Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tiếng Gọi và Sự Đáp Trả | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B
(Ga.1,35-42)
****
TIẾNG GỌI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

 

(35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. (36) Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”  (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.  (38) Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” (39) Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

(40) Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói:  “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô). (42) Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

____________

SUY NIỆM

TIẾNG GỌI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

Tiếng gọi.

Trong đời thường, chúng ta rất quen với từ “tiếng gọi”. Như: Tiếng gọi con tim. Tiếng gọi lương tâm. Tiếng gọi non sông. Tiếng gọi lý tưởng…  

“Tiếng gọi” không chỉ là nghĩa đen, nghĩa là “Tiếng gọi” không phải chỉ là âm thanh tai ta nghe được, mà nhiều khi, và thường khi, trái lại, ta chỉ nghe được khi “vắng lặng”. Đó là thứ âm thanh huyền nhiệm mà chỉ có “đôi tai tâm hồn” mới nghe được. Đó là “tiếng gọi thiêng liêng”. Ta cũng thường nói: Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Tiếng gọi thiêng liêng của lòng mẹ. Tiếng gọi thiêng liêng của tổ tiên…

Vì tiếng gọi không chỉ là âm thanh, nên tiếng gọi có thể “phát ra” từ nhiều cách. Có thề là một tín hiệu, một hành động, có thể là trực tiếp từ người gọi, có thể là gián tiếp từ người giới thiệu. Có thể từ một hoàn cảnh đẩy đưa. Từ một biến cố xảy ra trong cuộc sống…

Sự đáp trả

Để đáp trả, tất nhiên ta phải nghe thấy, nhận được “tiếng gọi”.

Nhận được, ta phải biết “tiếng gọi” đó từ đâu, của ai, nội dung và ý nghĩa sâu xa của “tiếng gọi”, rồi mới có thái độ đáp trả phù hợp.

Ta có thể suy nghĩ đôi nét về “tiếng gọi và sự đáp trả” của những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Tiếng gọi:

Qua sự giới thiệu của Gioan Tẩy Giả. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga.1,36).

Đáp trả:

Môn đệ hiểu được “người được giới thiệu là ai” . “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga.1,36).

Đi theo Chúa. “Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su”. (Ga.1,37).

Tìm hiểu sâu xa hơn về Chúa và muốn gần gũi hơn. “Thầy ở đâu ?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” (Ga.1, 38-19).

Đi theo Thầy. “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”. (Ga.1,39).

Trường hợp Chúa chọn Mat-thêu, ta thấy Chúa gọi ông trực tiếp và ông đáp trả nhanh chóng Bỏ nơi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt.9.9). Thời điểm này, danh tiếng Chúa đã lan tràn khắp nơi. Chắc chắc Mát-thêu đã nghe danh Chúa Giêsu và đã tìm hiểu nhiều về Chúa, và với ơn Chúa, ông đã đáp trả lẹ làng tiếng Chúa gọi ông.

Tiếng Chúa gọi trong đời thường

Đọc Tin Mừng hôm nay (Ga.1, 35-42), ai cũng chú trọng nhiều đến Ơn gọi trong bậc tu trì hay trong hàng giáo sĩ”. Ở đây, ta cùng nhau nhìn ở một góc độ rộng hơn để mỗi người đều cảm nhận Lời Chúa hôm nay có liên quan đến mọi người, đến tất cả chúng ta.

Giáo lý Công Giáo số 277 có viết nội dung về “Ơn gọi” như sau:

Ơn Gọi là lời Thiên Chúa mời gọi mỗi người vào một bậc sống nào đó, nhưng thông thường thì ơn kêu gọi được hiểu là tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong hàng giáo sĩ. (Lớn lên trong Thánh Thần. câu 145. – Hồng Ân Giáo Huấn, GP. Xuân Lộc). 

Ơn Gọi cội nguồn là Ơn Gọi làm con Chúa. Ơn Gọi sống trong tình yêu Chúa. Mọi Ơn Gọi đều quy về Ơn Gọi làm Con Chúa, vì thế mọi Kitô hữu đều có bổn phận làm chứng nhân của Chúa. Giới thiệu Thiên Chúa Tình Yêu đến cho mọi người. “Loài người được Chúa yêu thương”.

Từ đó, ai trong chúng ta – những Kitô hữu – đều phải lắng nghe tiếng Chúa gọi ta, tiếng Chúa từ tha nhân, từ những người nghèo khổ, bất hạnh quanh ta… Tiếng Chúa gọi ta thực thi Giới Luật Yêu Thương, tiếng Chúa gọi ta phân phát tình thương, điểu mà chúng ta đã nhận một cách nhưng không từ Thiên Chúa.

Người ta nói “tình yêu bắt đầu từ đôi mắt”, hơn ai hết, người Ki tô hữu cảm nhận được tình yêu từ đôi mắt Chúa Giêsu. Đôi mắt nhìn cảm thông tha thứ một Phêrô chối Chúa, đôi mắt nhìn bao dung bênh vực một phụ nữ ngoại tình. Đôi mắt đẫm lệ nhìn người thân khóc than Ladarô đã chết… Cuối cùng, đôi mắt nhìn đầy yêu thương nhân loại từ Thập Giá đau thương.

Tiếng Ngài vang vọng từ niềm đau của bao thân phận con người. Tiếng kêu cứu của đồng loại. Của những mảnh đời “đói, khát, lạc lỏng, trần truồng, tù tội, gông cùm…”. (Mt 25,31-46).

Tiếng Gọi và sự đáp trả  ở đây mới thật sự là ánh sáng của nhân loại, là chân lý tình yêu của Thiên Chúa.

Ta suy ngẫm thêm vấn đề này qua câu chuyện sau đây:

Câu chuyện xảy ra cách đây nhiều năm vào một buổi tối giá lạnh tại miền Bắc Virginia. Bộ râu của ông lão đã đông cứng lại bởi sương giá trong khi chờ đợi để được đi nhờ qua con sông đã đóng băng trước mặt. Sự chờ đợi dường như là vô tận. Cả người ông lão đã tê cứng và lạnh cóng vì những cơn gió bắc giá buốt.

Chợt ông lão nghe tiếng vó ngựa gõ từ xa vọng lại đều đặn, mỗi lúc một gần trên con đường đã đóng băng. Thoáng chút lo âu, ông đưa mắt nhìn những người kỵ sĩ rạp người trên lưng ngựa đang rẽ qua khúc quanh. Ông thẫn thờ nhìn người kỵ sĩ thứ nhất lướt qua trước mắt mình. Người Kỵ sĩ thứ hai lướt qua, và rồi thêm một người nữa. Khi đoàn kỹ sĩ lướt qua gần hết thì ông lão đã gần như là một bức tượng tuyết. Khi người cuối cùng đến gần, ông lão nhìn vào mắt ông ta và nói: “Anh có thề cho tôi đi nhờ qua con sông trước mặt được không? Dường như chẳng còn con đường nào mà một người đi bộ như tôi qua được cả!”

Ghìm cương ngựa lại, người kỵ sĩ đáp: “Tất nhiên rồi. Ông hãy lên đây!”. Trông thấy ông lão đã gần như không thể nhấc nổi thân người gần như đông cứng của mình, anh bước xuống ngựa và giúp ông trèo lên yên. Rồi người kỵ sĩ không chỉ đưa ông sang sông, mà còn đưa đến tận nhà ông cách đó chỉ vài dặm đường.

Khi cả hai đến căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng của ông lão, người kỵ sĩ tò mò hỏi: “Tôi thấy ông đã để rất nhiều kỵ sĩ khác đi qua mà không hỏi đi nhờ. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao trong một đêm đông giá lạnh như thế này, ông lại chờ đến người cuối cùng mới xin đi nhờ qua sông? Nếu tôi từ chối và để ông lại đó thì ông biết làm thế nào?”.

Ông lão từ từ bước xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng kỵ sĩ và trả lời: “Tôi sống ở vùng này đã lâu, và tôi nghĩ rằng tôi cũng đã có thể hiểu được người khác chút nào đó”. Ông lão nói tiếp: “Khi tôi nhìn vào mắt những chàng kỵ sĩ khác, tôi thất họ không có chút quan tâm nào đến hoàn cảnh của tôi cà. Thật vô ích khi đề nghị họ giúp đỡ. Nhưng khi nhìn vào mắt anh, tôi thấy được sự tốt bụng và lòng nhân hậu hiển hiện rất rõ. Ngay lúc ấy tôi biết rằng chính tâm hồn cao quý của anh mới có thể sẵn sàng giúp đỡ tôi trong lúc khó khăn mà thôi.”

Những lời nói chân tình của ông lão khiến người kỵ sĩ xúc động sâu sắc. “Tôi thật lòng cảm ơn vì những gì ông vừa nói”, anh nói với ông lão. “Tôi mong là mình sẽ không bao giờ vì quá bận rộn với công việc đến nỗi từ chối giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn bằng lòng nhân ái và trắc ẩn của mình.”

Với những lời nói ấy, Thomas Jefferson quay ngựa đi và bắt đầu con đường đi đến Nhà Trắng của mình.

Lạy Chúa,

Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa,
qua tiếng gọi tha nhân,
qua những biến cố cuộc đời,
qua những buồn vui cuộc sống…

Xin cho lòng con luôn mở rộng
để luôn nghe tiếng Chúa gọi trong đời
và con vui mừng đáp lại…
mọi lúc và mọi nơi. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
_______________

Nếu bạn muốn xem thêm bài suy niệm khác, mời bạn vào địa chỉ:
http://thegioiriengtu.com/dung-chan/580-chua-nhat-ii-thuong-nien-b-gap-dang-me-si-a

 

 

 

Bài liên quan

Back to top button