Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức
Một trong bốn nạn nhân buôn người ở Châu Âu là trẻ em
Tổ chức Save the Children phát hành báo cáo mới
30 tháng Bảy, 2019 00:33
—
Một phần tư số nạn nhân còn nghi ngờ hoặc đã được xác định của nạn buôn người ở Châu Âu là trẻ em, và mục tiêu chính của những kẻ buôn người là bóc lột tình dục – một báo cáo mới của Tổ chức Save the Children cho biết. Khoảng 20.500 nạn nhân được lập hồ sơ trong Liên Minh Châu Âu năm 2015-16, 56% số trường hợp liên quan đến việc buôn người để bóc lột tình dục, trong khi 26% trường hợp liên quan đến sự bóc lột lao động. Một phần tư số nạn nhân là người dưới 18 tuổi và hai phần ba số nạn nhân là phụ nữ hoặc thiếu nữ.
—
Báo cáo cho biết rằng 1.660 nạn nhân buôn người được dự đoán sẽ sống ở Ý, với con số các nạn nhân tuổi vị thành niên gia tăng trong một năm từ 9% lên đến 13%. Khuynh hướng gia tăng cũng được xác nhận bởi đánh giá của các nhà hoạt động của dự án Vie d’Uscita – Exit Routes của Save the Children, là một dự án tính riêng trong năm 2018 đã chặn đứng được 2.210 nạn nhân buôn người trẻ em trong năm khu vực, là những người ở tuổi vị thành niên hoặc vừa bước qua tuổi 18. Con số này tăng lên 58%, so với 1.396 nạn nhân được ước tính vào năm 2017.
—
Mặc dù dữ liệu này chỉ thể hiện bề nổi của một vấn đề hầu như bị giấu kín, thì độ tuổi trẻ hơn của các nạn nhân ngày càng tăng và sự phổ biến của việc bóc lột tình dục cũng được xác nhận qua 74 trường hợp trẻ em mới ở đất nước đã thoát khỏi hệ thống bóc lột vào năm 2018, và hiện đang được chăm sóc bởi các chương trình bảo vệ có hệ thống. Một phần năm nạn nhân chưa bước qua tuổi 15 và sự bóc lột tình dục ảnh hưởng đến khoảng 9 trong 10 trường hợp.
—
Mặc dù nó không phải là mục tiêu chính của hệ thống buôn người, sự bóc lột lao động ở nước Ý đang gia tăng, và trong năm 2018 số vụ phạm tội liên quan đến các nạn nhân nhỏ tuổi, cả trẻ em người Ý và người nước ngoài, là 263.
—
Chỉ ít ngày trước Ngày Thế giới Chống Buôn Bán người vào ngày 30 tháng Bảy, Save the Children của Ý sẽ phát hành phiên bản thứ 13 của báo cáo này, một tổng quan cập nhật mới nhất về hệ thống buôn bán và bóc lột trẻ vị thành niên ở Ý, và đặc biệt là về hệ thống bóc lột tình dục và những yếu điểm cụ thể của các nạn nhân, họ chủ yếu là người nước ngoài.
—
Theo đánh giá của dự án Vie d’Uscita – Exit Routes của Save the Children, những cô gái dễ có nguy cơ bị buôn bán bởi các tổ chức và mạng lưới tội phạm, đến từ Nigeria, Đông Âu và vùng Balkan. Cụ thể hơn, 64% nạn nhân đến từ Nigeria và 34% từ Romania, Bulgaria và Albania.
—
“Sự bóc lột tình dục đối với những nạn nhân trẻ tuổi và dễ bị tổn thương như vậy để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong cuộc sống của họ, với những hậu quả rất nghiêm trọng. Ngay cả những nạn nhân rất trẻ đã tìm cách thoát khỏi hệ thống, cũng gặp một số trở ngại trên con đường tiến tới sự hòa nhập và một tương lai đầy phẩm giá và tự lập. Có nhiều chứng ngôn trực tiếp được nêu trong báo cáo.
—
Bà Raffaela Milano, Giám đốc các Chương trình Trong nước của Save the Children Ý nói: “Ở Ý, Save the Children đã hoạt động trong lĩnh vực này suốt nhiều năm, với mục đích xây dựng những mối quan hệ và sự hợp tác mạnh mẽ hơn với các tổ chức và hiệp hội địa phương, và với các tổ chức ở mọi cấp độ. Một vấn đề nghiêm trọng và lớn như vậy đòi hỏi phải có sự can thiệp cấp quốc gia phối hợp giữa tất cả các chủ thể, phải bắt đầu kịp thời ngay khi những nạn nhân đi vào đất nước của chúng ta, và cũng phải cung cấp các phương tiện cần thiết và hiệu quả để thúc đẩy việc giải cứu cho các nạn nhân và con đường của họ tiến đến sự hội nhập.”
—
Để nâng cao nhận thức và đưa mọi người có cái nhìn gần hơn với thảm kịch bóc lột tình dục liên quan đến nạn buôn bán người theo cách đơn giản và hấp dẫn, báo cáo năm nay bao gồm tiểu thuyết bằng tranh “Câu chuyện của Sophia. Một nạn nhân buôn người. Một cô gái,” được vẽ tranh minh họa bởi họa sĩ hoạt hình Roberto Cavone. Tiểu thuyết kể câu chuyện thật của một thiếu niên người Nigeria và là một công cụ giá trị để nâng cao nhận thức trong các trường học.
—
Sự bóc lột tình dục thiếu nữ Nigeria và các quốc gia Đông Âu
—
Hoạt động buôn bán người quốc tế cho mục đích bóc lột tình dục ở Ý dựa trên một hệ thống linh động, thay đổi để thích nghi với các điều kiện thay đổi. Ví dụ, vấn đề của các trẻ em ở miền Nam Nigeria, nơi tình trạng nghèo đói và không được đi học đầy đủ, bị dụ dỗ đến Ý với lời hứa giả tạo có việc làm và cuối cùng rơi vào tay những kẻ buôn người, tình trạng trước đây lan rộng trong Thành phố Bénin, thuộc bang Edo, nhưng hiện nay dường như đã tiến xa hơn về phía nam vào Bang Delta.
—
Động thái này nhằm phá vỡ những ảnh hưởng của một sắc lệnh của giới chức tôn giáo cao nhất của người Edo. Năm 2018 Ewmare II đã công khai tuyên bố hủy bỏ nghi thức được gọi là juju, được những kẻ buôn người sử dụng để tống tiền các nạn nhân trẻ tuổi để khuất phục họ. Thật không may, sự thành công của sắc lệnh trong việc phá vỡ toàn bộ mạng lưới tội phạm chỉ là tạm thời.
—
Các thiếu nữ và phụ nữ Nigeria đến nước Ý sau hành trình qua Libya và bằng đường biển, nơi họ phải gánh chịu tình trạng lạm dụng và bạo lực, rồi sau đó mắc nợ với “maman”, nhân vật nữ điều khiển việc bóc lột họ. Món nợ đi đường này có thể lên đến 30.000 euro. Các thiếu nữ bị buộc phải “làm việc” lên đến 12 giờ mỗi đêm, kiếm được từ 300 đến 700 euro mỗi ngày. Tuy nhiên, phần lớn số tiền được dùng để trả chi phí ăn uống, chỗ ở, và quần áo, và thường là tiền thuê một vị trí trên đường phố nơi họ bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, tất cả những điều đó làm cho việc xóa nợ của họ hầu như không bao giờ đạt được.
—
Những kẻ buôn người giữ quyền kiểm soát tuyệt đối và đầy bạo lực đối với các nạn nhân, như trường hợp của Sophia, người gần như bị bóp nghẹt bởi “mama” vì đã nhờ một khách hàng gọi điện thoại cho mẹ cô ở Nigeria và nhờ giúp đỡ.
—
Ngoài ra, những kẻ buôn lậu đã chuyển các đường dây mại dâm ra khỏi những nơi dễ bị phát hiện hơn, chẳng hạn như các góc khuất nằm dọc trên các con đường nhỏ hoặc các đường giao thông huyết mạch, đến các địa điểm “khó bị phát hiện hơn”, những nơi được gọi là chỗ qua lại, như trạm xe buýt hoặc công viên, hoặc bên trong các căn nhà, mà trong một số trường hợp là những căn nhà liên thông được quản lý và sở hữu chủ yếu bởi những người đồng hương.
—
Tuy nhiên, trên những con đường phố của Ý, sự có mặt của các cô gái gốc Rumani hoặc Bulgaria vẫn không thay đổi, với sự gia tăng số lượng các cô gái gốc Albania. Việc chiêu dụ các nạn nhân ở những quốc gia sinh quán của họ diễn ra với các phương pháp ngày càng hiệu quả, chẳng hạn như ở Rumani, những lời khai được thu thập cho báo cáo cho biết một số trường hợp, trong các trại trẻ mồ côi, có những người canh gác cho những kẻ buôn người theo dõi các cô gái sắp rời khỏi các cơ sở này ở tuổi 18 và gạ gẫm họ bằng những mối quan hệ giả tạo và những lời hứa về sự ổn định ở nước Ý, đánh mạnh vào sự thiếu thốn tình cảm của họ. Sau đó các cô gái chỉ thấy mình bị rơi vào giai đoạn bị bóc lột ở Ý, nó có thể kéo dài nhiều năm và chịu sự kiểm soát toàn diện và bạo lực.
—
Antonella Inverno, trưởng phòng Chính sách và Luật Trẻ em của Save the Children Ý nói, “Một hệ thống buôn người quá mạnh mẽ và quá tàn nhẫn đối với các thiếu nữ và phụ nữ trẻ, và có khả năng điều chỉnh và thay đổi hoạt động để giữ nó trong tình trạng bí mật, khiến việc tăng cường sự hợp tác với các quốc gia ban đầu và quá cảnh càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để tăng cường cuộc chiến chống nạn buôn người là tội phạm quốc tế và xuyên quốc gia.
—
“Mỗi nạn nhân thoát nạn phải được giúp đỡ để tiếp cận được với hệ thống bảo vệ của tổ chức để thoát khỏi những người đã làm hại họ.”
—
Trong các hoạt động bảo vệ những nạn nhân tuổi vị thành niên và những người vừa bước sang tuổi trưởng thành, tập trung vào việc giải cứu các nạn nhân đó và những bước tiếp theo hội nhập và hòa nhập xã hội, các nhà điều hành đối tác của Save the Children đang tham gia vào dự án Exit Routes, liên tục phát triển những cách thức mới để kết nối với các nạn nhân và thiết lập những mối quan hệ tin tưởng với họ. Điều này đặc biệt cần thiết khi các nạn nhân bị chuyển sang những vòng xoáy kín đáo hơn hoặc bên trong các căn nhà, hoặc thường xuyên được di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, hoặc thậm chí chuyển đến một quốc gia châu Âu khác để họ không thể bị phát hiện.
—
Save the Children Ý
—
Để hỗ trợ trẻ vị thành niên nước ngoài bị chiêu dụ bởi các tổ chức và mạng lưới tội phạm ở các quốc gia xuất phát bị bóc lột trong vòng xoáy mại dâm của Ý, kể từ năm 2012 Save the Children đã điều hành dự án ‘Vie d’Uscita’ (Exit Routes). Năm 2018, Vie d’Uscita đã hỗ trợ thực hiện 32 lộ trình tự lập cho các nạn nhân đã thoát khỏi hệ thống bóc lột, cho 31 thiếu nữ và một thiếu niên.
—
Save the Children hiện diện với các chương trình của nó tại các khu vực bãi đáp chính tại biên giới phía Nam của Ý. Tại các thành phố lớn là điểm đến và trung chuyển như Catania, Roma, Milan và Torin – nơi dự án CivicoZero đang hoạt động – và tại các cửa khẩu biên giới đại lục ở phía Bắc của đất nước, với mục đích đưa ra sự hỗ trợ và bảo vệ cho trẻ vị thành niên nước ngoài không có người thân đi kèm ở Ý, và đảm bảo cơ hội cho chúng được hòa nhập xã hội.
—
Báo cáo “Little Invisible Slaves 2019″ (Những nô lệ vô hình) có tại địa chỉ này:
—
—
Video tiểu thuyết bằng tranh “Câu chuyện của Sophia. Một nạn nhân buôn người. Một thiếu nữ” có tại địa chỉ này:
—
—
[Nguồn: zenit]
—
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/7/2019]