Vườn Nho Thiên Chúa | NVT
SUY NIỆM TIN MỪNG
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A
(Mt.20,1-16a)
****
VƯỜN NHO THIÊN CHÚA
1Khi ấy Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” 5Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” 7Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” 8Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” 9Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12″Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” 13Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” 16Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
_____________
SUY NIỆM
VƯỜN NHO THIÊN CHÚA
1. Mọi người cùng làm việc.
Ngay từ buổi ban đầu tạo dựng, Thiên Chúa muốn mọi người đều làm việc.
“Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai.” (St.2,15).
Làm việc đó là bổn phận và trách nhiệm của con người đối với xã hội. Thời Tân Ước, Chúa Giê-su cũng đã dạy con người phải làm việc bằng tất cả khả năng của mình. Đó là phải làm việc để sinh lợi những gì Thiên Chúa đã giao phó.
“Nước Trời giống người kia sắp đi xa, gọi đầy tới đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi” (Mt.25,14-32).
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay mở mắt cho thế nhân về tình yêu của Thiên Chúa “khác hơn” những gì chúng ta suy nghĩ hay hành xử với nhau. Tình Yêu ấy được ví như hình ảnh một ông chủ vườn nho đi tìm mướn người làm việc. Đòi hỏi trước tiên của ông chủ vườn nho là con người phải siêng năng làm việc. Ông không muốn ai là người “ở không”.
Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. (Mt.20.3).
Ông kiên nhẫn tìm những người đang ở không kêu gọi họ làm việc. Ông tạo điều kiện cho họ làm việc. Ông không giúp đỡ họ bằng cách “bố thí, cho không”, nhưng ông mướn họ làm việc. Dường như quan niệm “ở không nhưng là đầu cội rễ mọi sự dữ” phổ biến mọi nơi !
Ông “mướn người làm việc” một cách thật “hào phóng”, không so đo, tính toán hơn thiệt. Thường tình, khi người ta mướn người làm, họ đặt trọng tâm ở “lợi nhuận” của mình, còn ở đây, có vẻ như ông không quan tâm đến chuyện đó. Có một điều gì rất khác thường nơi ông chủ vườn nho này. Cách làm việc của ông thật không “kinh tế” chút nào! Không ai mướn người làm công một cách dễ dãi như vậy, Trừ khi…
Trừ khi… Ông mướn họ vì ông “chạnh lòng thương” họ, vì họ đang “bơ vơ” không có nơi làm việc, họ thất nghiệp!
Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”(Mt.20.6-7)
Họ thất nghiệp, họ không tìm được việc làm để sống. Đó là dấu hiệu của sự thiếu thốn, và sẽ đi đến bất hạnh. Ở đây, ta tìm thấy tình thương âm thầm trong đáy lòng của ông chủ vườn nho. Nó rất gần với hình ảnh của Chúa Giê-su nhìn thấy dân chúng lạc lỏng, bơ vơ.
“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt.9,36).
Tình thương ấy cuối cùng bộc lộ rõ rệt và công khai, khi ông chủ trả lương cho những người làm công, kẻ trước người sau, đều bằng nhau.
Vì sao ông chủ vườn nho lại hành động như vậy ? Giản dị, vì tình yêu thì không hề có tính toán, không hề có ranh giới.
“Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt.20,15).
2. Mỗi cuộc đời có một cuộc hành trình riêng.
Ông chủ vườn nho đã đối mặt với sự phản đối của những người “đến trước”. Những người làm công đến trước là những người “làm việc đúng theo hợp đồng”, là những người đủ tiêu chuẩn để nhận tiền công một ngày một quan tiền.
Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.(Mt.20,2).
Những người đến sau không đủ tiêu chuẩn một ngày làm việc, sao họ lại có thể nhận tiền công bằng với người đã làm trọn một ngày công vất vả ?
Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.”(Mt.20.7).
Họ không vào được vườn nho làm việc, vì không được ai mướn. Không ai cho họ một cơ hội làm việc. Họ muốn mà không được. Thế là họ “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt.9,36).
Ông chủ nhân từ thấu suốt tấm lòng của họ. Khoảng trống thời gian lạc lỏng của họ. Lòng họ ước muốn vào vườn nho, sẵn sàng vào vườn nho, có lẽ, đối với ông, xem như họ đã làm vườn nho cho ông rồi.
Trong trường hợp này, thước đo công việc không phải là thời gian, mà là thiện chí.
Có một khoảng thời gian con người “lạc lỏng, bơ vơ”, họ rất cần được “chạnh lòng thương” để được bước vào vườn nho Thiên Chúa.
Cũng như đối với Đức Tin, “vô tri bất mộ”, làm sao tin được vào Chúa Giê-su khi người ta chưa bao giờ được nghe về Chúa Giê-su ?
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? (Rm.10,14).
Làm sao người ta tôn thờ Thiên Chúa đúng với hình ảnh Thiên Chúa là, nếu người ta chưa hề biết đến Tin Mừng.
Khi thánh Phaolô đi rao giảng Tin mừng ở thành Athena, Ngài thấy có bàn thờ kính thần Vô Danh. Có nghĩa là họ tôn thờ và cầu khẩn một vị thần mà họ không biết: Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị (Tđcv 17,23).
Hơn thế nữa, mỗi người sinh ra và lớn lên trong một môi trường giáo dục riêng. Biết bao sự khác biệt. Khả năng, sở thích, điều kiện sinh sống…
Trong tác phẩm bất tử Quo Vadis của văn hào Nobel HENRYK SIENKIEVICH, chúng ta có thể thấy cuộc hành trình Đức Tin của đại tướng La Mã Vinixius khi gặp cô gái Ligia thật là trắc trở !
Trong một đế quốc La-mã ngập đầy thần thoại với cuộc sống bạo lực mạnh được yếu thua và những thú hoan lạc thể xác không còn bờ bến, thì việc tìm đến niềm tin của người Công Giáo của một vị tướng La-Mã như Vinixius thật cam go ! (Ảnh phim Quo Vadis: Vinixius và Ligia)
1. Phải ! – Vinixius đáp, – niềm vui sướng của các người là Chúa Ki-tô, nhưng tôi, tôi không thể hiểu chuyện đó.
2. (…) Song, xin nàng hãy trả lời một câu hỏi khác của tôi: nàng có thấy hạnh phúc không? Có! – Ligia đáp, – Thuận theo Đấng Ki-tô em không thể không hạnh phúc.Vinixius nhìn nàng dường như điều nàng vừa nói vượt hoàn toàn ra ngoài khuôn khổ lý trí con người. (Ảnh phim: Phê-rô chứng hôn cho Vinixius và Ligia trong tù).
3. (…) Vinixius còn quỳ mãi bên nàng, đắm chìm trong cầu nguyện. Linh hồn chàng tan ra trong một tình yêu vô biên, khiến chàng quên đi tất thảy. Ông Teoklex vài lần bước vào buồn ngủ, mái đầu của nàng Eunixe hiện ra mấy lần từ sau chiếc rèm được hé, cuối cùng lũ sếu được nuôi trong vườn bắt đầu kêu lên báo hiệu một ngày mới đến, nhưng chàng vẫn còn ôm chân Đức Ki-tô trong tâm tưởng, không nghe và không thấy những gì đang diễn ra chung quanh, với con tim đã biến thành một ngọn lửa tận hiến đầy hàm ơn, say sưa trong ngưỡng mộ, khiến chàng còn sống mà như đã được lên trời nửa phần.
Con người không bằng nhau trong nhiều lãnh vực, thì khoảng cách của suy nghĩ và hành động cũng rất xa nhau. Và, như thế, kết quả của việc làm cũng rất khác nhau. Thành công và thất bại, giàu có và khốn cùng, vinh quang và ô nhục… làm sao như nhau được ?
Có thể nào lấp đầy hố sâu ngăn cách đó không ?
– Có, khi mọi người làm công bước vào “Vườn Nho Thiên Chúa”.
3. Vườn nho theo ý muốn Thiên Chúa.
Một vườn nho mà ông chủ nhân từ muốn mọi người tận tình làm việc, cho chính mình và cho nhau trong tình yêu thương chia sẻ.
Và, họ chỉ có thể làm được điều đó khi nhận ra được tình yêu cao cả của ông chủ nhân từ – Tình Yêu Thiên Chúa.
“Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt.20,15).
Vườn nho Thiên Chúa cũng chính là đại gia đình nhân loại. Ở đó, sự ganh tị được thay thế bằng một tình yêu khác hơn sự quy định của con người. Vì mục tiêu của vườn nho ấy không phải là thu tóm những lợi lộc của trần gian, mà là tập họp những người con của Thiên Chúa.
Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (Lc.15,11-32).
Thế nên, mục đích cuối cùng là tất cả mọi người đều được sống, sống dồi dào, sống hạnh phúc. Chính vì thế, trong vườn nho Thiên Chúa, không phải chỉ có sự tính toán sòng phẳng, công bằng, mà hơn thế nữa, cao cả hơn, thách đố hơn, đó là sự chia sẻ trong tình liên đới yêu thương.
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. (35) Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (36) Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”. Mt.25,34-40).
4. Vườn nho thế giới hôm nay.
Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy rất rõ ràng khoảng cách giữa người và người với nhau thật quá xa !
Kẻ quá giàu, người quá nghèo. Kẻ thừa mứa bỏ đi, người túng cùng chết đói.
Kẻ quá cao sang, người quá rách rưới. Kẻ lên tột cùng địa đàng hạnh phúc, người xuống tận cùng địa ngục khổ đau…
Có một sự sòng phẳng đến lạnh lùng của thế giới kim tiền, và giấc mơ thật khó thành hiện thực về sự chia sẻ và đồng hưởng của thế giới tình thương.
Sự công bằng mà không có tình thương, đó là sự công bằng của thần chết. Nó không có sự cảm thông, sự nâng đỡ, sự bổ túc, sự hòa quyện vào nhau. Nó là sự phân chia nát vụn, đổ vỡ.
Thật đau xót, hình ảnh của nhà phú hộ và người nghèo khó La-gia-rô trong Tin Mừng hơn 2000 năm trước đây, vẫn tồn tại, và phổ biến cách đáng kinh ngạc, cho thấy sự lạnh lùng trước đồng loại trong thế giới hôm nay thật đáng sợ đến thế nào !
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”. (Lc.16,19-31).
Có những tiếng nói vang lên tựa hồ như “tiếng kêu trong sa mạc” mong đánh thức lòng trắc ẩn của con người ! Một thế giới vô cảm và lạnh lùng trước những an nguy và đau thương của đồng loại.
Mahatma Gandhi đã nói: “Thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi nguời, nhưng thế giới không có đủ cho lòng tham của mọi người.”
Tất nhiên, ai cũng cần và có quyền tạo cho mình một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Nhưng, với người Công Giáo, Giới Luật Yêu Thương vẫn là ánh sáng và là con đường cho chúng ta tìm về hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng ta.
“Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô”.(Pl.1,27a).
Lạy Chúa,
Xin xua khỏi lòng con sự ganh tị hẹp hòi,
Xin cho suối nguồn tình yêu của Thiên Chúa
chảy vào mọi ngỏ ngách tâm hồn con,
để con biết quan tâm đến đồng loại,
vì Sáng Danh Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG
**********
Bài có liên quan: Câu chuyện Con Cá Hô Vàng