Chúa Giêsu ở Jordan: Từ Gadara đến địa điểm rửa tội
Warning: Undefined array key "file" in /www/wwwroot/canhdongtruyengiao.net/wp-includes/media.php on line 1763
Tri Khoan chuyển ngữ
Jordan Tourism Board N.A. | 15/02/22
Bằng cách theo sát trình thuật trong Tin mừng theo Thánh Máccô, chúng ta có thể khám phá ra những con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua ở Jordan.
Thị trấn Umm Qais đánh dấu điểm khởi đầu của Đường mòn Jordan, một tuyến đường đi bộ dài gần 700km xuyên Jordan từ bắc xuống nam. Thị trấn miền tây bắc này là quê hương của di tích thành cổ Gadara, một thành phố từng được biết đến là trung tâm quan trọng của tư tưởng triết học (chủ yếu thuộc phái Khuyển nho và chủ nghĩa Khoái lạc), nhưng chủ yếu là nơi diễn ra các phép lạ của Chúa Giêsu: Trừ quỷ Gadara, cũng còn được gọi là Phép lạ Đàn heo Gadara, hay Trừ quỷ.
Nhiều du khách lái xe khoảng 1 giờ đến thị trấn Umm Qais từ thủ đô Amman của Jordan để đến thăm khu di tích thành cổ Hy lạp được bảo tồn rất tốt (hý trường hình tròn, cardo maximus, và nhiều cây cột bằng đá cẩm thạch cổ đại vẫn còn tồn tại) và thưởng lãm toàn cảnh rất ấn tượng. Từ một trong những bậc thang của hý trường, vẫn còn được lát bằng đá cuội nguyên thủy của Hy Lạp và La Mã, chúng ta nhìn thấy Biển Galilê phía bên kia thung lũng Sông Yarmouk. Theo ba Tin mừng Nhất lãm, chính từ một trong những bậc thang này Chúa Giêsu đã ra lệnh cho tên quỷ đang hành hạ người đàn ông xuất khỏi anh ta và nhập vào đàn heo. Đàn heo, theo Tin Mừng Máccô, “có chừng hai ngàn con” (x. Mc 5, 13), “từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.”
Được những người Hy Lạp thuộc Macedonia của Alexander Đại đế thành lập như một thuộc địa quân sự trên khu phế tích của một thuộc địa quân sự đã có từ trước, Gadara bảo tồn các đường phố và nhà hát La Mã nguyên thủy của nó, và dấu tích còn lại của một nhà thờ Byzantine cổ đại.
Bất kỳ hướng dẫn viên du lịch nào cũng sẽ chỉ cho du khách địa điểm chính xác nơi truyền thống cho rằng đàn heo đã bắt đầu lao xuống núi, nhìn ra biển nơi Chúa Giêsu đã đi thuyền. Nó cũng chính là địa điểm nơi dân chúng nhìn thấy Chúa Giêsu bên cạnh người đàn ông đã bị quỷ ám, bây giờ “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo” (x. Mc 5, 15).
Theo một cách nào đó, việc rao giảng Tin mừng giữa những người Dân ngoại bắt đầu ở Gadara, thuộc Decapolis (liên minh gồm mười thành cổ Hy Lạp được thành lập sau cuộc chinh phục khu vực này của người La Mã). Một số học giả, gồm cả N.T. Wright khẳng định rằng vị tông đồ đầu tiên của Dân ngoại không phải là Thánh Phaolô, mà là người đàn ông Chúa Giêsu đã gặp ở nơi ngày nay thuộc vùng tây bắc Jordan. “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.”
Chỉ vài dặm về phía nam
Xuôi theo Con đường Biển Chết, thậm chí cách Amman không đầy một giờ, chúng ta đến Al-Maghtas, nơi chính thức được biết đến là Bethany Beyond the Jordan, địa điểm Chúa Giêsu chịu phép rửa. Khu vực Di sản Thế giới khảo cổ đặc biệt này theo truyền thống được xem là vị trí ban đầu nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu, và được tôn kính như vậy kể từ đó, ít nhất là từ thời Byzantine. Những chứng thực như của Theodosius the Cenobiarch (một tu sĩ, tu viện trưởng, và vị thánh thời sơ khai), ủng hộ những gì Tòa Thượng phụ Latinh và UNESCO đã cùng tuyên bố rằng: Bethany Beyond the Jordan là nơi Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu Kitô. Văn bản của Theodosius viết:
“Cách Biển Chết 5 dặm về phía bắc, tại nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa có một cây cột duy nhất, và trên cột này có gắn một thánh giá bằng sắt, ở đó cũng có nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả do Hoàng đế Anastasius xây dựng.”
Mặc dù cây cột đánh dấu chưa được tìm ra, các di tích khảo cổ và kiến trúc được tìm thấy ở Al-Maghtas (nghĩa là “dìm mình”, theo nghĩa rộng là “phép rửa” ở tiếng Ả-rập) phù hợp với miêu tả của Theodosius. Đây cũng là khu vực Thánh Gioan Tẩy Giả, người anh họ của Chúa Giêsu, đã sống và làm thừa tác vụ, và là nơi truyền thống khẳng định rằng tiên tri Êlia đã được cất lên trời. Giống như Gadara, địa điểm này đầy những điểm tham khảo, truyền thống, và lịch sử trong Kinh Thánh. Không có gì ngạc nhiên khi nó được xem là thánh địa cho tất cả các tôn giáo thuộc tổ phụ Abraham — và cách riêng cho người Kitô giáo.
Khu vực Di sản Thế giới khảo cổ đặc biệt này theo truyền thống được xem là vị trí ban đầu nơi Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu, và được tôn kính như vậy kể từ đó, ít nhất là từ thời Byzantine.
Chỉ cách Biển Chết 9 km về phía bắc (theo mô tả của Theodosius) địa điểm này bao gồm hai khu đặc biệt. Một là Jabar Mar-Elias (tiếng Ả-rập có nghĩa là “Đồi Êlia”) là nơi tiên tri Êlia lên trời. Vì các Sách Thánh nói rằng tiên tri Êlia sẽ trở lại trước khi Đấng Mêsia đến, khi Gioan Tẩy Giả bắt đầu làm phép rửa cho dân chúng trong vùng, những người làng đến và hỏi ông có phải là Đấng Mêsia hay không. Một trong số nhiều hang động được tìm thấy gần Đồi Êlia được cho là nơi Thánh Gioan đã sống.
Khu vực thứ hai, nơi chúng ta tìm thấy nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả, nằm ở gần sông, là địa điểm rửa tội. Đây là nơi các nhà khảo cổ tìm được tàn tích của một nhà thờ lớn và tu viện thời Byzantine, được xây dựng dưới thời trị vì của Hoàng đế Anastasius (491-518), và là nơi khách hành hương trên khắp thế giới đến để chiêm ngưỡng nơi các Tin mừng khẳng định rằng, sau khi Chúa Giêsu lên khỏi nước, “thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.’” (x. Mt 3:16-17).
- Madaba
Lái xe trên đường King’s Highway nửa giờ về phía nam của thủ đô Amman, chúng ta đến thành phố Madaba, ngày nay là quê hương của khoảng 60.000 người. Thành phố này, từng thuộc về người Moab, người Nabateans, người La Mã, Byzantine, Rashidun và Umayyad trong suốt lịch sử, hiện là nơi sinh sống của cộng đồng Kitô giáo lớn nhất ở Jordan, nói theo tỷ lệ. Nhà thờ Thánh George của Chính thống giáo Hy Lạp ở Madaba, Jordan, không chỉ là nơi có một số ảnh thánh đẹp nhất trong khu vực. Nhà thờ cũng sở hữu Bản đồ Madaba, một bức tranh khảm trên sàn nhà tinh xảo có từ thế kỷ thứ 6, là bức vẽ bản đồ lâu đời nhất về Đất Thánh được bảo tồn cho đến ngày nay.
- Tel Mar Elias, nơi sinh của tiên tri Êlia
Tel Mar Elias, nơi sinh của Tiên tri Êlia, nằm ở Bắc Jordan, trong vùng Gilead trong Kinh thánh. Gần di tích Listib lịch sử (được gọi là Tít-be trong sách Các Vua 1 17: 1), hai nhà thờ Byzantine được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 6, và người ta vẫn có thể nhìn thấy một số tranh khảm còn lại. Tại đây, những người hành hương của ba tôn giáo thuộc tổ phụ Abraham buộc những dải ruy băng đỏ vào một cây sồi, bày tỏ sự tôn kính đối với vị ngôn sứ.
- Bờ Biển Chết thuộc Jordan
Một trong những nét đặc biệt thú vị nhất của Bản đồ Madaba là hình ảnh cho thấy hai con cá bơi đối diện nhau. Một con dường như đang bơi, trong sông Giođan, trở vềtừ phía Biển Chết, trong khi con cá kia đang tiến về phía Biển Chết. Chúng ta đều biết rằng cá không thể sống sót trong Biển Chết. Nó không được gọi là “Biển Chết” cách vô cớ. Hầu hết các nhà sử học và khảo cổ giải thích rằng đây là tượng trưng cho điểm gặp gỡ của người Kitô giáo. Ngày nay, người thuộc mọi tín ngưỡng ở lại vài ngày thư giãn trong nhiều spa và khu nghỉ dưỡng nằm bên bờ biển.
- Sa mạc Wadi Rum
Trước thời kỳ cai trị của Nhà Rashidun, sa mạc Wadi Rum ban đầu thuộc về vương quốc Nabatean, sau đó thuộc về đế quốc La Mã và cuối cùng là của người Byzantine. Rõ ràng, tên gọi hiện nay của nó có từ thời kỳ cuối cùng này: cư dân của sa mạc — chủ yếu là các bộ lạc Bedouin thờ cúng các vị thần của La Mã hoặc đã trở thành người Kitô giáo — đề cập đến các cộng đồng ẩn tu và khổ tu Kitô giáo được thành lập trong khu vực “Rum,” có nghĩa là “người Roma”, một từ ngữ áp dụng cho những người thuộc Đế quốc Đông La Mã (tức là người Byzantine) và người Hy Lạp.
- Biển Đỏ
Trong khi truyền thống cho rằng ông Môsê tiến vào Jodan qua Biển Đỏ ở phía nam, và lên đường về phía bắc đến Núi Nebo, điều mà ông Môsê và anh trai Aaron của ông chẳng bao giờ mơ ước là được đi lặn biển ở Biển Đỏ, và bây giờ là một trong những lý do chính khiến du khách đổ xô đến phía nam thành phố Aqaba. Những rặng san hô tuyệt đẹp đang chờ đợi những ai lao xuống độ sâu của nó, thay vì vượt qua biển.
- Đường mòn Jordan
Được chính thức ra mắt vào tháng Tư năm 2017, con đường mòn này chạy qua các tuyến đường trong Kinh thánh cổ xưa, gần như huyền thoại, cũng như tuyến đường mà người La Mã sử dụng để đi suốt con đường từ phía bắc màu mỡ của Jordan đến phía nam, bắt đầu từ Garada (Um Qais) và qua thành phố Jerash đầy ấn tượng của người La Mã, đến thành phố cảng Aqaba giàu có, ngay bên Biển Đỏ. Kéo dài 400 dặm, Đường mòn Jordan đi qua 52 ngôi làng, bốn loại cảnh quan khác nhau (từ sa mạc cát đỏ lạnh giá đến thung lũng xanh màu mỡ với các dòng nước nóng), và một số tuyến đường hành hương và thương mại cổ đại.
- Petra.
Trái ngược với những gì nhiều người có thể giả định, Petra thực sự là một địa điểm trong Kinh thánh. Tuy nhiên, thành cổ Nabatean không được nhắc đến trong Kinh thánh bằng cái tên đó; đúng hơn nó được gọi bằng tên Sela (Xe-la) theo tiếng Do Thái, trong Isaia 16: 1 và 2 Các Vua 14: 7. Cả hai tên, Petra và Sela, đều có nghĩa là “đá”, rõ ràng chỉ về thực tế phần lớn ngôi thành đáng kinh ngạc này được đục đẽo vào các vách đá sa thạch. Một trong những vách đá này, Jabal Harun, được cho là mộ của ông Aaron. Theo truyền thống Kinh thánh, Petra ở trong vùng đất của người Ê-đôm, hậu duệ của Ê-sau là con trai của Isaac. Hơn 150 sách giấy cói (papyrus) từng được tìm thấy trong Nhà thờ Byzantine nổi tiếng của Petra, được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 2. Bị hỏa hoạn phá hủy vào thế kỷ thứ 7, những di tích của ngôi nhà thờ vẫn còn rất ấn tượng.
- Địa điểm của phép rửa
Được biết đến với cái tên Al-Maghtas (có nghĩa là “dìm mình” và nói rộng ra là “phép rửa” trong tiếng Ả Rập), địa điểm này từ thời Byzantine đã được coi là địa điểm Chúa Giêsu chịu phép rửa, khu vực Thánh Gioan Tẩy giả đã sống và thừa tác vụ, và cũng là nơi Tiên tri Êlia được cất lên trời. Nằm trên bờ đông của sông Gio-đan, cách Biển Chết 9 km về phía bắc, địa điểm khảo cổ này bao gồm hai khu vực: Jabal Mar-Elias (Đồi Êlia) và khu vực nhà thờ Thánh Gioan Tẩy giả ở gần sông. Trong cả hai địa điểm, nhiều di tích của người La Mã và Byzantine được tìm thấy, bao gồm nhà thờ, nhà nguyện và các hang động mà các nhà ẩn tu từng sống.
- Jabal Al-Qal’a, “The Citadel.”
Là một di tích lịch sử ở trung tâm thủ đô của quốc gia, The Citadel tọa lạc trên đỉnh một trong bảy ngọn đồi tạo nên thành phố. Đây là một trong những nơi có người sinh sống liên tục lâu đời nhất trên thế giới: có bằng chứng về con người sống ở đó từ thời kỳ đồ đá mới. Ngọn đồi sau đó trở thành thủ đô của vương quốc Ammon trong Kinh thánh, và sau đó bị chiếm đóng bởi người Babylon, người Ptolemies, người Seleukos, người La Mã, người Byzantine và người Ummayad. Ngày nay, du khách vẫn có thể tham quan những di tích còn lại của ngôi đền Hercules của La Mã chưa hoàn thiện, nhà thờ Byzantine và Cung điện Ummayad.
- Machaerus
Ở phía đông Biển Chết, và cách cửa sông Jordan khoảng 16 dặm về phía đông nam, chúng ta tìm thấy đỉnh đồi nơi từng có cung điện kiên cố Mukawir (“Maxairous” trong tiếng Hy Lạp; “Machaerus” trong tiếng Latinh). Chỉ còn lại một vài cột đá cẩm thạch và những bức tường đá, nhưng từ trên đỉnh đồi, người ta có thể nhìn thấy nhiều hang động nhỏ nơi các nhà ẩn sĩ, ẩn tu, và các tu sĩ đã đục đẽo vào đá sa thạch để sống cuộc đời cầu nguyện trong khu vực gần với địa điểm Thánh Gioan Tẩy giả bị chặt đầu, theo nhà sử học Flavius Josephus.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/2/2022]