Tâm trạng cô đơn và các vấn đề
Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser
Tâm trạng cô đơn có thể làm cho chúng ta không thể quy lại một cách có kỷ luật và ý nghĩa nguồn sinh lực sáng tạo và xúc cảm của chúng ta.
Ai trong chúng ta khi sống trên cuộc đời cũng mong muốn yêu thương và làm được những việc sáng tạo và phong phú. Vậy mà nhiều người trong chúng ta nghèo nàn về cả hai phương diện này. Thường thường chúng ta bất lực để có được một tình yêu trọn vẹn và một sáng tạo phong phú. Thay vào đó, cuối cùng chúng ta không bao giờ có thể làm việc cách hợp lý và cũng không bao giờ tập trung được nguồn sinh lực dành cho tình yêu và công việc. Và rồi, với cảm tính và sinh lực sáng tạo buông thả của mình, chúng ta phung phí chính bản thân trong tâm trạng tầm thường và hụt hẫng.
Câu nói thông dụng “Gom chúng lại với nhau!” ám chỉ rõ ràng đến việc chúng ta có khả năng hay không có khả năng để nắm chắc và truyền dẫn cách sáng tạo nguồn sinh lực của chúng ta cho tình yêu và công việc. Tất nhiên, hầu hết chúng ta không bao giờ “gom chúng lại với nhau!” Chúng ta không bao giờ gom chính bản thân mình lại với nhau. Thay vào đó chúng ta đi trên cuộc đời với tâm trạng hụt hẫng và phân tán, để nguồn sinh lực bồn chồn náo động nội tâm đẩy chúng ta khi hướng này, khi hướng khác, không bao giờ có khả năng ngồi yên để định hướng, nhận ra cái gì mình muốn làm, không bao giờ có kỷ luật với chính mình đủ để hoàn tất mục đích mình muốn có.
Ở thế kỷ thứ tư, thánh Gregory thành Nyssa có viết về sự bất lực của con người trong việc “gom chúng lại với nhau”. Ngài so sánh những sinh lực bồn chồn và cô đơn trong tâm hồn chúng ta với dòng suối chảy:
Chúng ta hình dung dòng suối đang chảy từ khe nước và tùy tiện phân nhánh vào các kênh khác nhau. Cho đến lúc nào nó còn chảy theo cách đó, nó sẽ hoàn toàn vô dụng cho việc nuôi dưỡng tâm hồn. Nguồn nước của nó trải ra quá rộng, kênh dẫn lại quá nhỏ và yếu ớt, vì thế dòng nước sẽ chảy khó khăn. Nhưng nếu gom các kênh rải rác này lại thành một dòng suối duy nhất, chúng ta sẽ có một dòng sông luân lưu chảy và hữu dụng cho nhu cầu cuộc sống.
Tôi nghĩ tâm trí con người cũng như vậy. Nếu nó phân tán ra mọi hướng, liên tục chảy, liên tục phân tán nơi nào chúng thích, thì chúng sẽ không bao giờ có đủ sức mạnh đáng kể trong sự phát triển đến điều Thiện đích thực.
Ví dụ này nói cho chúng ta nhiều điều về lý do tại sao chúng ta làm việc và yêu thương không đúng; tâm hồn thao thức náo động đẩy chúng ta vào quá nhiều hướng và cuối cùng chúng ta không đến được hướng nào cả.
Tôi muốn làm rõ thêm điều này với một ví dụ thời hiện đại: câu chuyện của Harry Angstrom, nhân vật bi kịch chính trong tác phẩm Hành trình của con thỏ (Rabbit Run) của John Updike.
Hành trình của con thỏ là câu chuyện về Harry Angstrom, người được bạn bè gọi là “Con thỏ” (Rabbit) vì chiều cao và điệu bộ bồn chồn nhanh lẹ của mình. Updike gọi anh ta là “con thỏ” vì một số nguyên do tượng trưng khác. Harry trẻ tuổi là ngôi sao bóng rổ trường trung học. Anh còn có tài năng trong nhiều lĩnh vực khác. Với bạn bè, anh nổi tiếng về đầu óc thông minh và “khôn lanh đường phố”. Nhưng Harry lại là một nhân vật bi kịch. Mặc dầu tiềm năng khá cao, nhưng anh chẳng bao giờ lớn lên hay trưởng thành cả.
Harry có nhiều vấn đề, nhưng cốt lõi của tất cả vấn đề là sự bất lực của anh trong việc truyền dẫn một cách có hiệu quả các sinh lực sáng tạo và cảm xúc, anh bất lực trong việc kiềm chế một cách có trách nhiệm các mãnh lực cô đơn trong con người anh.
Chẳng mấy chốc sau khi tốt nghiệp trung học, cuộc đời của Harry bắt đầu xuống dốc. Cho đến lúc đó, anh vẫn làm mọi việc tốt đẹp, mà chưa cần phải có trách nhiệm và kỷ luật cho mình. Giờ đây, khi phải nắm cuộc đời của mình trong tay, đường đời anh thay đổi. Tương lại rạng rỡ và có khả năng vào đại học, anh lại quá lười biếng và thiển cận nên không tiếp tục học. Trong quá khứ, với tư cách là ngôi sao bóng rổ, anh dễ dàng giành chiến thắng hơn là chịu khó ghi điểm trong một lĩnh vực mới mẻ mà anh chưa biết. Anh nhận làm công trong một cửa hàng địa phương. Năm này qua năm khác, anh vẫn làm việc tại cửa hàng đó và anh bắt đầu chán nản, ý thức rằng ý nghĩa đời anh phải là một cái gì cao hơn thế. Mặc dù cảm nhận được rất mạnh sự hụt hẫng trong năng lực sáng tạo của mình, Harry không bao giờ đọc ra thông điệp này muốn nói gì với anh. Anh không thể nắm bắt được sức mạnh trong anh và truyền dẫn chúng cách đúng đắn. Thay vào đó anh chỉ để chúng vụt đi vụt đến quanh anh trong mọi chiều hướng và đặc biệt là không có chiều hướng nào. Anh vẫn tiếp tục miệt mài trong quá khứ của mình, sống và làm việc trong sự tầm thường, và huyễn hoặc rằng sớm hay muộn, một bất ngờ lớn sẽ đến và ngày tháng huy hoàng của anh sẽ trở lại. Một người có được tài năng và năng lực như anh sẽ thành công tột bậc!
Trong thời gian đó, anh lập gia đình. Janice, vợ anh, là một người không khác anh hoàn toàn, đã thử thách anh một phần nào đó. Khi anh bị hụt hẫng nhiều hơn, hụt hẫng này bắt đầu tác động đến tất cả mọi lĩnh vực khác trong đời sống của anh. Anh bắt đầu kêu ca về nỗi bất hạnh cứ đeo bám anh mãi. Thế gian này đưa tôi đến một hoàn cảnh xấu! Anh bắt đầu cáu gắt, huyễn hoặc và càng sống không thực tế hơn. Cuộc hôn nhân của anh xuống dốc và mất đi đam mê, chỉ còn lại chán chường, rồi sau đó thậm chí cả hai còn không nhìn nhau. Vợ của anh sa vào thói nghiện rượu, còn anh nằm trong vũng lầy chán nản.
Cuối cùng anh đã chạy trốn. Đơn giản là một đêm nọ, anh lái xe đi, không có mục đích cụ thể nào trong đầu ngoại trừ việc là phải đi thật xa, bỏ lại người vợ đang mang thai và đứa con trai nhỏ. Anh đón một cô gái điếm và dọn đến sống với cô.
Vài tháng sau, người vợ say xỉn của anh sẩy tay làm đứa bé gái mới sinh bị chết. Harry trở về nhà dự đám tang. Lúc đó, thực tế giáng vào anh khi anh đối diện với vợ, với bạn bè, với cha mẹ anh, cha mẹ vợ, và với bi kịch của chính anh – cụ thể là tội lỗi và nguyên do thực sự của đời sống rối ren anh đang sống. Anh nhìn ra rằng anh không còn là một người trẻ đầy hứa hẹn, không còn là một ngôi sao đang lên, anh đã là đồ bỏ đi vì một vài lỗi lầm tồi tệ, nhưng anh lại nhận thấy ánh cầu vồng sẽ đến. Đúng hơn, anh nhìn ra chính mình, nhìn ra con người thật của mình, một cậu bé lớn tuổi, đáng thương và non nớt, một kẻ thất bại ồn ào sống trong tầm thường và huyễn hoặc, không có trách nhiệm với đời sống của chính mình. Anh cũng nhận ra rằng, biến chuyển lớn đó sẽ chẳng bao giờ đến. Việc nhận ra được như vậy là quá sức đối với anh. Giây phút nhận ra tất cả điều đó, anh bỏ chạy.
Câu chuyện kết thúc với việc Harry chạy đi, chạy trốn khỏi buổi tang lễ của đứa con ruột, chạy trốn trách nhiệm, chạy trốn khỏi chính bản thân anh.
Quyển sách này còn hơn cả một câu chuyện, nó là một dụ ngôn. Và, như trong tất cả các dụ ngôn khác, chúng ta là nhân vật chính trong đó. Chúng ta là “Con thỏ” Angstrom. Chúng ta là con người với những sinh lực sáng tạo và xúc cảm đang sôi sục trong người. Chúng ta là con người thoát ly, để đứng cao hơn sự bình thường trong đời sống này, chúng ta là ngôi sao tiềm năng, chắc chắn sẽ đạt đến một thành quả sáng chói. Bất hạnh thay, cũng như Harry, hầu hết chúng ta không đạt đến cầu vồng rực rỡ. Mà đúng hơn, chúng ta đi qua đời sống trong chán nản và tầm thường, khi chúng ta yêu thương và làm việc cách tồi tệ, phung phí sinh lực và thành quả đạt được thì quá nhỏ bé. Tại sao?
Chủ yếu là vì chúng ta bất lực trong việc hiểu biết và nắm vững tâm trạng cô đơn của chính mình. Nếu chúng ta không hiểu được tâm trạng cô đơn và nắm giữ nó cách có ý nghĩa, chúng ta sẽ không bao giờ lao lực rèn luyện trong cô tịch để học một kỷ luật mà chúng ta cần hầu làm cho tình yêu của chúng ta tác động được người khác và làm cho công việc của chúng ta được sáng tạo.
Một vài ví dụ xa hơn sẽ giải thích cách thức mà tâm trạng cô đơn làm hao mòn chúng ta, làm cho chúng ta yêu thương và làm việc không đúng cách.
Vì cô đơn của mình, chúng ta thường thật khó khăn để sống giây phút hiện tại.
Đó là một điều không dễ đối với con người. Chúng ta quá phức tạp. Các xung năng xao động đến với chúng ta trong từng giây phút, nó làm cho chúng ta khó có được tự do. Chúng ta thường xuyên cuồng dại với một số việc, bám vào một số người, hoài niệm về một số bạn cũ, khoảnh khắc cũ, bận lòng với những huyễn hoặc, những giấc mơ hão huyền vô thực. Nặng gánh với những điều này, chúng ta không thoải mái để sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và với những người đang ở trước mặt chúng ta.
Một nữ tu đã từng nói với tôi: “Sự dấn thân của tôi trong mỗi giây phút là làm sao để người đứng trước mặt tôi bây giờ, họ cảm thấy họ là người quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi!” Thật ít người sống được theo chiều hướng này! Thông thường chúng ta ở một nơi, gặp một người, nhưng lòng một nẻo.
Ngày nay, một trong những chuyện các gia đình cũng như các cộng đoàn hay phàn nàn là: “Chúng ta không bỏ ra nhiều thì giờ để ở với nhau!” Một số ít sẽ tranh cãi về giá trị tầm quan trọng của việc này. Tuy nhiên tôi không thể không tự hỏi, vấn đề thực là sự hiện diện tâm lý hay việc bỏ thì giờ ra để ở với nhau. Sự phàn nàn này có hay lặp lại không, nếu gia đình và cộng đoàn thực sự ở cùng nhau, các thành viên có thực sự cần sự hiện diện của nhau không? Tôi thường cảm thấy, vấn đề vẫn ở đó, dù cho chúng ta hiện diện với nhau về mặt thể lý, cùng ăn chung, cùng nghỉ, cùng thinh lặng hay cùng xem vô tuyến, tâm trí và tâm hồn chúng ta để ở chỗ khác, thì chúng ta thực sự không hiện diện với nhau. Đúng hơn, chúng ta ở đó vì bổn phận, phải giữ bề ngoài có mặt, trong khi tâm hồn và ngón tay chúng ta bồn chồn, chờ xong bổn phận để đi ngủ, gọi điện thoại, hay đi đâu đó – đến một nơi mà chúng ta thực sự muốn hiện diện.
Thiếu đi sự hiện diện trong giây phút hiện tại có thể làm tổn thương chúng ta theo nhiều cách. Chúng ta thường bỏ qua các cơ hội phong phú của cuộc sống, vẻ đẹp thiên nhiên, chuyện cười đúng lúc, thậm chí bỏ mất hương vị của một món ăn ngon, chính xác chỉ vì chúng ta quá bồn chồn, quá phân tán, không có trọng tâm nên vừa không hiện diện trọn vẹn vừa không nắm bắt được giây phút đó và những gì nó mang đến cho chúng ta. Đời sống trôi đi, và nó không có hậu quả gì lớn trên chúng ta, chúng ta không cần biết liệu nó có phong phú, đẹp đẽ hay không, vì chúng ta quá xao nhãng và không hiện diện để lưu tâm đến nó. Cũng vì lý do này, mà thường xuyên các cuộc nghỉ hè, thì giờ rãnh rỗi, các buổi tiệc, và các cuộc gặp mặt xã hội không làm cho chúng ta tươi mát vừa thể xác vừa tâm hồn.
Vì tâm trạng cô đơn của mình, chúng ta nhận thấy thật khó để chọn lựa.
Nhiều người trong chúng ta khó lấy một quyết định. Điều này không phải vì chúng ta tìm không ra được cái gì phù với những ưu tiên của mình, mà đúng hơn là ngược lại, cụ thể chúng ta thấy khó để loại ra những chuyện chẳng liên quan gì đến chọn lựa của chúng ta. Các nhà triết học kinh viện có câu châm ngôn “Mỗi một lựa chọn cũng là một từ bỏ.” Nó rất đúng, vì khi chọn một cái, là nhất thiết phải bỏ cái khác.
Vì lý do này, chúng ta thấy thật khó để chọn một ơn gọi, một công việc, một nhóm bạn, một người bạn đời, một ngôi nhà hay một chiếc xe mới. Vấn đề nảy sinh vì khi chọn lựa, chúng ta phải đặt ra giới hạn cho mình, và nỗi cô đơn khôn thỏa trong tâm hồn chúng ta nổi loạn chống lại điều đó. Vì thế, chúng ta thường kết thúc trong việc phung phí sinh lực sáng tạo và sinh lực xúc cảm: nắm giữ cách lỏng lẻo, trải con người mình ra quá mỏng, không thể thực hiện những chọn lựa và cam kết rõ ràng, chần chừ vô hạn định, trở nên yếu ớt, nói chung là không thể thực hiện được những quyết định mang lại cho đời sống chúng ta một định hướng rõ ràng để giúp chúng ta yêu thương và làm việc cách hữu hiệu hơn.
Tâm trạng cô đơn thường ngăn cản không cho chúng ta đi vào bất cứ hình thức nào của cô tịch sáng tạo.
Vì chúng ta quá cô đơn và bồn chồn, nhiều người không bao giờ thực sự đạt đến một chiếu sâu nội tâm. Đúng hơn, tâm trạng cô đơn giữ chúng ta ở trong tình trạng luôn luôn chuyển động, không ngừng các sinh hoạt của mình lâu đủ để đi vào nội tâm. Nhưng cuộc lữ hành nội tâm này vô cùng quan trọng.
Các nghệ sỹ, nhà thơ, triết gia, nhà tư tưởng tôn giáo ở mọi thời đều luôn luôn thách thức chúng ta phải có trong mình một mức độ cô tịch và hướng nội. Chỉ khi nào đạt được điều này, chúng ta mới chạm đến được chiều sâu và có được một nội tâm phong phú. Không làm được điều này, chúng ta rơi vào thiển cận. Catherine de Hueck Doherty, người sáng lập Cộng đoàn Nhà Đức Mẹ (Madonna House Community), một cộng đoàn tông đồ giáo dân và tu sĩ đã nói về vấn đề trên như sau:
Hoang vu, tĩnh lặng, cô tịch. Đối với những người nhận ra nhu cầu thiết yếu của cả ba điều này, cơ hội sẽ tự đến trong màn sương mờ mịt của khối bùng nhùng trong tất cả đô thị mênh mông trên thế giới.
Nhưng làm cách nào để thật sự đạt đến cô tịch này? BẰNG VIỆC NGỪNG LẠI! Ngừng lại và để cho sự bồn chồn nguy hại và lạ lùng của thời đại bi thương này biến đi như tấm áo choàng cũ kỷ rơi xuống, một tấm áo đã từng một thời được xem là đẹp. Sự bồn chồn thao thức từng được xem là tấm thảm thần đối với tương lai, giờ này đây trong hiện thực, chúng ta nhìn ra chân tướng của nó: một trốn chạy khỏi chính mình, một xoay lưng với cuộc hành trình nội tâm, một cuộc hành trình mà tất cả mọi con người đều phải thực hiện để gặp được Thiên Chúa đang cư ngụ trong sâu thẳm linh hồn họ.
Tâm trạng cô đơn thường ngăn cản không cho chúng ta thực hiện cuộc lữ hành nội tâm này. Nhiều người trong chúng ta, thường không đạt đến được chiều sâu sắc và phong phú thực sự của mình.
J.B. Thái Hòa dịch