Tin Giáo Hội hoàn vũTin tức

Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Lương thực Thế giới

Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Lương thực Thế giới
© Vatican Media

‘Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Chế độ ăn lành mạnh cho một thế giới #ZeroHunger (không có nạn đói)’

16 tháng Mười, 2019 16:44

JIM FAIR

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp Ngày Lương thực Thế giới, được kỷ niệm ngày 16 tháng Mười, 2019, bởi Tổ chức Lương Nông (FAO) thuộc Liên Hợp quốc .

Trong thông điệp, gửi đến ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc của FAO, trích dẫn chủ đề – “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Chế độ ăn lành mạnh cho một thế giới #ZeroHunger (không có nạn đói)” – để cho thấy tầm mối liên hệ quan trọng giữa lương thực và dinh dưỡng.

“Quả thật chúng ta đang chứng kiến việc lương thực không còn là phương tiện của sự sống và đang biến thành một con đường cho sự hủy diệt cá nhân,” Đức Thánh Cha cảnh báo. “820 triệu người trên thế giới chịu đựng sự đói kém, trong khi gần 700 triệu người thừa cân, những nạn nhân của thói quen ăn uống không hợp lý.”

Dưới đây là toàn văn thông điệp của Đức Thánh Cha:

Gửi ngài Qu Dongyu

Tổng Giám đốc FAO

Việc kỷ niệm hàng năm Ngày Lương thực Thế giới khiến chúng ta nghe thấy được tiếng kêu bi thảm của những anh chị em của chúng ta đang chịu đựng sự đói kém và suy dinh dưỡng. Bất kể những nỗ lực được thực hiện trong những thập niên gần đây, Chương trình 2030 cho sự Phát triển Bền vững vẫn chưa được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Như là một cách để đáp lại cho tiếng kêu cầu của anh chị em chúng ta, chủ đề được chọn bởi FAO cho năm nay là – “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Chế độ ăn lành mạnh cho một thế giới #ZeroHunger (không có nạn đói)” – chỉ ra mối quan hệ méo mó giữa lương thực và dinh dưỡng.

Quả thật chúng ta đang chứng kiến việc lương thực không còn là phương tiện của sự sống và đang biến thành một con đường cho sự hủy diệt cá nhân 820 triệu người trên thế giới chịu đựng sự đói kém, trong khi gần 700 triệu người thừa cân, những nạn nhân của thói quen ăn uống không hợp lý. Nhóm người thừa cân không đơn giản là do tác dụng phụ của chế độ ăn uống của “những dân tộc được chúc phúc dư đầy” (x. Phaolo VI, Tông huấn Populorum Progressio, 3); ngày nay họ cũng được tìm thấy trong các quốc gia nghèo hơn, nơi họ ăn ít nhưng ngày càng mất cân đối, vì họ bắt chước những chế độ ăn uống được du nhập từ những khu vực phát triển. Do chế độ dinh dưỡng kém, nhiều bệnh tật phát sinh không những từ sự mất cân bằng của tình trạng “dư thừa,” thường dẫn đến bệnh tiểu đường, những căn bệnh về tim mạch và các chứng bệnh thoái hóa, nhưng còn do tình trạng “thiếu hụt,” theo con số những cái chết được ghi chép do chứng biếng ăn và cuồng ăn.

Thực tại này kêu gọi một sự hoán cải trong lối sống và hành động của chúng ta, và chế độ dinh dưỡng là một điểm khởi đầu quan trọng. Sự sống của chúng ta lệ thuộc vào hoa trái của tạo vật (x. Tv 65:10-14; 104:27-28); không thể thu hẹp chúng trở thành những đồ vật đơn thuần để đối xử và sử dụng một cách khinh suất. Chỉ có thể chống lại với những rối loạn về dinh dưỡng bằng cách xây dựng những lối sống được truyền cảm hứng bởi lòng biết ơn về những món quà chúng ta đã đón nhận và giữ lấy tâm hồn điềm tĩnh, ôn hòa, tiết chế, tự chủ, và đoàn kết. Những đức tính này, đã đồng hành với nhân loại, kêu gọi chúng ta đến với một đời sống đơn giản và chừng mực hơn, và không quên quan tâm đến những nhu cầu của người chung quanh. Bằng cách đón nhận một lối sống như vậy, chúng ta sẽ phát triển trong tình đoàn kết huynh đệ biết tìm kiếm ích chung và xa tránh chủ nghĩa cá nhân và xem mình là trung tâm là những chủ nghĩa chỉ phục vụ cho việc tạo ra nạn đói kém và sự bất bình đẳng xã hội. Một lối sống như vậy sẽ giúp chúng ta có thể gieo trồng một mối quan hệ tốt lành với bản thân, với anh chị em chúng ta, và với môi trường chúng ta đang sống.

Ở đây gia đình đóng một vai trò quan trọng; vì lý do này, FAO đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo vệ những gia đình miền quê và thúc đẩy sự vun đắp gia đình. Trong gia đình, và nhờ vào sự nhạy cảm đặc biệt và sự khôn ngoan của phụ nữ và những người mẹ, chúng ta học cách thưởng thức những hoa trái của trái đất mà không lạm dụng nó. Chúng ta cũng khám phá những phương tiện hiệu quả nhất để lan truyền những cách sống biết tôn trọng ích riêng và ích chung của mọi người.

Đồng thời, sự tương thuộc ngày càng lớn giữa các dân tộc cũng có thể giúp gạt qua những tư lợi riêng, cũng như thúc đẩy sự tin tưởng và những mối quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc (x. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 482). Tôi hy vọng rằng chủ đề của năm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rằng nhiều người vẫn tiếp tục ăn uống theo cách thiếu lành mạnh. Nó là một thực tại tàn nhẫn, bất công và ngược đời, mà ngày nay tuy có đủ lương thực cho mọi người người nhưng không phải tất cả mọi người đều tiếp cận được nó, và ở một số vùng trên thế giới lương thực đang bị lãng phí, vứt bỏ và tiêu thụ một cách thừa mứa, hoặc được sử dụng cho những mục đích khác ngoài chế độ dinh dưỡng. Để thoát khỏi vòng xoáy này, chúng ta cần phải thúc đẩy “những cơ quan kinh tế và các sáng kiến xã hội qua đó trao cho người nghèo sự tiếp cận thường xuyên với những nguồn tài nguyên căn bản” (Laudato Si’, 109).

Cuộc chiến chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng sẽ không chấm dứt nếu luận lý của thị trường thắng thế và lợi nhuận được tìm kiếm bằng bất cứ giá nào, với kết quả rằng lương thực bị biến thành một sản phẩm thương mại là đối tượng để đầu cơ thương mại và ít mang tính quan trọng biểu trưng cho văn hóa, xã hội. Điều quan tâm hàng đầu của chúng ta phải là nhân vị: những người nam, người nữ và trẻ em cụ thể, đặc biệt là những người thiếu lương thực hàng ngày và có ít khả năng điều khiển được gia đình và những mối quan hệ xã hội (x. Laudato Si’, 112-113). Khi sự ưu tiên được dành cho nhân vị, những hoạt động cứu trợ nhân đạo và các chương trình phát triển chắc chắn sẽ có tác động lớn hơn và sẽ gặt hái được những kết quả mong chờ. Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng chúng ta đang tích lũy và lãng phí lương thực của người nghèo.

Thưa ông Tổng Giám đốc, khi gửi đến ông những suy tư nhân dịp kỷ niệm Ngày Lương Thực Thế giới này, tôi nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho mọi người cộng tác với công cuộc của FAO và thăng tiến những nỗ lực của quý vị để thúc đẩy nền hòa bình qua cách phục vụ sự phát triển đích thực và toàn diện của toàn gia đình nhân loại.

Viết từ Vatican, 16 tháng Mười 2019
© Libreria Editrice Vatican

Video Ngày Lương thực Thế giới:

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2019]

Bài liên quan

Back to top button