Các phản xạ tốt để ngưng than phiền
fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2018-04-03
Bác sĩ Salvo Noè, tâm lý gia người Ý là tác giả quyển sách “Cấm than phiền” (nxb. Artège) đưa ra một phương pháp đơn giản và hiệu quả để chúng ta có thể thoát ra khỏi các thói quen tiêu cực và tìm cho mình một niềm vui đích thực.
Tác giả Salvo Noè là người sáng chế ra tấm bảng “Cấm than phiền” và ngày 14 tháng 6 năm 2017, ông đã tặng Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ở quảng trường Thánh Phêrô. Đức Phanxicô đồng ý ngay và ngài dán lên cửa ra vào phòng ngài ở Vatican.
Chúng ta thường bỏ nhiều thì giờ để than phiền ở bất cứ đâu từ trong nhà đến công sở và ngay cả trên xe… Tháng 4 năm 2016, theo một cuộc điều tra của tổ chức Willis Towers Watson, các nhân viên người Pháp là những người than van nhiều nhất Âu châu. Người ngoại quốc nhìn người Pháp như những người liên tục càm ràm và bất mãn kinh niên. Tuy vậy, theo như nhà văn Mỹ Anthony d’Angelo nhận xét thì: “Nếu chúng ta có thì giờ than phiền thì chúng ta cũng có thì giờ để thay đổi những chuyện chúng ta than phiền”. Vậy chúng ta nên theo phương pháp của nhà tâm lý gia Salvo Noè đề nghị để chấm dứt than phiền.
Tại sao chúng ta than phiền?
Tác giả xem lại các lý do thúc đẩy chúng ta than phiền, ít nhiều các lý do này đều có ý thức hoặc làm trong vô thức. Trước hết đây là thói quen xấu, đôi khi có từ khi còn nhỏ nếu chúng ta cứ thấy cha mẹ than phiền hoài. Hoặc vì người đó bất mãn sâu xa, họ tuyệt vọng đi tìm một ý nghĩa cho đời mình. Than phiền dù tầm phào nhất cũng là dấu hiệu cho thấy người đó bất mãn kinh niên.
Than phiền cũng là phương tiện để lèo lái người khác, khơi lên nơi người khác cảm nhận đau khổ hay tội nghiệp, trong mục đích “điều khiển” người có thể cứu mình. Và cuối cùng, than phiền cho thấy sự ích kỷ sâu xa và thiếu cảm thông của mình: tại sao tất nhiên tôi phải có nhiều hơn người khác? Tại sao những gì xảy đến cho tôi là do mọi người đồng lòng để cho tôi bị khốn khổ như thế này sao?
Hành động thay vì than phiền
Tác giả không chối cãi các khó khăn của cuộc sống, nhưng ông tin chắc giải pháp không ở trong sự than phiền nhưng trong ý chí quyết tâm hành động để cải thiện cuộc sống. Tác giả nhắc đến câu của mục sư Martin Luther King: “Có thể bạn không trách nhiệm cho hoàn cảnh bạn phải sống, nhưng bạn có trách nhiệm nếu bạn không làm gì hết để thay đổi”.
Salvo Noè mời gọi chúng ta hành động thay vì càm ràm, biến đổi lời than phiền thành các đề nghị, các giải pháp, các hành động cụ thể, đi từ tiêu cực qua tích cực, mình trở thành nhân vật chính của đời mình, chứ không phải là nạn nhân chịu đựng. Là người, chúng ta có trách nhiệm với đời sống của mình. Đời chúng ta tùy thuộc vào các quyết định của mình, chứ không tùy thuộc vào các điều kiện trong đó chúng ta sống.
Nhìn cuộc đời với cái nhìn lạc quan
Sự kiện than phiền là do cách nhìn cuộc đời của mình chứ không do hoàn cảnh sống. Có người tức tối càm ràm vì một chuyện nhỏ nhặt, nhưng có người lại không than phiền cho bất công hay cho đời sống khó khăn. Có người có sức mạnh nội tâm phi thường, họ không nản chí trước các trở ngại, đó là những người lạc quan. Tác giả Salvo Noè nhắc lại: “Lạc quan không có nghĩa là mọi chuyện đều tốt, nhưng có nghĩa mọi chuyện có thể dàn xếp”. Tác giả đưa ra tấm gương của những người, dù gặp khó khăn họ cũng thành công để đi tới đàng trước. Ông Alex Zanardi, tay đua xe hơi người Ý bị tai nạn ở chân trong một cuộc đua, ông nói: “Khi tôi thức dậy và thấy không còn chân, tôi nhìn phần chân còn lại chứ không nhìn phần chân đã bị mất”. Tất cả những gì xảy đến với chúng ta sẽ không có ý nghĩa, ngoại trừ chúng ta muốn cho nó một ý nghĩa. Đối với những người biết cự lại, ngay cả các bất hạnh, cũng có thể là cơ hội để họ lớn lên.
Một phương pháp khác để thay đổi cách nhìn thực tế: ngưng chú ý đến những gì không làm được. “Sự chú tâm trở nên một thực tế riêng của mình. Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì không làm được, thì nó sẽ trở thành một thực tế của bạn”. Vì vậy bạn sống trong một hố đen.
Từ bỏ loại ngôn ngữ than phiền
Chúng ta nên quên đi loại ngôn ngữ than phiền, kiểu “Tôi không làm gì được” và nên có loại ngôn ngữ xây dựng hơn: “Tôi sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình để…” Chúng ta nên có thái độ tích cực. Những người tích cực chú tâm vào khả năng làm, giải quyết, xây dựng của mình chứ không chú tâm vào sự bất lực, loại đi khả năng có thể thay đổi sự việc. Họ thường cảm thấy mình là nạn nhân và đổ lỗi lên người khác. Họ tìm lý do để biện minh, tìm thủ phạm, đặt những câu hỏi không tích cực.
“Nếu có chuyện gì không chạy, chúng ta tìm nơi ẩn náu trong Chúa”
Trong thánh lễ ngày thứ tư 3 tháng 4.2013 ở Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Phanxicô dựa trên câu chuyện hai đồ đệ trên đường Êmau, khi họ rời Giêrusalem sau khi Chúa chết để cảnh báo chúng ta về việc than phiền. Sau khi đặt bao nhiêu hy vọng (Chúng ta hy vọng Ngài sẽ giải thoát Israel, Lc 24-21), hai đồ đệ than phiền, họ co mình lại, họ có cảm tưởng như đứng trước bức tường. Chúa Giêsu đến gần họ nhưng họ không biết. Cũng một cách đó, khi chúng ta càm ràm, Chúa đi với chúng ta nhưng chúng ta không thấy Ngài, chúng ta chỉ chú ý đến các lý do thúc đẩy chúng ta than phiền.
Vì thế đối với Đức Phanxicô, than phiền là một tật xấu: “Than phiền là một tật xấu vì không những nó làm cho chúng ta chống với người khác mà chống với cả chính mình, khi tất cả đều trở nên cay đắng. Than phiền là xấu vì nó làm hại đến hy vọng của chúng ta”.
Vậy phải làm gì? Đức Phanxicô đưa ra một giải pháp: “Nếu có một cái gì không chạy, chúng ta tìm ẩn náu nơi Chúa, tín thác vào Chúa. Thiên Chúa kiên nhẫn và biết làm thế nào để đưa chúng ta ra khỏi tình trạng này. Chúng ta tín thác vào Chúa, Đấng lúc nào cũng cũng đi theo tiến trình của chúng ta. Dù trong giây phút đen tối nhất, chúng ta tin chắc Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Chúng ta đừng tìm ẩn náu nơi những lời than phiền: nó chỉ làm cho chúng ta nên xấu. Nó làm cho chúng ta đau lòng”.
Cấm than phiền!, Salvo Noè, nxb. Artège
Xin đọc: “Đừng than phiền”: Đức Phanxicô viết lời nói đầu quyển sách
Marta An Nguyễn dịch