Tiến bước theo Thầy | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.9,51-62)
***
TIẾN BƯỚC THEO THẦY
51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? ” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”
61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”
_______________
SUY NIỆM
TIẾN BƯỚC THEO THẦY
- Luôn nhìn về phía trước
Muốn tiến bước, phải luôn nhìn về phía trước. Tiến bước trên đường đi vật chất, ta nhìn bằng mắt, còn tiến bước trên đường đi tinh thần, ta phải nhìn bằng tâm trí. Những con đường vật chất, dù có khó đi, người ta vẫn có thể vượt qua, nhưng con đường tinh thần, con đường tâm linh, những khó khăn của nó thật sự là những thử thách cam go đã làm cho không ít người phải chùn bước. Ta đã từng nghe người xưa nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Cái gọi là “ngại núi e sông” ấy, chính là thứ bản năng cầu an, tìm sự dễ dãi, thích con đường rộng thênh thang…
Và, trong phút giây thiếu suy xét nào đó, trong sự vùng dậy của bản năng, sự nổi loạn của thân xác, con người đánh mất hướng đi, từ bỏ con đường mình đã chọn, “ngoảnh mặt lại đàng sau”, và từ đó, bến bờ thay đổi !
- Phía trước như lòng mong ước
Nhìn về phía trước là nhìn về tương lai. Tất nhiên ta quý hiện tại. Hiện tại là một món quà ta nâng niu trân trọng. Nhưng “hiện tại” không phải là thứ “hiện sinh” hưởng thụ rồi hết. Hiện tại chỉ có ý nghĩa khi nó là hơi thở của tương lai. Nếu hiện tại chỉ là một xác chết, thì làm sao có một “hiện tại của ngày mai” ? Và như thế, hiện tại sống động cũng chính là hoa trái cho “hiện tại của ngày mai”.
Nhiều cách hưởng thụ, lối sống thác loạn mà người ta tự cho là hạnh phúc thực tế, nó đã đưa con người đến ngỏ cụt của hy vọng và mau chóng rên siết trong cơn hấp hối của cuộc vui.
Ta thử ngẫm nghĩ câu chuyện “Đôi đũa của Trụ Vương” sau đây:
Nghe nói nguồn gốc xa xỉ của hôn quân Trụ Vương là một đôi đũa.
Một hôm, Trụ Vương cảm thấy đôi đũa gỗ quá xấu xí, không thể xứng với thân phận đứng trên vạn người như mình, nên không dùng đôi đũa đó nữa, mà sai người dùng ngà voi quý giá làm một đôi đũa.
Sau này, Kỳ Tử biết được, lo lắng nói:
“Trụ Vương đã có đũa ngà, thì sẽ không dùng chén, bát gốm sứ đựng thức ăn nữa, phải có chén bằng sừng tê giác hoặc đá quí mới tương xứng; đã có chén ngọc, cái đó nhất định không thể dùng đựng thức ăn bình thường, phải chứa thức ăn quí giá như đuôi voi, thai báo mới được; đã ăn thức ăn cao quí thì quần áo vải thô, nhà cửa thô sơ chắc chắn sẽ đổi thành quần áo lụa là và cung điện nguy nga. Dục vọng hưởng thụ không dừng lại ở đó, cứ thế, mất nước là lẽ tất nhiên”.
Lời của Kỳ Tử quả nhiên không sai. Mấy năm sau, Trụ Vương không màng chính sự, ông ta treo đầy thịt trong vườn hoa, lại dùng đá Đại Lý xây một cái hồ lớn, đổ đầy rượu vào hồ, suốt ngày cùng bọn cung nữ, quan lại mua vui trong trời hoa đất rượu. Ông ta thậm chí còn nghe theo bọn gian thần, bày ra đủ mọi hình phạt tàn khốc với tội nhân, giết người làm vui.
Cuộc sống như thế đương nhiên không thể kéo dài. Không lâu sau, quốc gia bị diệt vong, Trụ Vương cũng mất mạng.
Là vua, sao Trụ Vương không nhắm tới phía trước đúng với lòng mong ước của bạc “phụ mẫu chi dân” là niềm vui thấy “Giang sơn hùng mạnh, quốc thái dân an”, lại buông mình vào thế giới dục vọng thấp hèn của riêng mình, cùng với sự độc ác biến mình thành một bạo chúa để rồi mất tất cả.
Lòng mong ước như vậy là sự “ngoảnh lại phía sau”. Là sự lùi bước, là sự tuột dốc.
Phía trước như lòng mong ước phải là sự chọn lựa thích hợp với lý tưởng cuộc sống, ý nghĩa đời người.
Với Ki-tô hữu, sự chọn lựa ấy phải “thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc.9,62).
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.(Lc.16.13).
- Lòng mong ước Nước Trời
“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc.9,62).
Cầm cày thì phải nhìn về phía trước và tiến bước. Phía trước là tương lai và tiến bước là để đến bờ bến như lòng mong ước.
Tiến bước không chỉ đối nghịch với lùi bước, mà tiến bước cũng ngược nghĩa với dừng bước. Dừng bước có thể là đứng lại, là trụ lại, là định cư, là không đi tiếp nữa. Điều ấy, được hiểu như đã tìm thấy một mái ấm, một địa đàng mà lòng âm thầm mong đợi.
Chúa Giê-su đã dạy: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Và “tiến bước theo Thầy”, không phải là thu mình trong “tổ ấm” trần gian, cùng với sự thụ hưởng những thú vui của nó, mà luôn là cuộc hành trình về Nhà Cha, về Nước Thiên Chúa.
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc.9,58).
Có thể suy ngẫm về điều này trong câu chuyện sau đây:
Ngày xưa có ba chàng chán đời quyết tâm tìm về miền Đất Phật. Ba anh chuẩn bị hàng trang và thề sống chết bên nhau chỉ một con đường. Các anh hướng về miền Đất Phật tiến bước.
Sau một thời gian, trong một lần dừng chân ở một quán trọ, đêm ấy, các anh có dịp trò chuyện với một nhóm người đi buôn vàng bạc châu báu. Sau khi cho các anh chàng này xem những chiếc hộp đựng đầy châu ngọc quý giá, một người trong nhóm họ nói: “Chúng tôi đang cần những người phụ giúp chúng tôi trong những chuyến đi xa, chúng tôi sẽ chia phần hậu hĩnh, không bao lâu sau các anh cũng sẽ giàu có như chúng tôi, các anh sẽ cảm nhận được thế nào là sung sướng tuyệt vời khi nằm trên châu ngọc”. Một trong nhóm ba người đang hành trình về miền Đất Phật đã tự hỏi: “Có thật có một miền Đất Phật trên cuộc đời này chứ ? Đất Phật có đúng là hạnh phúc như ta mơ ước ? Hạnh phúc ở tại lòng ta mơ ước, lòng ta chẳng cảm thấy đang nôn nao đó sao ? Ta còn tìm đâu thứ mộng tưởng xa vời khi hạnh phúc đang ở ngay bên ta ? Và anh chàng thứ nhất đã ở lại.
Một thời gian sau, hai anh còn lại tạm nghỉ ở một nơi phong cảnh thật hữu tình, có cây cối xinh tươi và những dòng suối trong veo chảy róc rách hòa cùng gió thoảng vi vu dệt nên những điệu nhạc thiên nhiên khiến lòng du khách nhẹ nhàng thanh thản.
Hai chàng bách bộ dọc theo con suối, bất ngờ hai anh gặp một đoàn thiếu nữ đang tắm bên bờ suối, những tấm thân trắng như ngà lồ lộ trong làn nước trong veo. Hương thơm quyến rũ tỏa quanh đây là hương hoa rừng hay là hương tiên nữ ?! – “Là đây! Tìm đâu nữa ! Cõi tiên bồng là đây, Đất Phật là đây !”. Một trong hai chàng nghĩ thế, và thêm một người ở lại !
“Sao họ lại yếu mềm thế nhỉ ? Có nghĩa gì đâu, tiền tài mỹ nữ ? Còn có một thứ gì bền vững hơn các thứ phù phiếm đó chứ ! Ta sẽ không bỏ cuộc dễ dàng như họ đâu ?” Anh chàng duy nhất còn lại tiếp tục con đường đã chọn.
Trước mắt anh xa xa là một hòn đảo. Đại dương mênh mông đang cản bước cuộc hành trình. Không, anh tìm một con thuyền và quyết tâm vượt đại dương.
Không có lời nào để diễn tả cân xứng được sự giàu có và vẻ đẹp ở hòn đảo này ! Ở đây, người ta đi trên trân châu ngọc bích như đi trên sỏi đá. Phụ nữ xinh đẹp tràn ngập như hoa rừng. Anh kể lại cuộc hành trình tìm về Đất Phật của anh, mọi người ở đây sững sốt và hoan hỉ. Họ reo hò: “Thiên Tử ! Thiên Tử ! Trời đã gởi anh đến làm vua chúng tôi ! Hãy ở lại đây, anh sẽ là Chúa Đảo ! Tất cả trong tay anh. Tất cả là của anh !
Châu ngọc, gái đẹp, quyền lực tột đỉnh…Mọi thứ trước mặt anh cô đọng lại và biến hóa thành hai chữ Đất Phật bịt kín vào tâm trí anh. Anh là người cuối cùng “ở lại” chứ không phải là người cuối cùng “đến bờ bến”!
Chúng ta đã chọn “con đường Giê-su”, lòng luôn nhủ lòng “phải tiến bước”. Nhưng rõ ràng, không dễ dàng chút nào, rất nhiều lần ta “ngoái lại”.
“Ngoái lại” nhiều khi chỉ vì yếu đuối, là lúc ta trượt té, là lúc ta gục ngã, ta cố gắng vùng dậy và tiếp tục tiến bước. Nhưng, “ngoái lại” nhiều khi là sự từ bỏ, là ngả rẻ, là sự đổi hướng, là sự lầm đường, là tìm về một bến bờ khác. Mức độ nguy hiểm có khác nhau, nhưng luôn là sóng gió cho Đức Tin của chúng ta.
Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (1 Cr 10,12)
Vì thế, điều quan trọng mang tính quyết định, chính là ta phải luôn tự hỏi, những gì ta làm có “phù hợp với Nước Thiên Chúa” không, để ta luôn nhìn về phía trước và “Tiến Bước Theo Thầy”.
Lạy Chúa,
Tiếng gà gáy canh khuya con thức giấc…
Chợt hồi tâm nghe nước mắt tuôn dòng…
Như Phê-rô nghe gà gáy đau lòng…
Ánh mắt Chúa một đời không quên được…
Con theo Chúa – ngày ngày con tiến bước.
Vui bình minh lại nuối tiếc đêm về !
Con theo Chúa ! – lời mạnh mẽ hẹn thề…
Sao lòng còn muốn lùi chân quay lại ?!
Bước lững thững và hồn con chới với…
Đến đâu rồi…chân trời tím xa xa…
Đường Thập Giá xin Ơn Chúa vượt qua…
Khi gục ngã đỡ nâng con tiến bước. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG