“Hòa bình là Chào đón và Cộng tác” – Đức Phanxicô tại Buổi cầu nguyện liên tôn vì Hòa bình ở Assisi
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 20/09/2016
Ở trung tâm Assisi trong ánh nắng chiều ấm áp, Đức Giáo hoàng Phanxicô cùng với hàng trăm người thuộc các đức tin khác, cùng chung trong buổi gặp gỡ hòa bình được Cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức. Các thượng phụ, giám mục và mục sư, rabbi và giáo chủ, các đại diện của Thần đạo, Phật giáo, và các tôn giáo Ấn Độ, đồng lòng cương quyết không chấp nhận bạo lực, thù ghét và hệ tư tưởng chiến tranh tự nhận bừa là nhân danh tôn giáo.
Đức Giáo hoàng Phanxicô là người phát biểu cuối cùng, ngài mở lời:
“Chúng ta đói khát hòa bình. Chúng ta khao khát làm chứng cho hòa bình. Và trên hết, chúng ta cần cầu nguyện cho hòa bình. Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy xắn tay, đến với nhau để làm việc cho hòa bình, bởi Thiên Chúa muốn chúng ta làm việc này, Ngài kêu gọi chúng ta đối diện với căn bệnh trầm trọng của thời đại: là sự lãnh đạm. Nó là virus gây tê liệt, khiến chúng ta đờ đẫn và vô cảm, một căn bệnh gặm mòn lòng nhiệt thành tôn giáo, và cho nảy nở một dạng ngoại giáo mới và vô cùng đáng buồn, là ngoại giáo của sự lãnh đạm.
Chúng ta không thể cứ mãi lãnh đạm. Trong chuyến đi với Đức Bartholomew thăm trại tị nạn trên đảo Lesbos, nhiều người trong số đó là các trẻ em, cả cuộc đời các em chỉ biết có mỗi chiến tranh. Chúng ta không muốn những thảm kịch này bị chìm vào quên lãng. Nhưng muốn có một tiếng nói cho những ai bị đau khổ, những ai thấp cổ bé miệng. Họ biết rõ, còn rõ hơn những người có quyền, rằng trong chiến tranh không có tương lai, và bạo lực vũ khí hủy hoại niềm vui sống.
Chúng ta không có vũ khí. Nhưng chúng ta tin vào sức mạnh hiền lành và khiêm nhượng của lời cầu nguyện. Ngày hôm nay, cơn khát hòa bình đã trở nên lời nguyện cầu Thiên Chúa, xin cho chiến tranh, khủng bố và bạo lực chấm dứt. Hòa bình mà chúng ta nguyện xin ở Assisi này, không đơn thuần là lời phản đối chiến tranh, không chỉ là kết quả của thương lượng, của thỏa hiệp chính trị hay đổi chác kinh tế… Nhưng là kết quả của cầu nguyện. Những khác biệt giữa chúng ta không phải là nguyên do gây xung đột và khiêu khích, cũng như sự xa cách lạnh lùng giữa chúng ta. Hôm nay, chúng ta không cầu nguyện chống lại nhau. Chúng ta cũng không theo chủ nghĩa hổ lốn hay tương đối. Mà chúng ta đến với nhau cầu nguyện bên nhau và cho nhau.
Không thể dùng Danh của Thiên Chúa mà biện minh cho bạo lực. Không phải chiến tranh, mà chỉ có hòa bình, mới thánh thiện. Cầu nguyện và cộng tác cụ thể giúp chúng ta thoát khỏi logic xung đột và khước từ những thái độ ngoan cố của những người chỉ biết phản đối và phẫn nộ. Cầu nguyện và khát khao làm việc chung, là hướng đến hòa bình đích thực chứ không phải chuyện viễn vông, không phải kiểu yên bình khi quay mặt tránh né khó khăn vì nó chẳng tổn hại đến mình. Hòa bình không phải là kiểu yếm thế rửa tay tránh trút mọi vấn đề không phải của mình, không phải kiểu anh hùng bàn phím phán xét mọi sự và mọi người mà không chịu mở mắt nhìn xem nhu cầu ủa anh chị em mình và chấp nhận để tay lấm bẩn vì những người cần kíp. Con đường của chúng ta là chìm trọn bản thân trong hoàn cảnh người khác, nghĩ đến những người đau khổ trước hết, nắm bắt xung đột và chữa lành nó từ bên trong.
Hòa bình nghĩa là Hoan nghênh chào đón, là mở ra với đối thoại, là thắng vượt tâm thức hẹp hòi. Hòa bình không phải là một chiến lược để an toàn, mà là một nhịp cầu bắc qua những vùng trống rỗng. Hòa bình nghĩa là Cộng tác. Chúng ta khao khát cho mọi người thuộc mọi tôn giáo khác nhau ở khắp nơi đến với nhau và thăng tiến sự hòa hợp, nhất là ở những nơi đang xung đột. Tương lai của chúng ta cốt tại việc chung sống với nhau. Vì lý do này, chúng ta được kêu gọi hãy giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng của bất tín, của chủ nghĩa chính thống cực đoan và thù hận.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch