Sự nguy hiểm của đồng tiền | Jer. Nguyễn Văn Nội
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C (18/09/2016)
[Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Chúa Giê-su có một nhận xét rất chính xác về lòng con người đối với của cải vật chất: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19). Cha ông chúng ta cũng đã từng nói: “Đồng tiền liền khúc ruột” như một đúc kết kinh nghiệm. Đồng tiền quả thật rất quan trọng trong đời sống con người. Đồng tiền càng quan trọng và được đề cao hơn trong nền kinh tế thị trường và trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế kỷ 21 này. Chả thế mà ở Việt Nam ngày nay ai cũng biết câu: “Tiền là Tiên, là Phật, là Sức Bật của Tuổi Trẻ, là Sức Khỏe của Tuổi Già, là Đà Thăng Tiến Xã Hội, là Cơ Hội có thêm Chức, thêm Quyền và thêm Tiền nhiều hơn nữa.” Tiền đã trở thành “thần”, thành “thánh” đối với nhiều người trong thời đại ngày nay cũng như trong thời Đức Giê-su tại thế. Vì thế mà nhiều người chà đạp mọi giá trị đạo đức và lương tâm con người cũng như bất chấp mọi thủ đoạn (tham nhũng, lừa gạt, ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, buôn bán chất và thực phẩm độc hại) để kiếm cho được nhiều tiền.
Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và mở rộng tâm hồn để đón nhận giáo huấn của Chúa Giê-su về đồng tiền.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Am 8,4-7):
Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiển bạc mua người cơ bần.
4 Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. 5 Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. 6 Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” 7 Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (1 Tm 2,1-8):
Hãy cầu xin Thiên Chúa cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.
1 Anh em thân mến, trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, 2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. 3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. 5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, 6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.
7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối – nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. 8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 16,1-13):
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.
1 Khi ấy Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? 6 Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
9 “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh
3.1.1 Bài đọc 1 (Am 8,4-7) là một trích đoạn của Sách Ngôn sứ A-mốt cảnh cáo những người giầu có và quyền thế vì họ ỷ thế ỷ quyền mà âm mưu đàn áp, hãm hại người nghèo trong xã hội. Ngôn sứ A-mốt kêu gọi họ thay đổi cách sống để khỏi bị Thiên Chúa trừng phạt.
– Qua đoạn Sách A-mốt trên (8,4-7) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng luôn đứng về phía những người nghèo khổ, túng thiếu, bị thiệt thòi, bị đàn áp và bị gạt ra ngoài lề xã hội; Thiên Chúa luôn bênh vực, bảo vệ những người ấy khỏi cách đối xử tàn ác, bất công của những người cậy có quyền và có tiền mà hà hiếp bóc lột họ.
3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tm 2, 1-8) là trích đoạn bức thư tuyệt vời mà Thánh Phao-lô viết cho ông Ti-mô-thê, một cộng sự thân cận của ngài. Trong trích đoạn này, Thánh Phao-lô kêu gọi mọi người hãy “dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.”
– Trong đoạn thư gửi ông Ti-mô-thê trên (1 Tm 2,1-8) chúng ta được Thánh Phao-lô dậy cho biết: “Thiên Chúa là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý; Thiên Chúa là Đấng duy nhất, và Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người!” Vì thế mà người giầu, người nghèo đều có phẩm giá và ơn gọi như nhau trước mặt Thiên Chúa và trong chương trình của Thiên Chúa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 16,1-13) là một đoạn Phúc âm của Thánh Lu-ca có vài điểm khó hiểu về mặt chú giải (như ông chủ khen người quản gia ‘bất lương’ và Chúa Giê-su nói đồng tiền là bất chính). Thật ra ông chủ (tượng trưng cho Chúa Giê-su, cho Thiên Chúa) chỉ khen hành động của người quản gia là khôn khéo, tháo vát, ứng phó kịp thời với hoàn cảnh bất lợi, chứ không hề khen cách sống ‘bất lương’ của anh ta. Còn đồng tiền bị Chúa Giê-su xem là ‘bất chính’ thì phải hiểu là đồng tiền chỉ có giá trị chóng qua trong cuộc sống trần gian này mà thôi (có bản dịch tiếng Anh dùng chữ worldly wealth), nên không thể so sánh được với giá trị đích thực (true wealth) của những gì liên quan tới Ơn Cứu Độ, tới Nước Thiên Chúa.
– Giáo huấn hay sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn trao cho chúng ta trong đoạn Phúc âm Lc 16,1-13 này là: Người Ki-tô hữu phải biết khôn ngoan và biến báo để ứng phó với mọi hoàn cảnh; đồng thời phải khôn khéo biết dùng của cải trần gian là thứ chóng qua mà mưu tìm phần rỗi đời đời cho mình và phải biết chọn làm tôi Thiên Chúa chứ không để mình làm nô lệ cho đồng tiền.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” bằng cách sống lương thiện và phụng thờ Thiên Chúa là Chúa của muôn người, muôn dân.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Suy nghĩ một chút, tôi nghe thấy Lời Chúa mời tôi kiểm điểm về nhận thức và hành động của mình liên quan tới đồng tiền:
– Về cách đánh giá đồng tiền: Dù đồng tiền tôi có/kiếm được mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm là do công lao khó nhọc, mồ hôi nước mắt thì tôi vẫn chỉ là người quản lý chứ không phải là ‘chủ nhân ông’ của đồng tiền ấy. Chính Thiên Chúa mới là CHỦ của đồng tiền, của tài sản của tôi. Vậy thì tôi có bổn phận phải quản lý cho tốt và sử dụng đồng tiền theo ý Thiên Chúa!
– Về thực hành: Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, tôi thường sử dụng đồng tiền như thế nào: tôi sử dụng cách khôn ngoan hay bất kể? cách tiết kiệm, chừng mực hay hoang phí, thả giàn? cách hợp lý hay tùy hứng? cách bác ái, vị tha hay vị kỷ? cách thực sự có ích hay chỉ có hại cho tôi và cho những người tôi có trách nhiệm nuôi dưỡng, giúp đỡ?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các dân, các nước, các chính quyền, các thế lực kinh tế, chính trị và tài chánh trong thế giới hôm nay, để những người/thế lực ấy nhớ rằng Thiên Chúa không bỏ sót một hành vi sai trái nào của họ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu để mọi thành phần Dân Chúa biết cảnh giác trước sự lôi cuốn của Mam-môn và cuơng quyết không làm nô lệ cho Của Cải Vật Chất.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân lớn bé già trẻ không coi nhẹ những việc nhỏ trong đời sống đức tin vì trung tín trong việc nhỏ thì mới trung tín trong việc lớn.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người/thế lực đàn áp, bóc lột người dân nghèo để họ biết nghe theo tiếng nói lương tâm là tiếng nói của chính Thiên Chúa mà thay đổi cách sống.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sàigòn ngày 08.09.2016