Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”
By phanxicovn –
Giáo dân giảm, vai trò của Giáo hội trong xã hội, tình trạng độc thân, tình dục… Thẳng thắn, hồng y Jean-Claude Hollerich giáo phận Luxembourg nói về tương lai Giáo hội công giáo. Theo người được Đức Phanxicô tin tưởng, không phải thay đổi thông điệp nhưng thay đổi cách diễn tả.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-01-20
La Croix L’Hebdo: Cha là tu sĩ Dòng Tên, đã đi truyền giáo ở Nhật, tổng giám mục Luxembourg, hồng y… Cha có luôn đi tìm kiếm Chúa theo cùng một cách không?
Hồng y Jean-Claude Hollerich: Khi còn là linh mục trẻ, tôi đến Nhật, đó là một cú sốc lớn. Vào thời điểm đó, tôi là một thanh niên thấm nhuần đạo công giáo bình dân của Luxembourg. Với các tu sĩ Dòng Tên khác, mỗi người đến từ một môi trường công giáo khác nhau, chúng tôi đến với một mô hình công giáo mà chúng tôi nhanh chóng nhận ra nó không tương ứng với mong chờ của nước Nhật.
Đối với tôi, điều này là một khủng hoảng. Tôi không còn dựa vào tâm tình mộ đạo mà cho đến lúc đó đã tạo nên sự phong phú cho đức tin của tôi, từ bỏ những hình thức mà tôi yêu thích. Tôi phải đối diện với lựa chọn: hoặc tôi từ bỏ đức tin của tôi vì tôi không thể tìm thấy những hình thức đức tin mà tôi đã biết, hoặc tôi bắt đầu một cuộc hành trình nội tâm. Tôi đã chọn cách thứ hai. Trước khi có thể tuyên xưng đức tin này, tôi phải trở thành người đi tìm kiếm Chúa. Tôi nằn nì nói với Chúa: “Chúa ơi, con đang ở đâu? Chúa ơi, Chúa ở đâu, cả trong văn hóa truyền thống và trong nước Nhật hậu hiện đại?”
Mười năm trước, khi về lại Âu châu tôi đã phải bắt đầu lại. Thành thật mà nói, tôi nghĩ tôi đã tìm lại được đạo công giáo mà tôi đã để lại khi còn trẻ. Nhưng thế giới đó không còn tồn tại nữa… Ngày nay, với một châu Âu thế tục hóa, tôi cũng phải làm một bài tập tương tự: đi tìm Chúa.
Ngày nay Âu châu có một lần nữa trở thành vùng đất truyền giáo không?
Có. Từ lâu Âu châu vẫn là miền đất truyền giáo. Luxembourg thời trẻ của tôi hơi giống Ai-len, với những đám rước kiệu lớn, lòng mộ đạo bình dân mạnh mẽ… Khi tôi còn nhỏ, tất cả trẻ con đều ở trong nhà thờ. Cha mẹ tôi không đến đó, nhưng gởi tôi đến đó, vì đó là chuyện bình thường. Tôi nhớ trong lớp tôi có một cô bé không được rước lễ lần đầu và người ta xem đây là một vụ tai tiếng. Bây giờ điều tạo tai tiếng đúng hơn là do đứa trẻ làm.
Nhưng sau khi ngẫm lại, tôi thấy quá khứ này không mấy huy hoàng. Dĩ nhiên tôi không nhận ra điều này khi tôi còn nhỏ, nhưng bây giờ tôi nhận ra, vào thời đó, trong xã hội đó, có nhiều rạn nứt và đạo đức giả. Thực chất hồi đó, người dân cũng không tin nhiều hơn bây giờ dù họ đi nhà thờ. Họ đã có một loại văn hóa giữ ngày chúa nhật, nhưng không cảm nghiệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.
Cha có nghĩ kiểu giữ văn hóa Công giáo này đã chấm dứt chưa?
Chưa hoàn toàn. Điều này thay đổi tùy theo từng vùng trên thế giới. Nhưng tôi tin Covid sẽ đẩy nhanh tiến trình này. Ở Luxembourg, số giáo dân đã giảm một phần ba. Tôi tin chắc họ sẽ không quay trở lại. Trong số họ có một số người ở một độ tuổi nào đó sẽ cảm thấy khó khăn và đau đớn khi tiếp tục giữ đạo, đi đến nhà thờ.
Nhưng cũng có những người Công giáo mà thánh lễ ngày chúa nhật là nghi thức quan trọng, đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống của họ. Đối với nhiều người, tự cho mình là người Công giáo vẫn là một hình thức ngụy trang để giữ cho bề ngoài có một hình thức đạo đức chung chung. Theo họ, điều này góp phần gắn kết xã hội lại với nhau, trở thành “tín hữu Kitô tốt” nhưng không thực sự xác định điều đó có nghĩa là gì.
Nhưng thời đại này phải kết thúc. Bây giờ chúng ta phải xây dựng một Giáo hội dựa trên đức tin. Bây giờ chúng ta biết rằng chúng ta đang và sẽ là thiểu số. Chúng ta không nên ngạc nhiên hay phàn nàn về điều này. Tôi có một xác tín nhẹ nhàng, rằng Chúa của tôi đang hiện diện ở Châu Âu ngày nay.
Cha có nghi ngờ gì về điều đó không?
Ồ không. Không một nghi ngờ. Đây không còn là câu hỏi ám ảnh tôi nữa. Khi tôi còn nhỏ, tôi sợ không tìm thấy Chúa, tôi bị ám ảnh vì nỗi sợ này. Tôi phải tìm ra Chúa nếu không tôi chết chìm. Bây giờ tôi bình yên hơn rất nhiều.
Đó có phải là khôn ngoan nhờ tuổi không?
Tôi không biết có phải khôn ngoan nhờ tuổi hay không (Cười.) Tôi sẽ rất vui nếu tôi có khôn ngoan! Nhưng trong sâu thẳm, chúng ta luôn làm những điều ngu ngốc giống nhau, và chúng ta luôn đụng phải bức tường. Ít nhất chúng ta biết bức tường ở đó, và nếu đụng vào sẽ bị thương. Bây giờ tôi biết rằng tôi chỉ là công cụ của Chúa. Có rất nhiều người khác. Nhận thức này thúc đẩy tôi luôn có một chút nghi ngờ đối với tất cả những người tự cho họ có công thức chắc nịch để loan báo Chúa.
Không có công thức kỳ diệu?
Không. Chỉ có khiêm nhường của Tin Mừng.
Và khi cha còn trẻ, cha có tin vào các công thức kỳ diệu không?
Có, tất nhiên, tôi tin vào những công thức kỳ diệu. Nhưng đó là một tội xinh đẹp của tuổi trẻ. Nó cũng thể hiện sự nhiệt huyết của những người trẻ…
Ngày nay thông điệp Kitô giáo còn phù hợp như thế nào?
Vì con người không thay đổi trong suốt hai ngàn năm. Con người luôn đi tìm hạnh phúc và không tìm thấy. Con người luôn khao khát điều vô tận và đụng với những giới hạn của chính mình. Con người phạm những bất công gây hậu quả nghiêm trọng cho người khác, điều mà chúng ta gọi là tội lỗi. Nhưng chúng ta hiện đang sống trong một nền văn hóa có xu hướng kìm nén những gì nhân bản.
Văn hóa chủ nghĩa tiêu dùng này hứa hẹn đáp ứng các mong muốn của con người, nhưng nó không thực hiện được. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc khủng hoảng, những lúc bị sốc, con người nhận ra có vô số câu hỏi còn nằm ngủ yên trong trái tim họ. Sứ điệp Tin Mừng đặc biệt mới mẻ để trả lời cho việc đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc này.
Thông điệp vẫn thích đáng, nhưng các sứ giả đôi khi mặc trang phục lỗi thời, đó không phải là cách phục vụ tốt nhất cho chính thông điệp đó… Và đó là lý do vì sao chúng ta phải thích nghi. Tất nhiên, không phải để thay đổi thông điệp, nhưng để thông điệp có thể nghe được, ngay cả với chúng ta là người thông báo nó. Thế giới luôn đi tìm, nhưng không đi tìm về phía chúng ta, và điều này thật đau lòng. Chúng ta cần giới thiệu thông điệp phúc âm theo cách mà mọi người có thể hướng về Chúa.
Đây chính là lý do vì sao Đức Phanxicô khai mạc Thượng hội đồng về tính đồng nghị tháng 10 vừa qua, mà cha là tổng tường trình viên. Gần đây cha nói, cha không biết sẽ viết gì trong bản báo cáo…
Tôi phải là người lắng nghe. Nếu tôi đưa ra nhiều đề xuất, như thế sẽ làm nản lòng những người có quan điểm khác. Vì thế họ phải là những người lấp đầy đầu tôi và các trang của tôi. Đây là thượng hội đồng. Nó phải được mở. Như Đức Phanxicô nói, chính Đức Chúa Thánh Thần là người hướng dẫn, vì thế chúng ta phải dành chỗ cho Ngài.
Nếu phương pháp này là quan trọng, thì ngày nay chúng ta không còn có thể hài lòng với việc ra lệnh từ trên xuống. Trong tất cả các xã hội, trong chính trị, trong kinh doanh, điều quan trọng bây giờ là đưa vào mạng lưới. Sự thay đổi trong phương pháp ra quyết định này cùng đi với thay đổi thực sự trong nền văn minh mà chúng ta đang phải đối diện. Và Giáo Hội, như đã luôn làm trong suốt lịch sử của mình, phải thích nghi với điều này.
Sự khác biệt là lần này, sự thay đổi của nền văn minh có một sức mạnh chưa từng có. Chúng ta có một thần học mà không còn ai có thể hiểu được trong vòng hai mươi hay ba mươi năm nữa. Nền văn minh này sẽ trôi qua. Đó là lý do vì sao chúng ta cần một ngôn ngữ mới dựa trên Tin Mừng. Tuy nhiên, toàn thể Giáo hội phải tham gia vào việc phát triển ngôn ngữ mới này: đó là ý nghĩa của thượng hội đồng.
Là chủ tịch Hội đồng Giám mục của Liên minh Âu châu, Comece, cha đã tham gia một cuộc họp ở Rôma vào đầu tháng 10 với các đảng cánh hữu và trung hữu châu Âu. Khi ra về, hồng y Quốc vụ khanh Y Pietro Parolin khuyến khích, không nên xem Kitô giáo như một siêu thị trong đó mình chỉ chọn một số giá trị nào đó. Liệu sự cám dỗ vẫn còn nơi các chính trị gia không?
Còn, rõ ràng còn. Ở cánh hữu, họ lấy biểu tượng Kitô giáo, họ thích tràng hạt và cây thánh giá, nhưng không phải lúc nào các biểu tượng này cũng liên quan đến mầu nhiệm Chúa Kitô. Đó là liên kết với văn hóa châu Âu trong quá khứ của chúng ta. Họ muốn nói đến một nền văn hóa để lưu giữ nó. Đó là lạm dụng tôn giáo.
Ở cánh tả, tôi cũng biết các chính trị gia tự cho mình là người có đạo kiên trung, chống biến đổi khí hậu, nhưng bỏ phiếu tại Nghị viện Châu Âu để phá thai, xem phá thai là quyền cơ bản và hạn chế quyền tự do lương tâm của các bác sĩ. Đó cũng là xem tôn giáo như một siêu thị.
Đâu là vai trò của Hội đồng Giám mục Liên minh Âu châu, Comece, năm nay Hội đồng kỷ niệm 40 năm thành lập?
Người ta có thể theo đảng dân chủ-kitô, xã hội, sinh thái học… mà vẫn là tín hữu Kitô. Sự đa dạng về các hình thức chính trị này rất có lợi cho xã hội. Nhưng các chính trị gia thường có xu hướng che giấu tôn giáo của mình và xếp tôn giáo vào lãnh vực riêng tư. Trong trường hợp này, nó không còn là tôn giáo, mà là một xác tín cá nhân. Tôn giáo đòi hỏi một không gian công cộng để nói lên.
Nhưng có phải khó hơn cho người tín hữu kitô khi họ tham gia vào chính trị không?
Trước hết, đúng là có ít tín hữu Kitô hơn. Sau đó, đúng là họ ngày càng ít tham gia vào chính trị. Chúng tôi thấy điều này sau mỗi lần bầu cử. Hơn nữa, rõ ràng là thông điệp của các giám mục đối với xã hội không còn được nghe. Ông cũng đã có kinh nghiệm này ở Pháp từ nhiều năm nay.
Kinh nghiệm này là hậu quả của thiểu số chúng ta. Để làm cho mọi người hiểu những gì chúng ta muốn, chúng ta phải bắt đầu một cuộc đối thoại lâu dài với những người không còn là tín hữu Kitô hoặc những người chỉ ở bên lề. Nếu chúng ta có những vị trí nào đó, không phải vì chúng ta là những người bảo thủ, mà vì chúng ta tin rằng cuộc sống và con người phải ở trọng tâm.
Để có thể nói được điều này, tôi nghĩ phải duy trì các cuộc đối thoại, duy trì tình bạn với những người ra quyết định hoặc các nhà lãnh đạo chính trị có suy nghĩ khác. Ngay cả khi họ không phải là tín hữu Kitô, chúng ta chia sẻ với họ cùng mối quan tâm chân thành để cộng tác vì lợi ích xã hội. Nếu chúng ta không muốn sống trong một xã hội ngăn cách, chúng ta phải có khả năng lắng nghe câu chuyện của nhau.
Điều này có nghĩa Giáo hội phải từ bỏ việc bảo vệ các ý tưởng của mình?
Không, không phải chuyện đó. Chúng ta phải cố gắng hiểu phía kia để xây cầu nối với xã hội. Để nói về nhân học Kitô giáo, chúng ta phải dựa trên kinh nghiệm nhân bản của người đối thoại. Bởi vì nếu nhân học Kitô giáo là tuyệt vời, nó sẽ sớm không còn được hiểu, nếu chúng ta không thay đổi phương pháp của mình.
Và sẽ có ích gì khi lên tiếng mà chúng ta không được lắng nghe? Chúng ta đang nói cho chính mình, để đảm bảo rằng chúng ta đang ở bên phía đúng, phải không? Có phải như thế để trấn an cho các tín hữu trung thành của mình không? Hay chúng ta nói để được mọi người nghe?
Đâu là các điều kiện để được nghe như thế này?
Trước hết là khiêm tốn. Tôi nghĩ, ngay cả khi không nhất thiết phải có ý thức, Giáo hội có hình ảnh của một thể chế biết mọi thứ tốt hơn những thể chế khác. Vì thế Giáo hội cần khiêm tốn, nếu thiếu khiêm tốn, Giáo hội không thể tham gia vào đối thoại. Điều này có nghĩa, chúng ta phải chứng tỏ chúng ta muốn học hỏi ở người khác. Một ví dụ: Tôi hoàn toàn phản đối việc phá thai. Là tín hữu Kitô, tôi không thể có quan điểm khác.
Nhưng tôi cũng hiểu rằng có một mối quan tâm đối với nhân phẩm phụ nữ, và những gì chúng ta nói trong quá khứ để phản đối luật phá thai bây giờ không còn có thể nghe được. Vậy chúng ta có cách nào để bảo vệ sự sống?
Khi một diễn từ không còn được nghe, chúng ta không nên bám rịt vào mà phải tìm những cách khác.
Ở Pháp, nhiều người nghĩ Giáo hội đã mất rất nhiều uy tín vì các tội ác tình dục. Quan điểm của cha như thế nào trong cuộc khủng hoảng này?
Trước hết, tôi muốn nói những lạm dụng này là những vụ tai tiếng. Và khi chúng ta xem những con số của báo cáo Sauvé, chúng ta có thể thấy, đây không phải là lầm lỗi của một số người. Ở đâu đó, có một lỗi hệ thống cần được nêu lên. Chúng ta không nên sợ những vết thương có thể làm chúng ta đau, những vết thương này hoàn toàn không là gì so với những vết thương của nạn nhân. Vì vậy, chúng ta phải rất trung thực và chuẩn bị sẵn sàng bị đấm.
Cách đây vài tuần tôi ở Bồ Đào Nha, tôi cử hành thánh lễ. Có một bé trai giúp lễ, em nhìn tôi như thể tôi là Chúa nhân lành. Tôi nhận thức rõ, em xem tôi là người đại diện của Chúa, mà đó là tôi đại diện trong phụng vụ. Lạm dụng các trẻ em này thì đúng là tội ác. Đó là lỗi nặng hơn nhiều so với lỗi của một giáo viên hay một huấn luyện viên thể thao làm. Nhưng thực tế tội này lại được dung thứ để bảo vệ Giáo hội, và điều này thật đau đớn. Và chúng ta nhắm mắt lại! Nó gần như không thể cứu vãn.
Bây giờ tôi trả lời câu hỏi của ông. Một số người mất tin tưởng. Để lấy lòng tin, khi điều này có thể, chúng ta phải khiêm tốn vô cùng. Khi tháp tùng một cộng đồng hay một người, chúng ta luôn nhớ trong đầu nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối người chúng ta tháp tùng. Tôi không thể thúc đẩy ai.
Đối với tôi, rõ ràng những câu hỏi này sẽ ở trong tâm trí của mọi người trong suốt tiến trình của Thượng hội đồng. Chúng ta cần đón nhận sự thay đổi.
Nếu có một lỗi hệ thống, cha có nghĩ cần thay đổi hệ thống không?
Có. Tất nhiên trong giáo phận của tôi, cũng như nhiều giáo phận khác, chúng tôi có hiến chương về cách cư xử đúng mà mọi người phải ký tên, các linh mục và giáo dân làm việc cho Giáo Hội. Trước khi chịu chức, chúng tôi cũng bắt các chủng sinh tham gia tám chương trình tâm lý được thành lập để phát hiện khuynh hướng ấu dâm. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta cần một Giáo hội được cấu trúc theo cách mà những điều này không còn có thể thực hiện được nữa.
Có nghĩa là?
Nếu chúng ta giao cho phụ nữ và những người trẻ có nhiều tiếng nói hơn thì những chuyện này sẽ được phát hiện sớm hơn nhiều. Chúng ta phải ngưng xem phụ nữ như thử một nhóm ở bên lề Giáo hội. Họ không ở ngoại vi Giáo hội, họ ở trọng tâm. Và nếu chúng ta không để tiếng nói của họ vào trọng tâm, chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn.
Tôi không nêu chính xác hơn: vấn đề này bắt buộc sẽ được đặt ra ở Thượng hội đồng, trong các nền văn hóa khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau. Nhưng chúng ta đã quá phớt lờ phụ nữ. Chúng ta phải lắng nghe họ hơn nữa, cũng như những người còn lại trong dân Chúa. Các giám mục nên giống như mục tử lắng nghe giáo dân mình. Họ không phải chỉ nói cho họ: “Được, tôi nghe, nhưng tôi không quan tâm đến điều này.” Họ phải ở giữa đàn chiên.
Theo cha, những thay đổi nào khác cần được thực hiện?
Việc đào tạo giáo sĩ phải thay đổi. Không nên chỉ tập trung vào phụng vụ, dù tôi hiểu các chủng sinh rất xem trọng điều này. Giáo dân và phụ nữ phải có tiếng nói của họ trong việc đào tạo các linh mục. Việc đào tạo linh mục là bổn phận của toàn thể Giáo hội, và do đó toàn thể Giáo hội phải đồng hành trong giai đoạn này, cùng với những người nam, người nữ đã kết hôn và những người độc thân.
Điều thứ hai, chúng ta phải thay đổi cách nhìn về vấn đề tình dục. Từ trước đến nay, chúng ta có cái nhìn khá kềm nén về tình dục. Dĩ nhiên đây không phải là việc nói với mọi người, họ có thể làm bất cứ gì hoặc hủy bỏ đạo đức, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải nói tình dục là ơn của Chúa. Chúng ta biết điều này, nhưng chúng ta nói như thế nào? Tôi không chắc về nó. Một số cho rằng sự gia tăng các vụ lạm dụng là do cách mạng tình dục. Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại: theo tôi, những trường hợp khủng khiếp nhất xảy ra trước những năm 1970.
Trong lãnh vực này các linh mục cũng phải nói về tình dục của họ, và chúng ta có thể nghe họ nếu họ gặp khó khăn trong cuộc sống độc thân. Họ có thể thoải mái nói về chuyện này mà không sợ bị giám mục của họ khiển trách. Đối với các linh mục đồng tính, có rất nhiều người trong số các linh mục, sẽ rất tốt nếu họ có thể nói chuyện này với giám mục của mình mà không bị giám mục lên án.
Còn về bậc sống độc thân, trong đời sống linh mục, chúng ta hãy thẳng thắn hỏi, liệu một linh mục có nhất thiết phải sống độc thân hay không. Tôi có quan điểm rất cao về bậc sống độc thân và bậc sống này có cần thiết không? Trong giáo phận của tôi, tôi có các phó tế lập gia đình, họ đảm nhận chức phó tế tuyệt vời, họ có những bài giảng cảm hóa lòng người mạnh hơn chúng tôi, những người còn sống độc thân. Tại sao không có các linh mục kết hôn?
Và nếu khi một linh mục không thể sống cảnh cô đơn này, chúng ta phải hiểu họ chứ không lên án họ. Tôi, bây giờ đã lớn tuổi, tôi không còn bận tâm đến…
Cha, cha đã cảm thấy khó khăn khi sống trong cảnh cô đơn này không?
Tất nhiên là có. Ở một vài thời điểm trong cuộc sống của tôi, điều này đã rất rõ ràng. Và dĩ nhiên mỗi linh mục đều đã có lúc yêu, lúc này lúc kia. Tất cả vấn đề là phải biết cách ứng xử thế nào trong trường hợp này. Trước hết mình phải trung thực, thừa nhận với chính mình, sau đó hành động sao để có thể tiếp tục sống chức tư tế của mình.
Hồng y Jean-Claude Hollerich
1958. Sinh ra ở Differdange, Luxembourg.
1981. Vào Dòng Tên.
Năm 1985. Chuyến đi đầu tiên đến Nhật. Tại đây, cha học ngôn ngữ và văn hóa Nhật và tiếp tục nghiên cứu thần học tại Đại học Sophia Dòng Tên ở Tokyo.
1990. Chịu chức linh mục ở Dòng Tên.
1994. Ở Nhật Bản.
2008-2011. Phó Viện trưởng Đại học Sophia Dòng Tên.
2011. Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm tổng giám mục Luxembourg.
2018. Được bầu làm Chủ tịch Hội động Giám mục Liên minh Châu Âu (Comece).
2019. Đức Phanxicô phong hồng y.
2021. Được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký của Thượng hội đồng về tính động nghị
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch