Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Ngốc | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN C
(Lc.12,13-21)
***

 NGỐC

13 Khi ấy có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! 18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

_________________

SUY NIỆM

NGỐC

1. Chuyện Dại – Khôn ở đời.

Chuyện “dại – khôn” khó mà định được. Như người xưa đã thao thức: “Thế sự đua nhau nói dại khôn. Biết ai là dại, biết ai khôn !” (TX).

Người ta có cái nhìn về dại khôn rất khác nhau: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”. (NK). Hay: “Khôn nghể cờ bạc là khôn dại, dại chốn văn chương ấy dại khôn” (TX)…

Với người này, chuyện đó là khôn, với người kia chuyện đó lại là dại, và ngược lại. Khôn dại hòa lẫn nhau, nhiều khi khó phân biệt, khó kết luận.

Ta thử tìm một vài định nghĩa có liên quan đến chuyện “khôn – dại” để sáng tỏ vấn đề thêm phần nào.

Khôn là gì ? – Khôn là “(người) có cách xử lý, ứng xử khéo léo, tránh được những bất lợi không cần thiết; trái với “dại”.

Dại là gì ? – Dại là “khờ khạo, không tinh khôn”.

Khờ là gì ? Là “ngờ nghệch, kém trí khôn, thiếu sự nhanh nhạy trong suy xét, ứng phó”.

Ngu là gì ? Là “rất kém về trí tuệ, không biết gì”.

Ngốc là gì ? là “Kém, không thông mình trong xử sự, suy xét vấn đề”.

Ngu ngốc là gì ? là “Ngu dốt và ngốc nghếch”. (ĐTĐ Tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên 1998).

Những định nghĩa trên cho ta một sự hiểu biết chung chung, có khi là vòng lẫn quẫn, khó đi đến kết luận.

Thí dụ: ngược lại với “khôn” là gì ? Là dại. Dại là gì ? Là không được khôn !

Và cứ thế, câu trả lời cứ lòng vòng và khó có ngả ra, như chúng ta đã nghe tiền nhân nói: “Thế sự đua nhau nói dại khôn. Biết ai là dại biết ai khôn” (TX).

Bởi vì, để biết thế nào là dại, cần phải có chuẩn mực nào để gọi là “khôn”. Cũng như nói: “cái đó không được trắng”, thì phải biết màu trắng như thế nào.

Thế nào là “khôn” ? – Người Ki-tô hữu có câu trả lời rất rõ ràng trong Kinh Thánh.

2. Dại – khôn trong Kinh Thánh.

Khôn ngoan trong Kinh Thánh là Hiểu Biết về Thiên Chúa. Để hiểu biết về Thiên Chúa, luôn đòi hỏi lòng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa không ngừng.

Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Ðức Chúa và thành tâm kiếm tìm Người. (Kn.1,1).

Lòng thành tâm tìm kiếm đòi hỏi sự khiêm nhường. Kẻ tự cho mình khôn ngoan không thể nào gặp được Thiên Chúa. Sự khôn ngoan thế gian thực chẳng có nghĩa gì lý trước mặt Thiên Chúa.

Tôi tự nhủ: Này tôi đã gom góp, đã thu thập được nhiều điều khôn ngoan hơn tất cả những vị đã cai trị Giê-ru-sa-lem trước tôi. Trí tôi đã học hỏi được nhiều điều khôn ngoan, tích luỹ được bao nhiêu kiến thức; tôi đã chú tâm phân biệt đâu là khôn ngoan, tri thức, đâu là điên rồ, khờ dại. Ngay cả việc này nữa, tôi nhận thấy đó cũng chỉ là công dã tràng. (Gv.1,16-17).

Biết được muôn điều, mà không biết Thiên Chúa thì cầm bằng không!

Người khôn ngoan là người biết làm những điều đẹp lòng Thiên Chúađoạn tuyệt với những điều mà Ngài không hài lòng.

Chính Đức Giê-su là “sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

“Đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Dothái hay Hylạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1Cor.1,24-30).

Sự khôn ngoan – là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta – mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa, về Tình Yêu Cứu Độ Thiên Chúa dành cho nhân loại.

“Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển. (8) Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Ðức Chúa hiển vinh vào thập giá. (9) nhưng, như đã chép: Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người”.(1Cr 2,6tt)

Chính nhờ Đức Ki-tô mạc khải, con người “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và Chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Nhận biết Thiên Chúa, vâng nghe lời Ngài, qua Người Con là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, đó là đỉnh điểm của Đức Tin, của sự gặp gỡ Thiên Chúa.

“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).

Không có Thiên Chúa, con người chẳng là gì cả. Ngoài Thiên Chúa, không có gì tồn tại. Cuối cùng, khôn ngoan chỉ có nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa trở thành là tất cả trong mọi sự, nơi mọi người” (1Cr 15,28).

Sự “nhận biết” đó – nhận biết Thiên Chúa – mới chính là sự Khôn ngoan đích thực, là sự Sống đích thực và là niềm hạnh phúc đích thực.

3. Ngốc

Vậy “ngốc” rõ ràng là tiềm kiếm những gì “không tồn tại”, những gì không tồn tại thì ở ngoài Thiên Chúa. “những gì mau hư nát và ta không hề gìn giữ được”. Nó chỉ là “ảo ảnh”.

“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?(Lc.12,20).

Có thể người đời chê ta là “ngốc”, mà trí ta nhẹ nhàng, mà tâm ta thanh thản, chưa hẳn ta thật sự là “ngốc”.

Có thể người đời khen ta là “khôn”, mà trí ta lo âu, mà lòng ta ray rứt, chưa hẳn ta thật sự là “khôn”.

Ta thử ngẫm nghĩ câu chuyện này:

Di chúc của nhà triệu phú

Ba mươi năm trước đây tại thủ đô Washington, D.C., vợ của một nhà doanh nhân đã bỏ rơi chiếc ví của cô ấy tại bệnh viện trong một đêm mùa đông. Nhà doanh nhân này rất lo lắng và quay lại bệnh viện để tìm ngay trong đêm đó, bởi vì trong chiếc ví không chỉ chứa $100,000 (một trăm ngàn đô-la) mà còn có cả các tài liệu marketing rất quan trọng.

Khi người doanh nhân vội vã tới bệnh viện, ông ta nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn nằm ngay dưới chân bức tường hành lang, đang run lên vì lạnh, và trong tay cô gái đó có chính xác chiếc ví mà vợ ông đã bị mất.

Cô gái tên là Hiada, cô tới bệnh viện để đưa người mẹ đang bị ốm tới khám bác sĩ. Người mẹ và cô con gái  , hai người đang dựa vào nhau để sống, họ rất nghèo, họ bán mọi thứ đáng giá và gom góp chỉ vừa đủ số tiền để nhập viện và ở bệnh viện trong một đêm. Không có tiền, họ sẽ bị đuổi ra khỏi bệnh viện vào ngày tiếp theo.

Đêm đó, Hiada đã bị bỏ lại bơ vơ trong hành lang của bệnh viện. Cô ấy cầu nguyện  xin Chúa nhân từ cứu giúp và hy vọng sẽ gặp được một quý nhân nào đó sẽ cứu giúp được mẹ cô. Đột nhiên, một người phụ nữ đi từ trên hàng lang xuống và đã đánh rơi chiếc ví mà không hề để ý và vội vã đi qua, có lẽ bởi vì cô ấy đang phải mang một thứ gì đó trên tay. Hiada là người duy nhất ở hành lang lúc đó, cô đã tới và nhặt chiếc ví lên. Khi cô chạy tới sau cánh cửa phía sau người đàn bà kia, thì bà ấy đã ở trên ô tô.

Hiada quay trở lại phòng bệnh viện. Khi mở chiếc ví ra, cả hai mẹ con đều sock vì số tiền quá lớn. Họ đều ngay lập tức nghĩ rằng số tiền kia sẽ có thể giúp mẹ cô ấy chữa bệnh. Tuy nhiên, người mẹ đã nói với Hiada quay lại hành lang và đợi người đánh rơi kia quay lại để tìm.

Bất chấp mọi nỗ lực giúp đỡ cứu chữa của nhà doanh nhân, mẹ của Hiada đã ra đi và để người con gái nhỏ ở lại một mình. Sau đó,nhà doanh nhân đã giúp đỡ cô con gái nhỏ bé kia, người đã mất đi cả gia đình. Người mẹ và cô con gái không chỉ giúp người doanh nhân lấy lại $100,000, mà quan trọng hơn là những tài liệu marketing đã giúp nhà doanh nhân về sau thành công hơn bao giờ hết và trở thành một nhà triệu phú chỉ sau đó không lâu

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiada, (với sự giúp đỡ của nhà doanh nhân), cô đã trợ giúp cai quản việc kinh doanh của nhà triệu phú. Mặc dù nhà triệu phú không bao giờ bổ nhiệm cô vào một vị trí nào thực sự, nhưng trải qua rất nhiều  thời gian thử thách và học tập, những kinh nghiệm thông thái của nhà triệu phú đã ảnh hưởng tới cô, giúp cô trở thành một nữ doanh nhân thực sự.

Vào những năm sau này, ông đã tham vấn Hiada rất nhiều ý kiến giải quyết cho rất nhiều vấn đề gặp phải. Khi mà ông sắp xa rời thế giới, ông đã để lại những dòng đầy từ bi:

“Trước khi tôi biết Hiada và mẹ cô ấy tôi đã thực sự mất hết tiền, nhưng khi tôi đứng trước bà mẹ và cô con gái, người đã tìm thấy một số tiền rất lớn của tôi khi mà họ đang trong cảnh bệnh tật và nghèo đói nhưng vẫn không màng tới số tiền của tôi, tôi nhận ra rằng họ mới là những người giàu nhất. Họ đã giữ được những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của con người mà một người doanh nhân như tôi còn thiếu. Tiền của tôi có được phần lớn là do những trò tiểu xảo và tranh nhau với người khác. Đó là những người mà họ làm cho tôi hiểu được tài sản quan trọng nhất trong cuộc đời là giá trị đạo đức của họ. Tôi cứu giúp Hiada không chỉ vì trả ơn hay vì sự cảm thông. Mà là vì tôi thấy cô ấy như một hình mẫu chuẩn mực của một con người.

Khi cô ấy ở bên cạnh tôi, tôi sẽ luôn nhớ rõ rằng tại bất kỳ thời điểm nào cái gì tôi nên làm, cái gì không, tôi nên kiếm tiền thế nào, tôi không nên kiếm thế nào. Đó là lý do cơ bản cho sự thịnh vượng trong kinh doanh của tôi sau này và khi tôi đã trở thành nhà triệu phú. Sau khi tôi chết, hàng triệu đô la của tôi sẽ kế thừa lại hết cho Hiada. Đó không chỉ là để cho mà nó sẽ mang lại thành công hơn và thịnh vượng hơn cho việc kinh doanh sau này. Tôi tin chắc rằng người con trai thông minh của tôi sẽ hiểu được những suy nghĩ của cha mình.”

Khi người con trai của nhà triệu phú đi du học trở về, anh đã đọc rất kỹ bức thư của cha và ngay lập tức ký các giấy tờ chuyển nhượng mà không một chút đắn đo gì : “Tôi đồng ý để Hiada thừa kế toàn bộ tài sản của cha tôi. Tôi chỉ có một đề nghị rằng Hiada sẽ trở thành vợ của tôi.”

Sau khi đọc xong và nhìn thấy chữ ký của người con trai nhà triệu phú, Hiada đã nghĩ rất nhanh và đã ký vào: “Tôi xin nhận mọi tài sản thừa kế từ thế hệ trước, bao gồm cả người con trai của ông”.

Vì sao trong cơn khốn cùng mà họ – nhân vật Hiada và mẹ cô, hay những người như họ trong cuộc đời này – lại ứng xử “ngốc” thế nhỉ ? Sao họ lại từ chối cơ hội cải thiện cuộc đời họ như thế ?

Nhưng, Hiada và mẹ cô, nhà doanh nhân và con trai ông đều là những người “khôn”, vì tất cả họ đều thấy “hình mẫu chuẩn mực của một con người”.

Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. (Cl.3,2-4).

Đó mới là “khôn ngoan” đích thực. Ngược lại cái “khôn” này, chính là ngốc vậy !

Lạy Chúa…

Con vẫn biết đời chỉ là ảo ảnh
Là phù hoa, nối nối tiếp phù hoa,
Cuộc vui nào rồi cũng sẽ trôi qua.
Cái còn lại là hương tàn khói lạnh…

Tiền của đời là kho tàng bất hạnh,
Sao lòng con vẫn ham muốn cuồng si !
Đời bon chen trong cơn lốc được gì ?
Tom góp lắm cuối cùng là tang tóc !

Ôi, lạy Chúa, con chỉ là …”đồ ngốc” !
Tiếng gọi nào thức tỉnh được lòng con…
khi tiếng chuông đưa tiễn một linh hồn…
con thanh thản đợi chờ về Cõi Phúc.

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

Bài liên quan

Check Also
Close
Back to top button