Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Tiến trình các chuyến tông du của giáo hoàng bây giờ như thế nào

By Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2022/10/tien-trinh-cac-chuyen-tong-du-cua-giao-hoang-bay-gio-nhu-the-nao-700x394.jpeg

Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ả rập ở Bahrain

lanuovabq.it, Stefano Chiappalone, 2022-10-08

Chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Bahrain vừa được công bố, như thể lặp lại việc ngài làm gần đây ở Kazakhstan. Trọng tâm là đối thoại và chung sống, ngài đảm nhận vai trò diễn giả tại các hội nghị, như thế có nguy cơ ngài truyền đi (ngoài ý muốn) một sứ điệp có tính tương đối hơn là sứ điệp tông đồ.

Hai chuyến đi cách nhau vài tháng có cùng chủ đề chung: đối thoại. Tháng 9, Đức Phanxicô đến Kazakhstan để khai mạc “Đại hội VII những người đứng đầu các tôn giáo truyền thống và thế giới.” Ngày thứ năm 6 tháng 10, chương trình chuyến tông du Bahrain từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 11 đã được công bố, ngài đến dự “Hội thảo Bahrain dành cho đối thoại: phương Tây phương Đông cho sự chung sống của con người”. Chủ đề và sự kiện chính của hai cuộc hành trình đánh dấu một số khác biệt so với các chuyến tông du bình thường như tên gọi của chúng – các chuyến tông du có mục đích chính xác là tông đồ: dù đi đâu, giáo hoàng cũng hoàn thành sứ mệnh của mình. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15) và  nhiệm vụ cụ thể của người kế vị thánh Phêrô là “làm cho anh em của mình nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Bây giờ với các chuyến bay của thời hiện đại, nhiệm vụ này còn dễ dàng hơn, ngày càng có nhiều giáo hoàng lên máy bay, bắt đầu với Đức Phaolô VI, ngài đi Đất Thánh năm 1964. Đức Phaolô VI không có nhiều thì giờ nhưng người kế vị như chúng ta biết, là người du hành không mệt mỏi, chắc chắn ngài được lợi điểm vì tuổi còn khá trẻ, ngài mới 58 khi được bầu lên ngai Thánh Phêrô. Trong những năm đầu tiên triều giáo hoàng, giáo hoàng “bay” đã làm nhiều người ngạc nhiên, có người đặt cho ngài biệt danh “Gioan-Phaolô bên ngoài các bức tường”. Dù được bầu ở tuổi đã cao nhưng Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô cũng bay! Thêm nữa, ngoài việc đến thăm các quốc gia kitô giáo hay không kitô giáo, các ngài còn phải đến các quốc hội và trụ sở các tổ chức (Liên Hiệp Quốc hay Nghị viện Châu Âu), giáo hoàng đến đó… với tư cách là giáo hoàng! Hơi bất thường khi ngài đến một hội nghị với tư cách là diễn giả, dù ngài là diễn giả chính.

Nhưng một số chuyến tông du gần đây của Đức Phanxicô dường như có một vai trò khác, với những mục tiêu khác nhau. Như ở thành phố Assisi ngày 24 tháng 9 ngài đến sự kiện Kinh tế Phanxicô (chúng tôi không biết đó là tên của Thánh Phanxicô Assisi hay tên của Đức Phanxicô, hoặc cả hai), tập trung vào việc đọc và ký kết Hiệp ước Kinh tế dành cho giới trẻ, truyền cảm hứng từ Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ với những từ khóa thông thường như công ăn việc làm xứng đáng, cuộc chiến chống ô nhiễm, không có văn hóa lãng phí, v.v. Một chuyến đi bất thường với một giáo hoàng, vì chủ đề kinh tế là chủ đề chủ đạo duy nhất. Chương trình hoàn toàn không có giây phút cầu nguyện.

Các chuyến đi Kazakhstan và Bahrain rõ ràng có chủ đích của “chương trình nghị sự” Abu Dhabi. Trong cả hai trường hợp, tài liệu tham khảo là “tình huynh đệ giữa con người vì hòa bình và chung sống” được Đức Phanxicô và Viện Imam ký năm 2019. Giám mục Paul Hinder nguyên Đại diện Tông Tòa Nam Ả Rập cho biết: “Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Bahrain là tiếp nối con đường đã bắt đầu ở Abu Dhabi.” Tuy nhiên, một tài liệu không phải là không gây tranh cãi, đặc biệt là đoạn viết về sự đa dạng của các tôn giáo, kết quả của một “thánh ý khôn ngoan”.

Trong ba ngày ở Bahrain, ba sự kiện sẽ được dành riêng cho cộng đồng công giáo nhỏ bé: thánh lễ sáng thứ bảy (5 tháng 11 không phải là thánh lễ trọng thể, giáo hoàng sẽ cử hành trong riêng tư), cuộc gặp với các bạn trẻ vào buổi chiều và một buổi cầu nguyện, gặp các giám mục, chủng sinh và các thừa tác viên ngày chúa nhật. Tối thứ sáu là buổi cầu nguyện đại kết ở nhà thờ chính tòa. Vì thế “Diễn đàn Đối thoại” sẽ là trọng tâm chuyến tông du, như chương trình cho thấy với các cuộc họp với các nhà chức trách chính trị và Viện Imam.

Trong trường hợp này, có vẻ như thiểu số công giáo sẽ đứng bên lề các sự kiện trọng tâm của đại hội và các cuộc họp khác nhau “ngoài công giáo”. Chắc chắn, sai lầm của “chuyến thăm hai lần” đến Caserta vào tháng 7 năm 2014 sẽ không lặp lại, ban đầu chuyến đi lên kế hoạch để có một cuộc gặp “riêng” với mục sư tin lành Giovanni Traettino và cộng đồng của ông, sau đó phát hiện ra ở Caserta cũng có… người công giáo! Họ không hiểu vì sao giáo hoàng đến thành phố của họ mà không thăm họ, vì vậy chỉ trong vài ngày, ngài phải đến đó hai lần, ngày thứ bảy 26 và thứ hai 28, để thăm hai tôn giáo, tôn giáo bạn của ngài và tôn giáo chính ngài là người đứng đầu.

Có một khía cạnh cuối cùng giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của những chuyến đi này (những chuyến gần đây và những chuyến đã lên kế hoạch). Bắt nguồn từ tình trạng của ngài, nhưng nhất là do đi đứng khó khăn, ngài đã dần dần “làm nhẹ”: ngài bỏ chuyến đi Congo và Nam Soudan vào tháng bảy, cả ở Đền thờ Thánh Phêrô, ngài cũng không cử hành trọn vẹn thánh lễ, ngài chỉ ngồi dự. Vì thế dù gặp khó khăn đi đứng, việc ngài duy trì các chuyến đi này cho thấy tầm ưu tiên của nó: và dù có những phức tạp và rủi ro trong các loại sự kiện này, chắc chắn là ngoài ý muốn, nhưng có một chuyện đáng kể: về cơ bản, tôn giáo này cũng tốt như tôn giáo khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button