Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Đức Thánh Cha tôn vinh mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi như là người xây dựng hòa bình

Đức Thánh Cha tôn vinh mẫu gương của Thánh Phanxico Assisi như là người xây dựng hòa bình
© Deborah Castellano Lubov

‘Hòa bình đòi hỏi và yêu cầu rằng chúng ta phải chấp nhận đối thoại như là con đường’

06 tháng Năm, 2019 18:03

JIM FAIR

Ngày 6 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha nhắc đến mẫu gương của Thánh Phanxico Assisi như là một nhà kiến tạo hòa bình trước những người đại diện các tôn giáo trong Quảng trường Nezavisimost ở Sofia, Bulgaria.

Sự kiện bao gồm lời cầu nguyện của các đại diện của Chính thống giáo, Do thái giáo, Tin lành, người Armenia, Hồi giáo, và Công giáo, cùng với Đức Thánh Cha đọc Lời Cầu nguyện của Thánh Phanxico và gửi lời chào.

Đức Thánh Cha nói: “Hòa bình đòi hỏi và yêu cầu rằng chúng ta phải chấp nhận đối thoại như là con đường, hiểu biết lẫn nhau là quy tắc đạo đức, và hiểu biết lẫn nhau như là phương pháp và tiêu chuẩn của chúng ta (x. Văn kiện về tình huynh đệ con người, Abu Dhabi, 4 tháng Hai, 2019). Bằng cách này, chúng ta có thể đặt trọng tâm vào những gì hiệp nhất chúng ta, thể hiện sự tôn trọng đối với những khác biệt của nhau, và động viên nhau hướng về một tương lai đầy hứa hẹn và phẩm giá, đặc biệt cho các thế hệ tương lai.”

Đức Thánh Cha tôn vinh mẫu gương của Thánh Phanxico Assisi như là người xây dựng hòa bình

Dưới đây là toàn văn lời chào của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (tiếng Anh)

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã cầu nguyện cho hòa bình bằng những lời được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxico Assisi, người đã quá yêu mến Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và là Cha của tất cả mọi người. Một tình yêu mà ngài thể hiện qua niềm mê say và tôn trọng sâu sắc vẻ đẹp của tạo vật và của tất cả mọi người ngài gặp gỡ trên con đường lữ hành của ngài. Một tình yêu đã làm thay đổi cách nhìn mọi sự vật và giúp ngài nhận ra rằng trong tất cả mọi người đều có “một ánh lửa lung linh xuất phát từ niềm tin chắc chắn của riêng chúng ta rằng chúng ta hoàn toàn được yêu thương, khi mọi điều được nói lên và được thực hiện” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 6). Tình yêu đó cũng dẫn dắt Thánh Phanxico trở thành một người xây dựng hòa bình thật sự. Mỗi chúng ta được kêu gọi để noi theo những bước chân của ngài qua cách trở thành một người xây dựng hòa bình, một “nghệ nhân” của hòa bình. Hòa bình vừa là một ân tứ vừa là một trách nhiệm; nó phải được khẩn cầu và vun đắp cho nó, được đón nhận như là một phúc lành và được liên tục tìm kiếm khi chúng ta phấn đấu từng ngày xây dựng một văn hóa trong đó hòa bình được tôn trọng như là một quyền căn bản. Một nền hòa bình tích cực, được “củng cố” để chống lại tất cả những hình thức ích kỷ và thờ ơ khiến cho chúng ta chỉ đặt những lợi ích hẹp hòi của một số ít người lên trên phẩm giá bất khả xâm phạm của mọi người.

Hòa bình đòi hỏi và yêu cầu rằng chúng ta phải chấp nhận đối thoại như là con đường, hiểu biết lẫn nhau là quy tắc đạo đức, và hiểu biết lẫn nhau như là phương pháp và tiêu chuẩn của chúng ta (x. Văn kiện về tình huynh đệ con người, Abu Dhabi, 4 tháng Hai, 2019). Bằng cách này, chúng ta có thể đặt trọng tâm vào những gì hiệp nhất chúng ta, thể hiện sự tôn trọng đối với những khác biệt của nhau, và động viên nhau hướng về một tương lai đầy hứa hẹn và phẩm giá, đặc biệt cho các thế hệ tương lai.

Đức Thánh Cha tôn vinh mẫu gương của Thánh Phanxico Assisi như là người xây dựng hòa bình

Tối nay, chúng ta đã tập trung để cầu nguyện trước những ngọn đèn được các thiếu nhi mang đến. Chúng biểu tượng cho ngọn lửa tình yêu rực cháy trong chúng ta và điều đó có nghĩa trở thành một tín hiệu cho lòng thương xót, cho tình yêu, và hòa bình tại bất cứ nơi nào chúng ta ở. Một tín hiệu có thể tỏa ánh sáng trên toàn thế giới của chúng ta. Với ngọn lửa của tình yêu, chúng ta có thể làm tan chảy sự băng giá của chiến tranh và xung đột. Lễ mừng hòa bình của chúng ta diễn ra trên những di tích của thành Serdika cổ, ở Sofia này, trung tâm của Bulgaria. Từ đây, chúng ta có thể nhìn thấy những nơi thờ phượng của các Giáo hội khác nhau và các niềm tin tôn giáo khác nhau: Thánh Nedelya của anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, Thánh Giu-se của người Công giáo chúng ta, hội đường của anh em Do thái của chúng ta, đền thờ của anh chị em Hồi giáo của chúng ta, gần gũi hơn với chúng ta, nhà thờ của Armenia.

Trong chiều dài nhiều thế kỷ, người Bulgaria ở Sofia thuộc về những nhóm văn hóa và tôn giáo khác nhau tập trung ở nơi đây để gặp gỡ và thảo luận. Ước mong rằng địa điểm tượng trưng này trở thành một chứng tá cho hòa bình. Tối nay những tiếng nói của chúng ta hòa trộn để bày tỏ khát khao hòa bình cháy bỏng của chúng ta. Hãy có hòa bình trên mặt đất: trong các gia đình, trong tâm hồn chúng ta, và trên hết trong những nơi mà quá nhiều tiếng nói đã bị câm lặng bởi chiến tranh, bị dập tắt bởi sự thờ ơ và bị làm ngơ do sự đồng lõa của các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Ước mong rằng tất cả cùng làm việc để biến giấc mơ này thành sự thật: các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và văn hóa. Ước mong rằng mỗi người chúng ta, dù chúng ta ở bất kỳ đâu, dù chúng ta làm bất cứ công việc gì, đều có thể nói: “Xin cho con trở thành khí cụ bình an của Người.”

Đó là một khẩn cầu để làm cho giấc mơ của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trở thành sự thật: giấc mơ về một thế giới nơi sự bình an luôn luôn có trong mỗi gia đình. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ khát khao đó, và bằng chứng tá của đời sống, chúng ta hãy nói: Pacem in Terris! Hãy có hòa bình trên mặt đất cho tất cả những người Chúa yêu.

© Libreria Editrice Vatican

[00746-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/5/2019]

Bài liên quan

Back to top button