Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Nếu Không Có Thầy | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B
(Ga. 15,1-8)
****
NẾU KHÔNG CÓ THẦY

(1) “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

___________

SUY NIỆM

NẾU KHÔNG CÓ THẦY

Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga.15,5).

+ 1. Cây có cội, nước có nguồn…

Là người, ai cũng nhớ về cội nguồn của mình. Cội nguồn gần nhất là Ông Bà Cha Mẹ. Thế nên, trong “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời”, sau 3 điều răn đầu dành cho Thiên Chúa, điều răn thứ 4 là “Thảo Kính Cha Mẹ”.

Với niềm tin Kitô hữu, cội nguồn nguyên thủy của con người là Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng vạn vật và con người.

Thế nên, con người là thụ tạo cao quý nhất, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu, con người được tạo nên giống hình ảnh Chúa, nên con người là thụ tạo duy biết yêu thương nhau bằng Tình Yêu Thiên Chúa.  

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa (Stk.1,27).

Chính vì thế, Chúa Giê su đã dạy con người gọi Thiên Chúa là Cha, vì Thiên Chúa là nguồn sống, là cội nguồn đích thực của con người.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” (Mt.6,7-15).

Nhưng, con người đã muốn tách rời khỏi Thiên Chúa, con người không còn muốn vâng phục Thiên Chúa. “Trái cấm”, biểu tượng cho những thứ thụ hưởng hấp dẫn của trần gian, và lời hứa hẹn của Satan rằng con người sẽ được khôn ngoan như những thần linh, cho con người mường tượng viễn ảnh một cuộc sống “độc lập” bất cần Thiên Chúa.

Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. (Stk.3,4-6).

Nhưng, “trái cấm” và lời hứa hẹn của Satan chỉ là giả tạo. con người mất trắng, chẳng còn lại gì.

Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.
Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (Stk.3,17-19).

Như cây mất cội, như nước mất nguồn. con người mất sự sống và hạnh phúc đích thực.

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (Ga.15,1-20)

“Bất cần” Thiên Chúa – không có Thiên Chúa – con người làm được gì không?

+ 2. Nguồn sống mới

Tưởng mãi mãi con người đã mất “Địa Đường Hạnh Phúc”, nhưng Tình Chúa Bao La đã tái tạo lại một Trời Mới Đất Mới khi ban cho con người chính con một của Ngài lả Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, để đưa con người về miền Đất Hứa – là “Địa Đường” mà con người đã đánh mất.

Trung tâm của lời giảng dạy của Chúa Kitô là kêu gọi con người có một con tim biết yêu thương.

Ta sẽ lấy đi trái tim bằng đá ra khỏi ngươi và ban cho ngươi trái tim bằng thịt thay vào đó. (Ez. 36,26-27).

Con tim bằng thịt, con tim biết rung động, biết yêu thương ấy, để biết yêu Thiên Chúa là Cha và biết yêu thương mọi người là anh em.

“Lạy Cha chúng con ở trên trời…và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt.6,9-13).

Tin Chúa Kitô là con người biết trở về cội nguồn. Được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha.

“Anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Lạy Cha!’” (Rm. 8,15).

Lịch sử nhân loại đã cho con người thấy rằng, con người sẽ chẳng làm được gì nếu “không có Thiên Chúa”.

+ 3. Nếu không có Thầy

Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa tráitrở thành môn đệ của Thầy. (Ga.15,8).

Người xưa nói:

“Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính dã, tắc tri Thiên hĩ. Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính. Sở dĩ sự Thiên dã”. (Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy). (Mạnh Tử).

Không có một con tim dành trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa, thì không thể có một tấm lòng dành trọn vẹn cho tha nhân được. Ta cũng đọc được cái mà người xưa thường nói “Tận kỳ tâm – trọn hết cái tâm”, tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa còn phải hơn thế nữa, như Chúa Giêsu đã dạy: một tình yêu “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” của ta.

Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi!Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó””. (Mc.12,28-31).

Những hoa trái mà con người làm nên phải đến từ cái tâm Chân Thiện. Cái tâm Chân Thiện được nuôi sống từ mạch sống của Thiên Chúa.

Con người có thể làm ra nhiều hoa trái – nhưng nếu con người thuộc về Thiên Chúanhững “hoa trái” ấy, là trái bom, là hạt nhân, vũ khí, là muôn thứ cách ăn chơi, sống thác loạn… nó là những thứ “thức ăn” nuôi sống lòng ích kỷ, hẹp hòi, đưa con người đến tranh giành, cấu xé, chìm đắm trong hạnh phúc ảo ảnh, trong nền văn hóa chết… 

Làm nên những điều không phải là Chân Thiện, không thuộc về Thiên Chúa, thì cũng như chẳng làm nên được gì.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga.15,5).

Vì, cái được gọi là “làm được”, phải là điều Chân Thiên, mới  là “hồng ân Thiên Chúa”, và chỉ có Hồng ân Thiên Chúa, mới là nguồn sống và hạnh phúc đời ta.

Khi có Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống, chúng ta có thể quy chiếu về Người các niềm vui và niềm hy vọng, các nỗi buồn và lo lắng trong cuộc đời chúng ta. Cả những lúc đen tối nhất cuộc sống cũng được soi sáng và Người ban cho chúng ta niềm hy vọng, như xảy ra đối với người trộm lành trong Phúc âm hôm nay. (Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách tham dự thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin tại quảng trường Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật lễ Chúa Kitô Vua 24-11-2013.)

Lạy Chúa,

Xin Chúa thương luôn hiện diện trong con,
cho con luôn ở trong Chúa,
trọn cả đời con…

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button