Ghen với lòng quảng đại của Thiên Chúa
by Phanxicovn
Ronald Rolheiser, 2022-09-19
“Gà sẽ gáy khi cái tôi của bạn bùng nổ, có nhiều cách để thức tỉnh”. John Shea đã nói câu này, và gần đây tôi hiểu thêm câu này khi đang chờ ở phi trường: tôi đã kiểm vé và chờ qua khâu an ninh, thấy hàng dài đang chờ, tôi chấp nhận phải mất ít nhất 40 phút mới xong.
Tôi không có vấn đề gì với việc chờ lâu giờ và kiên nhẫn nhích từng bước – cho đến khi, vừa tới lượt tôi, thì một đội kiểm an ninh mới xuất hiện, họ mở thêm quay kiểm thứ hai, và hàng người dài sau lưng tôi, những người chưa chờ 40 phút liền qua cổng ngay. Tôi vẫn chờ đến lượt tôi, nhưng trong lòng thấy mình bị xem thường và giận dữ: “Thế này không công bằng! Tôi đã chờ 40 phút, mà họ qua cổng cùng lần với tôi”. Tôi đã chờ, bằng lòng chờ, cho đến khi có người đến sau và họ chẳng phải chờ chút nào. Tôi đâu bị đối xử bất công, nhưng người khác may mắn hơn tôi.
Kinh nghiệm này cho tôi biết lòng tôi không phải lúc nào cũng bao dung và rộng lượng. Đồng thời, nó còn giúp tôi hiểu ra một điều về dụ ngôn của Chúa Giêsu về những người thợ đến vào giờ thứ 11 và nhận tiền công bằng với những người đã làm việc cả ngày, và hiểu ra thách thức đối với những người cau có về sự bất công trong chuyện này: “Anh ghen tị vì tôi hào phóng sao?”
Chúng ta ghen vì Thiên Chúa quảng đại sao? Chúng ta có buồn không khi người khác có được những tặng vật và tha thứ mà họ không xứng đáng có?
Hẳn là có! Xét cho cùng, ý thức công lý đó, ghen tị khi người khác gặp may mắn đó, chính là chướng ngại cho hạnh phúc của chúng ta. Tại sao lại thế? Vì trong chúng ta có phản ứng tiêu cực khi cuộc đời dường như không bắt người khác phải trả cái giá như chúng ta đã trả.
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy chuyện Chúa Giêsu đến hội đường vào ngày sa-bát, lên bục và đọc sách, trích một câu của tiên tri I-saia, Ngài không trích toàn bộ. Đoạn I-saia 61, 1-2, là đoạn mà những người trong hội đường biết khá rõ, nói về thị kiến của tiên tri I-saia về dấu chỉ cho thấy cuối cùng Thiên Chúa đã can thiệp vào thế giới và biến đổi mọi sự mãi mãi. Và chuyện đó như thế nào?
Với tiên tri I-saia, dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang thống trị địa cầu là tin mừng cho người nghèo, an ủi cho những tâm hồn tan nát, tự do cho người bị nô lệ, ân sủng dư đầy cho tất cả, và báo oán với kẻ ác. Nhưng hãy để ý, khi trích lại câu này, Chúa Giêsu bỏ đi phần nói về báo oán. Không như tiên tri I-saia, Ngài không nói rằng một phần niềm vui của chúng ta là thấy kẻ ác bị trừng phạt.
Trên trời, chúng ta sẽ được ban cái mà chúng ta đã có và còn hơn thế nữa (là tặng vật và sự tha thứ mà chúng ta không xứng đáng, niềm vui quá sức tưởng tượng), nhưng có lẽ, chúng ta sẽ không có được sự xoa dịu mà chúng ta quá mong muốn ở đời này là niềm vui thấy kẻ ác bị trừng phạt.
Niềm vui của Thiên đàng sẽ không có việc thấy Hitler chịu đau khổ. Thật vậy, cái thôi thúc bản năng làm chúng ta muốn công lý nghiêm khắc (Mắt đền mắt), chính xác là một thôi thúc bản năng, một thứ mà phúc âm mời gọi chúng ta hãy vượt lên nó. Khao khát công lý nghiêm khắc ngăn cản khả năng tha thứ và do đó, ngăn cản chúng ta vào thiên đàng, nơi Thiên đàng, như cha của người con hoang đàng, luôn ôm lấy và tha thứ mà người cha không đòi hỏi người con phải trả giá kiểu một đấu khổ để bù cho một đấu tội.
Chúng ta biết mình cần lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng nếu ân sủng có cho chúng ta thì nó cũng phải cho tất cả mọi người, nếu tha thứ được ban cho chúng ta thì nó cũng phải được ban cho tất cả mọi người, và nếu Thiên Chúa không báo oán với những hành động sai trái của chúng ta, thì Thiên Chúa cũng không báo oán với hành động sai trái của người khác. Đó là lô-gích của ân sủng, lô-gích của tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta phải hòa theo.
Hạnh phúc không hệ tại ở báo oán mà ở tha thứ, không hệ tại ở bào chữa mà ở đón nhận dù chúng ta không xứng đáng.
Không ngạc nhiên khi nơi một số thánh lớn, chúng ta thấy một thần học gần giống với thuyết phổ độ, là niềm tin, đến cuối cùng, Thiên Chúa sẽ cứu hết mọi người, kể cả Hitler. Họ tin như thế không phải vì họ không tin vào địa ngục hay khả năng mãi mãi phải xa rời Thiên Chúa, nhưng vì họ tin rằng tình yêu Thiên Chúa quá phổ quát, quá mạnh mẽ, và quá gọi mời, đến nỗi, cuối cùng những người trong địa ngục cũng thấy được lỗi lầm của họ, loại đi tính kiêu căng và phó mình cho tình yêu. Họ cảm thấy chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa sẽ đến khi chính ma quỷ cũng hoán cải và địa ngục trống không.
Có lẽ sẽ không bao giờ có chuyện đó. Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do. Dù vậy, khi tôi hay bất kỳ ai thấy mình giận ở sân bay, ở buổi điều trần, hay ở bất kỳ đâu, nơi có người có được tha thứ mà chúng ta nghĩ họ không xứng đáng, thì chúng ta phải chấp nhận mình còn cả quãng đường dài để hiểu và chấp nhận nước Thiên Chúa.
J.B. Thái Hòa dịch