Các “thiên thần hộ thủ” của các linh mục Á châu ở Pháp
Lớp học cho các chủng sinh ở Viện công giáo Paris, Corinne SIMON/CIRIC/
la-croix.com, Claire Lesegretain, 2017-09-27
Một sự kiện chưa từng có kể từ năm 1970: Chúa nhật 1 tháng 10, hội Truyền giáo nước ngoài Paris (MEP) sẽ gởi bảy linh mục truyền giáo “với cuộc sống, ad vitam” đi Á châu.
Hàng năm có khoảng 30 thiện nguyện viên tháp tùng các linh mục Việt Nam, Ấn Độ, Hàn quốc hay Trung quốc ở trụ sở chính của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris.
Ông Antoine Serre, 85 tuổi, thiện nguyện viên của Hội từ 15 năm nay cho biết: “Mùa hè tôi đưa một vài chủng sinh về nhà nghỉ hè của chúng tôi ở Loiret, các chủng sinh chơi banh ping-pông và sinh hoạt với các cháu của tôi, đây cũng là dịp để họ biết thêm văn hóa và đời sống của người Pháp”. Gần như mỗi ngày, ông đến trụ sở của Hội ở đường du Bac, quận 7 của thành phố Paris để giúp các linh mục trẻ Á châu đang theo học ở Viện công giáo Paris (ICP), ông giúp họ học thêm tiếng Pháp hay giúp họ làm các bài vở thần học. Ông Serre là cựu nhân viên cao cấp trong ngành ngân hàng, ông không thể không tự hào vì ông đã giúp làm “sáu luận án tiến sĩ, mỗi luận án dài… 500 trang!” Sáu luận án này, ông kiên nhẫn đọc đi đọc lại, sửa từng lỗi chính tả, văn phạm hay cấu trúc. Trong những tháng gần đây, ông bỏ nhiều thì giờ để giúp một chủng sinh Ấn Độ vừa đến Pháp mùa xuân vừa qua, anh không một chữ tiếng Pháp! Ông cho biết: “Tôi hay đến đây để giúp cả chục chủng sinh, giúp họ diễn tả suy nghĩ của mình một cách rõ nhất có thể”.
“Tôi rất thích đọc các sách thần học với họ!”
Cũng như ông Serre, mỗi ngày, các thiện nguyện viên thay phiên nhau đến Hội để giúp cho khoảng 50 linh mục sinh viên Á châu hàng năm đến đây theo chương trình bảo trợ của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris, họ được đào tạo ở Viện Công giáo Pháp và Viện Công giáo Toulouse. Hội có khoảng 30 thiện nguyện viên. Hiện nay có 15 linh mục sinh viên Việt Nam, 19 linh mục Ấn Độ và các linh mục khác đến từ Miến Điện, Thái Lan, Nam Dương, Sri Lanka hay Trung quốc…
Đa số các thiện nguyện viên này đã về hưu, động lực giúp đỡ của họ thì khác nhau. Bà Geneviève Vibert, thiện nguyện viên từ hơn 20 năm nay, không ngần ngại dùng phương tiện di chuyển công cộng đi từ Yvelines về Paris để giúp, bà cho biết: “Vì tôi có cô con dâu người Trung quốc, tôi muốn học tiếng Trung quốc để nói chuyện với con dâu tôi”. Thay vì đến Trung tâm ngoại ngữ Quốc gia, bà mẹ của 4 người con và người bà của 13 cháu nội ngoại thích đến hội Truyền giáo Nước ngoài Paris. Trong vòng hai năm, bà học tiếng Trung với một cô sinh viên Trung quốc (ở trọ ở Truyền giáo Nước ngoài Paris) muốn học tiếng Pháp. Rồi dần dần tôi nói được.
Khác với ông Serre, ông chưa học gì về thần học, bà Vibert đã từng học thần học ở các lớp chiều trong những năm 1990, bà muốn giúp các chủng sinh trong hiểu biết của mình, bà giúp các sinh viên cao học hay tiến sĩ để đào sâu chủ đề họ đã chọn. Bà Vibert cho biết: “Tôi thích đọc các sách thần học với họ”, năm nay bà đã ngoài tám mươi, bà cho biết hai chủ đề bà cùng đọc với họ là: “Sự thích ứng trong cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II ở Ấn Độ” của một linh mục Bangalore, và “Thần học về sự trung tín trong các nhóm Đức Bà của linh mục Caffarel” của một linh mục Việt Nam.
“Tôi thích tìm hiểu các khó khăn của sinh viên”
Các thiện nguyện viên của Hội cho biết họ rất hạnh phúc trong các quan hệ bằng hữu giữa họ với các người “được họ bảo trợ”, họ cho biết các sinh viên này “thông minh, chăm học, hiếu kỳ…”. Bà Vibert nhấn mạnh: “Tôi rất thán phục họ, tôi vui vì được phục vụ cho Giáo hội tương lai”.
Các linh mục Á châu này ở độ tuổi từ 30 đến 45, họ đến Pháp học trong mục đích sẽ về dạy lại trong các chủng viện của họ. Thường thường sau vài năm có kinh nghiệm mục vụ, họ được các giám mục của họ gởi đi “đào tạo tại Âu châu để có nền tảng thần học vững chắc, sau này về nước họ có thể tự suy nghĩ để giúp Giáo hội địa phương của mình trong vấn đề hội nhập văn hóa”, linh mục François Glory cho biết, linh mục ở trong hội Truyền giáo Nước ngoài Paris và là người điều phối các linh mục sinh viên Á châu trong các phân khoa thần học của đại học Paris và Toulouse.
Một công việc linh mục Glory đảm nhận từ vài năm nay, ngài ở trong đường hướng ơn gọi của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris là giúp các Giáo hội địa phương thực hiện công việc truyền bá Phúc Âm của mình. Ngài cho biết: “Tôi thích làm nhịp cầu liên lạc giữa các giáo sư, hiểu được khó khăn của các sinh viên, giúp họ để họ đừng nản chí trước khối lượng công việc đòi hỏi họ”. Linh mục Glory đã từng dạy thần học Thánh Kinh ở Ba Tây, ngài hiểu “không phải đơn giản để học theo các tiêu chuẩn thần học Âu châu. Nhất là những người đến từ những đất nước bị trị dưới một ý thức hệ như các nước Việt Nam và Trung quốc”.
Các linh mục được gởi đi Á châu
Ngày chúa nhật 1 tháng 10, bảy linh mục Pháp của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris được gởi đi Á châu. Các nhà truyền giáo này ở độ tuổi từ 31 đến 45, được chịu chức trong những năm 2011 và 2017, hai linh mục được gởi đi Cao Miên, hai ở Miến Điện, một ở Lào, một ở Thái Lan và một ở Singapour. Theo một bản thông báo của hội Truyền giáo Nước ngoài Paris, ơn gọi này nằm trong chương trình phát triển tinh thần thiện nguyện quốc tế được đề nghị vào năm 2003 cho các sinh viên trẻ hay những người mới ra nghề (có vào khoảng 150 người mỗi năm), họ đi trong khoảng từ 3 tháng đến 1 năm. Buổi lễ “ra quân” của họ được tổ chức ở nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê, quận 7 lúc 4 giờ chiều ngày chúa nhật 1 tháng 10-2017.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch