Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Đức Thánh Cha kêu gọi hành động để bảo vệ trẻ vị thành niên trong thế giới kỹ thuật số

Đức Thánh Cha kêu gọi hành động để bảo vệ trẻ vị thành niên trong thế giới kỹ thuật số
© Vatican Media

Diễn từ trước các tham dự viên: ‘Thăng tiến phẩm giá trẻ em trong thế giới số từ khái niệm đến hành động 2017-2019’

14 tháng Mười Một, 2019 16:04
JIM FAIR

Nêu ra những mối nguy hiểm cho người trẻ sống trong thế giới số, ngày 14 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi hành động để bảo đảm sự bảo vệ cho họ. Ngài lưu ý đến kinh nghiệm “đau thương” của Giáo hội Công giáo trong việc đối phó với nạn lạm dụng thanh thiếu niên.

Những lời của Đức Thánh Cha trong Khán phòng Clementine thuộc Điện Tông tòa của Vatican, tại đây ngài tiếp các tham dự viên trong hội nghị quốc tế tại Vatican về chủ đề, “Thăng tiến phẩm giá trẻ em trong thế giới số từ khái niệm đến hành động, 2017 đến 2019”. Hội nghị từ 14-15 tháng Mười Một được đồng tổ chức bởi Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, Liên minh Phẩm giá Trẻ em và Chính phủ các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Trong những thập niên gần đây, từ kinh nghiệm đau thương và bi thảm, Giáo hội Công giáo đã ý thức sâu sắc về tính nghiêm trọng và những hậu quả của nạn lạm dụng tình dục trẻ em, sự đau khổ do nó gây ra, và tính cần thiết cấp bách để chữa lành những vết thương, chống lại những tội ác như vậy và thiết lập những phương tiện hiệu quả để ngăn ngừa. Vì lý do này, Giáo hội ý thức trách nhiệm để tiếp cận với những vấn đề này với một tầm nhìn lâu dài.”

Đức Thánh Cha mô tả thách thức đối với việc tìm ra một con đường cho người trẻ truy cập an toàn những lợi ích của thông tin trong thế giới số trong khi được bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm của nền tảng kỹ thuật số. Ngài nói đây là một trong những thách thức mà các gia đình ngày nay đang phải đối mặt.

Đức Phanxico than phiền: “Thật đáng buồn, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tổ chức, hoạt động và tuyển dụng trẻ em để lạm dụng đã vượt rất xa, vượt biên giới các quốc gia, đang bỏ xa các nỗ lực và các nguồn lực của những tổ chức và cơ quan an ninh chịu trách nhiệm chống lại nạn lạm dụng; do đó, thật khó để chiến đấu một cách hiệu quả để chống lại những tội ác kinh khủng như vậy. Chính sự phát triển chóng mặt của tình trạng khiêu dâm trong thế giới số là nghiêm trọng nhất, là hậu quả của sự mất ý thức chung về nhân phẩm; thường có sự liên quan đến tình trạng buôn người.”

Đức Thánh Cha Phanxico cảnh báo rằng những nguồn tài liệu đen này luôn dễ dàng truy cập đối với trẻ em, thậm chí trên các thiết bị di động. Và ngài nhấn mạnh rằng những nghiên cứu khoa học đã chứng minh “tác hại sâu sắc” của khiêu dâm trên trí óc non trẻ. Ngài nói điều quan trọng là phải tìm ra được cách cân bằng phù hợp giữa sự tự do bày tỏ và bảo vệ trẻ em và giữ gìn sự riêng tư.

Đức Phanxico nói: “Phải tìm ra một sự cân bằng phù hợp giữa cách thể hiện hợp pháp đối với sự tự do bày tỏ và những ích lợi của xã hội, để bảo đảm rằng truyền thông kỹ thuật số không bị sử dụng để thực hiện những hoạt động tội ác chống lại trẻ em. Tiềm năng của công nghệ số là khổng lồ, tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực có thể có khi lạm dụng nó trong việc buôn người, lên kế hoạch cho các hoạt động khủng bố, lan truyền sự hận thù và cực đoan, thao túng thông tin, và chúng ta phải nhấn mạnh đến vấn đề lạm dụng trẻ em, là vô cùng nghiêm trọng.”

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha, bản dịch (tiếng Anh) của Vatican.

Kính thưa Hoàng thân,

Thưa các nhà Chức trách và các nhà lãnh đạo tôn giáo,

Thưa các Đức Hồng y, thưa quý ngài,

 Thưa quý vị,

Tôi xin cảm ơn Hoàng thân Sheikh Saif bin Zayed Al Nahyan và Cha Federico Lombardi vì những lời chào mừng và giới thiệu cuộc họp này.

Các vấn đề mà quý vị sẽ tập trung vào trong những ngày này mang tầm quan trọng rất lớn. Nhiều người trong quý vị đã và đang đối phó với những vấn đề đó bằng sự quyết tâm và tầm nhìn xa trông rộng. Hai năm trước, khi tôi tiếp các tham dự viên trong Hội nghị về “Phẩm giá Trẻ em trong Thế giới Kỹ thuật số,” tôi đã thúc giục quý vị liên minh các lực lượng để tập trung hiệu quả hơn vào việc bảo vệ phẩm giá của trẻ em trong thế giới kỹ thuật số. Về căn bản, vấn đề phức tạp này cần có sự hợp tác về phía tất cả mọi người: các chuyên gia về khoa học và công nghệ, các doanh nhân và nhà kinh tế, những nhà lập pháp, các chính trị gia và nhân viên an ninh, các nhà giáo dục và tâm lý, và không kém quan trọng đó là các nhà lãnh đạo tôn giáo và đạo đức (x. Diễn từ trước các tham dự viên trong Hội nghị về “Phẩm giá trẻ em trong Thế giới Kỹ thuật số”, 6 tháng Mười 2017). Tôi rất hài lòng vì biết rằng quý vị đã và đang tiếp tục trên con đường này, cùng với những sáng kiến mới, trong đó đặc biệt là hội nghị liên tôn được tổ chức tại Abu Dhabi một năm trước, và tiếp nối là hội nghị của chúng ta hôm nay.

Trong những thập niên gần đây, từ kinh nghiệm đau thương và bi thảm, Giáo hội Công giáo đã ý thức sâu sắc về tính nghiêm trọng và những hậu quả của nạn lạm dụng tình dục trẻ em, sự đau khổ do nó gây ra, và tính cần thiết cấp bách để chữa lành những vết thương, chống lại những tội ác như vậy và thiết lập những phương tiện hiệu quả để ngăn ngừa. Vì lý do này, Giáo hội ý thức trách nhiệm để tiếp cận với những vấn đề này với một tầm nhìn lâu dài.

Quả thật, chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn đe dọa tương lai của gia đình nhân loại do sự phát triển quá nhanh của công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chắc chắn sự phát triển của những công nghệ mới và thế giới số cung cấp những cơ hội tuyệt vời cho trẻ em, cho sự học hành và phát triển cá nhân của các bé. Nó cho phép sự chia sẻ rộng lớn hơn về kiến thức, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cung cấp những cơ hội mới trong một số lĩnh vực, trong đó có sự chăm sóc sức khỏe. Công nghệ mới mở ra những chân trời mới, đặc biệt cho những trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo khó và cách xa các trung tâm đô thị của các quốc gia công nghiệp hóa.

Do đó, thách thức trước mắt chúng ta là bảo đảm rằng trẻ em có sự truy cập an toàn đối với những công nghệ mới, đồng thời bảo đảm sức khỏe và sự phát triển yên bình của các bé và bảo vệ các bé khỏi tình trạng bạo lực tội phạm không thể tha thứ được hoặc gây những nguy hại cho sự toàn vẹn thể xác và tinh thần của các bé.

Thật đáng buồn, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tổ chức, hoạt động và tuyển dụng trẻ em để lạm dụng đã vượt rất xa, vượt biên giới các quốc gia, đang bỏ xa các nỗ lực và các nguồn lực của các tổ chức và cơ quan an ninh chịu trách nhiệm chống lại nạn lạm dụng; do đó, thật khó để chiến đấu một cách hiệu quả để chống lại những tội ác kinh khủng như vậy. Sự lan tràn những hình ảnh lạm dụng hoặc bóc lột trẻ em đang gia tăng theo cấp số, trong đó có những hình thức lạm dụng ngày càng nghiêm trọng hơn, bạo lực hơn và với trẻ em ngày càng nhỏ tuổi hơn.

Chính sự phát triển chóng mặt của tình trạng khiêu dâm trong thế giới số là nghiêm trọng nhất, là hậu quả của sự mất ý thức chung về nhân phẩm; thường có sự liên quan đến tình trạng buôn người. Điều làm cho hiện tượng này thậm chí đáng lo ngại hơn là những nguồn tài liệu đen này luôn dễ dàng truy cập trên internet thậm chí đối với trẻ em, đặc biệt qua các thiết bị di động. Phần lớn những nghiên cứu khoa học đã chứng minh tác hại nặng nề của khiêu dâm trên đối với suy nghĩ và hành vi của trẻ em. Chắc chắn nó sẽ có những hậu quả suốt đời với các bé, qua các hình thức như bị nghiện nặng, hành vi bạo lực và những mối quan hệ thuộc cảm xúc và tình dục bị rối loạn nặng nề.

Rất cần phải nâng cao ý thức nhiều hơn về tính tàn ác và nghiêm trọng của những hiện tượng này. Quả thật, một đặc tính của sự phát triển công nghệ ngày nay đó là nó luôn luôn đi trước chúng ta một bước, vì thường khi ban đầu chúng ta chỉ nhìn thấy những khía cạnh hấp dẫn và tích cực nhất của nó (đương nhiên là rất nhiều), và chỉ nhận ra những hậu quả tiêu cực của nó khi chúng đã lan rộng và rất khó cứu vãn. Tôi xin trình bày điều này với quý vị là những nhà học giả và nghiên cứu: quý vị đang đứng trước một thách thức rất lớn! Vì đây là những vấn đề rộng lớn và phức tạp, cần phải có sự hiểu biết rõ ràng về bản chất và quy mô của chúng. Chúng ta không thể tự lừa dối bản thân bằng suy nghĩ cho rằng chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này trên nền tảng của những kiến thức nông cạn và hời hợt. Đặt những nền tảng bảo vệ lớn hơn cho phẩm giá trẻ em phải trở thành một trong những mục tiêu cao cả nhất của công cuộc nghiên cứu khoa học của quý vị.

Vai trò của phương tiện truyền thông cũng không kém phần quan trọng. Cần phải nâng cao ý thức về những rủi ro vốn có trong sự phát triển công nghệ không được kiểm soát. Chúng ta vẫn chưa hiểu được – và thường thường chúng ta không muốn hiểu – tính nghiêm trọng của vấn đề trong tổng thể của nó và những hậu quả trong tương lai. Việc này không thể xảy đến nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với phương tiện truyền thông, tức là với quý vị, với những nhân viên truyền thông, vì quý vị có tầm ảnh hưởng đối với xã hội và công luận.

Quý vị đã chọn chủ đề rất đúng cho buổi họp này: “Từ khái niệm đến hành động.” Thật vậy, hiểu thôi là không đủ; chúng ta phải hành động. Sự kết án về đạo đức đối với sự nguy hại đổ xuống trên các trẻ em qua cách sử dụng không đúng những công nghệ kỹ thuật số mới cần phải cấp tốc được chuyển thành những sáng kiến cụ thể. Chúng ta càng đợi lâu thì cái ác này càng trở nên cực đoan và không khắc phục được. Sự lo lắng này đã được nêu lên bởi những người – cũng giống như nhiều người trong quý vị – đã quảng đại cống hiến cuộc sống của họ cho trận chiến này qua sự tiếp xúc trực tiếp với tội ác này và những nạn nhân của nó, đó có thể là các nhà giáo dục, cơ quan chấp pháp và các nhân viên an ninh, và nhiều người khác.

Một khía cạnh cốt lõi của vấn đề gây nên sự căng thẳng – và cuối cùng trở thành sự xung đột – giữa ý kiến cho rằng thế giới số như là một địa hạt của sự tự do không giới hạn để bày tỏ và truyền thông, và sự cần thiết đối với trách nhiệm sử dụng công nghệ và từ đó nhận biết những giới hạn của nó.

Việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận tuyệt đối có liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư thông qua các hình thức mã hóa tin nhắn ngày càng tinh vi, điều này sẽ khiến cho những sự kiểm soát trở nên vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể. Phải tìm ra một sự cân bằng phù hợp giữa cách thể hiện hợp pháp đối với sự tự do bày tỏ và những ích lợi của xã hội, để bảo đảm rằng truyền thông kỹ thuật số không bị sử dụng để thực hiện những hoạt động tội ác chống lại trẻ em. Vì mục đích thúc đẩy sự phát triển của Internet và nhiều lợi ích của nó, từ trước đến nay các công ty cung cấp dịch vụ chỉ xem họ là những nhà cung cấp nền tảng công nghệ, không chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cũng như đạo đức đối với cách chúng được sử dụng. Tiềm năng của công nghệ số là khổng lồ, tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực có thể có khi lạm dụng nó trong việc buôn người, lên kế hoạch cho các hoạt động khủng bố, lan truyền sự hận thù và cực đoan, thao túng thông tin, và chúng ta phải nhấn mạnh đến vấn đề lạm dụng trẻ em, là vô cùng nghiêm trọng. Cuối cùng công luận và các nhà lập pháp đã nhận ra điều này. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn chặn sự lạm dụng? Cho phép tôi nhấn mạnh hai điều.

Trước hết, quyền tự do và bảo vệ sự riêng tư là những tài sản rất giá trị cần phải được cân bằng với ích chung của xã hội. Các nhà chức trách phải có khả năng hành động hiệu quả, sử dụng các biện pháp lập pháp và hành pháp phù hợp, hoàn toàn tôn trọng pháp quyền và thủ tục tố tụng, để chống lại các hoạt động tội phạm gây tổn hại đến sự sống và phẩm giá của trẻ vị thành niên.

Thứ hai, các công ty lớn là những nhân tố then chốt trong sự phát triển chóng mặt của thế giới kỹ thuật số; họ dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia, đang ở đỉnh cao của những tiến bộ công nghệ, và đã tích lũy được lợi nhuận khổng lồ. Bây giờ rõ ràng họ không thể tự xem họ hoàn toàn không có trách nhiệm đối với các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách hàng của họ. Vì vậy, tôi đưa ra một lời kêu gọi khẩn thiết để họ nhận lấy trách nhiệm của họ đối với trẻ vị thành niên, sự toàn vẹn và tương lai của các em. Sẽ không thể đảm bảo sự an toàn của trẻ vị thành niên trong thế giới kỹ thuật số nếu không có sự tham gia đầy đủ của các công ty trong lĩnh vực này và không có nhận thức đầy đủ về những tác động đạo đức và xã hội trong quản lý và hoạt động của họ. Các công ty như vậy có trách nhiệm không những tôn trọng luật pháp mà phải quan tâm đến hướng phát triển của công nghệ và xã hội mà họ sản xuất và thúc đẩy vì những phát triển đó đi trước các luật là những điều luật sẽ tìm cách kiểm soát chúng.

Mặc dù những thách thức này rất khó để đáp ứng, nhưng có một số lĩnh vực hoạt động. Tôi xin nêu ra một vài ví dụ.

Những sáng kiến như pháp chế “Safety by Design” (tạm dịch: Thiết kế an toàn) do Ủy ban Chính phủ Úc tài trợ là rất giá trị vì họ đảm bảo rằng ngành công nghiệp kỹ thuật số phải chủ động và nhất quán trong cách tiếp cận với sự an toàn của khách hàng bắt đầu ngay từ khi phát triển các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Bằng cách này, trách nhiệm đối với sự an toàn nói chung được công nhận rõ ràng không chỉ thuộc về người sử dụng mà còn thuộc về những người sản xuất, phát triển và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đó.

Ở một số quốc gia cũng vậy, các nhà lập pháp cam kết đảm bảo rằng các công ty cung cấp điều hướng internet trên thiết bị di động có nghĩa vụ xác minh tuổi của khách hàng của họ, để ngăn chặn trẻ vị thành niên truy cập các trang web khiêu dâm. Điều này cần được khuyến khích. Thật vậy, ngày nay trẻ vị thành niên sử dụng hầu hết các điện thoại di động và các bộ lọc được sử dụng cho PC vẫn không hiệu quả. Các nghiên cứu đáng tin cậy cho chúng ta biết rằng độ tuổi trung bình của người lần đầu tiên tiếp cận với nội dung khiêu dâm hiện tại là mười một tuổi, và có xu hướng tiếp tục giảm. Điều này không thể chấp nhận được.

Mặc dù cha mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái, nhưng phải thừa nhận rằng việc kiểm soát việc sử dụng các thiết bị điện tử của họ ngày càng khó khăn hơn, dù cho họ có tất cả thiện chí. Vì vậy, ngành công nghiệp này phải hợp tác với cha mẹ trong trách nhiệm giáo dục của họ. Do đó, việc xác định tuổi của người sử dụng không thể coi là vi phạm quyền riêng tư, mà là một yêu cầu thiết yếu để việc bảo vệ trẻ vị thành niên được hiệu quả.

Những khả năng được cung cấp bởi công nghệ không ngừng phát triển. Ngày nay có nhiều thảo luận về các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Việc xác định và loại bỏ những hình ảnh bất hợp pháp và có hại khỏi dòng lưu thông trên mạng bằng cách sử dụng những thuật toán ngày càng hoàn thiện đại diện cho một lĩnh vực nghiên cứu rất quan trọng. Các nhà khoa học và những người làm việc trong thế giới kỹ thuật số phải tiếp tục thúc đẩy những nghiên cứu như vậy, tham gia vào một cuộc cạnh tranh cao đẹp để chống lại việc sử dụng công nghệ tân tiến sai mục đích. Do đó, tôi kêu gọi các kỹ sư máy tính hãy cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng tương lai. Nhiệm vụ của họ là đảm nhận việc phát triển đạo đức của các thuật toán, với sự hỗ trợ của chúng ta, và bằng cách này giúp xây dựng luân lý đạo đức mới cho thời đại chúng ta.

Sự phát triển của công nghệ và thế giới kỹ thuật số liên quan đến những lợi ích kinh tế to lớn. Không thể bỏ qua sức ảnh hưởng của những lợi ích này đối với cách quản lý của các công ty. Cần phải bảo đảm rằng các nhà đầu tư và quản lý vẫn phải có trách nhiệm để sự thiện hảo của trẻ vị thành niên và của xã hội không bị hy sinh cho lợi nhuận. Chúng ta đã thấy xã hội ngày càng nhạy cảm hơn đối với các lĩnh vực chăm sóc môi trường và tôn trọng phẩm giá của lao động. Một sự quan tâm tương tự đối với việc bảo vệ hiệu quả trẻ vị thành niên và cuộc chiến chống lại nội dung khiêu dâm phải được cảm nhận ngày càng mạnh mẽ hơn trong nguồn tài chính và nền kinh tế của thế giới kỹ thuật số. Sự phát triển an toàn và lành mạnh của tuổi trẻ là một mục tiêu cao cả đáng để theo đuổi; nó có giá trị lớn hơn nhiều so với lợi nhuận kinh tế đơn thuần có nguy cơ gây nguy hại cho người trẻ.

Trong một thế giới như thế giới của chúng ta, nơi ranh giới giữa các quốc gia liên tục bị mờ nhạt bởi sự phát triển của công nghệ số, thì những nỗ lực của chúng ta phải nổi bật lên như một phong trào toàn cầu gắn liền với cam kết mạnh mẽ nhất của gia đình nhân loại và các tổ chức quốc tế để bảo vệ phẩm giá của trẻ vị thành niên và mỗi con người. Nhiệm vụ khó khăn này đặt ra trước mặt chúng ta những câu hỏi mới và đầy thách thức. Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ phẩm giá của con người, kể cả trẻ vị thành niên, trong thời đại kỹ thuật số này, khi cuộc sống và danh tính của một cá nhân gắn chặt với dữ liệu trực tuyến của họ, mà những hình thức quyền lực mới liên tục tìm cách sở hữu? Làm thế nào chúng ta có thể thể thức hóa các nguyên tắc và mệnh lệnh chung trong thế giới kỹ thuật số toàn cầu hóa? Đây là những câu hỏi đầy thách thức kêu gọi chúng ta phải hợp tác với tất cả những người làm việc với sự kiên nhẫn và thông minh cho mục tiêu này ở tầm mức của những quan hệ và quy định quốc tế.

Sự sáng tạo và trí thông minh của con người thật đáng kinh ngạc, nhưng họ phải được định hướng chắc chắn nhắm đến sự tốt lành toàn diện của con người từ lúc sinh ra và suốt cuộc đời. Mọi nhà giáo dục và mọi cha mẹ phải nhận thức rõ điều này và cần được giúp đỡ và hỗ trợ trong nhiệm vụ này qua cam kết chung xuất phát từ một sự liên minh mới giữa tất cả các tổ chức và trung tâm giáo dục.

Có thể đưa ra sự đóng góp cho vấn đề này không chỉ bằng lý luận đạo đức tốt đẹp mà còn bằng tầm nhìn và nguồn cảm hứng của tôn giáo, nó có phạm vi phổ quát, vì nó tôn trọng phẩm giá con người trong sự cao cả và thánh thiêng của Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu thế. Về vấn đề này, tôi rất vui mừng trước sự hiện diện của một số nhà lãnh đạo tôn giáo cao quý, với tinh thần đoàn kết và hợp tác, đã sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ xử lý những vấn đề này. Tôi xin trịnh trọng gửi lời chào quý vị và tôi chân thành cảm ơn quý vị. Chúng tôi phải trở nên một trong những nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên trong thế giới kỹ thuật số, bây giờ và trong tương lai. Vì bằng cách này, chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người, bắt đầu từ những người bé mọn nhất và dễ bị tổn thương nhất, để thúc đẩy sự quan tâm, sự chăm sóc và ý thức trong mỗi con người, trong mọi miền trên thế giới và trong mọi nền tảng tôn giáo. Chúng ta phải tẩy xóa khỏi mặt đất tình trạng bạo lực và mọi hình thức lạm dụng đối với trẻ em. Chúng ta hãy nhìn vào đôi mắt của các em: chúng là những người con trai và con gái của bạn; chúng ta phải yêu thương chúng như là những kiệt tác và là con cái của Thiên Chúa. Chúng có quyền có một cuộc sống tốt đẹp. Chúng ta có nhiệm vụ phải làm mọi thứ có thể để bảo đảm cho quyền đó. Xin cảm ơn quý vị.

© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/11/2019]

Bài liên quan

Back to top button