Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Điều kỳ diệu của cuộc sống

Ronald Rolheiser, 2007-01-21

Trong thời gian làm luận án tiến sĩ, tôi có đặc ân khi được nhà triết học và thần học Bỉ lỗi lạc Jan Walgrave đỡ đầu. Một ngày nọ, khi đang thảo luận một điểm triết học, ông hỏi tôi: “Anh có bao giờ ngồi trên chiếc ghế công viên và tự hỏi: Tại sao có một cái gì đó thay vì không có gì cả không?” Phải công nhận là tôi chưa từng đặt câu hỏi đó, ít nhất là cũng không hay đặt.

“Vậy anh không phải là triết gia rồi!” ông nhẹ nhàng nói. “Một triết gia đúng nghĩa phải đặt câu hỏi này hằng ngày vì đó là điều kỳ diệu cho bất cứ cái gì hiện hữu.”

Trước đó thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người như Walgrave, những triết gia thứ thiệt mà tôi biết rõ hơn là những người tự cho mình là triết gia trong nhóm họ. Triết gia thứ thiệt cũng như các nhà thần bí, thi sĩ, nghệ sĩ là hiếm thấy. Bản tính tự nhiên của tôi hơi quá thực dụng không thể được liệt vào trong số họ. Cũng như hầu hết những người không phải là triết gia, sai lầm ở đây là tôi thường cho thế giới và tất cả mọi sự trong thế giới này đều là chuyện đương nhiên phải có. Tuy nhiên, để tồn tại một cách đúng nghĩa trong thế giới này, chúng ta không thể cho sự hiện hữu là điều hiển nhiên, nhưng chúng ta phải sống với ý nghĩ là mọi sự đều là món quà tặng, một món rất quý mà cũng rất mong manh. Chúng ta có mặt ở đây là cả một phép lạ!

Một trong những điều có thể giúp chúng ta hiểu thấu điều này là nền khoa học đương thời, đặc biệt là khoa học nói về nguồn gốc vũ trụ. Khoa học, cũng như thần học, đều nói rằng chúng ta không ở đây mãi mãi và không nên cho sự kiện chúng ta có mặt ở đây là hiển nhiên. Tại sao lại không?

Khi xem xét giả thuyết khoa học đương thời về nguồn gốc vũ trụ (thuyết Vụ Nổ Lớn), người ta nhận ra đó là một điều kỳ diệu, một điều gì đó vượt xa trí tưởng tượng của con người, rằng có một cái gì đó thay vì không có gì cả.

Khoa học ngày nay cho chúng ta biết vũ trụ có một ngày sinh. Khoảng chừng mười lăm tỷ năm về trước đã có một thời kỳ zero, thời kỳ khi mọi thứ trong vũ trụ như chúng ta thấy bây giờ chưa tồn tại. Mọi thứ bây giờ trong toàn bộ vũ trụ đã bắt đầu hình thành khoảng mười lăm tỷ năm về trước bằng vụ nổ lớn (big bang) từ một cái gì đó mà có lẽ còn nhỏ hơn cả một nguyên tử đơn lẻ. Hơn nữa, để hình thành vũ trụ, thế giới và cuộc sống con người đã kết hợp nhiều nhân tố hợp lý một cách “lạ lùng”. Tôi dùng từ “lạ lùng” bởi vì khi xem xét các yếu tố này, chúng ta cũng thắc mắc như các triết gia thắc mắc, vì sao có một cái gì đó thay vì không có gì cả. Cho phép tôi liệt kê ra đây một vài điều lạ lùng này:

Trước hết, như Stephen Hawking viết, “Nếu tốc độ giãn nở một giây sau vụ Nổ Lớn thấp hơn một phần một trăm ngàn triệu, thì mọi thứ sẽ co lại và chúng ta sẽ không có vũ trụ nào cả. Ngược lại, nếu tốc độ giãn nở một giây sau vụ Nổ Lớn lớn hơn một phần một triệu, vũ trụ sẽ giãn nở quá nhanh nên các hành tinh không thể hình thành. Sự thăng bằng đó (cái mà sự hiện hữu của chúng ta trong vũ trụ này phải phụ thuộc vào), cho đến ngày nay, vẫn được duy trì trên cùng ranh giới mong manh đó.

Thứ hai, nếu lực hạt nhân gây ra bởi vụ Nổ Lớn này hơi yếu hơn một chút thì vũ trụ chỉ có khí hy-đro thôi. Còn nếu mạnh hơn một chút, tất cả hy-đro sẽ chuyển thành khí heli. Chỉ một trong hai xảy ra là chúng ta không có vũ trụ, hành tinh trái đất, và cuộc sống con người như hiện nay. Hơn thế nữa, vụ nổ chỉ mạnh đủ để cho cácbon hình thành; tuy nhiên chỉ cần mạnh hơn chút nữa, tất cả cácbon sẽ biến thành ôxy. Thêm nữa, nếu có thay đổi chỉ một phần một triệu thôi, chúng ta đã không có trái đất và sự sống.

Cuối cùng, ở những giây đầu tiên sau vụ nổ lớn, với mỗi một tỷ anti-proton trong vũ trụ, có một tỷ lẻ một proton. Các cặp tỷ này hủy lẫn nhau để sinh ra bức xạ, nhưng vẫn còn sót lại một proton. Nếu có một số lượng proton sót lại lớn hơn hay nhỏ hơn (hoặc sẽ không có proton nào sót lại nếu tất cả đều như nhau) và, lại một lần nữa, chúng ta sẽ không có vũ trụ nào cả. Và, để làm nổi bật sự dị thường này, bình thường sẽ có một sự cân bằng đối xứng hoàn hảo giữa các hạt (một tỷ proton cho một tỷ antiproton). Nhưng tại sao lại có một tỷ lẻ một hạt?

Và rồi là cái phức tạp tối hậu sinh ra bởi vụ nổ lớn này! Chẳng hạn có hàng trăm tỷ tỷ khớp thần kinh (các điểm của các dây thần kinh nối nơ-rôn này qua nơ-rôn khác) trong não bộ con người và số lượng các cách khác nhau để nối các khớp thần kinh này lớn hơn số nguyên tử có trong vũ trụ.

Nhìn vào tất cả điều này, cái cơ may trùng hợp của hàng tỷ tỷ các khả năng đã  trở nên hợp lý một cách chính xác cho vũ trụ và sự sống phát sinh, điều mà ngay cả Stephen Hawking cũng công nhận, “có những liên hệ kéo theo mang tính thần học.”

Jan Walgrave đã định nghĩa các “liên hệ kéo theo mang tính thần học” đó như thế này: “Lần sau khi bạn ngồi trên chiếc ghế công viên và nhìn vào một cái cây hay đôi mắt của ai đó mà bạn yêu thương, bạn nên để lòng mình tràn ngập lòng biết ơn điều diệu kỳ của vạn vật và bạn nên tự hỏi: Tại sao có một cái gì đó thay vì không có gì cả?”

J.B. Thái Hòa dịch

Bài liên quan

Back to top button