Café đenTin tức

Làm sao nuôi dưỡng đời sống nội tâm?

by phanxico.vn

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/06/lam-sao-nuoi-duong-doi-song-noi-tam-700x451.jpg

croire.la-croix.com, Dennis Gira, 2015-12-03

Các người đương thời của chúng ta khát khao sống, khát khao có một đời sống nội tâm bình an, một nghệ thuật sống trọn vẹn hơn là bằng lòng với cuộc sống “ăn, ngủ, đi làm”. Chứng từ của linh mục Benoît Standaert, chuyên gia về Kinh Thánh, đan sĩ Dòng Biển Đức Thánh Anrê, Bruges (Bỉ).

Xin cha cho biết tiến trình của cha? Làm thế nào và vì sao cha chọn đời sống tu hành?

Benoît Standaert:  Từ rất nhỏ tôi đã có ước ao “dâng mình cho Chúa”, nhưng tôi chưa hiểu tại sao và cũng chưa biết dưới hình thức nào để “trở thành linh mục”. Rồi khi tôi lên 11, 12 tuổi, tôi ở nội trú ở đan viện các cha Dòng Biển Đức Thánh Anrê gần Bruges (Bỉ). Tôi thích đời sống của họ. Tôi thấy họ đúng là các tư tưởng gia thật sự: tình bạn giữa họ với nhau đã chinh phục tôi và với tôi, như thế là đủ. Tôi không tìm gì xa hơn. Tôi tự nhủ: tôi sẽ là một trong những người này, mà cũng không quá tìm hiểu xem cụ thể đời sống này sẽ như thế nào. Tôi chưa bao giờ tham dự các giờ kinh của họ (Kinh sáng hay Kinh chiều): ở trường chúng tôi chỉ dự giờ Kinh tối chúa nhật. Nhưng tôi tin tưởng: khi đó tôi nghĩ, đời sống này tốt cho tôi.

Năm1962, tôi bị liệt nặng và xém chết. Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi suy nghĩ nhiều đến ơn gọi làm tu sĩ Dòng Biển Đức. Một trong các bài đầu tiên tôi đọc và suy gẫm trên giường bệnh là bài Mở đầu Quy tắc của Thánh Biển Đức.

Tôi vào chủng viện năm 19 tuổi. Sau hai năm tập sinh, tôi khấn lần đầu và tôi cảm thấy mình hợp với Dòng. Đó là ngày 3 tháng 10 năm 1966. Tôi đã học: triết lý, ngữ học cổ điển, thần học và khoa Kinh Thánh. Tôi đã học ở nhiều nơi, Anvers, Rôma, Giêrusalem và Nimègue, cũng phải mất mười mấy năm, đến năm 1978 mới xong. Trong thời gian đi học, tôi ở Công-gô một năm để dạy các lớp tôn giáo, lịch sử, mỹ học ở một trường trung học. Ít chuyện trong đời tôi đã đào tạo tôi nhiều như năm này (1968-69).

Về lại tu viện, tôi dạy ở Viện Quốc tế Thần học của đan viện trong vòng 22 năm (về Sách Thánh và Kitô học). Ngoài dạy học là đời sống cộng đoàn với khoảng 20 đan sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới (Phi châu, Châu Mỹ La Tinh, Tây Âu và sau năm 1989 là Đông Âu) và đôi khi có các đan sĩ Âu châu. Từ năm 1998, tôi được linh mục Lucien Legrand mời giảng ở phân khoa thần học chủng viện Thánh Phêrô ở Bangalore, Ấn Độ. Từ năm 2005 tôi giảng Tân Ước trong học kỳ đào tạo đan sinh ITIM. Ngoài ra trong vòng 25 năm, tôi điều khiển một tạp chí thiêng liêng nhỏ của Hà Lan, để theo dõi thời sự, tạo một di sản truyền thống lớn của “cái mới và cái cũ”. Đa số các sách của tôi ra đời trong những năm nghiên cứu khi làm tạp chí này.

Đâu là ý nghĩa của đời sống tôn giáo đối với người ngày nay?

Đời sống của tôi là một thể loại của cái gọi là đời sống tôn giáo: đó là đời sống của một đan sĩ. Trước hết người đan sĩ được định nghĩa là người đi tìm Chúa. Ưu tiên dành cho Chúa thể hiện qua một loạt các chọn lựa của mình (đọc sách thánh, vâng lời, thinh lặng, ăn chay, canh thức, đọc thánh vịnh, v.v.). Qua năm tháng, định hướng ban đầu mới có thể đào xới, ăn sâu, cứng rắn hơn; nhưng nó cũng có thể yếu đi, rắc rối đến độ nhiều lúc không còn thấy rõ mục đích nữa. Trong trường hợp của tôi, chọn lựa Chúa gần như trở nên một đòi hỏi đối với tôi, đến mức những năm gần đây lối sống ẩn tu hơn càng ngày càng mở ra trước mặt tôi với một sức mạnh tăng dần.

“Đâu là ý nghĩa của đời sống tôn giáo đối với người ngày nay?” Chính họ phải tự hỏi và tự trả lời: một người có tấm lòng bừng cháy cho Chúa và trước mặt Chúa, người đó sẽ mang trong lòng trọn cả vũ trụ và cầu bàu cho tất cả mà không phân biệt ai: như thế sẽ là điều tốt cho mọi người. Nếu tất cả suy nghĩ của người dành trọn cuộc sống của mình cho Chúa và chọn sống đời sống ẩn dật thì các suy nghĩ này sẽ cho thấy một tình yêu riêng và hướng về thờ phượng, ngợi khen, cầu bàu, như thế điều này sẽ mang một vài ý nghĩa.

Còn đối với tôi, câu hỏi về ý nghĩa tuyệt đối không cần thiết. Đó là vì tôi vẫn luôn không biết liệu cuộc sống chính tự nó có một ý nghĩa hay không. Tôi có thể cho nó một ý nghĩa, nhưng tôi không biết liệu sự ra đời của các chòm sao mới và sóng thần ở đáy đại dương có một ý nghĩa nào không… 

Còn những người đến đan viện một tuần, họ tìm kiếm gì?

Ngày nay, đó là một nhu cầu rất đa dạng và phong phú hơn nhiều so với bốn mươi năm trước, ví dụ: một người đến đan viện để nghỉ ngơi, để có một cách biệt với đời sống căng thẳng của cuộc sống hàng ngày, để tìm thấy một lối sống qua các nghi thức phụng vụ đẹp, một tháp tùng thiêng liêng, một tuần tĩnh tâm trong im lặng thuần khiết, trong thiên nhiên; hoặc tìm một nơi để có thì giờ lắng nghe; họ đến để học, để soạn thảo một bài viết, một quyển sách trong một bối cảnh thích hợp, v.v.

Theo cha, vì sao có nhiều tín hữu kitô thích triết lý phật giáo hay các đường hướng linh đạo khác của châu Á?

Nhiều người khao khát một đời sống nội tâm, một nghệ thuật sống trọn vẹn hơn là một chuỗi căng thẳng được tóm gọn trong công thức: “ăn, ngủ, đi làm”. Họ trên đường đi tìm và dễ dàng nghe các lời đề nghị mang đến cho họ một nghệ thuật sống cụ thể, áp dụng có phương pháp, không có ý thức hệ hay giáo điều. Phật giáo mở vòng tay ra với họ vì gần như họ không phải tuân thủ vào các niềm tin đặc biệt nào để giữ đạo. Nếu Giáo hội giới thiệu một cách đầy đủ, không ý thức hệ nhưng thực tế, những người đang khao khát này sẽ dễ dàng quay về với Giáo hội. Cách đây mười năm, một chuyên gia truyền thông trong vùng đã ghi nhận: “Người dân đặt các câu hỏi rất hay, nhưng Giáo hội vẫn giữ một ngôn ngữ càng ngày càng không nắm được tầm mức của các câu hỏi đặt ra; Giáo hội đi bên lề, thật là cả một thảm kịch”.

Trong các sách của cha về sự gặp gỡ giữa các tôn giáo, thỉnh thoảng cha đề cập đến “khoảng không gian Giêsu”. Chính xác đó là khoảng không gian nào?

Ý của cụm từ này có nghĩa là nó đi sát với một kinh nghiệm, nó có tính cách mô tả. Và nhất là nó hữu ích và thiết thực trong nghĩa khi tôi cố gắng gặp người khác: người do thái, người phật giáo, người theo thuyết bất khả tri. Tôi khám phá ra mỗi người đều sống từ một khoảng không gian tâm linh: và cuộc gặp gỡ là từ không gian đến không gian. Kinh nghiệm của tôi làm cho tôi thấy rõ, với thể loại này, chúng ta tránh được mọi khó khăn khi đến gần nhau, làm hạ giá người khác: các “khoảng không gian” chạm vào nhau, ngay cả bao phủ lên nhau, không bao giờ làm người này người kia giảm xuống, nhưng trong chừng mực khi gặp nhau, họ có thể mời gọi tôi cũng như mời gọi người khác, làm phong phú cho nhau và khơi gợi những câu hỏi mới, mở rộng không gian đầu tiên và duy nhất mà người này người kia đều cùng sống.

Làm thế nào có thể biết được sự bình an nội tâm mà Chúa Kitô hứa (theo nghĩa của từ này) cho giới trẻ ngày nay?

Chúng ta phải đi tìm một mặt bằng nơi mình có thể gặp được người trẻ, điều này không phải dễ. Trên hết, chính mình phải là một ốc đảo bình an, trọn con người mình phải được “bình an của Chúa” chinh phục tận sâu thẳm nhất tâm hồn mình. Sau đó, mọi thứ từ đó sẽ được phát đi: như bình nước hoa, một khi đã mở ra nó tự tỏa hương thơm, không cách nào nhét vào bình lại được. Chúng ta phải làm chứng, bằng chính con người mình hơn là bằng lời chúng ta nói. Sư huynh Roger Schutz là tấm gương điển hình trong số các tấm gương khác (ông Jean Vanier, Mục sư Martin Luther King, Nữ tu Emmanuelle) minh họa cho loại chứng ngôn chân thực và không thể cưỡng lại được này.

Trong những lúc khó khăn hay khô khan (tôi hình dung các đan sĩ cũng bị), cha làm gì để tiếp tục đi trên con đường cha đã chọn? Cha suy gẫm đoạn Sách Thánh nào?

Có những lúc mệt mỏi, nản lòng thậm chí còn bị kiệt sức, khi đó tôi thích đọc lui đọc tới sách Khôn ngoan, chương 6 đến 9. Đọc xong bốn chương này, lần nào tôi cũng cảm thấy mình như một người khác, người được tái sinh, người được kết nối lại với điều cốt lõi, với nguồn cội đích thực mà không gì có thể làm cho cạn kiệt.

Trong những giây phút khủng hoảng và chiến đấu nội tâm, tôi bắt đầu đọc lại toàn bộ Phúc Âm, hoặc thực hành thánh vịnh từ A đến Z trong vài ngày. Hiếm khi mà mọi sự lại không trở nên rõ ràng một cách đột ngột, ngay cả nhiều khi chưa đọc xong quyển sách. 

Theo cha, nơi cái gì mà “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô” thật sự là tốt và đáng được loan báo cho toàn thế giới?

Trong việc loan báo Nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang đến niềm vui và tự do cho thế giới, và thật sự là một tổn hại nếu không làm cho mọi người được biết đến. Vấn đề không phải là áp đặt niềm vui này, nhưng hiệp thông với nó và như thế, một cách vui vẻ, đó là lời mời gọi vào dự buổi lễ tiệc. Chắc chắn buổi lễ tiệc này là cả một đòi hỏi, nó chỉ được sống khi chúng ta đã trải qua một vài nghịch lý: Phúc thay cho những kẻ nghèo khó! Phúc thay cho những ai khóc lóc! Cao cả thay những người khiêm tốn! Cho thì hạnh phúc hơn là nhận! Ân sủng sẽ đến nơi người nào nhận biết mình khó nghèo và là người có tội; sức mạnh của Chúa Kitô dựa trên sự yếu đuối của người tự nhận mình như vậy. Người thầy rửa chân cho môn đệ và ai đến lượt mình cũng làm như người thầy, người đó sẽ được Chúa vinh danh!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2019/06/4407a4499cb356f6b4c2d93d40a16a43-1512983211-700x393.jpg

Linh mục Benoît Standaert là đan sĩ Dòng Biển Đức Thánh Anrê gần Bruges. Hiện nay linh mục sống ẩn tu ở Bévercé  gần Malmedy. Cha là nhà chú giải Thánh Kinh, giáo sư Kinh Thánh và tác giả của nhiều sách thiêng liêng.

Bài liên quan

Back to top button