Nữ hoàng có vai trò gì trong Giáo hội Anh giáo? Giáo hội Anh giáo quan trọng như thế nào và quốc vương Charles III sẽ phải đối diện với những thách thức nào? Giám mục Gavin Ashenden, cựu tuyên úy của nữ hoàng trả lời các câu hỏi của báo La Vie.
Tu viện Westminster, nơi có các lăng mộ của các vua Anh và là nơi tổ chức các lễ đăng quang của Hoàng gia Anh. Getty Images / ISTOCKPHOTO
Giám mục Gavin Ashenden là tuyên úy của nữ hoàng Elizabeth II từ năm 2002 đến năm 2012. Ông trở lại đạo Công giáo và về hưu ở Normandy, ông nhìn lại vai trò của nữ hoàng trong Anh giáo và những thách thức mà Vua Charles III phải đối diện.
Nữ hoàng là một tín hữu kitô vĩ đại. Bà đã sống đức tin của bà như thế nào?
Gavin Ashenden: Đức tin của bà rất sâu sắc. Bà tràn đầy niềm vui, có tinh thần quảng đại, yêu thương và nhân hậu… Đó không phải là những đức tính bình thường nhưng là thành quả của đức tin sâu đậm nơi bà. Các nhân vật trong hoàng gia thường nghĩ đến bản thân nhiều hơn người khác, họ có thể là những người ái kỷ. Nhưng nữ hoàng Elizabeth II không ở trong trường hợp này. Bà luôn quan tâm đến người khác.
Bà có vai trò gì trong Anh giáo?
Bà là người đứng đầu Giáo hội nước Anh. Bà không có quyền lực, nhưng trên hết bà ở cương vị danh dự. Thế giới không hiểu tầm quan trọng của các biểu tượng nhưng đó là cách để thống nhất Vương quốc. Tương tự như vậy ở Scotland (nơi nữ hoàng chỉ được xem là một thành viên đơn giản của Giáo hội Scotland). Người dân Scotland theo đạo Tin Lành nhiều hơn Anh giáo. Nữ hoàng vẫn đại diện cho sự kết hợp của chính phủ và đời sống thiêng liêng.
Người Công giáo không ở trong guồng máy chính trị, nhưng hai giáo hội Tin Lành rất hòa hợp và thống nhất trong chính quyền. Kể từ thời Vua James I, điều rất quan trọng đối với gia đình hoàng gia là sống ở cả Scotland (nơi nữ hoàng Elizabeth II qua đời) và ở Anh. Đó là một cách để thống nhất Vương quốc.
Hoàng gia Anh có vai trò nào trong thế kỷ 21?
Cách đây vài năm tôi có dạy tâm lý ở trường đại học. Nhà tâm lý học Jung dạy chúng ta, tất cả chúng ta đều cần các nguyên mẫu. Nữ hoàng là người bà của toàn quốc. Trước hết bà có vai trò biểu tượng giúp thống nhất xã hội, cả ý thức lẫn vô thức.
Chúng ta cần các biểu tượng để nói lên các giá trị của chúng ta. Đó là cách một quốc vương trở thành một người bà tốt. Bà làm cho cả Quốc gia cảm thấy mình ở trong một gia đình lớn.
Còn vua Charles III thì sao?
Chúng tôi không biết… Ông sẽ vượt lên được hoặc ông sẽ thất bại. Không có gì đảm bảo chế độ quân chủ sẽ tồn tại. Các quan niệm về bình đẳng và hòa nhập ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội. Chúng đối lập với chế độ quân chủ, vốn dựa trên hệ thống cấp bậc và không mang tính bao gồm tất cả mọi người.
Đó sẽ là một thách thức thực sự với Vua Charles III khi nền văn hóa ngày càng phát triển thù địch với chính ý tưởng về một chế độ quân chủ. Chúng ta đang hướng tới các cuộc chiến văn hóa và triết học. Chúng ta đang bước vào thời kỳ rất dễ bị tổn thương với đời sống chính trị và văn hóa của chúng ta.
Tình yêu của người dân dành cho quốc vương, nữ hoàng của họ không phải là một tình yêu tự nhiên. Chúng ta đã thấy rõ điều này qua cái chết của Công nương Diana. Nữ hoàng lúc đó đã cực kỳ không được mọi người ưa chuộng. Charles là người rất phức tạp, chúng ta sẽ xem liệu ông có mang tinh thần hào hiệp của mẹ vào cuộc sống hay không. Không biết ông có thực sự yêu đức tin kitô hay ông chỉ quan tâm đến tôn giáo như một nhà nhân chủng học. Chúng ta sẽ khám phá bản chất thực của đức tin của nhà vua.