hòa lẫn với ánh mắt nào khác. Cũng trong khoảnh khắc huyền diệu ấy, cô gái nhận ra người yêu cô đang đứng trước mặt.
Viên ngọc dẫn dường nằm ở đâu đó lóe sáng lên và biến mất.
Nếu Giáng Sinh đầu tiên có một vì sao lạ đã dẫn đưa ba nhà đạo sĩ tìm đến Hang Đá thờ lạy Đấng Cứu Thế, thì ngày nay, vì sao Thánh Giá dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa để cùng chung tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ.
Cuộc hành trình này còn đầy gian nan thử thách. Còn đòi hỏi nhiều hy sinh. Không có tình yêu thánh giá, con người không thể nào đi đến bến bờ đoàn tụ yêu thương.
Lạy Chúa,
Xin cho mọi người nhận ra
một vì sao lạ:
-“Vì sao Thánh Giá”
tỏa sáng muôn nơi,
khắp mọi phương trời,
dẫn đưa con người,
về miền đất hứa:
-“Thế giới đệ huynh
anh em một nhà,
Thiên Chúa là Cha.” Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG