Antôn Nguyễn Văn TiếngSuy niệm

Tự Hỏi | NVT

SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN C

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Lc.1,26-38)

***

 TỰ HỎI

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.  28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

________________

SUY NIỆM

TỰ HỎI

“Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc.1,29).

1. Mẹ Maria bắt đầu đón nhận Tin Mừng bằng “tự hỏi”.

“Ðây là công việc của Thiên Chúa: một sự kỳ diệu trước mắt chúng ta” (TV. 117,23).

Sự tìm kiếm là nỗ lực của con người, còn sự gặp gỡ là hồng ân của Thiên Chúa.

Như ba nhà Đạo Sĩ  theo dấu vì sao lạ tìm kính viếng Chúa Nhi, ngày đêm vượt đoạn đường xa xăm gian khổ, tấm lòng thành đã được gặp Thiên Chúa Giáng Sinh. (Mt.2,1-12).

Ai có thể hiểu nổi chương trình của Thiên Chúa ? Chỉ biết thốt lên: – thật kỳ diệu thay ý muốn của Ngài !

Điều kỳ diệu ấy phát xuất từ tình yêu. Tình yêu thì không hề có sự dấu diếm, bưng bít.

Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga.15,15).

Chính vì yêu, mà Thiên Chúa đã mạc khải – nói cho con người biết – chương trình cứu độ của Ngài dành cho nhân loại. Maria chỉ mới “tự hỏi” trong lòng thôi, Sứ Thần đã nói hàng loạt “thông tin” cho Mẹ Maria biết những gì sẽ xảy ra, không nói chung chung, nói cặn kẽ đến từng chi tiết những trang sử đầu tiên của sự xuất hiện Đấng Cứu Thế.

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc.1.30-33).

Và như vậy, lời chào của Sứ Thần : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” có ý nghĩa gì ?

Câu trả lời thật quá sáng tỏ: – Chúng ta thấy trọn vẹn Tin Mừng cho cả và nhân loại về Lịch Sử Cứu Độ được tóm gọn nơi đây.

Điều mà Đức Maria “tự hỏi”, được trả lời thật nhanh chóng và  đầy đủ.

2. Và cuộc đời Mẹ  không ngừng “tự hỏi”

Mẹ Maria đón nhận Tin Mừng – “mừng vui lên” – nhưng Tin Mừng cũng chính là “Đường Thập Giá”. Ai theo Chúa đều cũng phải đi theo con đường Thập Giá, ngay cả Mẹ của Ngài – Đức Maria.

Đường Thập Giá luôn có sự khó hiểu. Làm sao hiều được sự hy sinh cao cả của Thiên Chúa, và cũng không dễ dàng gì đón nhận được một tình yêu kiểu “Yêu như Giê-su”.

Chúng tôi lại rao giảng một Vì Kitô đã bị đóng đinh thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, (1Cor1,23)

Sự khó hiểu đòi chúng ta luôn biết “suy ngẫm”, biết “tự hỏi”. Để sống trọn vẹn Tin Mừng, Mẹ Maria luôn biết “tự hỏi”.

“Suy niệm” là tự hỏi trong lòng, khiêm nhường tìm hiểu thánh ý Chúa, là cầu nguyện.

Còn Ðức Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều nầy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc.2,10).

Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm. Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (Lc 2, 41-51)

Và như thế, Mẹ đã đi trọn Đường Thánh Giá. Mẹ đã đến Đồi Sọ và đứng dưới chân thập tự đang treo xác con Mẹ.

Không gì khác hơn, Mẹ Maria vâng lời Thiên Chúa và thực thi theo đúng Thánh Ý của Ngài.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc.1,38).       

Đời Mẹ là những trang Tin Mừng sống động, mẫu mực, để ta noi theo.

3. Hãy luôn biết “tự hỏi” như Mẹ.

Trong cuộc đời, ai không biết “tự hỏi”, người đó khó thăng tiến, khó vươn lên được. “Tự hỏi” để nhận ra những giới hạn của mình, và nhận ra tiềm năng chính bản thân  mà mình chưa cố gắng đủ để “lớn lên”.

Ta thử ngẫm nghĩ dòng tư tưởng này:

Có khi nào bạn tự hỏi ?

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không có một người bạn nào cả?” trong khi bạn lại không chịu mở rộng trái tim để bạn bè có thể đến với bạn.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình lại luôn luôn nếm mùi thất bại?” trong khi bạn vẫn chưa dốc hết toàn bộ sức lực trong mọi công việc để tiến tới thành công.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mọi người lại đối xử với mình tệ như vậy?” trong khi bạn vẫn chưa chắc là mình đã đối xử thật tốt với mọi người xung quanh.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không được như mọi người?” trong khi bạn đâu hề biết rằng có hàng triệu người đang ao ước có được cuộc sống như bạn.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không có được hạnh phúc?” trong khi bạn vẫn mải mê theo đuổi hạnh phúc ở đâu xa xôi nên không kịp nhận ra chúng đang hiện diện ngay bên cạnh, thậm chí ngay trước mắt bạn.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao cuộc sống của mình lại nhàm chán đến thế?” trong khi bạn vẫn chưa nỗ lực tìm ra mục tiêu đích thực của đời mình để theo đuổi.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình chẳng nhận được gì từ cuộc sống?” trong khi bạn vẫn chưa làm được chút gì để góp phần làm đẹp cho cuộc sống của mình.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình lại không thể có được một tình yêu đích thực?” trong khi bạn vẫn chưa dám chắc là mình hiểu rõ khái niệm tình yêu.

Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao chẳng ai hiểu mình cả?” trong khi bạn luôn che giấu cảm xúc và chẳng bao giờ cho người xung quanh cơ hội để có thể lắng nghe. (INTERNET).

Có “tự hỏi”, ta mới có thể nghe câu trả lời từ trong sâu thẳm lòng mình.

“Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”. Vì tất cả quyền quyết định cuối cùng vẫn là chính ta. Ta không đổ thừa ai, không quy trách nhiệm về ai. Ta chịu trách nhiệm chính cuộc đời mình.

Ta vẫn biết đường đời muôn nẻo. Ta có quyết định riêng của ta. Nhưng, dân gian cũng có câu: “Người muốn không bằng Trời muốn”. Cuộc tìm kiếm đích thực của ta chính là tìm hiểu Thánh Ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời ta.

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc.1,34).

Theo ý riêng ta, ta có thể “tự hỏi ” khác đi:

“Việc ấy xảy ra cách nào, vì con đã tính cách khác… Lạy Chúa !”.

Ta có quyền nói lên ý nghĩ của ta. Ngay cả con người còn biết ý thức và đề cao “quyền được nói” –  trừ chế độ độc tài –  huống chi Thiên Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài luôn “lắng nghe ta nói”. “Lắng nghe” vì Ngài muốn biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, chứ Ngài hiểu thấu suốt lòng ta. Ngài muốn “chính ta nói lên điều chúng ta nghĩ”. Đó là sự khiêm nhườngchân thật.

Và, trong dòng đời, biết bao lần ta “tự hỏi”, biết bao cơ hội ta “tự hỏi”.

Như trẻ thơ, như Mẹ Maria, ta hồn nhiên tâm sự với Chúa. Trong phút nguyện cầu, có những băn khoăn, có những lo âu, có ý muốn, có nguyện vọng riêng ta. Tầm nhìn ta ngắn ngủi. Ý muốn ta vụng về. Mộng ước ta nhỏ bé. Suy nghĩ ta hẹp hòi… Nhưng là thật. Rất thật lòng.

Cuối cùng, vì yêu thương, Thiên Chúa chỉ cho ta con đường ta sẽ đi. Đi hay không, cũng tùy sự quyết định của ta. Tình yêu đòi hỏi sự tự do. Đó chính là tình yêu đáp lại tình yêu một cách tự do. Đó là sự phó thác. Đó là Đức Tin.

Để ta có thể trả lời – như Mẹ Maria – Đó cũng chính là Lẽ Sống, là ý nghĩa cuộc đời ta.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc.1,38).

Lạy Chúa,

Xin ban thêm cho con sức mạnh,
Trong cuộc hành trình Đức Tin suốt đời con,

Lạy Mẹ Maria,

Cho từng lời kinh Mân Côi
Tỏa ngát hương trong tâm hồn con thơ dại.

“Maria, linh hồn con ớn lạnh,
“Run như run thần tử thấy long nhan,
“Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
“Nhưng lòng vẫn thấm nhuần Ơn Trìu Mến” (HMT).

Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

 

 

Bài liên quan

Back to top button