Chuyện phiếm Đạo/đờiVăn - Nghệ

“Anh không chết đâu em,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 33 thường niên năm A 19/11/2017

“Anh không chết đâu em,”

anh chỉ về với mẹ mong con.
Anh vẫn sống thênh thang,
trong lòng muôn người biết thương đời lính.”
(Trần Thiện Thanh – Anh Không Chết Đâu Anh)


(Rôma 12: 10-13)                  

Ấy chết! Đang sống đành rành như người thường là những người sẽ chết bất cứ lúc nào, mà sao anh cứ hát những lời thế? Hát thế, thật như “trù ẻo” tôi và bạn, vẫn từng muốn sống hết đời mình, cho trọn vẹn.

Thôi thì, anh muốn hát thế nào thì hát, nhưng cứ hát chữ “chết chóc” hoặc “chết bất đắc kỳ tử” là tôi đây thấy rợn xương với xương sườn rồi đấy anh ạ, hỡi Trần Thiện Thanh, rất lành của tôi và của bạn.

Thôi thì, anh đã hát rồi, thì tôi nay nghe tiếp những lời lẽ khác, như sau:

“Anh không chết đâu anh, người anh hùng mủ đỏ tên Đương,
Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu.
Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau.
Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi.

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con.
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính.
Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công.
Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh.
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Về nỗi chết, hôm nay bạn và tôi, lại có những giòng chảy ý-tưởng cứ chảy mãi không ngừng, một thần học. Thần học đây, là môn học về thần linh, thánh ái có những điều rất cần để ý. Hệt như tác-giả ở bên dưới từng biện luận. Thế nhưng, trước khi đi vào luận-giải những tư-tưởng và/hoặc tâm-tư rất tưởng-tượng, mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm những lời sau đây:

“Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh
Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu
Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh

Không, anh không, anh không chết đâu em anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân
Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh …”
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Và thêm vào đó, là những giòng kể lể rất chuyện đời của con người, mà rằng:

“Sáu giờ sáng. Bà lão bảy mươi tuổi , loắt choắt như chim sẻ ngồi ở bậc thềm ngắm bình minh. Có đôi chim nào dậy sớm đang ríu rít trên ngọn cây gần đó. Nhưng bà còn dậy sớm hơn chúng dù luôn thức tới khuya lơ để săn sóc cho chồng. Nhiều năm rồi, kể từ khi chồng bà bị tai biến. Cũng nhiều năm rồi, sử dụng đồ vật hay máy móc trong các phòng, xê dịch từ góc này sang góc khác lúc làm việc nhà, tất cả bà đều thao tác thành thục và chính xác bằng quán tính chứ không cần nhìn rõ qua cặp kính dày cộm.

Bẩy giờ bà trở vào phòng ngủ, Ông đang thở đều, lồng ngực nhẹ nhàng nhấp nhô lên xuống, đôi mắt nhắm kín. Nhưng một giọng nói thốt ra rõ ràng: “Anh thức rồi, mình à”. Bà mỉm cười: “Để em lấy khăn và thuốc nhỏ mắt cho mình.”

Ông dùng tay phải lau kỹ mặt với chiếc khăn ướt âm ấm. Cách nay nhiều năm cánh tay trái bị hỏng vì tai nạn lao động, thế rồi sáu tháng trước, chân phải bị tổn thương, ông đành để bác sĩ tháo khớp. Ông chỉ còn sử dụng được một cánh tay. Có lần ông bảo bà: “Anh chẳng còn gì cả,mình nhỉ?” Bà vỗ vỗ lên ngực ông: “Còn nhiều chứ và phần tốt nhất ở đây này”.

Khi ông đã sẵn sàng, bà nhấn nút điều khiển nâng chiếc giường dựng lên để ông dễ ngồi dậy, rồi giúp ông ngồi vào xe lăn. Trong phòng tắm bà giúp ông cạo mặt, làm vệ sinh cá nhân buổi sáng, thay áo quần…Đã lâu rồi, mọi việc lớn nhỏ hàng ngày ông đều phải nhờ đến bà. Có lần ông hỏi: “Mình chưa bỏ anh chứ?” Và bà lắc đầu, cười: “Đời nào! Đã ngần ấy năm mà…”

Hai người vào bếp ăn sáng. Trên bàn, các món đã bày biện sẵn sàng, hai ông bà ngồi đối diện nhau, hai bàn tay phải vói qua mặt bàn và mười ngón tay lồng vào nhau, nắm chặt. Họ cùng nhau cầu nguyện… Trong lúc cầu nguyện, nước mắt ông lặng lẽ lăn dài xuống đôi má nhăn nheo. Uống xong tách cà phê, ông bảo bà: “Giá mà biết có ngày sẽ như thế này, mình chẳng đời nào chịu ra nhà thờ với anh, mình nhĩ?”

Bà nhìn thẳng vào mắt ông, nhỏ nhẹ: “Mình biết không, chỉ cần thấy mình cười, thấy ánh mắt mình nhìn em, thế là quá đủ rồi. Em chẳng còn mongmuốn thay đổi gì hết, ngoại trừ một điều. Đó là, nếu như mỗi năm, giá như em có thể thế chỗ mình một nửa thời gian, để mình lại được chăm sóc em”. (Truyện kể trích từ điện thư trên mạng)

Truyện kể ở trên, bạn và tôi có trích-dẫn từ điện-thư hoặc thư tay gửi từ đâu, dù là bưu điện hay vi-tính cũng không thành vấn-đề. Chỉ thành như thế, khi tôi và bạn, ta cứ đinh ninh rằng: truyện ở đây không phải để kể qua loa cho xong chuyện rồi thôi; nhưng còn là bài học để đời giúp ta sống vui, quên chết, mỗi thế thôi.

Truyện, có kể ra đây lại cũng chỉ để làm bàn đạp ngon trớn giúp bạn và tôi ta cứ thế tiếp tục bàn về những chuyện “không vui” cứ xảy đến mỗi ngày ở huyện dân gian hay trong khuôn viên nhà Đạo, cho mọi người lưu tâm, mà nhận xét. Những câu chuyện không vui, nhưng vẫn thành chuyện, hệt như chuyện an-tử lại khiến tôi và khiến bạn lưu-tâm thêm lần nữa, qua mục hỏi đáp, rất như sau:

“Thưa cha,
Con đây muốn viết cho vị dân biểu đại diện cử tri trong vùng về dự luật “an-tử” sẽ được thông qua ở Quốc hội tiểu bang New South Wales những ngày gần đây. Nhưng trước khi làm thế, con muốn hội ý với cha đôi ba sự việc để có được một số ý-kiến mà biện luận. Vậy bằng thư này, xin cha phúc-đáp cho vài ý-tưởng để khỏi trông ngóng. Cảm ơn cha rất nhiều. Xin cho được giữ kín tên tuổi.”

Giữ kín tên tuổi, vẫn là việc của “chàng”, những chàng trai hay con gái ở huyện nhà rất quan tâm đến chuyện nhà Đạo đang diễn ra ở đây và ở đó, cũng rất nhiều. Chính vì thế, nên cha/cố đã săn sang giấy bút để trả lời/trả vốn cho đàn con nhỏ như sau:

“Việc cần-thiết, là tất cả mọi người chúng ta quyết phải làm để tránh “an-tử” tức: hành động giúp người khác tự sát đang được chính quyền hợp thức hoá, tại nước này. Những điều ẩn-hàm trong đó xem ra rất lớn. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị có bàn đến an-tử trong tông-thư mang tựa đề “Đời sống Phúc Âm” có bảo rằng: “Nay, ta đang giáp mặt một trong các triệu-chứng rất báo-động của “văn-hoá sự chết” đang tiến mạnh trong các xã-hội trù phú, được đánh dấu bằng thái-độ đối với mối bận tâm về hiệu-năng và thấy con số người già và người khuyết tật đang gia tăng đến mức độ khó lòng chịu đựng được là gánh nặng đối với nhiều người.” (X. Đời sống Phúc Âm đoạn 64)

Ở đây, tôi sẽ đưa ra sáu luận cứ để trả lời cho câu hỏi của anh/chị. Trước nhất, dự-luật đưa ra với quốc hội tiểu-bang New South Wales cho phép bất cứ ai trên 25 tuổi đang chịu đau đớn đến cùng cực được giúp đỡ để kết thúc sự sống của họ nều như có hai bác-sĩ chứng-thực rằng người ấy đang bị bệnh nặng hoặc ở trong tình trang sẽ phải chết trong không đầy một năm.

 Tất cả chúng ta thừa biết là mọi người khi trước đều nói rằng: bệnh nhân này chỉ sống được vài tháng nữa là cùng, thì nay người này lại hoàn toàn mạnh khoẻ trở lại, thế mới lạ. Giả như những người chọn kết liễu đời mình khi cảm thấy đau đớn quá sức mình, thì đó là mất mát lớn đối với chính họ, với bạn bè người thân trong gia đình! Người ta cũng phạm phải sai lầm khi nghĩ đến tuổi thọ. Hợp-thức-hoá an-tử chỉ tổ gia tăng vấn đề ấy mà thôi.

Thứ hai là, cho phép được an-tử là dựng ra tiêu-chuẩn kép về tình-trạng xã-hội đặt giá-trị lên sự sống như thế nào. Một đằng, ta có lý để ân-hận chuyện chấm dứt sự sống bằng việc tự sát, chí ít là khi việc ấy do người trẻ tuổi nào đó thực-hiện và ta đang cố gắng ngăn chặn mọi người chớ có tự sát.

Thế nhưng, đằng khác, ta lại hợp-thức-hoá an-tử đến độ có thể giúp đỡ người chấm dứt sự sống của họ nữa. Vậy thì, ta gửi cho những người muốn tự sát thứ thông-điệp nào đây? Ta có còn đặt giá-trị lên cuộc sống và xót xa/ân-hận khi có người tự sát hay không?          

Thứ ba là, việc hợp-thức-hoá việc giúp đỡ người khác tự sát có lẽ sẽ làm gia-tăng tỷ-lệ tự sát, nói chung. Một khi việc giúp đỡ người khác tự sát được xã-hội chấp-thuận theo luật pháp có thể dẫn mọi người đến tình-trạng không còn đau đớn vì các bệnh nan-y bằng cách chấm dứt sự sống của họ.

Chuyện này đầu tiên xảy ra ở bên Mỹ, tiểu bang Oregon là tiểu bang đầu tiên hợp-thức-hoá an-tử, thì tại đây việc tự sát nói chung lên đến 40% nhiều hơn con số bình quân trên toàn nước Mỹ. Vậy, ta có muốn tình-trạng ấy xảy ra ở nước mình không?

Thứ tư là, tiếp theo chuyện đang bàn, thì: giả như ta mở rộng cửa cho việc hợp-thức-hoá việc giết chóc thì việc đẩy mạnh nói đây còn mở rộng hơn nữa. Lấy ví dụ, tại sao người trẻ 25 tuổi kia đang đau đớn vì bệnh ung-thư lại có thể kiếm được bác-sĩ giúp anh đi đến chỗ chết; trong khi đó, một thanh-niên 25 tuổi khác đau đớn vị bệnh trầm thống khập khễnh vì bệnh xốp xương lại không thể làm thế được?

Nói cho cùng, thì cái đau của người bị ung-thư sẽ chấm dứt trong vòng một năm vì căn bệnh ở vào giai đoạn cuối, trong khi cơn đau của người bị trầm-thống hoặc xốp xương lại cứ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Xem thế thì, luật-pháp quả là có kỳ-thị bệnh tật. Bởi thế nên, ta không thể mở rộng cửa cho việc này được.

Thứ năm nữa, trợ tử hoặc giúp người khác chết cho xong không có nghĩa là công việc đầy lòng thương xót chút nào hết. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị từng viết trong tông-thư Đời sống Phúc Âm có bảo rằng: Cả vào khi không do động cơ ích-kỷ thúc đẩy vì phải chịu gánh nặng sự sống của người khác đang đau đớn đi nữa, phải gọi an-tử là lòng xót thương tầm bậy và đích thực là lòng thương người một cách méo mó gây bất an.  

Sự “khoan-dung” đích-thực đưa ta đến việc sẻ san cơn đau của người khác; nó không giết chết người đang đau mà ta không thể chịu nổi. Hơn nữa, hành-động trợ-tử hay an-tử hiện rõ bên ngoài càng quái ác hơn nếu nó lại do những người như thế thực-hiện, chí ít là bà con, thân thuộc là những người đáng lẽ phải cư xử với người trong gia đình bằng sự kiên-nhẫn và tình thương yêu, hoặc từ những người như bác sĩ/y tá là những người theo định nghĩa phải là những người chăm sóc người bệnh cả vào giai-đoạn đau đớn đi đến chỗ chết.(X. Tông thư Đời sống Phúc Âm đoạn 66)

Thứ sáu là, các chuyên gia y-tế được huấn luyện để chữa lành và cứu sống người bệnh, chứ không phải giúp họ mau đi đến chỗ chết. Lời thể Hippôcrát ở thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm trước Công nguyên, mà các y- sĩ/bác sĩ buộc phải tuyên hứa có ghi như sau: “Tôi nguyện sẽ sử-dụng việc chữa-trị để giúp đỡ người bệnh thể theo khả năng và suy-xét của tôi, nhưng tôi không bao giờ có lập trường làm thương-tổn và hành-xử sai trái bao giờ hết.” 

Và lời cuối cùng thường là lời khuyên ngắn gọn bảo rằng: “Trước tiên, không bao giờ được làm hại ai hết.” An-tử gây tại hại lớn lao đến chết người. Nó dẫn đưa y sĩ và bác sĩ đi ngược lại những gì đi ngược lại mục tiêu mà họ nhắm đến.  

Ta không nên trông chờ các bác sĩ sử-dụng kỹ năng của họ để chấm dứt sự sống của bệnh nhân mà họ đang chữ trị. Nói chung, ta phải làm bất cứ thứ gì để chống-cự lại việc hợp-thức-hoá hành động tự sát có trợ giúp.” (X. Lm John Flader, Euthanasia is atrocious: let me count the ways, The Catholic Weekly 29/10/2017, Question Tỉme tr. 29)

Nói cho cùng, là người đi Đạo chỉ quan-tâm đến việc thương yêu giúp đỡ hết mọi người, dù họ đang trong tình trạng đau yếu, bệnh tật hoặc mạnh khoẻ. Bằng không đi Đạo, chỉ là đi đứng mà không theo Đạo làm người biết yêu thương, giùm giúp một ai hết.

Nói cho cùng, an-tử hay trợ-tử phải là vấn đề đặt ra cho ta và cho người suốt mọi thời, ở mọi nơi, mới được. Để có được một quyết tâm sống chính-đáng cho phải phép, với mọi người, có lẽ cũng nên quay về với lời khuyên từ bậc thánh-hiền trong Đạo, khi xưa vẫn bảo:

Anh em hãy gớm ghét điều dữ,
tha thiết với điều lành;
thương mến nhau với tình huynh đệ,
coi người khác trọng hơn mình;
nhiệt thành, không trễ nải;
lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.
Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,
cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân,
và chuyên cần cầu nguyện.
Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn,
và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.”
(Rôma 12: 10-13)            

Xem thế thì, nay đề nghị với bạn và với tôi, ta cùng nhau thực hiện ý-hướng ở trên qua lời lẽ gặp được trong ca-từ đầy “chết chóc” mà người xưa từng hát:

“Không, anh không, anh không chết đâu em,
anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua!
Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ.
Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân.
Giọt nước mắt nóng bây giờ
và còn hằng đêm cho anh cho anh …”
(Trần Thiện Thanh – bđd)

Nước mắt nóng, hay nến vàng hắt hiu niềm nhớ, không là “nỗi chết: của ai đó, nhưng sẽ là lời cảnh tỉnh từ ca, nhạc sĩ vẫn gửi đến với tôi và với bạn, để sống hùng sống mạnh, sống đẹp đẽ trong đời người đầy chết chóc. 

Trần Ngọc Mười Hai
Và những tự nhủ như thế
suốt chuỗi ngày còn lại
trong đời mình.

Bài liên quan

Back to top button