Bản tin Phanxicô.vnTin tức

Phụ nữ trong hồng y đoàn: Một đề xuất khiêm tốn cho một Giáo hội bình đẳng hơn (và ngôn sứ hơn)

By phanxicovn

americamagazine.org, Lucetta Scaraffia, 2021-09-16

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/phu-nu-trong-hong-y-doan-696x471.jpg

Các hồng y trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành để kính nhớ các hồng y và giám mục đã qua đời trong năm qua tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 3 tháng 11 – 2020. (Ảnh CNS / Paul Haring)

http://phanxico.vn/wp-content/uploads/2021/09/lucetta-564x420.jpg

Bà Lucetta Scaraffia là giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Sapienza Rôma. Bà là người sáng lập và là tổng biên tập phụ trương Phụ nữ Giáo hội Thế giới của nhật báo L’Osservatore Romano

Lời của ban biên tập: Trong một hội thảo tại Đại học Fordham ở New York năm 1996, hồng y phó tế Dòng Tên, thần học gia Avery Dulles đã đề cập đến điều ngài xem là những phản đối chính với Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”của Đức Gioan-Phaolô II năm 1994, về việc phụ nữ không vào được  chức tư tế Công giáo. Bài nói chuyện đã được đăng trên Origins (Tập 25, số 45, ngày 2 tháng 5 năm 1996) với tựa đề “Giới tính và chức tư tế: Nghiên cứu việc giảng dạy” (Gender and Priesthood: Examining the Teaching) và được đăng lại trên trang America năm 2001. Để đánh dấu kỷ niệm 25 năm bài khảo luận này, trang America đã xin hai học giả, bà Lucetta Scaraffia và bà Julia Brumbaugh trả lời.

Bài viết này ở trong phần Thảo luận với America Media (The Conversation with America Media), đưa ra những góc nhìn đa dạng về các vấn đề quan trọng trong đời sống Giáo hội.

Bài khảo luận sáng suốt của hồng y Avery Dulles về chức linh mục phụ nữ, hay đúng hơn là sự bất khả thi của nó trong Giáo hội công giáo, đặt ra những vấn đề cơ bản vượt ra ngoài phạm vi phong chức phụ nữ: Một cách tổng quát, đâu là mối quan hệ của Giáo hội với các thành viên nữ của Giáo hội? Và trên các tiêu chuẩn nào chúng ta đánh giá đáp ứng của Giáo hội với phụ nữ?

Nếu chúng ta đánh giá theo các tiêu chuẩn hiện đại về bình đẳng và cơ hội bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, chúng ta có nguy cơ quá nhấn mạnh đến điều kiện xã hội không? Một tôn giáo, nhất là Kitô giáo không đơn thuần là một hệ thống đạo đức. Nó được sinh ra từ sự mặc khải và tuân theo một truyền thống, và chúng ta phải tính đến điều này.

Là tín hữu kitô, chắc chắn chúng ta không thiếu các lập luận trong truyền thống Phúc âm để tìm ra những chỉ dẫn chắc chắn và rõ ràng cho vấn đề này. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu nhìn nhận phụ nữ có khả năng hiểu biết thiêng liêng ngang – và đôi khi còn vượt trội hơn, và Ngài giao cho họ những sứ mệnh phức tạp và khó khăn, kể cả nhiệm vụ báo tin cho các môn đệ khác về sự sống lại của Ngài (Ga 20: 1-18; Mt 28: 1-10; Mc 16: 1-11). Nếu Ngài không giao chức tư tế cho họ, chắc chắn không phải vì Ngài xem họ thấp kém, cũng không phải vì ảnh hưởng của các phong tục xã hội vào thời của Ngài. Hơn một lần, và chính xác về phụ nữ, Ngài đã can đảm lật đổ những hủ tục này (Ga 4: 1-42; Lc 7: 36-50). Từ điều này, chúng ta có thể suy luận Chúa Giêsu muốn định hướng phụ nữ và nam giới đến những sứ mệnh khác nhau, nhưng có giá trị như nhau.

Một tôn giáo, nhất là Kitô giáo không đơn thuần là một hệ thống đạo đức. Nó được sinh ra từ sự mặc khải và tuân theo một truyền thống, và chúng ta phải tính đến điều đó.

Nhưng không may lịch sử của Giáo hội lại để chúng ta đối diện với một thực tế khác. Việc loại phụ nữ ra khỏi chức tư tế được xem là bằng chứng để trừng phạt sự thấp kém của họ, ngay cả về mặt thiêng liêng. Điều này đã gây ra những hệ quả trong đời sống Giáo hội, nơi mà gần hai thiên niên kỷ, phụ nữ chỉ thực hiện các nhiệm vụ thứ yếu, nếu không muốn nói là phục dịch và tiếng nói của họ không được lắng nghe. Nói cách khác, việc loại trừ họ là cơ sở của khái niệm về chức tư tế đã thắng thế. Dù những gì hồng y Dulles đã viết – “Chức tư tế thừa tác không phải là dấu hiệu của thắng thế cá nhân, nhưng là sự phục vụ khiêm tốn được thực hiện vì lợi ích cho tất cả dân Chúa” – chức tư tế đã được biến đổi thành vai trò quyền lực và cơ hội cho một sự nghiệp trong thể chế thay vì phục vụ giáo dân.

Khi được hỏi liệu nữ tu có muốn có chức linh mục nữ hay không, một người bạn nữ tu của tôi trả lời: “Không, tôi muốn không còn linh mục nữa”. Rõ ràng sơ hiểu thuật ngữ “linh mục” là “người có quyền lực”.

Chính vì vậy, mục tiêu đầu tiên việc thảo luận cho sự khả thi của chức linh mục phụ nữ là phải chất vấn lại hình ảnh chức tư tế dưới ánh sáng thực tế của lịch sử, một mục tiêu chắc chắn không phù hợp với sứ điệp Tin Mừng. Theo nghĩa này, bất kỳ nỗ lực nào để phong chức phụ nữ nhằm trao cho họ nhiều quyền lực hơn trong Giáo hội cũng không phù hợp với thông điệp Phúc âm, ngay cả khi dự án này có ý định cao cả là chấm dứt sự phụ thuộc của phụ nữ. Trong lịch sử loài người, công lý chưa bao giờ được khôi phục bằng cách chuyển quyền lực từ giai cấp này sang giai cấp khác.

Việc từ chối chấp nhận việc truyền chức linh mục cho phụ nữ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn nếu nó đi kèm với sự tôn trọng phụ nữ và cởi mở để cộng tác với họ. Sự phụ thuộc của phụ nữ hiện nay trong Giáo hội và sự thiếu tôn trọng và lắng nghe của thể chế Giáo hội chắc chắn không giúp gì để hiểu lý do của sự loại trừ này, điều này có vẻ giống như một cách để tiếp tục nắm giữ quyền lực. Hồng y Dulles hiểu nhu cầu của một sự tôn trọng nhiều hơn đối với phụ nữ, nhưng ngài giới hạn khi trích dẫn những nhận xét dè dặt của Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II về phụ nữ. Ngoài việc cả hai giáo hoàng đều đưa ra tuyên bố về việc đối xử bình đẳng với phụ nữ không được tuân thủ trong đời sống Giáo hội, các ngài đã ban hành các văn bản – đặc biệt là Tông thư Phẩm giá của người  Phụ nữ (Mulieris Dignitatem) của Đức Gioan-Phaolô II, với lời giải thích tạo vấn đề về các phẩm chất của “thiên tài nữ tính” – điều này đòi hỏi phải thảo luận và tranh luận thêm.

Nhưng tất cả chỉ là lời nói. Chỉ là lời nói. Không một sự xem trọng nào trên thực tế, điều này truyền tải một loạt thông tin rất khác về phụ nữ trong Giáo hội.

Việc từ chối chấp nhận việc truyền chức linh mục cho phụ nữ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn nếu nó đi kèm với sự tôn trọng phụ nữ và cởi mở để cộng tác với họ.

Chứng từ của các nữ tu

Đời sống thực tế của Giáo hội cho thấy sự hoàn toàn thiếu xem trọng đối với phụ nữ trong đời sống nữ tu, những người cho đến gần đây chiếm hơn một nửa số thành viên của các dòng. Có thể nói không quá đáng, các nữ tu đã duy trì sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới qua các công việc không mệt mỏi và dấn thân của mình, không đòi hỏi nhận lại bất cứ gì. Tiếng nói của họ chưa bao giờ được lắng nghe và ý kiến của họ hầu như không bao giờ được hỏi đến, ngay cả trong các thủ tục lựa chọn giám mục mới. Dĩ nhiên đây là các vấn đề mà họ có nhiều điều để nói vì họ biết rõ các linh mục trong các giáo phận khác nhau; hơn nữa, họ không có một lợi ích nào để cạnh tranh.

Về bản chất, các nữ tu bị đối xử như những người hầu ngoan ngoãn và im lặng, và họ chỉ được chấp nhận nếu họ bằng lòng như vậy. Chỉ gần đây, theo lời yêu cầu  rõ ràng và chính xác của họ, trong một lần tiếp kiến thường kỳ với các bề trên dòng nữ, Đức Phanxicô đã cho phép họ có một đối thoại với ngài, điều luôn xảy ra với các đồng tu nam của họ.

Nếu Giáo hội không thay đổi thì các nữ tu đã thay đổi. Hiệp hội hàng đầu của họ – Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Dòng nữ (International Union of Superiors General, U.I.S.G.), tập hợp hầu hết các dòng nữ đang hoạt động trên thế giới – và đã khởi xướng các dự án quốc tế quan trọng. Hiệp hội đã nhận được các giải thưởng danh giá cho công việc của mình, hầu hết từ các tổ chức ở ngoài công giáo. Bên ngoài Giáo hội, họ là Hiệp hội danh tiếng và được lắng nghe. Bên trong Giáo hội, Hiệp hội gần như là một tổ chức không tồn tại. Kể cả chủ tịch và các nữ tu có chân trong Hiệp hội Quốc tế các Bề trên Dòng nữ. Hội đồng quản trị – những phụ nữ và chuyên gia có khả năng về tình hình của Giáo hội ở các quốc gia khác nhau – thường được bất kỳ cơ quan nào của Vatican tham vấn thường xuyên, Hội đồng hồng y thì ít hơn, đây là Hội đồng do Đức Phanxicô thành lập và chỉ gồm các hồng y.

Về bản chất, các nữ tu bị đối xử như những người hầu ngoan ngoãn và im lặng, và họ chỉ được chấp nhận nếu họ bằng lòng như vậy.

Phụ nữ giáo dân trong Giáo hội

Đó là chưa kể đến tình trạng lệ thuộc song song mà phụ nữ ở các giáo xứ, các giáo lý viên, các người quan tâm đến đời sống Giáo hội từ bên trong hay bên ngoài gặp phải. Chẳng hạn các phụ nữ đưa tin về Giáo hội, từ lâu họ chịu sự trịch thượng và không quan tâm của các giới chức nam giới trong nhà thờ, ngầm hiểu họ kém quan trọng và không đáng quan tâm bằng đồng nghiệp nam. Hệ thống phân cấp toàn nam giới và ít quen trong các quan hệ với phụ nữ, rõ ràng hệ thống này thích quan hệ với nam giới, cả trên các phương tiện truyền thông.

Trong những điều kiện này, khó có thể tạo ra một diễn văn thần học và biểu tượng có thể biện minh cho việc từ chối chức tư tế nữ theo bất kỳ một cách nào đó đáng tin cậy cho phụ nữ trong Giáo hội. Những lý do được đưa ra cho chức tư tế nam bắt đầu có vẻ như được tạo ra để biện minh cho những thứ khác, chẳng hạn như việc nắm giữ quyền lực. Tôi nghĩ ngược lại, một tinh thần cởi mở thực sự trong việc lắng nghe và cộng tác với phụ nữ sẽ làm cho việc cấm này dễ được phụ nữ chấp nhận hơn. Trên hết, nó sẽ có chức năng làm giảm (nếu không muốn nói là loại bỏ) phần lớn chủ nghĩa giáo quyền ngày nay đang đầu độc đời sống Giáo hội ở cấp độ thể chế. Nếu phụ nữ có thể đưa ra quan điểm, kinh nghiệm cụ thể, sự tự do của họ như những người không theo đuổi các mục đích thăng tiến sự nghiệp trong Giáo hội, thì điều này có thể mang đến cho Giáo hội một luồng không khí trong lành và sự sống mà Giáo hội thật sự quá cần thiết.

Tất nhiên, điều này cũng có nghĩa là thực sự mở lại cuộc thảo luận về vai trò của giáo dân trong đời sống của Giáo hội, với hệ quả là giảm nhấn mạnh hoặc ít nhất là bối cảnh hóa lại vai trò của giáo sĩ. Mang đến cho phụ nữ một tinh thần cởi mở thực sự là hoàn thành mong muốn của Đức Gioan XXIII – mở tung các cửa sổ của Giáo hội và để một luồng gió tươi mát thổi vào thể chế xơ cứng này.

Lắng nghe và cộng tác với phụ nữ sẽ làm cho việc cấm này dễ được phụ nữ chấp nhận hơn.

Một đề xuất khiêm tốn

Không cần phải hủy bỏ truyền thống hoặc hủy bỏ ý nghĩa biểu tượng của việc thánh hiến chỉ vì để có bình đẳng trong bối cảnh xã hội đương thời áp đặt. Chức tư tế không phải là một nghề. Đó là một sứ mệnh. Và không phải ai cũng có nhiệm vụ giống nhau. Đây là thông điệp ngôn sứ mà Giáo hội tuyên xưng nhưng vẫn cần phải nghe, một thông điệp mời gọi chúng ta nhìn thế giới với con mắt ít ý thức hệ hơn, đặt trọng tâm vào đa dạng, tôn trọng nhu cầu thiêng liêng hơn. Những nhu cầu thiêng liêng này không nhất thiết phải trùng khớp với những nhu cầu xã hội.

Nhưng cũng có một khả năng khác, một khả năng có thể cho phép phụ nữ có được những vai trò có thẩm quyền trong Giáo hội mà không làm thay đổi truyền thống cơ bản: Bổ nhiệm các phụ nữ nổi bật làm hồng y phó tế. Họ sẽ không cần phải được thụ phong linh mục để phục vụ trong chức vụ này.

Ý tưởng này được bà Mary Douglas gợi ý cho tôi nhiều năm trước, bà là nhà nhân chủng học người Anh vĩ đại về đạo công giáo, là một học giả cẩn trọng về vai trò của các biểu tượng trong truyền thống tôn giáo. Hoàn toàn ý thức về biểu tượng nam giới của chức linh mục, bà Douglas biết, trong truyền thống Giáo hội có một hình ảnh – hồng y không thụ phong linh mục – có thể dùng làm tiền lệ cho sự phát triển của vai trò này với phụ nữ.

Chúng ta biết, các hồng y đặc biệt được giáo hoàng bổ nhiệm. Theo các tiêu chuẩn được Công đồng Trent quy định, cấp bậc của họ có thể bao gồm những người không được phong chức. Đúng là theo Giáo Luật hiện hành, phải được chịu chức linh mục mới được nhận vào hồng y phó tế. Tuy nhiên, đây là quy định của giáo luật, không phải là giáo điều, và thậm chí không phải là một luật xưa. Trong lịch sử Giáo hội đã có nhiều hồng y không được phong chức linh mục, như hồng y Rodrigo Borgia, sau này là Giáo hoàng Alexander VI, người đã nhận chức thánh một thời gian ngắn trước khi được bầu làm giáo hoàng.

Sự hiện diện của các nhân vật nữ trong Hồng y đoàn, một cơ quan có nhiệm vụ bầu chọn các giáo hoàng tương lai sẽ đảm bảo tiếng nói lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề của Giáo hội và cuối cùng sẽ mang lại cho phụ nữ vai trò có thẩm quyền mà họ xứng đáng có trong cộng đồng Công giáo.

Trong quá khứ, người ta nói, ít nhất một trong số các hồng y được bổ nhiệm in pectore (những người được giáo hoàng bổ nhiệm nhưng vì nhiều lý do nên không công khai loan báo) của Đức Gioan-Phaolô II là một phụ nữ; một số tin đồn nói rằng đó là bà Chiara Lubich và Mẹ Têrêxa Calcutta. Tin đồn này chưa bao giờ là có cơ sở hay không, nhưng thực tế là nó đã lan truyền và được coi là có thể xảy ra – và trên hết là có những ứng cử viên có thẩm quyền cho chức vụ này – cho thấy một hành động như vậy có thể được thực hành và được chấp nhận.

Mở Giáo hội ra cho phụ nữ nhưng vẫn duy trì ý tưởng về sự đa dạng trong sứ mệnh phải là một đề xuất bắt nguồn từ cơ sở Giáo hội, một đề xuất lấy nguồn gốc từ truyền thống của Giáo hội và từ việc chăm chú lắng nghe sứ điệp Phúc âm, chứ không phải từ điều kiện xã hội đến từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi sự tự phê nghiêm túc và rất nhiều can đảm. Chúng ta hy vọng trong tương lai một Giáo hội được lớn lên và tiến triển trong hơn hai thiên niên kỷ sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên theo cách này và sẽ mang lại cho Giáo hội một tầm nhìn ngôn sứ thêm một lần nữa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài liên quan

Back to top button