Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Giáo hoàng tìm cách khuyến khích lòng mộ đạo bình dân ở Slovakia

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/giao-hoang-tim-cach.jpg

Bên ngoài tòa giải tội ngoài trời gần Nhà thờ Tôn kính Thánh giá ở Dunajska Luzna, gần Bratislava, ngày 4 tháng 4 năm 2020. (Ảnh của JOE KLAMAR / AFP)

international.la-croix.com, Xavier Le Normand, Loup Besmond de Senneville, 2021-09-13

“Vì sao Đức Phanxicô lại đến đất nước nhỏ bé của chúng ta?”

Nhiều người dân Slovakia đã đặt câu hỏi này nhiều tuần trước chuyến tông du ngày 12-15 tháng 9 của giáo hoàng.

Đó là đề tài thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện.

Ông Marek Lisansky, đại sứ Slovakia tại Tòa thánh nói đùa: “Mọi người đều đang thắc mắc vì sao ngài lại đến.”

Ngay cả trong Giáo triều la-mã, quyết định của Đức Phanxicô cũng làm nhiều người “không hiểu”, thêm nữa một nhà ngoại giao Vatican cho biết, “ngài lại không có lời mời chính thức nào”.

Nhưng Slovakia gần như là nơi thường có các chuyến tông du. Đức Gioan-Phaolô II đến đây ba lần vào những năm 1990, 1995 và 2003.

Bà Elena Seeber, nhà báo của một đài phát thanh công cho biết: “Có một mối quan hệ đặc biệt của Đức Gioan-Phaolô II với Slovakia. Ngài cũng là người Slave như chúng tôi và ngài đã từng sống ở một đất nước dưới sự áp bức của Liên Xô như chúng tôi.”

Mẹ Maria, “trụ cột” đức tin của người Slovakia

Trong các chuyến tông du Slovakia, Đức Gioan-Phaolô II quan tâm đặc biệt đến Giáo hội công giáo.

Linh mục Marian Gavenda, cựu phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Slovakia nhớ lại: “Trong những năm sống dưới chế độ cộng sản, các linh mục là những người bảo vệ tự do, vì thế Giáo hội có uy tín to lớn trong những năm 1990”.

Bị giới hạn nghiêm trọng trong 40 năm với các áp đặt của cộng sản, các ơn gọi đã bùng nổ và số chủng sinh lên đến hàng trăm ở đất nước chỉ hơn 5 triệu dân này.

Và khi quá trình thế tục hóa đến, các ơn gọi giảm gấp mười, một số chủng viện mở ra một cách rầm rộ vào những năm 1990 đã phải đóng cửa.

Đối với người Slovakia, Đức Phanxicô không có hào quang giống như Đức Gioan-Phaolô II.

Nhiều linh mục nói: “Mọi người thích ngài, nhưng họ không hiểu ngài”.

Và giáo hoàng Argentina không có cùng quan hệ giống như Đức Gioan-Phaolô II có với người Slovakia vì giáo hoàng Ba Lan đã đóng góp vào sự sụp đổ của Bức màn sắt.

Nhưng Đức Phanxicô tìm thấy ở người dân Slovakia một điều gì đó rất thân thiết với ngài: lòng mộ đạo bình dân, đặc biệt là lòng kính mến Đức Mẹ ở đất nước này.

Ông Marek, 30 tuổi, giáo dân Bratislava cho biết: “Đức Trinh Nữ Maria là trụ cột đức tin của chúng tôi.”

Linh mục Marian Gavenda cũng đồng ý: “Lòng kính mến Đức Mẹ là nền tảng của chúng tôi”.

Dường như sự gắn bó với Mẹ Chúa Kitô nằm trong bản sắc chủ yếu của người dân Slovakia, và không có gì lạ khi nghe người dân địa phương gọi Mẹ là “quan thầy của chúng tôi.”

“Đức Mẹ Guadalupe” của Slovakia

Cha Juraj Vittek, cha xứ của một giáo xứ Bratislava ở trung tâm một khu phố được người Xô Viết thiết kế làm khu phố “không có Chúa” giải thích: “Ở Slovakia, đức tin được biểu lộ qua lòng mộ đạo bình dân, chúng tôi có nhiều cuộc hành hương đến vô số đền thờ Đức Mẹ”.

Để bắt đầu năm mục vụ mới, cha không ngần ngại mang bổn đạo đi bộ 20 cây số để đến một một ngôi nhà thờ nhỏ.

Trong thời gian ở Slovakia, Đức Phanxicô sẽ có thể tận mắt thấy lòng mộ đạo bình dân này.

Ngài sẽ cử hành thánh lễ ngoài trời trước vương cung thánh đường Sastin, nơi mà một linh mục gọi đùa là “Đức Mẹ Guadalupe của Slovakia”  ám chỉ đền thánh Mexico thu hút 20 triệu khách hành hương mỗi năm.

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/cq5dam-thumbnail-cropped-750-422-1-696x391.jpeg

Cha Vittek tin rằng điều này giải thích lý do chuyến tông du của Đức Phanxicô, được tổ chức mà không có bất kỳ lý do gì và không trùng với bất kỳ ngày kỷ niệm lớn hoặc sự kiện cụ thể nào.

Linh mục nói: “Tôi nghĩ, giáo hoàng hiểu anh chị em có thể thổi trên than hồng của lòng mộ đạo bình dân. Và điều này không làm mất nhiều thời gian, vì nền tảng văn hóa đã ở đó.”

Cha Vittek nói, không giống như một số quốc gia khác ở châu Âu thế tục, ở Slovakia không có cuộc tranh luận nào về việc làm máng cỏ nơi công cộng.

Mỗi năm, tất cả các cơ quan, các nơi công cộng hay tư nhân đều có trưng bày máng có Giáng Sinh.

Linh mục cho biết Giáo hội Slovakia không phải là tổ chức duy nhất được hưởng lợi từ việc này. Cha nói: “Chúng tôi là một quốc gia nhỏ, nhưng chúng tôi ở trung tâm châu Âu và chúng tôi là cầu nối giữa Đông và Tây”.

“Chúng tôi có thể đem lòng mộ đạo bình dân phong phú này đến cho người khác, đó là cách duy nhất để truyền bá phúc âm mới.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button