Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức
Đức Thánh Cha nói với các nhạc sĩ: ‘Anh chị em đã đánh thức Vatican’
‘Âm nhạc và bài ca của anh chị em là một khí cụ rao giảng đích thực’
26 tháng Mười Một, 2018 17:03
“Người hát là cầu nguyện hai lần,” theo số #1156 trong Giáo lý Giáo hội Công giáo – trích lời của Thánh Augustine. Và nếu điều này là đúng, thì những người họp mặt từ 23-25 tháng Mười Một, 2018, trong sảnh đường Phaolô VI tại Vatican thật sự là những chiến binh cầu nguyện quan trọng cho Giáo hội.
Đây là cuộc Họp mặt các Ca đoàn Quốc tế lần thứ Ba diễn ra với sự tham dự của các ca viên và nhạc sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Sự kiện được tổ chức bởi Hội đồng Tòa Thánh về Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa, cùng hợp tác với Nova Opera Onlus.
Cuộc họp đón một vị khách đặc biệt ngày 24 tháng Mười Một, một người chỉ biết “một chút về sự cầu nguyện” đó là Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha nói với mọi người trong cuộc họp, “Sự hiện diện của anh chị em trong sảnh đường này bằng một cách nào đó đã cho phép âm nhạc và những bài ca vang lên vượt ra khỏi những bức tường: Anh chị em đã đánh thức Vatican!” (dường như đã tạo ra được âm nhạc đủ lớn để vượt ra khỏi Sảnh đường Phaolô VI). “Âm nhạc và bài ca của anh chị em là một khí cụ đích thực để rao giảng phúc âm đến mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân hiểu được sự sâu sắc của Lời Chúa làm chạm đến tâm hồn con người, và giúp cho một buổi cử hành các bí tích, đặc biệt là Thánh Lễ diễn ra, nó làm cho mọi người nhận thức được vẻ đẹp của Thiên Đàng.”
Đức Thánh Cha cũng nói đến nét đẹp quốc tế của cuộc họp. Ngài giải thích rằng nó tượng trưng cho bản chất hoàn vũ của Giáo hội.
Đức Thánh Cha nói, “Sự hiện diện của anh chị em, nó nhấn mạnh đến tính quốc tế của các quốc gia quê hương anh chị em, giúp thể hiện được tính hoàn vũ của Giáo hội và những truyền thống đa dạng của mình. Bài ca và âm nhạc của anh chị em, đặc biệt trong việc cử hành Thánh Lễ, thể hiện rõ ràng rằng chúng ta là một Thân Thể và chúng ta cùng chung một giọng để ca vang một niềm tin duy nhất của chúng ta. Cho dù chúng ta nói những ngôn ngữ khác nhau, nhưng mọi người đều có thể hiểu được âm nhạc chúng ta đang hát, đức tin mà chúng ta tuyên xưng và niềm hy vọng đang chờ đón chúng ta.”
Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Sự hiện diện của anh chị em trong sảnh đường này bằng một cách nào đó đã cho phép âm nhạc và những bài ca vang lên vượt ra khỏi những bức tường: Anh chị em đã đánh thức Vatican! Thật tuyệt vời khi được thưởng thức những giai điệu của anh chị em và cảm nhận được niềm vui và sự trang nghiêm mà tất cả anh chị em cùng hòa chung lời ca để mang đến vẻ đẹp cho lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella vì sự sáng tạo, cùng những lời phát biểu của ngài, và sáng kiến đã cho phép anh chị em trực tiếp trải nghiệm nhiều con đường rao giảng phúc âm khác nhau.
Như anh chị em biết, trong những ngày vừa qua Thượng Hội đồng Giám mục về giới trẻ đã diễn ra, và một chủ đề rất được quan tâm đó là âm nhạc: “Âm nhạc có một vai trò rất lớn, nó là một môi trường thật sự giúp người trẻ không ngừng hòa mình vào, cũng như một văn hóa và ngôn ngữ đủ sức khơi gợi lên những cảm xúc và định hình cho căn tính. Ngôn ngữ của âm nhạc là một nguồn tài nguyên của mục vụ, nó đặt ra thách đố đối với phụng vụ và sự đổi mới” (Tài liệu đúc kết, 47).
Âm nhạc và bài ca của anh chị em là một khí cụ đích thực để rao giảng phúc âm đến mức độ anh chị em trở thành những chứng nhân hiểu được sự sâu sắc của Lời Chúa làm chạm đến tâm hồn con người, và hỗ trợ cử hành các bí tích, đặc biệt là Thánh Lễ diễn ra số sắng, nó làm cho mọi người nhận thức được vẻ đẹp của Thiên Đàng. Đừng bao giờ từ bỏ cam kết này vì nó vô cùng quan trọng cho đời sống của cộng đoàn của anh chị em; với con đường này, bằng lời ca tiếng hát anh chị em đã làm cho những cảm xúc từ tận sâu thẳm trong tâm hồn của mỗi người bật lên thành lời. Trong những lúc vui cũng như khi buồn, Giáo hội có trách nhiệm phải luôn gần gũi với con người, để đồng hành hỗ trợ cho đức tin. Thường thường âm nhạc và lời ca tiếng hát trong những thời khắc này là lựa chọn đặc biệt trong đời sống của con người, vì chúng lưu lại như một kỷ niệm quý báu đánh dấu ấn trong cuộc sống của họ.
Khi áp dụng sự canh tân trong phụng vụ, Công đồng Vatican II nhắc lại rằng “truyền thống âm nhạc của Giáo hội đóng góp xây dựng nên một gia tài với giá trị vô giá” (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 112). Đúng thật như vậy. Đặc biệt, cha nghĩ đến nhiều truyền thống của các cộng đoàn chúng ta ở đây đó khắp nơi trên thế giới, tạo nên những hình thức có nguồn cội nổi lên trong nền văn hóa đại chúng, và trở thành lời cầu nguyện đích thực. Lòng mộ đạo đại chúng đó, như một Đức Giám mục người Ý nói, là “hệ miễn dịch” của Giáo hội. Và lời ca tiếng hát chuyển tải lòng mộ đạo này. Qua những thể loại âm nhạc và bài ca như vậy, mọi người đều góp tiếng vào trong lời cầu nguyện và qua đó xây dựng nên một ca đoàn hoàn vũ thật sự, để từ đó dâng lên Chúa Cha tất cả mọi sự ca khen và vinh quang của dân Người.
Sự hiện diện của anh chị em, nó nhấn mạnh đến tính quốc tế của các quốc gia quê hương anh chị em, giúp thể hiện được tính hoàn vũ của Giáo hội và những truyền thống đa dạng của mình. Bài ca và âm nhạc của anh chị em, đặc biệt trong việc cử hành Thánh Lễ, thể hiện rõ ràng rằng chúng ta là một Thân Thể và chúng ta cùng chung một giọng để ca vang một niềm tin duy nhất của chúng ta. Cho dù chúng ta nói những ngôn ngữ khác nhau, nhưng mọi người đều có thể hiểu được âm nhạc chúng ta đang hát, đức tin mà chúng ta tuyên xưng và niềm hy vọng đang chờ đón chúng ta.
Anh chị em nghiên cứu và tập trung lòng trí để tạo cho bài ca một giai điệu thích hợp cho việc cầu nguyện và cử hành phụng vụ. Tuy nhiên, đừng để mình rơi vào cám dỗ muốn giữ vai trò chủ đạo làm lu mờ trách vụ của anh chị em, và gạt bỏ đi vai trò tham dự tích cực của cộng đoàn trong sự cầu nguyện. Xin đừng bao giờ nắm giữ “vai diễn chính.” Hãy là những người tạo nguồn cảm hứng cho cộng đoàn cất tiếng hát và đừng thay thế cộng đoàn, tước mất cơ hội của dân Chúa cùng hòa chung lời ca tiếng hát với anh chị em và làm chứng cho lời cầu nguyện của hội thánh và của cộng đoàn. Có những lúc cha cảm thấy buồn, vì trong một số Thánh Lễ, có một người nào đó hát quá hay nhưng cộng đoàn lại không thể hát theo được … Anh chị em là những người hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của ca hát và của âm nhạc, đừng làm giảm giá trị của những cách thể hiện tinh thần cộng đoàn: những ngày lễ của các thánh, những cuộc rước kiệu, những điệu múa và những bài thánh ca của dân Chúa cũng là một gia tài thật sự của lòng đạo đức xứng đáng được trân quý và thúc đẩy, vì việc này cũng là một hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội. Nguyện xin Thần Khí giúp chúng ta tiến bước.
Vì vậy, ước mong rằng âm nhạc trở thành một khí cụ cho tình hiệp nhất để giúp cho Tin mừng trở nên có hiệu quả trong thế giới hôm nay, qua cái đẹp vẫn luôn có sức cuốn hút và có thể tạo niềm tin bằng sự cậy dựa vào tình yêu của Chúa Cha.
Cha hiệp thông với anh chị em bằng lời chúc lành và và cha phó thác anh chị em cho Thánh Cecilia, là Thánh Bổn mạng của anh chị em, nhưng trên hết, cha xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha; và cầu nguyện cho cha bằng những bài hát của anh chị em! Cảm ơn anh chị em.
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/12/2018]