Quán ven đườngTin tứcTin tức đó đâyTrà Đá Đường

Đức Thánh Cha với Caritas: Tin mừng là Chương trình đời sống của chúng ta

Đức Thánh Cha với Caritas: Tin mừng là Chương trình đời sống của chúng ta (Toàn văn)
Copyright: Vatican Media

Đức Thánh Cha với Caritas: Tin mừng là Chương trình đời sống của chúng ta (Toàn văn)

‘Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta ở lại trong Người, không ở lại trong những ý tưởng của chúng ta; thoát ra khỏi hình thức ra vẻ kìm hãm và tự chủ, Người kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng người khác và trao tặng bản thân cho người khác’

23 tháng Năm, 2019 20:48
DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Tin mừng là chương trình đời sống của chúng ta …

Tối nay, 23 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này khi ngài chủ tế Thánh Lễ cho Caritas Internationalis là tổ chức đang tiến hành Đại hội đồng chung thứ 21, với chủ đề “Một gia đình nhân loại, một ngôi nhà chung” được truyền cảm hứng bởi Tông huấn Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxico, (Roma, 23-28 tháng Năm, 2019). Đại Hội đồng chung được công bố hôm nay, trong Văn phòng Báo chí Tòa thánh.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc nhở những người tham dự Thánh Lễ về cách thức Thiên Chúa sai Thánh Thần ngự xuống để trợ giúp chúng ta, và cảnh báo chống lại tính hoàn hảo quá mức.

“Hãy ở lại trong tình thương của thầy” (Ga 15:9): đó là điều Chúa Giê-su yêu cầu trong Tin mừng. Thực hiện điều đó như thế nào? Điều cần thiết là phải luôn ở cạnh Người, Tấm Bánh bẻ ra.

Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu thực hiện điều này bằng cách “ở trước Nhà Tạm và ở trước nhiều nhà tạm sống động đó là người nghèo.”

“Thánh Thể và người nghèo, Nhà Tạm cố định và những nhà tạm di động: ở đó con người ở trong tình yêu và hấp thụ được tâm thức của Tấm Bánh bẻ ra. Ở đó con người hiểu được ‘cách’ nói của Chúa Giê-su: ‘Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.’”

Đức Phanxico hỏi những người hiện diện: “Chúa Cha yêu thương Chúa Giê-su như thế nào?” “Ban cho Ngài mọi điều, không giữ lại bất cứ điều gì cho Người,” ngài trả lời và nhắc nhở: “Chúng ta tuyên xưng điều đó trong Kinh Tin Kính: ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng,’ Người ban tặng cho Ngài tất cả mọi điều.”

Đức Thánh Cha phân tích, “Thay vì vậy, khi chúng ta kìm hãm việc cho đi, khi việc bảo vệ cho những lợi ích của chúng ta được đặt lên hàng đầu, là chúng ta không bắt chước ‘cách’ của Thiên Chúa, chúng ta không phải là một Giáo hội tự do và giải phóng.”

“Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta ở lại trong Người, không ở lại trong những ý tưởng của chúng ta; thoát ra khỏi hình thức ra vẻ kìm hãm và tự chủ, Người kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng người khác và trao tặng bản thân cho người khác,” ngài nói.

Đức Thánh Cha Phanxico kết thúc bằng lời cầu nguyện: “Chúng ta hãy xin Chúa giải phóng chúng ta khỏi tính quá hoàn hảo, khỏi tính trần gian, khỏi cám dỗ tinh vi của việc bắt tôn thờ chính chúng ta và sự dũng cảm của chúng ta; chúng ta hãy xin ơn biết noi theo con đường đã được chỉ ra bởi Lời Chúa: khiêm nhường, hiệp thông, buông bỏ.”

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô:

* * *

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong Bài đọc trích Sách Công vụ Tông đồ hôm nay, Lời Chúa thuật lại chi tiết cuộc gặp gỡ vĩ đại đầu tiên của lịch sử Giáo hội. Một hoàn cảnh vượt ngoài sự mong chờ đã được thực hiện: người ngoại giáo trở lại với đức tin. Và một câu hỏi nổi lên: họ có phải tuân theo tất cả những quy tắc của Lề Luật cũ không? Nó quả thật là một quyết định khó khăn, và Chúa không còn ở đó. Người ta có thể thắc mắc rằng tại sao Chúa Giê-su không để lại một gợi ý để làm ổn định ít nhất là “cuộc tranh luận lớn” đầu tiên này (Cv 15:7)? Một gợi ý nhỏ cho các Tông đồ cũng là đủ, các ông là những người suốt nhiều năm ở với Ngài hàng ngày. Tại sao Chúa Giê-su lại không đưa ra những quy định dứt khoát rõ ràng và nhanh chóng?

Đây là cám dỗ của tính hoàn hảo tuyệt đối, cho rằng Giáo hội là tốt nếu Giáo hội điều khiển được hết tất cả mọi việc, nếu Giáo hội sống không có những cú xóc nảy lên, với một chương trình hành động luôn chỉn chu. Tuy nhiên, Chúa không tiến bước theo cách này. Thật vậy, Người không gửi câu trả lời của Ngài từ trời xuống; Người gửi Thánh Thần xuống. Và Thần Khí không đến mang theo trật tự đặc biệt; Người đến với lửa. Chúa Giê-su không muốn Giáo hội trở thành một mô hình nhỏ bé hoàn hảo, hài lòng với tổ chức của mình và có khả năng bảo vệ được danh thơm của mình. Chúa Giê-su không sống như vậy, nhưng không e sợ những cú dằn xóc trên đường. Tin mừng là chương trình đời sống của chúng ta. Nó dạy cho chúng ta biết rằng các vấn đề không được giải quyết bằng một công thức có sẵn và rằng đức tin không phải là một lịch trình, nhưng là một “Con đường” (Cv 9:2), để cùng nhau bước đi, luôn luôn cùng với nhau, với một tinh thần tin tưởng. Từ trình thuật của sách Công vụ chúng ta biết được ba đặc tính nền tảng cho Giáo hội lên đường: lòng khiêm nhường lắng nghe, đặc sủng của toàn bộ, lòng can đảm buông bỏ.

Chúng ta bắt đầu từ đặc tính cuối cùng là lòng can đảm buông bỏ. Sự thành công của cuộc tranh luận lớn đó không phải là để áp đặt một điều gì mới, nhưng là để bỏ đi một điều gì đó cũ xưa. Tuy nhiên, những người Ki-tô hữu tiên khởi đó không bỏ một điều gì đó một cách vô cớ: nó phải có liên quan đến những truyền thống và giáo huấn tôn giáo quan trọng, rất thân thương với Dân Được Chọn, bản sắc tôn giáo của họ đang có nguy cơ. Tuy nhiên, họ chọn rằng sự loan báo Thiên Chúa phải đặt ở vị trí đầu tiên và quý giá hơn tất cả. Vì lợi ích của việc rao giảng, để loan báo đến từng người theo một cách rõ ràng và khả tín rằng Thiên Chúa là tình yêu, những niềm tin và truyền thống mang tính cản trở nhiều hơn là trợ giúp nên và phải được bỏ lại phía sau. Chúng ta cũng vậy cần phải cùng nhau tái khám phá vẻ đẹp của sự buông bỏ, trước hết là của chính bản thân chúng ta. Thánh Phê-rô nói rằng Thiên Chúa “đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ” (x. Cv 15:9). Thiên Chúa thanh tẩy, làm đơn giản hóa, thường làm cho con người phát triển bằng cách giảm bớt đi, không cộng thêm nhiều như cách chúng ta làm. Đức tin thật sự thanh tẩy khỏi những thứ nặng nề bám víu. Theo chân Chúa chúng ta cần phải bước đi nhanh, và để đi được nhanh, chúng ta cần phải làm cho mình trở nên nhẹ nhàng, thậm chí có khi phải trả giá. Là Giáo hội, chúng ta không được kêu gọi đến với những thỏa hiệp theo cách kinh doanh, nhưng đến với những bước nhảy của việc rao giảng phúc âm. Và khi thanh tẩy bản thân, khi sửa đổi bản thân chúng ta phải tránh kiểu khoa trương hình thức, tức là ra vẻ thay đổi cái gì đó nhưng trong thực thế chẳng có gì thay đổi. Chẳng hạn, điều này xảy ra khi tìm cách thuận theo thời đại người ta đụng chạm đến bề mặt của mọi thứ, nhưng đó chỉ là trang điểm để ra vẻ trẻ trung hơn. Chúa không muốn những sự sửa đổi bằng mỹ phẩm; Người muốn sự hoán cải của tâm hồn, nó thể hiện qua việc buông bỏ. Sự sửa đổi căn bản là thoát ra khỏi con người của mình.

Chúng ta hãy cùng xem cách những Ki-tô hữu tiên khởi sống. Họ đạt đến lòng can đảm dám buông bỏ bắt đầu từ sự khiêm nhường lắng nghe. Họ tập cho mình cách thờ ơ với cái tôi. Chúng ta thấy rằng mỗi người đều để cho người khác nói và sẵn sàng thay đổi những gì mình tin chắc. Chỉ người nào để cho tiếng nói của người khác thật sự đi vào trong bản thân mình mới có khả năng lắng nghe. Và khi quan tâm đến sự phát triển của người khác, sự thờ ơ với cái tôi của mình nhiều hơn thì người ta trở nên khiêm nhường theo con đường lắng nghe, nó kìm hãm ý muốn khẳng định bản thân, muốn dứt khoát đưa ra ý kiến của riêng mình, muốn tìm kiếm sự đồng thuận bằng mọi giá. Lòng khiêm nhường được sinh ra khi người ta biết lắng nghe thay vì nói, khi người ta không còn đặt mình vào trung tâm. Rồi nó phát triển qua những điều sỉ nhục. Đó là con đường khiêm nhường phục vụ mà Chúa Giê-su noi theo. Chính trên con đường của đức ái này mà Thần Khí ngự xuống và hướng dẫn. Với người muốn đi theo con đường của đức ái, của sự khiêm nhường, và của sự lắng nghe thì nó có nghĩa là chính đôi tai biết mở ra với những người bé mọn. Một lần nữa chúng ta lại nhìn đến những người Ki-tô hữu tiên khởi: tất cả họ đều im lặng lắng nghe Ba-na-ba và Phalô. Họ là những người đến sau rốt, nhưng họ để cho các ông chỉ dẫn đến với tất cả những gì Thiên Chúa đã hoàn tất nơi các ông (x. c. 12). Điều luôn quan trọng là biết lắng nghe tiếng nói của mọi người, đặc biệt là những người bé mọn và người thua thiệt nhất. Thế giới sở hữu nhiều hơn thì nói nhiều hơn, nhưng giữa chúng ta thì không thể như vậy được, vì Thiên Chúa thích tỏ lộ chính Người qua những người bé mọn và người bị thua thiệt nhất. Và Người yêu cầu chúng ta không đứng nhìn người khác từ trên cao.

Và cuối cùng là lắng nghe cuộc sống: Phaolô và Banaba kể lại những kinh nghiệm, không kể những ý tưởng. Đây là cách Giáo hội thực hiện việc phân định: không phải trước màn hình một máy vi tính, nhưng trước thực tại của con người. Con người trước các chương trình, với cái nhìn khiêm nhường có khả năng nhìn thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa trong những người khác. Thiên Chúa không cư ngụ trong sự vĩ đại của những gì chúng ta làm, nhưng trong sự nhỏ bé của những người nghèo mà chúng ta gặp gỡ. Nếu chúng ta không nhìn trực tiếp vào họ, cuối cùng chúng ta sẽ chỉ nhìn đến bản thân mình, và biến họ thành những công cụ để khẳng định mình.

Từ sự khiêm nhường lắng nghe đến lòng can đảm buông bỏ, tất cả đều đi qua đặc sủng của toàn thể. Quả thật, trong cuộc tranh luận của Giáo hội tiên khởi sự hiệp nhất luôn vượt thắng những khác biệt. Với mỗi người, những điều yêu thích và các chiến lược của một người không nằm ở vị trí thứ nhất, nhưng trở nên và cảm nhận bản thân là Giáo hội của Chúa Giê-su, tập họp chung quanh Phê-rô, trong một đức ái không tạo nên sự đồng nhất nhưng là sự hiệp thông. Không ai biết tất cả mọi việc, không ai có toàn bộ các đặc sủng, nhưng mọi người đều có đặc sủng của toàn thể. Điều đó rất quan trọng, vì không thể thật sự làm được điều thiện mà không có tình yêu thương nhau. Đâu là bí mật của những người Ki-tô hữu tiên khởi đó? Họ có những cảm xúc và định hướng khác nhau; thậm chí có cả những cá tính rất mạnh, nhưng có sức mạnh của tình yêu thương nhau trong Chúa. Chúng ta nhìn thấy điều đó nơi Gia-cô-bê, khi ông rút ra những kết luận, chỉ nói một vài lời của mình còn lại là trích rất nhiều Lời Chúa (x. cc. 16-18). Ông để cho Lời Chúa nói. Trong khi những tiếng nói của ma quỷ và của thế gian dẫn đưa đến sự chia rẽ, thì tiếng nói của Thiên Chúa là vị Mục tử tạo nên một đoàn chiên duy nhất. Do đó, cộng đoàn được thành lập trên Lời Chúa và ở trong tình yêu của Người.

“Hãy ở lại trong tình thương của thầy” (Ga 15:9): đó là điều Chúa Giê-su yêu cầu trong Tin mừng. Thực hiện điều đó như thế nào? Điều cần thiết là phải luôn ở cạnh Người, Tấm Bánh bẻ ra. Nó giúp chúng ta ở trước Nhà Tạm và ở trước nhiều nhà tạm sống động đó là người nghèo. Thánh Thể và người nghèo, Nhà Tạm cố định và những nhà tạm di động: ở đó con người ở trong tình yêu và hấp thụ được tâm thức của Tấm Bánh bẻ ra. Ở đó con người hiểu được “cách” nói của Chúa Giê-su: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (nt.)

Chúa Cha yêu thương Chúa Giê-su như thế nào? Ban cho Ngài mọi điều, không giữ lại bất cứ điều gì cho Người. Chúng ta tuyên xưng điều đó trong Kinh Tin Kính: “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng.” Người ban tặng cho Ngài tất cả mọi điều. Thay vì vậy, khi chúng ta kìm hãm việc cho đi, khi việc bảo vệ cho những lợi ích của chúng ta được đặt lên hàng đầu, là chúng ta không bắt chước cách của Thiên Chúa, chúng ta không phải là một Giáo hội tự do và giải phóng. Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta ở lại trong Người, không ở lại trong những ý tưởng của chúng ta; thoát ra khỏi hình thức ra vẻ kìm hãm và tự chủ, Người kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng người khác và trao tặng bản thân cho người khác. Chúng ta hãy xin Chúa giải phóng chúng ta khỏi tính quá hoàn hảo , khỏi tính trần gian, khỏi cám dỗ tinh vi của việc bắt tôn thờ chính chúng ta và sự dũng cảm của chúng ta; chúng ta hãy xin ơn biết noi theo con đường đã được chỉ ra bởi Lời Chúa: khiêm nhường, hiệp thông, buông bỏ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn:zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/5/2019]

Bài liên quan

Back to top button