Bí mật và xưng tội: “Bí tích hòa giải có thể là một công cụ chống lại các vụ lạm dụng”
by Phanxicovn
Đức Phanxicô trong ngày giải tội ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 23 tháng 4 năm 2016
lacroix.com, linh mục thần học gia Dòng Tên Hans Zollner, 2021-11-15
Linh mục thần học gia Dòng Tên Hans Zollner, bài này được đăng lần đầu bằng tiếng Anh trên The Tablet.
Diễn đàn. Tranh luận nhanh chóng được đưa ra ngay sau khi báo cáo Sauvé công bố (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp), nguy cơ Nhà nước can thiệp vào quyền bất khả xâm phạm của ấn tín tòa giải tội là rất khả thể. Để tránh điều này, linh mục thần học gia, Dòng Tên Hans Zollner đề nghị các cha giải tội cần được hướng dẫn tốt hơn về vấn đề này.
Báo cáo Sauvé gần đây về tình trạng lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp đặt ra vấn đề như sau các lần công bố các báo cáo tương tự ở Úc, Ai-len, Mỹ, Đức và các nơi khác: Có nên buộc linh mục giải tội khi nghe một vụ lạm dụng tình dục phạm trên trẻ em báo cáo cho chính quyền thế tục hay không?
Nếu Giáo hội Công giáo không mong chờ luật của mình được đặt cao hơn luật của Quốc gia thì những toan tính bỏ ấn tín tòa giải tội đặt vấn đề căn bản về tự do tôn giáo và lương tâm. Cũng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy việc dỡ bỏ ấn tín tòa giải tội sẽ ngăn chận được các vụ lạm dụng.
Như tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã tuyên bố sau khi báo cáo Sauvé công bố: “Vì thế một công việc cần phải làm là dung hòa bản chất bí tích giải tội và sự cần thiết phải bảo vệ trẻ em.”
Điều này thật không dễ dàng khi cuộc thảo luận mang tính cảm tính và vẫn còn nhiều hiểu lầm về bản chất của bí tích giải tội trong Giáo hội Công giáo. Điều 983 § 1 của Bộ Giáo luật cho “ấn tín giải tội” một định nghĩa rõ ràng nhất có thể: “Bí mật bí tích là bất khả xâm phạm; đó là lý do vì sao tuyệt đối cấm người giải tội không được phản bội hối nhân bằng bất cứ cách nào, và vì bất kỳ lý do gì.”
Một linh mục không thể phá vỡ ấn tín tòa giải tội để cứu mạng sống của chính mình, để bảo vệ danh dự của mình, để cứu mạng người khác hoặc để hỗ trợ công lý. Các linh mục vi phạm ấn tín giải tội tự động bị vạ tuyệt thông.
Những chuyện người xưng tội không thể nói ở bất cứ nơi nào khác
Do đó bí mật tuyệt đối tòa giải tội giải thích vì sao giáo dân cảm thấy thoải mái khi xưng tội, mà họ sẽ không nói ở bất kỳ một nơi nào khác. Một số người xem việc Giáo hội khăng khăng về tính bất khả xâm phạm của bí mật giải tội là xác nhận việc xưng tội không đặt an toàn và hạnh phúc con cái mình lên trên hết. Đôi khi người ta còn cho rằng, thủ phạm các vụ lạm dụng tình dục có thể đi xưng tội, sau đó họ được tha tội, rồi họ lại tiếp tục đi lạm dụng mà không phải chịu bất kỳ một hậu quả nào.
Đúng là một số nạn nhân bị lạm dụng đã bị gạ gẫm và / hoặc bị lạm dụng trong bối cảnh của tòa giải tội – một tội rất nghiêm trọng (tội ác, crime) trong giáo luật. Và cũng đúng trong nhiều thế kỷ, các linh mục đã bị tra tấn, bị tử đạo vì từ chối tiết lộ bí mật tòa giải tội theo yêu cầu của các chế độ tàn bạo. Gánh nặng xúc cảm của ấn tín tòa giải tội rất mạnh ở cả hai phía, lại thêm có các vấn đề rất tế nhị như xấu hổ, đời sống riêng tư và trách nhiệm cá nhân.
Có lẽ sẽ hữu ích nếu nêu lên một vài khác biệt và cung cấp một số thông tin làm rõ. Thứ nhất, những người xưng về việc lạm dụng trong tòa giải tội, họ có thể là thủ phạm, là nạn nhân của lạm dụng, hoặc những người biết có vụ lạm dụng do người khác làm; và trong từng trường hợp của ba trường hợp này, việc lạm dụng có thể đã xảy ra nhiều năm, thậm chí hàng chục năm hoặc vẫn đang tiếp diễn. Một vài ý tưởng đã ăn sâu về việc xưng tội hoàn toàn là sai lầm. Ngoại trừ các tuyên úy nhà tù, rất ít khả năng một linh mục nghe một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em đi xưng tội. Chỉ có một linh mục nói với tôi, cha có nghe một người tấn công tình dục đi xưng tội – và chỉ có một lần.
Người Công giáo không thường xuyên đi xưng tội
Dường như có ý kiến cho rằng người Công giáo thường đi xưng tội. Trên thực tế, ngay cả ở các thành phố ngày nay, rất khó để tìm thấy một nơi mà người công giáo có thể đi xưng tội. Và nhiều người không nhận ra, chung chung linh mục không biết người đi xưng tội là ai và không thể buộc người đó tiết lộ danh tính của mình. Chính vì sự ẩn danh được đảm bảo mà giáo dân đi xưng tội. Nếu không còn được bảo đảm ẩn danh, sẽ có rất ít người tiếp tục đi xưng tội và chắc chắn không có nguy cơ nào để bị bắt giữ. Và nếu có trường hợp người đi xưng tội với linh mục họ biết, vì tình cờ hay vì chọn lựa, thì cũng rất ít khả năng họ thú nhận bất kỳ hành vi lạm dụng nào, và nhiều khả năng họ che giấu tội ác của mình đằng sau những câu nói cố tình che đậy.
Những người muốn xóa ấn tín tòa giải tội trong các trường hợp lạm dụng trẻ em hoặc các tội nghiêm trọng khác cho rằng, nên bắt buộc linh mục biết được hành vi lạm dụng phải báo cáo, cũng giống như trường hợp của các bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý hoặc các chuyên gia khác. Các luật hiện hành về việc bắt buộc báo cáo lạm dụng rất khác nhau giữa các quốc gia và thậm chí cũng trong các tiểu bang của cùng một quốc gia, thường có một số quyết định về trường hợp mà người biết vụ lạm dụng phải báo cáo và họ phải báo cáo cho ai.
Một nạn nhân trưởng thành của lạm dụng tình dục cho tôi biết, rất nhiều nạn nhân cảm thấy tội lỗi và cảm thấy cực kỳ khó khăn khi lần đầu tiên nói về những điều không thể nói ra. Họ sợ nếu họ không thể tuyệt đối tin chắc những gì nói trong tòa giải tội sẽ được giữ kín, thì họ sẽ mất một trong những nơi an toàn hiếm hoi nhất để bắt đầu nói về một kinh nghiệm lạm dụng”.
Linh mục giải tội phải làm mọi cách để thúc giục kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình
Tha tội – tha thứ tội lỗi – phải đi kèm với việc đáp ứng các điều kiện để có một lời xưng tội hợp lệ: chân thành ăn năn, xưng tội rõ ràng, bằng lòng thích đáng. Không thể xá giải nếu còn nghi ngờ bất kỳ điều kiện nào trong số các điều kiện này. Nói cách khác, trong trường hợp người đi xưng tội thú nhận phạm tội lạm dụng, nếu người đó không có dấu hiệu ăn năn chân thành và không có ý muốn sửa chữa những thiệt hại đã xảy ra, thì cha giải tội phải từ chối xá giải.
Tuy nhiên, theo giáo huấn Giáo hội, ấn tín không thể bị tiết lộ dù linh mục giải tội biết có vụ lạm dụng hay một tội ác nghiêm trọng khi xưng tội, thậm chí không hội đủ điều kiện để được ban phép hòa giải. Đó là lý do chẳng hạn vì sao một giám đốc chủng viện không giải tội cho một chủng sinh, để ông có thể tự do phát biểu trong các cuộc thảo luận về khả năng cố vấn khi đề nghị ứng viên phong chức, để ông không bị xâm phạm ấn tín tòa giải tội.
Mặc dù theo giáo luật, việc xá giải không thể bị ràng buộc với một điều kiện nào như trình báo tội phạm với cảnh sát, người giải tội phải làm mọi cách trong khả năng của mình để thuyết phục kẻ tấn công chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Điều này kể cả việc cố gắng gặp họ ngoài tòa giải tội, ở một nơi mà linh mục có thể đương sự nói lại về tội ác đã gây ra và xin đương sự tự nộp mình trước pháp luật. Tương tự như vậy, nếu một nạn nhân đến xưng tội, linh mục giải tội có thể đề nghị gặp người đó bên ngoài tòa giải tội, hay cho người đó biết, họ có thể được hỗ trợ và lời khuyên thêm của các nhà trị liệu và luật sư.
Ấn tín tòa giải tội không bảo vệ những kẻ tấn công
Nếu Giáo hội không thể giải thích rõ hơn lý do vì sao Giáo hội bảo vệ những kẻ tấn công, những tội phạm nghiêm trọng khác trước công lý – vì sao ấn tín tòa giải tội có thể giúp bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương – thì các nhà lập pháp các Quốc gia có thể nhắm đến tính bất khả xâm phạm của ấn tín tòa giải tội.
Do đó, tôi đề nghị nếu Giáo hội làm hơn nữa để giúp các linh mục giải tội là những người thấu cảm, cũng như là người truyền đạt uy tín cho giáo huấn đạo đức của Giáo hội, thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn, bí tích hòa giải có thể là công cụ trong cuộc chiến chống lạm dụng, rằng và điều này sẽ dẫn đến sự tin tưởng nhiều hơn vừa cho các linh mục giải tội, vừa cho tiến trình và sự hiểu biết về chính bí tích hòa giải.
Tôi đề nghị Tòa thánh xem xét ban hành một hướng dẫn mới cho các cha giải tội, nhắc lại nghĩa vụ tuân thủ các luật liên quan đến việc báo cáo lạm dụng bên ngoài tòa giải tội và cũng tái khẳng định ấn tín tòa giải tội. Trách nhiệm cá nhân của người giải tội là điểm cốt yếu. Điều này bao gồm yêu cầu thủ phạm chấm dứt hành vi lạm dụng, họ phải báo cáo với cơ quan pháp luật và tìm kiếm sự trợ giúp điều trị. Và để đảm bảo sự xá giải cho tội lạm dụng chỉ có thể được đưa ra nếu có chân thành ăn năn và cho thấy ý chí muốn sửa chữa điều đã làm sai.
Hướng dẫn cũng nêu rõ rằng, trong trường hợp nạn nhân cho biết mình đã bị lạm dụng, linh mục giải tội nên lắng nghe họ với sự đồng cảm và tôn trọng. Sau đó, linh mục có thể đề nghị gặp đương sự bên ngoài tòa giải tội, khuyến khích nạn nhân gặp các nhà trị liệu và các luật sư. Phải dự trù có một tháp tùng đầy đủ vì rất nhiều nạn nhân lần đầu tiên nói về hành vi lạm dụng cảm thấy khá khó chịu khi kể lại chuyện này, đặc biệt nếu việc này mở đường cho việc truy tố.
Sự đào tạo ban đầu và thường huấn cho các cha giải tội
Cũng cùng một chỉ dẫn phải xác định ai là các cha giải tội có thể tìm đến để làm rõ và tư vấn, và chỉ rõ họ nên hỏi xem những người nào có thể giúp tiếp xúc với nạn nhân và những ai cần: những thủ tục nào phải được cha giải tội theo dõi khi có một người – nạn nhân hay kẻ tấn công – chấp nhận một cuộc gặp bên ngoài tòa giải tội để làm rõ thêm; và loại đào tạo ban đầu và thường huấn, nâng đỡ và tháp tùng các cha giải tội phải nhận để có thể đối diện với các nguyên tắc luân lý và luật pháp đôi khi mâu thuẫn với nhau.
Chủ đề bên cạnh của cuộc tranh luận về ấn tín tòa giải tội là quan hệ giữa Quốc gia và Giáo hội Công giáo và các tổ chức tôn giáo khác trong một Nhà nước thế tục và tự do. Do tai họa lạm dụng tình dục của giáo sĩ và do xác tín, ở Âu châu và Bắc Mỹ, cho rằng các Giáo hội đã không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề trong nội bộ, thì càng ngày càng có cảm nhận Nhà nước phải can thiệp.
Tình hình này tạo căng thẳng giữa Giáo hội và Nhà nước đòi hỏi phải có sự điều hướng cẩn thận giữa việc tôn trọng các quyền lực thực thi pháp luật của Nhà nước và quyền tự do tôn giáo. Một thế tục lành mạnh nhận ra có một cám dỗ để các Quốc gia “đi quá xa” khi đó là trường hợp của các cộng đồng tôn giáo, trong khi một Giáo hội lành mạnh biết cách trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da.
Ấn tín tòa giải tội tạo một không gian thiêng liêng, nơi đó hối nhân hoàn toàn tự do trình bày với Thiên Chúa tất cả những gì của lương tâm mình và đó là nơi, nếu họ ăn năn hối lỗi, họ có thể tìm thấy sự tha thứ, hòa giải và chữa lành. Sự việc ấn tín tòa giải tội, trong quá khứ đã là nơi lạm dụng và có các tội ác khác, không nên là lý do để dẫn đến việc loại bỏ dòng ân sủng này.
Nhưng những câu hỏi phức tạp đặt ra về chủ đề này phải được tiếp cận một cách nhạy cảm và dựa trên những lập luận hợp lý, trong bối cảnh quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Giáo hội và Nhà nước. Có lẽ đã đến lúc Giáo hội phải công bố những hướng dẫn rõ ràng hơn về việc thực thi bí tích hòa giải, để các hối nhân, linh mục giải tội và những người bên ngoài Giáo hội hiểu rõ hơn, như một nơi an toàn, chữa lành và công lý.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch