Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Vì sao các giám mục Mỹ không bảo vệ giáo hoàng trước các cuộc tấn công của truyền thông Mỹ?

Vì sao các giám mục Mỹ không bảo vệ giáo hoàng trước các cuộc tấn công của truyền thông Mỹ?

americamagazine.org, Gerard O’Connell, Colleen Dulle2021-09-23

Gerard O’Connell, tùy viên của trang America tại Rôma

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/vi-sao-cac-giam-muc-my-khong-bao-ve-giao-hoang-truoc-cac-cuoc-tan-cong-cua-truyen-thong-my-630x420.jpg

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI tháng 9-2021 (Ảnh AP / Andrew Medichini)

Trong buổi nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia ngày chúa nhật 12 tháng 9, Đức Phanxicô cho biết sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào mùa hè này, một số giám chức muốn ngài chết. Ngài đưa ra lời chỉ trích ám chỉ cơ quan truyền thông EWTN, cho rằng các cuộc tấn công của trang mạng công giáo nhắm vào ngài là “công việc của ma quỷ.”

Nhà báo Gerard O’Connell, tùy viên trang America tại Vatican đã viết về chủ đề các bình luận của giáo hoàng và cho biết ngài đã đối chất với một nhà báo của EWTN về các cuộc tấn công mạng nhắm vào ngài. Trong  podcast “Bên trong Vatican” (Inside the Vatican), nhà báo Gerry O’Connel cùng với bà Colleen Dulle, người dẫn chương trình thảo luận về sự phân biệt giữa các cuộc tấn công nhằm vào ngài và vào văn phòng của ngài, cũng như giữa những chỉ trích và các công kích hợp lý.

Gerry và Colleen cũng xem xét đến các bình luận của Đức Phanxicô, rằng “một số người muốn ngài chết” sau cuộc phẫu thuật ruột kết, kể cả công việc tổ chức các cuộc họp để chuẩn bị cho mật nghị.

Trước việc giáo hoàng phải đối diện với sự phản kháng của cả Vatican và giới truyền thông, nhà báo Gerry nói: “Tôi thấy thật buồn khi giáo hoàng phải tự bảo vệ mình. Cơ quan truyền thông EWTN có trụ sở tại Hoa Kỳ. Hội đồng giám mục Công giáo Hoa Kỳ có thể bảo vệ giáo hoàng không?”

Dưới đây là bản ghi lại cuộc trò chuyện của hai nhà báo, được chỉnh sửa cho phù hợp thời lượng và rõ ràng.

Colleen Dulle: Đức Phanxicô đã nói gì về Đài EWTN trong cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên Slovakia?

Gerard O’Connell: Câu hỏi đặt ra là cách ngài đối phó với những người tỏ ra nghi ngờ ngài. Một tu sĩ Dòng Tên hỏi: “Một số người xem cha là dị giáo, một số người cho cha là chính thống. Làm thế nào để cha đối phó với những người nghi ngờ cha?”

“Tôi thấy thật buồn khi thấy giáo hoàng phải tự bào chữa cho mình. Đài EWTN có trụ sở tại Hoa Kỳ. Hội đồng giám mục Công giáo Hoa Kỳ có thể bảo vệ cho giáo hoàng về chuyện này không?”

Ngài đã trả lời một cách kỳ lạ. Ngài nói, “chẳng hạn có một kênh truyền hình công giáo lớn đã không ngần ngại liên tục nói xấu giáo hoàng.” Sau đó ngài nói: “Cá nhân tôi xứng đáng bị tấn công và xúc phạm vì tôi là kẻ có tội, nhưng Giáo hội thì không đáng bị thế. Đó là việc làm của ma quỷ.” Ngài cũng nói về các cuộc tấn công. Ngài tiếp tục: “Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.”

Chúng ta nói về đường lối giáo hoàng vạch ra ở đây, ngài nói ngài xứng đáng bị tấn công vì ngài là kẻ có tội, nhưng Giáo hội thì không đáng bị thế. Ông hiểu điều này như thế nào?

Ngài đưa ra sự khác biệt giữa cá nhân mình, Jorge Mario Bergoglio người Argentina, và ngài trong tư cách là giáo hoàng, là trung tâm của sự hiệp nhất và chính thống của Giáo hội công giáo. Vì vậy, một là tư cách cá nhân; một là vai trò, vai trò trọng tâm trong Giáo hội công giáo. Và ngài nói, trong tư cách là Bergoglio người Argentina, bạn có thể nói gì bạn muốn. Tôi đáng bị chỉ trích nhiều. Nhưng khi tôi ở cương vị giáo hoàng, đó là một điều khác. Bạn đang tấn công Giáo hội vì bạn đang tấn công trọng tâm của hiệp nhất và chính thống trong Giáo hội.

Và chúng ta cũng phải nói ở đây, có một sự khác biệt quan trọng giữa những kiểu tấn công đó và những lời chỉ trích chân chính mà ngành báo đòi hỏi. Ngài cũng phân biệt giữa công kích và phê bình.

Ngài không bao giờ chống những lời phê bình trong tinh thần xây dựng và đặt ra nhiều câu hỏi, ngay cả cách ngài hành động, cách ngài làm việc. Những gì ngài bác bỏ là những công kích tìm cách làm giảm vai trò của ngài trong cương vị giáo hoàng, giám mục giáo phận Rôma, người lãnh đạo Giáo hội, những chuyện làm giảm uy tín ngài trước dân chúng.

Ngài đưa ra sự khác biệt giữa cá nhân mình, Jorge Mario Bergoglio người Argentina, và ngài trong tư cách là giáo hoàng, là trung tâm của sự hiệp nhất và chính thống của Giáo hội Công giáo.

Nhưng khi bạn là kênh truyền hình lớn và bạn phát sóng, bạn thực sự làm giảm tác động, làm nhục, nói xấu vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo thì đây là sự khác biệt so với việc bạn chỉ trích một cá nhân nào đó, người không có một cương vị nào như thế này.

Bình luận này được hiểu rộng rãi là ám chỉ đến Đài EWTN, mạng truyền hình công giáo lớn của Mỹ. Họ cũng có một vài trang mạng khác thuộc đài EWTN: Catholic News Agency, CNA; National Catholic Register, CNR. Họ có rất nhiều đài phát thanh trực thuộc. Làm sao chúng ta biết ngài đang nói về EWTN?

Tôi nghĩ ngài đã cho chúng ta một chỉ dẫn, một chỉ dẫn chắc chắn khi cuối câu ngài nói: “Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ”. Tôi nhớ trong chuyến bay đi Iraq tháng 3 năm 2021, ngài đến chào từng nhà báo. Ngài gặp phóng viên và người quay phim của EWTN, và tôi nghĩ họ chĩa máy quay vào ngài. Và một người trong số họ nói với ngài, “Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng tôi là Đài EWTN, chúng tôi cầu nguyện cho cha”. Ngài nói: “À, có lẽ là Mẹ Angelica – người sáng lập Đài EWTN – trên thiên đàng đang cầu nguyện cho tôi, nhưng các bạn chấm dứt đừng nói xấu tôi nữa.” Và ngài nói câu này hai lần.

Bây giờ, chuyện này cho tôi một chỉ dẫn rất rõ, ngài nói về EWTN vì chính xác ngài dùng một cụm từ tiếng Ý trên máy bay đến Iraq và ở Bratislava, Slovakia khi ngài gặp các tu sĩ Dòng Tên: sparlare. Trong tiếng Ý có nghĩa là “nói xấu”, “nói điều xấu”, “nói xấu ai đó”. Trên máy bay, ngài nói với các nhà báo EWTN: “Đừng nói xấu tôi nữa.” Ở Bratislava, ngài lặp lại từ sparlare. Ngài nói: “Có một kênh truyền hình công giáo lớn đã không ngần ngại liên tục nói xấu tôi.”

Ông nghĩ vì ngài dùng một từ trong cả hai cuộc nói chuyện nên chắc chắn ám chỉ đến cuộc nói chuyện này, như ngài nói, ngài đã nói với họ trước đó?

Điểm mấu chốt ở đây là câu cuối khi ngài nói: “Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.” Ngài đang nói về một số mạng truyền hình công giáo lớn.

Tôi muốn hỏi ông thêm một chút về cuộc trao đổi này. Ông ở trên chuyến bay đi Baghdad, Iraq. Ông có thấy chuyện này xảy ra không?

Tôi đã không thực sự thấy chuyện này. Tôi thấy ngài đi đến chỗ họ, nhưng tôi không đủ gần để nghe. Nhưng những bạn thân tôi nói lại cho tôi nghe và như trong bài viết của tôi, tôi có ba người xác nhận điều này – bây giờ thì tôi có bốn. Và tôi đã kiểm lại. Ngài không ám chỉ một đài truyền hình là như vậy; ngài nói các cuộc tấn công là ma quỷ. Và chúng ta biết những cuộc tấn công đã được thực hiện. Họ lên truyền thông rất nhiều.

Ngài không ám chỉ một đài truyền hình là như vậy; ngài nói các cuộc tấn công là ma quỷ. Và chúng ta biết những cuộc tấn công đã được thực hiện.

Nếu tôi có thể nói, điều đánh động tôi là tôi cảm thấy buồn khi giáo hoàng phải tự bảo vệ mình. Đài EWTN có trụ sở tại Hoa Kỳ. Hội đồng giám mục công giáo không thể bảo vệ giáo hoàng về điều này sao? Có bao giờ họ đứng lên bảo vệ khi họ thấy giáo hoàng bị tấn công không? Có lẽ ngay cả Vatican cũng nên can thiệp. Tôi biết tại cuộc họp (tháng 9 năm 2019) về truyền thông.

Bộ truyền thông của Vatican.

Đúng, cơ quan truyền thông của Vatican.

Đúng, ông Michael Warsaw, giám đốc điều hành EWTN là nhà tư vấn trong bộ này.

Có. Người ta nói với tôi, có những câu hỏi  được nêu ra (về EWTN) trong cuộc họp này.  Nhưng một cách nào đó, thật đáng buồn khi giáo hoàng phải tự bảo vệ mình.

Những người khác không đứng ra bảo vệ ngài.

Đúng, và tôi nghĩ có lẽ điều này phản ánh một mức độ bực mình nào đó của giáo hoàng, vì ngài liên tục nhận phản hồi rằng người này, người kia đã nói điều này. Ngài rõ những gì đã nói và ai nói.

Ngài liên tục nhận phản hồi rằng người này, người kia đã nói điều này. Ngài rõ những gì đã nói và ai nói.

Chúng ta nên nói rõ chúng ta đang nói về ai ở đây. Ông Raymond Arroyo, người dẫn chương trình của chính ông trên EWTN, ông có nhóm được gọi là “Lực lượng Giáo hoàng” (Papal Posse) về cơ bản là một nhóm gồm ba người cực kỳ chỉ trích giáo hoàng. Họ lên truyền hình và giễu cợt ngài, chủ yếu họ phỏng vấn những người phê bình ngài nhiều nhất. Họ mời tổng giám mục Carlo Maria Viganò; họ tạo cho ông một diễn đàn nhất là khi ông kêu gọi giáo hoàng từ chức. Họ mời ông Steve Bannon; họ mời hồng y Raymond Burke. Và họ mời lui mời tới nhiều lần.

Và đây không phải là một đài truyền hình nhỏ, với lượng khán giả nhỏ. Đài được phát sóng ở nhiều quốc gia. Vì sao bây giờ họ lại ném đám mây nghi ngờ lên người lãnh đạo được bầu chọn của Giáo hội công giáo? Mục đích là gì?

Tôi nghĩ tác giả Chris Lamb đã thực sự đạt được mục đích của ông trong quyển sách Người Ngoài Cuộc, The Outsider. Có rất nhiều điều liên quan đến sự việc, vào thời kỳ đầu triều giáo hoàng của mình, ngài đã chỉ trích nặng nề chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, không kiềm chế. Và rất nhiều người trong số này, họ có nhiều tiền và ủng hộ đài nên họ đã phản đối chuyện này và chủ yếu muốn ngài im tiếng.

Giáo hoàng biết những lời của ngài sẽ được đăng. Ngài cảm thấy cần phải nói điều này. Tôi muốn nói, bây giờ ngài đã 84 tuổi; ngài sắp 85. Ngài sẽ không tái cử. Ngài không thu hút dư luận quần chúng. Nhưng nhiệm vụ của ngài là bảo vệ sự hiệp nhất và chính thống trong Giáo hội. Và khi ngài nói: “Đây là công việc của ma quỷ.” Ngài muốn nói gì? Ngài thường giải thích ma quỷ là kẻ gây chia rẽ, tạo nghi ngờ trong cộng đồng. Và đó là những gì ngài muốn nói. Và điều này không có trong bản chất Tin Mừng.

Trong buổi nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên, ngài cũng nói có nhiều người muốn triều giáo hoàng của ngài kết thúc. Khi mở đầu, một trong các tu sĩ hỏi ngài “Ngài khỏe không?” Ngài trả lời, sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào mùa hè, một số người cho rằng ngài chưa hồi phục tốt như thông báo chính thức cho biết và họ bắt đầu họp, chuẩn bị cho một mật nghị. Ngài nói với các tu sĩ Dòng Tên. Tôi tự hỏi liệu chúng ta có biết thêm gì về điều này không. Những người này là ai? Những cuộc họp này thực sự có hay không?

Có rất nhiều cuộc thảo luận khi ngài ở bệnh viện. Đó là một sự kiện đột ngột, bất ngờ. Khi đó thông tin đến từ bệnh viện rất hạn chế, rất ngắn gọn, không có nhiều chi tiết. Và vì vậy mọi người bắt đầu suy đoán: “Có lẽ ngài đau thật. Có lẽ ngài nặng hơn bác sĩ nói. Họ không nói cho chúng ta biết sự thật.” Và cuộc thảo luận tiếp tục. Vấn đề là có một số người cầu nguyện cho triều giáo hoàng kết thúc.

Ngài không tái cử. Ngài không thu hút dư luận quần chúng. Nhưng nhiệm vụ của ngài là bảo vệ sự hiệp nhất và chính thống trong Giáo hội.

Tôi nhớ trong một chuyến đi khi chúng tôi đi với ngài, người ta nói với ngài, một giám chức Vatican nói với một giám chức khác trước khi ngài đi “A, hãy hy vọng ông ấy không quay trở lại.” Và sáng nay, trong một cuộc họp, người ta hỏi hồng y Pietro Parolin, ngài nghĩ gì về thông tin này (một số giám chức đã tổ chức các cuộc họp chuẩn bị cho mật nghị). Ngài trả lời: “Ồ, tôi không biết gì về chuyện này. Tôi không biết.” Nhưng ngài  nói, “giáo hoàng có thể có thông tin mà tôi không có.” Thậm chí các báo còn đăng đã có các cuộc thảo luận về việc đây sẽ là lúc triều giáo hoàng kết thúc và ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo. Họ đã đăng các tên. Tôi nghĩ Đức Phanxicô nhạy cảm với chuyện này.

Tôi cũng vậy.

Và ngài nói: “Cảm tạ Chúa, tôi khỏe.” Những bình luận về cái chết của ngài thực sự chỉ ở phương Tây, một số nước ở châu Âu, ở Bắc Mỹ. Đây không phải điều chúng ta nghe ở Phi châu, Á châu.

Tôi nghĩ hai câu chuyện ngài chia sẻ về Đài  EWTN tấn công ngài và về các giám chức Vatican, những người sốt ruột chờ người kế vị ngài cho chúng ta thấy có một sự phản kháng khá mạnh mẽ ngài, ở bên trong hay bên ngoài, và ngài biết vấn đề này và ngài nói lên. Và khi thời điểm mật nghị đến, dù chúng ta không nghĩ là sắp xảy ra, nhưng sẽ có những người làm áp lực để có một người nào đó rất khác với ngài. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ trong tương lai.

Nhưng hiện tại, ngài đang khá khỏe mạnh. Chúng ta không mong có mật nghị sớm. Và có vẻ như với cách ngài nói về điều này, ngài cũng không để những bình luận và công kích này ảnh hưởng đến ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button