Tự vẫn và Sức khỏe Tinh thần
Khi còn nhỏ, tôi khát khao trở thành vận động viên chuyên nghiệp, nhưng sớm chấp nhận sự thật không dễ chịu rằng đơn giản tôi không có thân thể của một vận động viên. Tốc độ, sức mạnh, sức bền, bản năng, tầm nhìn, dần dà tôi cũng có, nhưng không đủ mạnh để làm vận động viên.
Tôi phải mất nhiều năm để bình tâm với chuyện này, nhưng tôi còn mất nhiều thời gian hơn nữa, đến tận tuổi trung niên, mới biết được và tạ ơn vì sự thật rằng, trong khi tôi không được một cơ thể như vận động viên, thì tôi lại có một sức khỏe tinh thần tráng kiện, một ơn quá lớn lao mà tôi không xứng đáng có được, một ơn còn quan trong hơn thân thể lực sỹ. Tôi thường tự hỏi nếu mình có thân thể của vận động viên sẽ thế nào, nếu mình có tốc độ, sức mạnh và uyển chuyển như thế sẽ ra sao. Nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi sẽ thế nào nếu như tôi có một tâm trí mạnh mẽ, vững vàng, bền bỉ biết cách trả đòn, xé toang hàng phòng ngự, không ngại va chạm, và không để sự căng thẳng của cuộc chơi khiến mình nản lòng.
Và tôi có được nhận thức này với cái giá là một số thời điểm đau đớn nhất trong đời. Khi ngày càng có tuổi, tôi bắt đầu thấy một vài bạn học cũ của mình, vài bậc thầy mà tôi tin tưởng, những người quen đủ kiểu và những người bạn thân thiết, họ đã thua trong cuộc chiến sức khỏe tinh thần, và chầm chậm hay nhanh chóng, chìm dần trong nhiều dạng trầm cảm lâm sàng, những kiểu tê liệt và đau đớn về tinh thần, mất trí nhớ đủ kiểu, những thay đổi tiêu cực về tính cách, tự sát và tệ nhất là giết người.
Dần dần trong đau đớn và ngập ngừng, tôi dần biết rằng không phải ai cũng có năng lực đủ để giữ mình vững vàng và hăng hái. Tôi cũng biết rằng sức khỏe tinh thần thực sự tương đương với sức khỏe thể lý, nó mỏng manh và không hoàn toàn trong tầm kiểm soát của chúng ta. Hơn nữa, cũng như các chứng tiểu đường, viêm khớp, ung thư, đột quỵ, xơ cứng teo cơ một bên, và đủ loại xơ cứng khác, có thể gây suy nhược và cả cái chết, thì những chứng bệnh tinh thần cũng gieo tàn phá trong tâm trí, cũng gây nên đủ loại suy nhược, và dù không thường có, nhưng vẫn dẫn đến cái chết, đến tự vẫn.
Làm sao để định nghĩa một sức khỏe tinh thần tráng kiện? Sức khỏe tinh thần tráng kiện không nên nhầm lẫn với hiểu biết hay lỗi lạc. Cả hai đều không phải. Đúng hơn, đó là một sự vững vàng, năng lực luôn luôn có mỏ neo giằng giữ, cân bằng, ngoi lên và bền bỉ, trước tất cả những chuyện tốt xấu mà cuộc đời giáng xuống bạn. Thật vậy, đôi khi nó có thể là một khối chặn đường tích cực đối với sáng tạo và xuất chúng. Có vẻ như, vài người quá điềm đạm và ôn hòa, đến nỗi không thể xuất chúng được. Và những người xuất chúng, những họa sỹ, thi sỹ, nhạc sỹ tài năng, thường không cố gắng giữ mình điềm đạm vững vàng. Sự xuất chúng và vững vàng thường là hai thiên tư khác biệt. Qua nhiều năm viết về tự vẫn, tôi đã nhận được nhiều lá thư, email, và cuộc gọi, với những bận tâm thống khổ mong muốn hiểu được sức khỏe tinh thần. Có một lá thư của một nhà tâm thần học xuất chúng, bà lo lắng về sự ổn định của riêng mình và về gia đình mình. Bà viết, ‘Mọi người trong gia đình tôi đều xuất chúng, nhưng không một ai quá ổn định cả!’ Tất nhiên, chúng ta đều biết nhiều gia đình khác ngược lại thế.
Nói ngắn gọn, chúng ta cần hiểu rõ hơn về sức khỏe tinh thần. Có lẽ nhu cầu này không phải cho các bác sỹ, nhà tâm lý học, và chuyên gia sức khỏe tinh thần, hay cho những người đã có hiểu biết đáng kể về sức khỏe tinh thần cũng như đã có nhiều nghiên cứu đáng giá về nó. Tôi đang nói đến nhu cầu trong nền văn hóa chung, nhất là về những chuyện liên quan đến tự vẫn.
Khi thấy ai đó bị khuyết tật thể lý hay mang bệnh thân xác, thật dễ để chúng ta hiểu những hạn chế của họ và rồi động lòng cảm thông. Nhưng điều này là bởi chúng ta có thể thấy, thấy bằng con mắt thể xác, những khuyết tật hay bệnh tật đó. Chúng ta có thể sẽ thấy nản lòng, bất lực, thậm chí là giận dữ trước những gì chúng ta thấy, nhưng nhìn chung, chúng ta đều hiểu. Chúng ta hiểu điều này! Tự nhiên đã chia cho người này những quân bài như thế, và chẳng đổ lỗi cho ai về chuyện này được!
Nhưng về sức khỏe tinh thần thì không như vậy. Khuyết tật và bệnh tật của tinh thần không quá công khai hay dễ hiểu. Điều này đặc biệt đúng với những suy sụp sức khỏe tinh thần dẫn đến tự vẫn. Trong nhiều thế kỷ, người ta đã chẩn đoán sai trầm trọng về tự vẫn, không chỉ là về mặt luân lý và tôn giáo. Thời nay, chúng ta ngày càng tự nhận mình hiểu chuyện, ngay cả khi không thực sự hiểu. Vẫn luôn cần có một cái nhìn sâu sắc hơn, trực giác hơn. Chúng ta không thực sự hiểu sự mỏng manh của tinh thần.
Sức khỏe thể lý của chúng ta có thể tráng kiện hay mỏng manh, và sức khỏe tinh thần cũng thế. Trong cả hai trường hợp, chúng ta sẽ mạnh mẽ đến độ nào, dựa vào những quân bài chúng ta có trong tay, năng lực bẩm tại, và môi trường hình thành nên chúng ta. Chúng ta không đặt hàng thân thể và tâm trí mình, và tự nhiên không phải lúc nào cũng chia bài đều tay.
Chúng ta cần nhận thức rõ hơn về sức khỏe và suy sụp tinh thần. Chúng ta không miễn nhiễm với đủ loại ung thư, đột quỵ, tiểu đường, và xơ hóa về tâm lý và cảm xúc. Và chúng cũng có thể trở nên nan y, như trong trường hợp một người tự vẫn.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch