Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Gaël Giraud: Kitô giáo dạy chúng ta sống một thế giới chung

by Phanxicovn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/gael-giraud-696x348.jpg

la-croix.com, Antoine d’Abbundo và Isabelle de Gaulmyn, 2021-08-31

Phỏng vấn linh mục Dòng Tên Gaël Giraud, nhà toán học, nhà kinh tế, giáo sư Đại học Georgetown ở Washington, người thường có mặt trong cuộc tranh luận công khai. Trong quyển sách mới nhất của cha, “Nền kinh tế sắp đến” (L’économie à venir, nxb. Les Liens qui libéré, tháng 5-2021), đối thoại với nhà văn kiêm nhà kinh tế người Senegal Felwine Sarr, cha đặt đức tin phục vụ cho kinh tế. Gần với tư tưởng của Đức Phanxicô, nhà trí thức công giáo nhìn lại đường lối của hệ thống kinh tế vì lợi ích cho “căn nhà chung của chúng ta.”

Báo La Croix hàng tuần: Cha vừa xuất bản quyển “Nền kinh tế sắp đến”. Điều gì làm cho cha  đam mê trong lãnh vực kinh tế?

Linh mục Gaël Giraud: Trước hết tôi làm luận án về toán học trước khi nhận ra, tôi sẽ không hạnh phúc nếu tôi không tìm ra các ứng dụng cụ thể cho công việc của tôi. Và vì một phần kinh tế chính thống có tính cách rất toán học, tôi bắt đầu quan tâm đến kinh tế với mong muốn rất nhân từ là cố gắng hiểu những gì nó nói với chúng ta. Và cuộc khủng hoảng tài chánh từ 2007-2009 đã đánh gục tôi.

Năm 2003, trước khi là tu sĩ Dòng Tên, tôi là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS và là kỹ sư định lượng về thị trường tài chính. Công việc của tôi là phân tích rủi ro của một số sản phẩm cho các ngân hàng trên thị trường. Vào thời điểm đó, tôi đang nghiên cứu những tài sản thế chấp dưới chuẩn (subprime), những việc mà vài năm sau đó, đã dẫn thế giới vào một cuộc khủng hoảng không ai có thể lường được trước năm 2006, lúc tôi chuẩn bị thành tu sĩ Dòng Tên. Năm 2003, tôi đã cảnh báo ngân hàng về mức độ nguy hiểm của một số sản phẩm thế chấp dưới chuẩn; khi đó người ta trả lời tôi: “Chúng ta kiếm được rất nhiều tiền! Bạn không muốn ở trong nhóm chúng tôi à.”

Nghĩ lại, tôi có cảm giác như mình đang ở trên boong tàu Titanic, nơi người giàu tiếp tục vui chơi khi người lái tàu đang lái về phía tảng băng. Đôi khi tôi bị chỉ trích vì đã tấn công các ngân hàng, nhưng đó là vì họ có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Tôi không muốn loại các ngân hàng, tôi chỉ muốn họ làm tốt công việc của họ.

Trong quyển sách, cha tố cáo sự “lừa đảo” của nền kinh tế tân cổ điển thống trị. Tại sao có sự ác độc này?

Vì một lý do cơ bản liên quan đến sự phát triển của lý thuyết kinh tế. Một số tác giả từ cuối thế kỷ 19, trong đó có Léon Walras, người Pháp, khẳng định rằng điều quan trọng trong kinh tế là tiện ích mà cá nhân thu được từ việc tiêu dùng của mình. Trong hệ thống của họ, mọi sự xảy ra như thử ai cũng cố gắng không ngừng để tối ưu hóa tiện ích này. Điều này đặt ra một vấn đề kép.

Trước hết, làm thế nào để định nghĩa và đo lường tiện ích. Chuyện không thể. Tôi thách bạn cho tôi biết bạn nhận được lợi ích nào từ một đĩa đồ ăn chay! Thứ hai, lập luận cho rằng các cá nhân chỉ liên kết với nhau bằng một hệ thống giá cả do thị trường đưa ra, là ngược với tất cả những gì khoa học xã hội khác nói với chúng ta về nhân loại, và đối lập với nhân chủng học kitô giáo. Cuối cùng, những mô hình này ngược với vật lý và sinh học. Nói tóm lại, cấu trúc của cái gọi là khoa học kinh tế này xây trên cát.

Cha cũng công kích tài sản tư nhân, điều này có thể gây sốc cho một số…

Vào thế kỷ 18, thời kỳ Khai sáng, ba ý tưởng mạnh mẽ đã cấu trúc nên sự hiện đại của châu Âu. Thứ nhất, sự làm mất quyền lực chính trị. Không còn Chúa cũng không còn truyền thống để nói, làm thế nào tổ chức về mặt chính trị, điều này mở ra cuộc tranh luận dân chủ. Sau đó, luật pháp trở thành cơ quan bảo vệ mọi người, đặc biệt để chống lại sự chuyên chế của nhà nước. Cuối cùng, sở hữu tư nhân được xác lập như một quyền bất khả xâm phạm bởi những người cách mạng, họ là những người mà chúng ta có xu hướng lãng quên, những người tư sản.

Vậy mà, trong bốn mươi năm, phương Tây đã phá vỡ chương trình này để quay trở lại kỷ nguyên của chủ nghĩa hậu tự do: chúng ta “tái khôi phục” lại quyền lực bằng cách giao phó số phận của mình cho thị trường tài chính; chúng ta vặn vẹo luật pháp mà chúng ta tuân theo để bảo vệ lợi ích cá nhân của một thiểu số rất nhỏ. Cuối cùng, tài sản tư nhân mở rộng cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả cơ thể con người. Chẳng hạn việc mang thai hộ. Là gì nếu không phải là việc xem cơ thể phụ nữ như một món hàng buôn bán. Tư nhân hoá thế giới phá hủy mối dây liên kết xã hội.

Với tầm nhìn kế toán xác định chủ nghĩa tư bản này, cha chống với những người bình thường. Khái niệm này bao hàm điều gì?

Tôi đã sống ở nước cộng hòa Tchad hai năm. Ở làng, đất đai không của riêng ai. Đất đai là của chung được chia theo tiêu chuẩn do cộng đồng xác định, và không ai nghĩ mình là sở hữu chủ ruộng đất của mình. Tài sản chung vừa là cái gì có lâu đời nhất trong nhân loại, vừa là mới nhất và hiện đại nhất để đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21.

Chẳng hạn đại dịch giúp chúng ta hiểu sức khỏe là tài sản chung của thế giới. Nếu tư nhân hóa hoàn toàn vắc-xin thì người dân phải trả một giá mới có được, sẽ quá nặng cho các nước nghèo nhất. Kết quả là, vi rút sẽ tiếp tục lưu hành, có nguy cơ đột biến và làm cho vắc-xin hiện tại trở nên vô ích. Điều này cho thấy có những tình huống mà tài sản tư nhân phải bị hạn chế dưới danh nghĩa vì lợi ích chung.

Đằng sau khái niệm chung này, có một tầm nhìn nào đó về con người. Đâu là tầm nhìn Kitô giáo?

Đó cũng là cách Giáo hội đầu tiên được tổ chức theo sách Tông đồ Công vụ. Thánh Luca viết: “Họ để mọi sự làm của chung”, sau đó là trong Tông đồ Công vụ 2, 44 và 4, 32. Thánh Luca vẽ lên hình ảnh một Giáo hội đối lập với hai nguy cơ. Thứ nhất, tư nhân hóa lén lút. Chúng ta nhớ lại: hai kẻ ranh mãnh Ananias và Saphira giấu một phần di sản của họ và họ bị giết ngay lập tức. Chúng ta có thể nói đây là một hình ảnh, nhưng nó nhấn mạnh đến mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Sau đó, trong Tông đồ Công vụ 12, 20-23, vua Hêrôđê được tung hô như thể ông là Chúa, ngay lập tức ông cũng bị biến thành tro. Nhà nước chuyên chế được thành lập dựa trên chế độ thần quyền không dính gì đến những gì Kitô hữu đề xuất.

Trong luận án thần học của tôi, Cấu thành một thế giới chung (Composer un monde en commun, nxb. Seuil sẽ xuất bản vào tháng 11-2021), tôi cố gắng quay về bí ẩn trọng tâm của Bữa Tiệc ly. “Đây là Mình Thầy, các con cùng chia sẻ”: Chúa Kitô đặt nhiệm thể mình là của chung để tất cả chúng ta có thể kết hợp với nhau chứ không phải riêng mỗi người. Kitô giáo là đỉnh cao, nơi chúng ta học công việc đặt của chung khó khăn này. Để đối phó với thách thức to lớn của thảm họa sinh thái mà chúng ta dấn thân, chúng ta phải học cách chăm sóc các của cải chung: khí hậu, sinh học đa dạng, sức khỏe, văn hóa… và vì vậy, chúng ta phải dùng các nguồn lực thiêng liêng. Đặc biệt là những gì kitô giáo cung cấp. Các truyền thống tôn giáo hoặc triết lý khác cũng có các kinh nghiệm đặt của cải chung. Nhưng người tín hữu kitô có tiếng nói riêng để được lắng nghe.

Năm 2004, cha quyết định vào Dòng Tên. Vì sao?

Vì sứ vụ. Dòng Tên là dòng truyền giáo. Cơ bản tu sĩ Dòng Tên được “gởi” đến các vùng rất xa về xã hội, văn hóa, địa lý – tới các biên giới, như Đức Phanxicô nói – để đón nước Chúa trị đến. Và điều này đã thu hút tôi.

Trong hai năm ở Tchad, trước khi khấn, tôi gắn kết với sứ vụ truyền giáo của Dòng Tên, tôi làm việc trong nhà tù, bên cạnh những người bảo vệ các nữ tù nhân để họ khỏi bị bạo lực nam giới hành hạ. Sau đó, tôi thành lập một trung tâm dành cho trẻ em đường phố ở Balimba, bây giờ vẫn còn hoạt động. Tôi đã sống kinh nghiệm phi thường ở đó nên phần nào đã giải thích cho quyết định của tôi. Lý do thứ hai là nhiều nhà thần học công giáo vĩ đại của thế kỷ 20 là tu sĩ Dòng Tên. Năm 19 tuổi, tôi phát hiện ra nhà thần học Karl Rahner cùng với triết gia Kant, họ là những người khai ngộ tuyệt vời cho tuổi trẻ của tôi. Tâm linh cũng đóng một vai trò lớn. Từ khi tôi 20 tuổi, một tu sĩ đồng hành Dòng Tên đã dạy tôi cầu nguyện, khai phá cho tôi sự phong phú của các Bài tập Linh thao, cho tôi biết Thánh I-Nhã.

“Trở thành nhà truyền giáo” có nghĩa là gì đối với cha?

Điều quan trọng đầu tiên trong đời sống một tu sĩ Dòng Tên là hoàn thành sứ mệnh được giao phó. Mỗi tu sĩ Dòng Tên đều nhận sứ mệnh của mình từ một tu sĩ Dòng Tên khác. Đó là ý nghĩa sâu xa của lời khấn vâng lời: Tôi thuận làm những gì người khác giao cho tôi, để biến điều này thành trọng tâm đời sống của tôi. Đối với tôi, điều khó khăn nhất, không phải là hoàn thành sứ mệnh này như James Bond, người nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì. (Cười.) Có một cái gì đó khai phóng ở đây: Tôi không phải là nguồn gốc của chính tôi. Và tất nhiên, một điều gì đó khó khăn: phải mất cả cuộc đời để thực sự đồng ý với nó.

Và làm kinh tế cũng là truyền giáo?

Đúng, tôi là nhà truyền giáo khi tôi là kinh tế gia. Chúng ta có thể nói rằng đây là một phần của “truyền giáo” nếu chúng ta xem đây là một phần công việc của người khơi mạch mà các thần học gia Christoph Theobald và Étienne Grieu gọi là đức tin sơ đẳng. Đức tin kitô giáo trước hết là đức tin sơ đẳng, một niềm tin rất đơn giản trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao Bữa Tiệc Ly đơn giản. Chúng ta cùng ăn chung với nhau. Đó là hành động cơ bản của đức tin trong việc sống chung. Tính nhân văn của tôi dựa trên hành động đức tin này chứng thực tôi nhận được sự sống một cách nhưng không, cuộc sống đẹp và đáng để sống với người khác. Đó là động lực làm cho truyền thống kitô giáo phát huy tác dụng ngay khi chúng ta tìm cách lần ra sợi dây của sự thánh thiện nơi những nhân chứng, những người qua đường kín đáo, cho đến Nhân chứng cao cả nhất là Chúa Giêsu. Khi đó cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô có thể làm chúng ta phát triển từ đức tin sơ đẳng này hướng tới việc hy sinh cho người khác: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Nhưng đức tin cơ bản này có thể được trải nghiệm bởi bất cứ ai. Tôi gặp những người vô thần – thật là tầm thường khi nói như vậy – có đức tin sơ đẳng gắn chặt còn hơn một số tín hữu kitô. Khi tôi nói về kinh tế, tôi khiêm tốn cố gắng góp phần để xúc bớt cát đi cho đức tin sơ đẳng này. Về cơ bản, tôi tin xã hội chúng ta có khả năng thoát khỏi những huyền thoại của kinh tế học tân cổ điển, ra khỏi ảo tưởng về thị trường, ngăn chúng ta đối diện nghiêm túc với thảm kịch khí hậu và sức khỏe. Điều này đòi hỏi một quyết định, một hành động của tinh thần dũng cảm tập thể.

Là nhà kinh tế, là công dân, là linh mục Dòng Tên, có bao giờ cha gặp mâu thuẫn không?

Chúa Kitô, Đấng duy nhất hoàn toàn nhất quán, Ngài nói lên sự hiệp nhất theo phong cách thực sự (theo nghĩa của Theobald) giữa hình thức và thực chất. Tôi, tôi cũng giống như mọi người khác: dấn thân vào con đường tập tành thánh thiện, con đường tôi thường bị bể mặt và tôi còn nhiều chặng đường phải đi.

Có khi nào tính chiến đấu của cha làm hại cha không?

Có, tôi vẫn dè chừng mối nguy hiểm này. Để có một hình ảnh, tôi lấy ví dụ câu chuyện Xuất hành của người do thái qua Biển Đỏ, tưởng tượng ông Môsê nói với thiên thần ở đầu kia: “Đi đi, tôi chỉ huy.” Tôi tham dự vào một cuộc chiến kiểu quân sự, đôi khi với cám dỗ tự cho mình là người đứng đầu quân đội và nghĩ rằng mình dẫn đầu cuộc chiến của mình chứ không phải Chúa.

Người ta cảm thấy nơi cha một loại nổi dậy nuôi dưỡng vừa tính ngôn sứ, vừa tận căn vừa chẻ thớ. Nó đến từ đâu?

Quý vị phải làm phân tích tâm lý của tôi để tìm ra chứ! (Cười.) Có một điều chắc chắn: những gì tôi sống ở Tchad đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi.  Trước khi đi thiện nguyện ở đây, tôi đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Hành chánh và trường Bách khoa, nơi tôi làm luận đầu tiên.

Trở về Pháp, tôi về lại văn phòng của tôi ở X. Một ngày nọ, một người bạn Tchad điện thoại cho tôi, anh vui mừng cho tôi biết, cuối cùng họ đã tìm thấy nước trong khuôn viên của trung tâm trẻ em ở Balimba. Khi gác máy, tôi nhìn phòng thí nghiệm công nghệ hiện đại nơi tôi làm luận án và tôi tự hỏi: “Có cùng một thế giới mà chúng ta đang sống đây không?” Nếu quý vị sống điều này trong xương thịt mình, quý vị sẽ khó khăn lắm để dửng dưng với những gì ảnh hưởng đến 80% nhân loại. Điều này có thể dẫn đến một hình thức tận căn.

Một cuộc bỏ phiếu trên Internet chỉ định cha trong bộ ba tốt nhất để hội tụ một cánh tả bị vỡ vụn. Cha có thể là ứng viên tổng thống năm 2022 không?

Không. Là tu sĩ Dòng Tên, là linh mục, tôi không thể.

Cha sẽ không phải là ứng cử viên, nhưng cha ảnh hưởng đến tranh luận. Gần đây cha trình bày mười hai đề xuất (trên blog gael-giraud.fr).

Mười hai đề xuất này không tạo thành một chương trình nhưng đúng hơn là những câu hỏi nhức nhối, đối với cánh tả cũng như cánh hữu, với những vấn đề bệnh viện, thuế, bảo trợ xã hội, dịch vụ quốc gia. Tôi xây dựng chúng với hy vọng kích thích một cuộc tranh luận công khai mà đối với tôi dường như là quá nghèo nàn thảm hại.

Là linh mục Dòng Tên như cha cũng không tránh chỉ trích Tổng thống Macron, người mà cha xem như người cực kỳ tiến bộ độc đoán. Cha không thấy hơi mạnh sao?

Tôi rõ ràng không có gì chống lại con người của ông. Tôi rất tiếc nếu tôi cho cảm nhận như vậy. Tất nhiên tôi có thể sai, nhưng thực tế là chúng ta chưa bao giờ có một nhiệm kỳ tổng thống nào như nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Mối nguy hiểm khác từ chương trình tư nhân hóa mọi thứ có thể tư nhân hóa – điều ông đã làm với các công ty điện, giao thông EDF, SNCF và hệ thống phi trường Paris, chương trình ông đang xem xét với dự án tháo dỡ Quỹ Ngân hàng (Caisse des dépôts) có thể là giai đoạn sắp tới của việc phá hủy các thiết bị vĩ đại đã tạo nên nước Pháp. Emmanuel Macron có tin vào sinh thái học hay đối thoại xã hội không? Đối với tôi, ông Macron không phải là đại diện cánh hữu xã hội công giáo De Gaulle, cũng không theo chủ nghĩa cải cách kỹ thuật Giscard mà là một phiên bản Pháp của chủ nghĩa hậu tự do như bà Thatcher, theo tôi chính sách có vẻ nguy hiểm cho đất nước.

Cha biện hộ cho sự chuyển đổi sinh thái phù hợp với mối quan tâm của giáo hoàng đối với “ngôi nhà chung” được nêu trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’. Giáo hoàng có đánh dấu sự trở lại của tín hữu kitô cánh tả không?

Tư tưởng của Đức Phanxicô còn đi xa hơn thế! Để hiểu điều này, chúng ta phải đọc lại Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium, một bản văn tuyệt vời, trong đó ngài chia sẻ kinh nghiệm của mình và kêu gọi Giáo hội đổi mới theo thái độ mục vụ mà Đức Gioan XXIII đã mời gọi khi mở Công đồng Vatican II. Thái độ mục vụ là tin rằng những người nam, người nữ ngày nay đã có Chúa ở trong lòng, rằng Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong tâm hồn họ, rằng họ có điều gì đó để nói và làm để đón nhận Nước Chúa.

Nhiệm vụ của Giáo hội là lắng nghe họ, để đưa ra tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Thực chất là tạo điều kiện thuận lợi, “tìm nguồn cung ứng” và thúc đẩy đức tin của các tín hữu. Nhưng đôi khi Giáo hội có nguy cơ chiếm lấy vị trí của họ và ra lệnh cho họ phải làm gì. Đặc biệt với Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’, Đức Phanxicô sống mục vụ của Giáo hội qua hành động, từ nay thách thức về khí hậu là vấn đề ám ảnh của tuyệt đại đa số nhân loại. Ngài lắng nghe thế giới và nói lớn tiếng những gì mọi người thì thầm năm 2015. Và đó là tác động phi thường của thông điệp này.

Điều gì phân biệt Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ với sinh thái chính trị?

Hệ sinh thái của Đức Phanxicô đề xuất không phải là một loạt các biện pháp phải áp dụng. Đó là một hệ sinh thái toàn vẹn dựa trên một nhân học quan hệ được phát triển trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, một thông điệp hoàn thiện cho Thông điệp Laudato si ‘.

Ý chính như sau: những gì tạo nên tôi là con người, theo hình ảnh của Chúa, là những mối quan hệ mà tôi được khắc ghi với người khác và với người sống nói chung. Ngài kêu gọi chúng ta phá vỡ sự điên cuồng của chủ nghĩa tự nhiên phương Tây được thể hiện qua Người đàn ông Vitruvian (L’Homme de Vitruve) của Leonardo da Vinci. Một người đàn ông với hai cánh tay và hai chân, được ghi trong một hình tròn và một hình vuông, cô lập, không có phụ nữ, không có thiên nhiên, một mình với kỹ thuật. Thay vào đó, Đức Phanxicô cung cấp cho chúng ta một nền vũ trụ học kitô, chủ yếu dựa trên mối quan hệ. Và rằng, một hệ sinh thái chính trị nào đó vẫn chưa có khả năng nghe thấy nó.

Trước khi về trường Đại học Georgetown, cha đã trải qua “năm ba”, một bước cần thiết để suy nghĩ về ơn gọi của cha. Lần tĩnh tâm này đã mang lại gì cho cha?

Cùng với các tu sĩ Dòng Tên khác, chúng tôi làm Bài tập Linh thao: một cuộc tĩnh tâm im lặng trong một tháng. Nói gì về trải nghiệm này ư? Nó có mối liên hệ với cuộc chiến mà tôi vừa nói đến, cám dỗ mình là người “chỉ huy quân đội.” Đây là dịp để tôi sống lại kinh nghiệm sự dịu dàng của của Chúa luôn ở mọi nơi và đi trước tôi. Sau đó tôi được gởi đến dịch vụ tị nạn ở Rome. Ở đó tôi nấu ăn vài tháng ở tầng hầm của nhà Gesù, nhà mẹ Dòng Tên, nơi Thánh Inhaxiô sống và điều hành Dòng Tên. Chúng tôi nấu ăn cho người tị nạn, ngay cả khi đại dịch bùng phát. Sau đó, vào cuối ngày, bà Đại sứ Pháp tại Tòa thánh đã mời tôi đến tư dinh bà thảo luận.

Theo tôi điều này tóm tắt cuộc sống của tu sĩ Dòng Tên chúng tôi: phục vụ những người gặp khó khăn nhất, từ đó chúng ta có được nghị lực, lòng can đảm và niềm vui sống, sau đó tái dựng lại với những người ở trên cao bậc thang, những người có thể tác động trên các cấu trúc.

Trong quyển sách mới nhất của cha, cha nhấn mạnh đến khái niệm hiếu khách vô điều kiện. Cha muốn nói gì về khái niệm này?

Đó là khái niệm trọng tâm của nhà thần học Christoph Theobald, thầy bảo trợ luận án của tôi. Triết gia Jacques Derrida nói về lòng hiếu khách vô điều kiện, rằng điều này vừa cần thiết vừa không thể. Cần thiết vì lòng hiếu khách có điều kiện không còn là lòng hiếu khách nữa. Ở Pháp, khi chúng tôi nhận bệnh vào cấp cứu, chúng tôi không hỏi thẻ ngân hàng như ở Mỹ, đó là một chuyện tốt. Nhưng cũng không phải chuyện mở biên giới chúng ta cho tất cả mọi hướng trên thế giới! Trước nguy cơ gây sốc cho một số người, tôi nghĩ  bây giờ chúng ta không nên mở rộng biên giới của mình hơn nữa, để có thể tập trung hơn đón nhận người đã đến, cung cấp cho họ phương tiện để hội nhập, đồng thời khởi động Kế hoạch Marshall cho Sahel và Trung Đông.

Trên thực tế, lòng hiếu khách vô điều kiện là tấm lòng tập thể được thể hiện qua việc làm. Đó là cách trả lời cho câu hỏi Chúa Kitô đặt ra trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu: ai là người anh em của tôi? Người mà tôi gần. Ngược với lòng hiếu khách không điều kiện là chủ nghĩa bộ lạc, chỉ quan tâm và nâng giá trị cho những người thuộc bộ lạc của tôi. Chắc chắn, lòng hiếu khách không điều kiện đích thực là chuyện không thể, trừ Chúa Kitô. Chúa Giêsu không đòi phải có thẻ ngân hàng hay hồ sơ lý lịch tốt để gặp. Ngài đón nhận tất cả mọi người, ngay cả những người không phải là người do thái, và để họ đưa Ngài đi, đi xa hơn nữa để biến đổi chương trình thiên sai mà Ngài thừa hưởng để mở ra cho tất cả các quốc gia. Chính lòng hiếu khách của đấng thiên sai này là trọng tâm đời sống Chúa Giêsu và chúng ta, là tín hữu kitô, chúng ta được mời gọi để sống.

Gaël Giraud, tự thoại

Biên niên

  • Ngày 24 tháng 1 năm 1970: Sinh tại Paris.
  • 1989 Sau hai năm học dự bị tại Lycée Henri-IV (Paris), vào trường Cao đẳng Hành chánh (École normale supérieure) ở đường Ulm.
  • 1995-1997 Thành lập trung tâm tiếp nhận trẻ em đường phố trong thời gian làm việc dân sự ở Tchad, sau đó là giáo sư tại trường trung học Saint-Charles-Lwanga của Dòng Tên.
  • 1998 Luận án Tiến sĩ toán học tại phòng thí nghiệm kinh tế lượng của Trường Cao đẳng Kỹ thuật. Nghiên cứu gia kinh tế ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc Gia CNRS.
  • Ngày 27 tháng 9 năm 2004 vào Dòng Tên. Chịu chức ngày 14 tháng 12 năm 2013.
  • 2014 Xuất bản Ảo tưởng Tài chính. Tín dụng thấp của quá trình chuyển đổi sinh thái (L’Illusion financière. Des subprimes à la transition écologique, nxb. Les Éditions de l’Atelier)
  • Tháng 9 năm 2020 Bảo vệ luận án thần học “ Cấu thành một thế giới chung (Composer un monde en commun) dưới sự bảo trợ của linh mục Dòng Tên Christoph Theobald, tại Trung tâm Sèvres.
  • 2020 Sáng lập Chương trình Công bằng Môi trường tại Đại học Georgetown Mỹ.

 Một quyển sách

Can đảm nghĩ về tương lai, của Christoph Theobald (Le Courage de penser l’avenir)

“Một cuốn sách nuôi dưỡng hy vọng cho tương lai kitô giáo, cho rằng nhiều cuộc khủng hoảng mà xã hội và Giáo hội của chúng ta đang trải qua cũng là một cơ hội.”

 Một bản nhạc

Thương khó theo Thánh Mátthêu (Passion selon St-Matthieu, Jean-Sébastien Bach.)

Một cuốn phim

Parasite, của Bong Joon-ho. “Một tác phẩm châm biếm xã hội Hàn Quốc, nơi người ta tự hỏi ai, người giàu hay người nghèo, người nào là ký sinh trùng của người kia.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài liên quan

Back to top button