Chỉ tại con chuột chết | Nghệ Thuật Sống | Mai Nhật Thi
CHỈ TẠI CON CHUỘT CHẾT
Sau khi viết xong bộ Nam Hoa Kinh, Trang Chu từ nước Tống đi sang nước Lương để thăm Huệ Thi, một người bạn rất thân đã từng khuyên ông nên bỏ những triết lý hão huyền “có không không có” mà đi vào thiết thực.
Huệ Thi lúc ấy làm tể tướng nước Lương nghe tin Trang Chu sắp đến, trên dọc đường lại có ôm theo một hình bù nhìn và vừa di vừa hát khiến đến đâu, dân chúng cũng lấy làm kinh lạ và xôn xao bàn tán.
Huệ Thi nghĩ bụng :
– Thằng cha này định gây một ảnh hưởng gì đây, hay hắn muốn tranh ngôi tể tướng với ta đúng hay không, ta hãy cho mày biết tay ta trước đã ?
Thế rồi Huệ Thi bí mật ra lệnh cho quân biên giới hễ Trang Chu nhập cảnh thì bắt giữ ngay lại.
Tội nghiệp cho Trang Chu đi đường đã bị cảnh đói khát cực nhọc làm xao động cả thể xác tâm hồn rồi khi vào cõi nước Lương lại bị bắt giam luôn mấy ngày.
Khi giải vào dinh tể tướng. Trang Chu tưởng sẽ được lãnh những lời tâm tình an ủi của người bạn lòng duy nhất đã mấy năm xa cách. Nhưng khi gặp mặt, Huệ Thi lại quát bảo :
– Này Trang Chu, tao nói cho mày hay, mày muốn tranh chức tể tướng của tao thì cứ việc đến đây, cần gì phải bày trò lập dị để mê hoặc lòng người, sao mày đê tiện thế ?
Trang Chu bình tĩnh nói :
– Huệ Thi, tại sao anh lại nói thế, và xin hỏi anh đã căn cứ vào đâu ?
Huệ Thi đáp :
– Mày tưởng mày giả vờ điên dại mà tao không biết à. Nhưng tình bạn là một lẽ, còn phép nước lại là một lẽ khác, vì thế mà tao đã phải ra lệnh cho bắt giam mày đó.
Trang Chu nghe xong thở dài nói :
– Huệ Thi, thôi anh hãy đừng nóng, tôi đã lầm lỗi quá rồi, để tôi kể chuyện này anh nghe, chắc anh cũng biết con hồng hộc là một giống chim bay cao ngàn dặm, thường ăn măng tre, uống nước suối và nghỉ ở cây ngô đồng chứ ? Anh có biết không, con chim ấy một hôm từ biển Nam bay lên biển Bắc, vì tưởng ở đây có băng có tuyết, chắc chắn phải là nơi trong sạch đáo để. Khi đang bay nó nhìn xuống thấy con kên kên đang rỉa xác một con chuột chết để ăn. Nó nghĩ tình cùng loại chim, nên xà xuống và cất tiếng kêu gọi. Ấy thế là con kên kên liền nghểnh cổ lên và giương đôi mắt dữ tợn bảo : “Bộ mày muốn cướp miếng ngon của ta chăng ?”…
Huệ Thi, chắc anh hiểu chuyện này rồi chứ ?
Huệ Thi nghe nói cả thẹn, mặt đỏ bừng lên ở trước một số đông chức vị, rồi đổi giọng :
– Trang Chu à, đó là vi tôi yêu bạn, đừng hiểu lầm.
Nhưng Trang Chu không trả lời nữa. Ông rũ áo đứng dậy bỏ đi ra khỏi dinh tể tướng nước Lương. Ông nhìn trời đất như để ngẫm lẽ còn mất, đầy vơi, rồi liệng cái hình bù nhìn đi và bảo :
– Thôi, tao trả lại cho những cái thanh khiết của mày.
_________________
Chút Suy Tư
Lòng thanh sạch làm sao ăn bẩn.
+ 1. Quan niệm sống mỗi người khác nhau
Ở đời, kẻ thích đời trèo cao, người thích đời bình dị. Kẻ đi tìm những nguyên lý sâu xa, người thích nhận ra những gì thực tế. Kẻ tìm vui nơi phồn hoa đô hội, người tìm về sự tĩnh lặng thiên nhiên…
Đường đời trăm nẻo, nỗi lòng cũng ngàn phương. Điều này không mới mẽ gì, từ ngàn xưa đã vậy.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người tới chốn lao xao.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).
+ 2. Chân lý chỉ có một.
Mấy nhà nghiên cứu chuyện Đời chuyện Đạo, chuyện Đông chuyện Tây, chuyện Kim chuyện Cổ… hầu như ai cũng đồng ý tất cả mọi chuyện trên đời đều quy về một mối. Nên khi tìm hiểu những triết lý sâu mà người xưa gởi gấm vào những công trình to tát đều nói lên điều đó.
Thí dụ nhưng Kim Tự Tháp dù xây dựng với mục đích gì, chân của nó chiếm khoảng không gian mênh mông, nhưng đỉnh cao của nó luôn quy về một điểm.
Đời người dù Lẽ Sống thế nào đi nữa, vẫn là quy về Chân Lý và Tình Người.
Lấy Trời để chứng giám chuyện lòng cõi nhân sinh. Vầng Nhật Nguyệt biểu tượng cho Cõi Sống Thiêng Liêng từ đó thấu suốt mọi điều dương thế.
Ta nhớ lại câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương:
Bà lấy chồng họ Trương, chồng đi lính thú, bà ở nhà nuôi con dại. Thường tối đến, thắp đèn lên bà chỉ lên bóng vách mà bảo với con rằng đó là cha nó. Đến khi cha về đứa con không nhận và nói rằng cha nó thường tối mới đến, hễ mẹ nó ngồi thì ngồi, mẹ nó đi thì đi theo. Người chồng nghi bà ngoại tình. Bà chẳng biết làm sao giải nỗi oan ức, bèn nhảy xuống sông tự tử.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tuần thú đi qua miếu, đã làm một bài thơ vịnh rất nổi tiếng, được khắc vào bia năm 1471, và truyền tụng đến ngày nay, đó là bài Vịnh miếu vợ chàng Trương:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) (từ Internet)
Trong bài thơ Chúc Tết của Tú Xương, có đoạn thơ, dù có người cho rằng đoạn thơ này của ai khác thêm vào, nhưng dù là của tác giả hay là ai đi nữa, đoạn thơ cũng nói lên lời khuyên về Nhân Phẩm thật sâu xa rất đáng quan tâm
Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.
Cái giống người ấy là Chân Thiện.
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài (ND)
+3. Miếng ăn là miếng tồi tàn
Ngay đầu truyện đã cho thấy hai người bạn thân nhưng quan niệm sống khác nhau, Huệ Thi thì “thiết thực” còn Trang Chu thì xem ra sống kiểu trên mây, máu hiền triết là thế: “Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ, Mảnh hình hài không có, có không”.(Cao Bá Quát).
Ở đây không nói về quan niệm nào hay quan niệm nào dỡ, nhưng chỉ nhìn cách sống từ quan niệm đó của một con người, ta hiểu ra giá trị của một nhân cách được hình thành nên Lẽ Sống.
Mộng dài ai tỉnh trước,
Bình sinh ta biết ta.
Lều tranh giấc xuân đẫy,
Ngoài song bóng ác tà
(Vô đề – Gia Cát Lượng)
Có nhiều người nhận ra giá trị thật của cuộc sống phù hoa, nhưng chính vì thế họ sống từ tốn, đem những thành quả việc làm của mình để hướng thiện và chia sẻ đùm bọc tha nhân.
Từ chối miếng ăn bẩn thiểu, từ chối lối sống nô lệ, chức cao quyền trọng bù nhìn, há không đáng khen sao ? Rõ ràng lời lẽ và cách ứng xử của Trang Chu với Huệ Thi thật đáng trân trọng chứ.
Anh có biết không, con chim ấy một hôm từ biển Nam bay lên biển Bắc, vì tưởng ở đây có băng có tuyết, chắc chắn phải là nơi trong sạch đáo để. Khi đang bay nó nhìn xuống thấy con kên kên đang rỉa xác một con chuột chết để ăn. Nó nghĩ tình cùng loại chim, nên xà xuống và cất tiếng kêu gọi. Ấy thế là con kên kên liền nghểnh cổ lên và giương đôi mắt dữ tợn bảo : “Bộ mày muốn cướp miếng ngon của ta chăng ?”… (trích truyện).
Có nhiều người chạy theo lối sống “thiết thực” mà Huệ Thi trong câu chuyện này là một thí dụ. Miếng đỉnh chung Tể Tướng trong lòng dạ đen bạc đã trở thành miếng ăn thối tha hạ thấp giá trị của nhân phẩm của con người.
– Thằng cha này định gây một ảnh hưởng gì đây, hay hắn muốn tranh ngôi tể tướng với ta đúng hay không, ta hãy cho mày biết tay ta trước đã ? (trích truyện).
Thật đúng với câu: “Con cáo nó tưởng ai cũng ăn gà như nó”.
Cuộc sống ngày nay còn đó biết bao hạng người đâu khác gì con kên kên rỉa xác một con chuột chết để ăn, họ sẽ hung hăng bảo vệ món mồi của họ, đơn giản vì họ có ý tưởng giống con cáo già: “Con cáo tưởng ai cũng ăn gà như nó”.
Món mồi bẩn thỉu không phải chỉ là con chuột thối tha, mà còn là những món lợi khổng lồ từ những con người không còn nhân tính.
Hòa Thân (1750-1799), một vị đại thần và cũng là một tham quan bậc nhất thời vua Càn Long, hoàng đế Trung Hoa, đã vơ vét, thao túng, ăn hối lộ, và tham nhũng, tích lũy số tài sản còn hơn cả hoàng đế, đến mức trong dân gian có một lời đồn tương truyền rằng “Cái Càn Long có thì Hòa Thân cũng có, thế nhưng cái Càn Long không có thì chưa chắc Hòa Thân đã không có”.
Phải mãi đến sau khi Càn Long qua đời vào ngày 7 tháng 2 năm 1799, hoàng đế Gia Khánh mới có thể truy cứu các tội danh của Hòa Thân. Ngày 12 tháng 2, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc Trường An. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ phán xử Hòa Thân lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định tránh cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ, về phần gia quyến thì được miễn tội tru di. (Internet)
Vì miếng đỉnh chung tể tướng mà Huệ Thi đã đối xứ với bạn “rất thân” của mình như vậy. Thời nào cũng có những mẫu người Huệ Thi, biến hóa đa dạng, công khai hay kín đáo, khéo léo đối phó hay được che chắn bởi những quyền lực ngấm ngầm.
Cũng thế, vì cái lợi lộc cũng biến hóa thiên hình dạng trạng, tiền, tình, danh vọng, vây cánh, băng đảng… Đó là những miếng mồi trước mắt cực kỳ hấp dẫn và tồn tại dài lâu cho đến khi… chết, còn bao giờ chết và chết cách nào là chuyện khác !
Huệ Thi trong sâu thẳm lòng mình chắc chắn hiểu chức tể tướng và câu chuyện con chuột chết của Trang Chu nằm trong cùng một bài học. Nhưng có thể Huệ Thi ở đây – hay những Huệ Thi trong cuộc đời – vì lý do nào đó, cố tự trấn an hay đánh bóng công việc mình là tốt đẹp cho lòng thanh thản.
Đó là một thứ bù nhìn để được miếng ăn. Như vậy, thì còn gì để nói !
Nhưng Trang Chu không trả lời nữa. Ông rũ áo đứng dậy bỏ đi ra khỏi dinh tể tướng nước Lương. Ông nhìn trời đất như để ngẫm lẽ còn mất, đầy vơi, rồi liệng cái hình bù nhìn đi và bảo :
– Thôi, tao trả lại cho những cái thanh khiết của mày. (trích truyện).
MAI NHẬT THI