Đức Thánh Cha nói về công việc giá trị của các nhà báo
‘Công việc của anh chị em là công việc rất giá trị vì nó góp phần trong việc đi tìm sự thật, và chỉ sự thật mới giải phóng chúng ta.’
20 tháng Năm, 2019 16:32
ZENIT STAFF
“Trước hết tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi rất trân quý công việc của anh chị em; Giáo hội tôn trọng anh chị em, ngay cả khi anh chị em chọc ngón tay vào vết thương, và có thể vết thương đó là ở trong cộng đoàn hội thánh. Công việc của anh chị em là công việc rất giá trị vì nó góp phần trong việc đi tìm sự thật, và chỉ sự thật mới giải phóng chúng ta.”
Đó là những lời của Đức Thánh Cha Phanxico nói ngày 18 tháng Năm, 2019, khi ngài tiếp Hiệp hội Báo chí Nước ngoài ở Ý trong Khán phòng Clementine của Điện Tông tòa Vatican.
Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người có mặt:
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui mừng được chào đón anh chị em, cùng với các thành viên gia đình của anh chị em, một ít ngày sau kỷ niệm Ngày Truyền thông Thế giới ở nhiều quốc gia. Tôi xin cảm ơn bà Chủ tịch sắp mãn nhiệm, Bà Esma Çakir, và Bà Chủ tịch mới, Bà Patricia Thomas, về những lời gửi đến tôi.
Trước hết tôi muốn nói với anh chị em rằng tôi rất trân quý công việc của anh chị em; Giáo hội tôn trọng anh chị em, ngay cả khi anh chị em chọc ngón tay vào vết thương, và có thể vết thương đó là ở trong cộng đoàn hội thánh. Công việc của anh chị em là công việc rất giá trị vì nó góp phần trong việc đi tìm sự thật, và chỉ sự thật mới giải phóng chúng ta. Về vấn đề này, tôi muốn lặp lại lời Thánh Gioan Phaolo II nói khi ngài đến thăm trụ sở Hiệp hội của anh chị em 31 năm trước: “Giáo hội đứng về phía anh chị em. Dù có là người Ki-tô hữu hay không, trong Giáo hội anh chị em luôn tìm được sự kính trọng xứng đáng cho công việc của anh chị em và việc công nhận sự tự do của báo chí” (17 Tháng Một năm 1988: Những Giáo huấn XI, 1 [1988], 135).
Công việc của anh chị em là một vai trò không thể thay thế được, và vai trò này trao cho anh chị em một trách nhiệm lớn lao: nó đòi hỏi sự chăm chút đặc biệt đối với những từ ngữ anh chị em sử dụng trong các bài viết của mình, chăm chút những hình ảnh anh chị em chuyển đến cơ quan, chăm chút mọi thứ anh chị em chia sẻ trên truyền thông xã hội. Đây là lý do tại sao tôi nhắc lại cho anh chị em một lời đánh động dành cho mọi người trong kỷ nguyên kỹ thuật số: như Đức Benedict XVI nói, đôi khi “truyền thông đại chúng … có khuynh hướng làm cho chúng ta trở nên giống như ‘những khán giả’, dường như cái ác chỉ làm người khác lo lắng và những điều này điều kia chẳng bao giờ có thể xảy ra với chúng ta. Thay vì vậy, tất cả chúng ta đều là ‘những vai chính’, và thái độ của chúng ta có ảnh hưởng đến người khác, hoặc là tốt hơn hoặc là xấu hơn” (Diễn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Piazza di Spagna, 8 Tháng Mười Hai năm 2009). Vì vậy, tôi thúc giục anh chị em hãy làm việc theo sự thật và công bằng, để truyền thông thật sự trở thành một công cụ để xây dựng, không phải để phá hủy; để gặp gỡ, không phải để gây mâu thuẫn; để đối thoại, không phải để độc thoại; để hướng dẫn, không phải để làm mất phương hướng; để hiểu biết nhau, không phải để gây hiểu lầm; để bước đi trong hòa bình, không để gieo sự thù hận; để lên tiếng cho những người không có tiếng nói, không phải là cái loa cho những người hét to tiếng nhất.
Tôi sửng sốt trước nhiều câu nói đến lòng khiêm tốn trong bài diễn văn của Bà Chủ tịch – thì ra, trụ sở của anh chị em nằm ở đường Via dell’Umiltà! Sự khiêm nhường là một đức hạnh quan trọng cho đời sống tinh thần, và tôi có thể nói rằng nó cũng có thể là một yếu tố nền tảng cho nghề nghiệp của anh chị em. Một vài người trong anh chị em có thể nói với tôi rằng: “Thưa cha, trong công việc của chúng con có những đặc tính khác rất quan trọng: tính chuyên nghiệp, năng lực, trí nhớ về lịch sử, sự ham hiểu biết, kỹ năng viết, khả năng điều tra và đặt những câu hỏi phù hợp, tốc độ tổng hợp, khả năng truyền tải những điều xảy ra tiếp cận được với phần đông công chúng …”. Chắc chắn rồi. Tuy nhiên tính khiêm nhường vẫn là tảng đá góc cho công việc của anh chị em.
Mỗi người chúng ta đều biết việc tìm kiếm sự thật là khó như thế nào, và nó đòi hỏi biết bao khiêm tốn. Và thật dễ dàng hơn biết bao nhiêu nếu không phải đặt quá nhiều câu hỏi, chỉ cần hài lòng với ít câu trả lời đầu tiên, để đơn giản hóa, để giữ lấy phần bề mặt, để thể hiện bên ngoài; bằng lòng với những giải pháp thông thường, là những giải pháp không biết đến sự nhọc mệt của những điều có thể nghiên cứu là đại diện cho tính phức tạp của cuộc sống thật. Trước hết, tính khiêm nhường vì không biết được mọi điều giúp thúc đẩy việc nghiên cứu. Tính tự phụ cho rằng mình biết mọi việc là điều gây trở ngại cho việc nghiên cứu.
Là một nhà báo khiêm nhường không có nghĩa là một nhà báo hạng xoàng, nhưng hơn thế ý thức được rằng qua một bài viết, một câu bình luận, hay một chương trình truyền hình hoặc phát thanh trực tiếp thì anh chị em có thể làm một việc tốt lành nhưng cũng có thể anh chị em làm điều nguy hại cho người khác và đôi khi là toàn thể cộng đồng, nếu anh chị em không chú ý và thận trọng. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ đến không biết bao nhiêu những tiêu đề ồn ào có thể tạo ra cách trình bày sai thực tại. Sự sửa sai luôn là điều cần thiết khi chúng ta phạm lỗi, nhưng nó vẫn không đủ để lấy lại phẩm giá, đặc biệt khi thông tin giả có thể lan truyền mạnh trên Internet đến mức nó trở thành như thật. Vì vậy, anh chị em là các nhà báo phải luôn cân nhắc đến sức mạnh của công cụ mà anh chị em đang sử dụng, và hãy chống lại cám dỗ đăng tải những tin tức chưa được thẩm định chắc chắn.
Trong một thời đại khi nhiều người có khuynh hướng vội vàng xét đoán mọi việc và mọi người, thì tính khiêm nhường cũng có thể giúp người làm báo không bị khống chế bởi tính vội vàng, nhưng thay vào đó cố gắng dừng lại, tìm thời gian cần thiết để hiểu rõ. Tính khiêm tốn đem chúng ta lại gần với thực tại và với người khác hơn bằng thái độ thấu hiểu. Người ký giả khiêm tốn cố gắng hiểu sự việc một cách đúng đắn và trọn vẹn trước khi tường thuật và bình luận chúng. Người ký giả đó không trau chuốt “những khẩu hiệu to tát, thay vì phải suy nghĩ trước sau, thì lại dập tắt những suy nghĩ đó” (Diễn từ trước Ban Giám đốc và nhân viên của TV2000, 15 tháng Mười Hai năm 2014). Người đó không xây dựng những mẫu rập khuôn. Anh ta không thỏa mãn với những cách trình bày dễ dàng để phác họa chân dung của các cá nhân “dường như họ có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề, hoặc ngược lại như con dê tế thần để chịu mọi trách nhiệm đổ lên đầu” (nt.).
Trong một thời đại khi nhiều người sử dụng những ngôn ngữ bạo lực và xúc phạm, đặc biệt trên truyền thông xã hội, với những từ ngữ làm tổn thương và đôi khi tàn phá con người, thì việc cân nhắc ngôn ngữ là vô cùng cần thiết, và như Thánh Phanxico de Sales là Bổn mạng của anh chị em nói trong Philothea, hãy sử dụng ngôn ngữ giống như người bác sĩ giải phẫu sử dụng con dao mổ (xem chương XXIX).
Trong một thời đại với quá nhiều từ ngữ thù hận, trong đó việc nói xấu về người khác đã trở thành một thói quen nơi nhiều người, cùng với việc phân loại con người, thì chúng ta phải luôn nhớ rằng mỗi con người có phẩm giá bất biến của họ, là điều không thể lấy mất. Trong một thời đại khi có quá nhiều tin giả lan tràn, thì sự khiêm tốn giúp ngăn cản anh chị em không bán đi những loại thực phẩm bị hư thối của thông tin sai lệch và mời gọi anh chị em cung cấp những loại bánh thơm ngon của sự thật.
Người nhà báo khiêm tốn là một nhà báo tự do. Tự do thoát khỏi việc đặt điều kiện. Tự do thoát khỏi những thiên kiến, và từ đó có được lòng dũng cảm. Tự do đòi hỏi lòng can đảm!
Tôi lắng nghe trong sự đau buồn trước số thống kê những người đồng nghiệp của anh chị em đã bị sát hại khi đang thực hiện công việc của họ với lòng dũng cảm và cống hiến tại nhiều quốc gia, để thông tin cho người khác về những gì đang xảy ra trong các cuộc chiến và trong những hoàn cảnh thảm kịch mà không biết bao nhiêu người anh chị em của chúng ta đang phải sống trên khắp thế giới. Sự tự do báo chí và tự do bày tỏ là một tín hiệu quan trọng cho tình trạng sức khỏe của một đất nước. Chúng ta đừng quên rằng một trong những biện pháp đầu tiên mà các nhà độc tài thực hiện là tước mất sự tự do của báo chí, hoặc “đắp mặt nạ” cho nó, không để cho báo chí được tự do. “Chúng ta cần một ngành báo chí tự do, phục vụ sự thật, sự tốt lành, và công bằng; ngành báo chí giúp xây dựng một văn hóa gặp gỡ” (Pontifex Tweet, 3 tháng Năm, 2019). Chúng ta cần những nhà báo đứng về phía các nạn nhân, về phía những người bị bắt bớ, về phía những người bị loại trừ, bị gạt bỏ, bị phân biệt đối xử. Chính anh chị em và công việc của anh chị em là vô cùng cần thiết để giúp mọi người không quên nhiều hoàn cảnh đau khổ, thường chẳng được chú ý, hoặc được chú ý một chút rồi rơi vào vùng tối của sự thờ ơ. Đến đây tôi chợt nhớ lại trong ký ức một câu hỏi mà một người trong anh chị em đã hỏi tôi cách đây không lâu: “Cha nghĩ thế nào về những cuộc chiến tranh bị lãng quên?” Đó là những cuộc chiến đang diễn ra nhưng người ta quên nó, những cuộc chiến tranh không nằm trong các mục đăng báo hàng ngày, hoặc trên truyền thông. Hãy cẩn thận: đừng lãng quên thực tại, vì giờ đây “cơn gió đã thổi qua.” Không, thực tại vẫn tiếp tục, chúng ta vẫn tiếp tục. Đây là một sự phục vụ tốt lành. Những cuộc chiến tranh bị xã hội lãng quên, nhưng chúng vẫn đang diễn ra.
Đây là lý do tại sao tôi muốn nói lời cảm ơn về những gì anh chị em làm. Vì anh chị em giúp chúng tôi không quên những sự sống bị bóp nghẹt trước khi chúng được sinh ra; những sự sống ngay khi chào đời, đã bị dập tắt bởi nạn đói, bởi sự khổ cực, thiếu sự chăm sóc, chiến tranh; cuộc sống của những binh sĩ trẻ em, cuộc sống của những trẻ em bị xâm phạm. Hãy giúp chúng tôi không quên nhiều người phụ nữ và đàn ông bị bắt bớ vì đức tin hoặc sắc tộc của họ. Nếu tôi có thể đặt được một câu hỏi, thì nó phải là “Ngày nay có ai nói về Rohingya? Hôm nay có ai nói về Yazidis? Họ đã bị lãng quên nhưng họ vẫn tiếp tục chịu đau khổ. Hãy giúp chúng tôi không quên rằng những người bị cưỡng bức phải rời bỏ quê hương của họ – do tai ương, chiến tranh, khủng bố, đói kém, và khát – không phải là những con số, nhưng là những khuôn mặt, những câu chuyện, một sự khát khao hạnh phúc. Bà Chủ tịch của anh chị em nói về những người di cư: chúng ta không được quên về Địa Trung hải, nó đang biến thành một nghĩa trang.
Người ký giả khiêm tốn và tự do cố gắng kể những sự tốt lành, cho dù thường khi sự ác mới được đưa lên bản tin. Những điều luôn an ủi tôi trong thừa tác vụ giám mục của mình là tìm thấy không biết bao nhiêu điều tốt lành ở giữa chúng ta, không biết bao nhiêu người hy sinh bản thân để hỗ trợ một người cha người mẹ hoặc một đứa con đau bệnh – thậm chí rất dũng cảm, không biết bao nhiêu người gắn kết vào việc phục vụ tha nhân mỗi ngày, không biết bao nhiêu người vươn bàn tay họ ra thay vì ngoảnh mặt quay đi. Xin hãy tiếp tục kể ra phần thực tại đó, nhờ ơn Chúa, một thực tại vẫn lan tràn rộng nhất: thực tại của những người không đầu hàng trước sự thờ ơ, của những người không bỏ chạy trước sự bất công, nhưng kiên trì xây dựng trong thầm lặng. Có cả một đại dương của sự tốt lành âm thầm rất xứng đáng được mọi người biết, và điều đó trao thêm sức mạnh cho niềm hy vọng của chúng ta. Trong công việc tường thuật lại cuộc sống này, phụ nữ vô cùng lưu tâm, và tôi rất vui khi nhìn thấy sự đóng góp của phụ nữ được chân nhận một cách trọn vẹn trong Hiệp hội của anh chị em. Nữ giới nhìn rõ hơn và hiểu thấu đáo hơn vì họ có cảm xúc tốt hơn.
Cuối cùng, tôi cam kết với anh chị em rằng tôi rất trân quý nỗ lực mà anh chị em đưa ra trong công việc, là nỗ lực được sống trong tinh thần phục vụ, trở thành một sứ mạng. Trong các chuyến tông du của tôi, tôi có thể hiểu được sự cố gắng nằm trong công việc của anh chị em. Hơn nữa, anh chị em sống xa đất nước quê hương của mình và anh chị em trở thành như một tấm gương phản chiếu của đất nước trong công việc anh chị em làm, có thể nắm bắt được những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Tôi mời gọi anh chị em hãy trở thành tấm gương có thể phản chiếu niềm hy vọng, để gieo rắc hy vọng. Và tôi hy vọng anh chị em sẽ trở nên những con người khiêm tốn và tự do, là những người để lại dấu ấn tốt trong lịch sử.
Xin cảm ơn anh chị em về buổi họp này. Tôi xin chúc lành cho anh chị em, cho những người thân yêu và công việc của anh chị em. Và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Và tôi muốn ban phép lành cho tất cả anh chị em. Tôi biết rằng không phải tất cả anh chị em đều là những người tín hữu, và vì lý do này, tôi ban phép lành trong thinh lặng cho tất cả anh chị em. Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em, chúc lành cho tâm hồn anh chị em. Amen.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/5/2019]