“Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 Mùa Chay năm B 25-02-2018
“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa”
“Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ,
Khơi hương theo làn gió
Em bảo rằng em viết thành thơ.”
(Châu kỳ – Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa)
(Mc 1: 12-15)
Cứ đón cứ đưa, rồi lại nhung nhớ những xuân xưa, thật cũng khó. Khó hơn cả, là làm sao đưa tình tự này vào đúng với ngày vui của mọi người, không phải Xuân. Khó hơn nữa, lại là khúc nhạc rất “Marie sến” năm xưa nhưng nay vẫn ăn khách nên đã lọt vào tầm tay người viết chuyện Đạo đời, cũng rất “phiếm”. Thôi thì, có khó thế nào đi nữa tưởng cũng đạt. Bởi, mọi người như bạn và tôi đây, đôi khi lại cũng thích đôi ba câu nhạc xưa ấy đến bây giờ.
Sở dĩ, bần đạo bầy tôi đây bảo rằng: “đó là yêu cầu thời thượng “rất bây giờ”, là bởi nghe đâu có nhiều vị đang làm cái chuyện gọi-là: trở về với giòng nhạc “Sến” cũng thấy lạ. Thôi thì, trước khi đi vào vấn-đề bàn bạc chuyện thần-học với học về thần, lại mời bạn và tôi, ta nghe câu hát tiếp, để xem sao. Câu rằng:
“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa.
Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa.
Em đứng chờ tôi dưới song thưa.
Tôi đi qua đầu ngõ.
Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa.
Xuân đến xuân đi, xuân về gieo thương nhớ.
Xuân qua để tôi chờ.
Xuân đến xuân đi, xuân về mơn lá hoa,
Xuân qua rung đường tơ.
Bước sông hồ như đắm như mơ.
Trở về đây khi gió sang mùa.
Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ.”
(Châu Kỳ – bđd)
Thôi thì, có nhớ xuân này hay xuân xưa, cũng chỉ là “niềm nhung nhớ” về chuyện gì đó, như chuyện rất “nhà Đạo” chẳng hạn, tưởng cũng nên coi đó như nguồn hứng thú để bạn và tôi, ta liên-tưởng đến những chuyện xa xôi, vời vợi, những thử và thách thời chay/kiêng qua bài suy-niệm rất thần-học như sau:
“Trình thuật thánh Máccô được trích vào ngày đầu Mùa Chay, có đôi giòng chảy viết về thử thách với khuyến dụ khiến Đức Giêsu đi vào sự thinh-lặng những 40 ngày/đêm. 40 đây, là con số biểu tượng chỉ thời gian cũng rất dài. Dài ngày. Dài tháng. Như cuộc sống của Chúa, vẫn thấy có khuyến dụ kéo dài ngày cho đến lúc Ngài giáp mặt sự thật trên đồi Calvariô. Thử thách cùng khuyến dụ, đã đưa Chúa đi vào chốn choá ngợp ở đời thường để rồi dẫn dụ Ngài gia nhập chính Mình Ngài vào ngợp choáng ấy.
Quả là thế! Chúa choáng ngợp với khuyến dụ trở thành Đấng Mêsia, mà mọi người trông đợi. Choáng đến ngợp, khi Ngài buộc phải đặt mình trước cảnh tình quyết đối đầu, hầu có quyết định cho đúng. Choáng và ngợp, trước quyết định hành động sao cho hợp ý Chúa Cha. Choáng rồi ngợp, trước chọn lựa những 3 cách thế để thể hiện vai trò được Cha giao phó. Cách đầu, là quyết tham gia vào chốn quyền bính ngõ hầu có thể kình chống người La Mã, cũng khá khó. Cách thứ hai, là hoà nhập với người đương thời, để rồi sẽ thống trị mọi người ở chốn dân gian, trần thế.
Chọn cách này, Ngài sẽ có thể giải quyết chuyện đói nghèo do vua quan/lãnh chúa người La Mã từng tạo ra. Thử thách và khuyến dụ như thế, là lòng ham muốn tự giải quyết hết mọi việc ở thế giới, nhất thứ là chuyện kinh-bang-tế-thế, hầu tạo nên cuộc sống rất tốt lành cho mọi người.
Và thử thách cùng khuyến dụ cuối, vẫn cứ như thánh hội, là: nhắm mắt làm ngơ chẳng cần biết sự thể ở đời sẽ ra sao. Ra sao thì ra, vẫn cứ lặng thinh đi vào chốn linh thiêng thần thánh những là ê a kinh kệ để rồi sẽ lại giao hết cho Cha nhờ giải quyết. Đó là 3 thử và thách rất khuyến dụ thấy rõ ở trình thuật được thánh Mátthêu ghi chép.
Thử và thách cùng khuyến dụ dễ thấy nhất là những thử và thách cùng dụ dỗ về quyền bính. Là, cung cách mà người La Mã khi xưa sử dụng để hòng thống trị kẻ dưới trướng. Người La Mã xưa, vẫn muốn tạo khó dễ để bổ lên đầu kẻ dưới trướng. Bổ như thế, sẽ khiến họ lại trông mong có được đấng cứu tinh nào đó khả dĩ đem họ ra khỏi mọi thứ bất ưng, vẫn kéo dài. Có lẽ, giới thống trị La Mã khi ấy đã bất lực trong sử dụng quyền thế cách sai sót, để rồi người người ở dưới vẫn phải ngóng trông đấng bậc nào khác đầy uy lực đến thay thế.
Với thử thách cùng khuyến dụ này, Giêsu Đức Chúa không những chỉ trích cung cách mà vua quan cùng lãnh chúa người La Mã sử dụng quyền bính tối cao để cai trị; Ngài cũng còn đả phá cả quyền uy/thế lực là những thứ mà Ngài chẳng bao giờ muốn tạo lấy cho Ngài. Chúa chọn cuộc sống thấp hèn không mang nặng quyền uy vật chất để Ngài có thể hoà mình với người thấp bé, chẳng khi nào có được quyền uy thế lực cũng rất mực, chốn trần gian.
Thử thách/khuyến dụ thứ hai tỏ cho Chúa, là lòng ham muốn giải quyết tệ trạng đói nghèo của thế gian. Rõ ràng vào thời Chúa sống, trạng huống này từng xảy đến. Hầu như 95% người dân Galilê vẫn sống dưới mức độ những khó cùng nghèo. Tức: họ không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày mà còn thiếu cả đức tính tự tin vào bản lãnh cũng như tư cách của chính họ. Thêm vào đó, là: tình trạng đau yếu, chết yểu vẫn cứ diễn ra khó lòng mà giải quyết.
Những khó khăn này, đều do vua quan lãnh chúa trần gian như Hêrôđê tạo nên bằng vào chương trình xây dựng các đền đài bề thế, khiến dân con ở dưới đã nghèo lại còn gặp nhiều uẩn khúc. Nhằm thực hiện những mưu đồ như thế, vua quan ở đời lại đã phải bổ thêm thuế má đánh trên đầu dân con thiên hạ. Thử và thách cũng như khuyến dụ đây, là tìm cho ra đấng bậc vị vọng nào khả dĩ có thể dấy lên một cuộc cách mạng để chống nạn nhũng lạm quyền thế, cùng uy tín. Chính đó là lý do để người người trông chờ Đấng Thiên Sai mau đến mà cứu vớt họ.
Thử và thách thức cuối, là: gạt sang một bên những chuyện thực tế ở đời để rồi chỉ nghĩ chuyện siêu thăng phụng thờ và tế tự. Rồi tự nghĩ: bằng vào quyền sinh sát mình tự phát, sẽ có thể buộc Chúa phải dính dự vào với suy nghĩ cùng quyết định của riêng mình hầu giải quyết cho dân con của Ngài. Thử thách và khuyến dụ ở đây, hôm nay, còn là sử dụng chốn kinh kệ/phụng thờ mà cầu Chúa ra tay giải quyết hết mọi khó khăn đang diễn ra. Người Do thái thời trước, từng sống với những thử và thách giống như thế.
Thử và thách, là khuyến dụ mình chỉ sống đời thiêng liêng/linh đạo, hơn sống cho ý định của Chúa Cha. Đức Giêsu đã nhận ra chính những thử thách và khuyến dụ như thế, là chúa tể để có thể dám tự mình gạt qua một bên ý định rất thực của Chúa. Thế nên, Ngài mới không chọn đường lối kinh kệ/sùng Đạo như đám Pharisêu từng thêm vào luật tế tự. Trái lại, Ngài đích thực tuân theo ý định của Cha, chứ không phải ý tư riêng của Ngài.
Hội thánh hôm nay cũng đang sống cùng một cảnh tình rất tương tợ. Cảnh tình, có thử và có thách thức cùng những khuyến dụ, hệt như thế. Cảnh tình, là cảnh của đấng bậc chỉ biết sống ở trên cao, những muốn người của Giáo hội phải biết ganh đua với thế trần. Ganh và đua, hầu đoạt lại quyền uy thế lực từng để mất trong chính trường, ngoài xã hội, là nơi chốn mang nhiều ảnh hưởng lên dân chúng. Thông thường thì, người người thấy Hội thánh cứ ganh đua với cơ quan từ thiện ở nhiều nơi. Vẫn muốn người đời nể trọng mình vì mình cũng từng ban phát ân huệ, tài chánh và bổng lộc cho nhiều người.
Thường thấy hơn, rõ ràng hôm nay người người đều thấy thánh hội mình chỉ lo chuyện linh thiêng chốn tháp ngà nhiều mây tầng vần vũ. Lo rồi, còn bắt Chúa đồng thuận mà tuân theo qui định do thánh hội mình đề ra. Hội thánh hôm nay cũng gặp cùng một thử thách cũng như khuyến dụ bằng nhiều cách, giống hệt như Đức Giêsu vào thời trước. Tức, cũng nghĩ rằng Chúa Thánh Thần uỷ thác cho mình làm mọi chuyện theo ý của nhóm hội phe đảng cầm quyền, chứ không là ý định của Cha. Bởi, ý của Cha luôn là ý kiến và quyết định mời thánh hội theo đường khổ ải, trầm lắng chứ không sống đời ồn ào, những là phô trương lực lượng.
Chúng ta cũng thế. Ngày nay, ta vẫn muốn trở thành dân con đặc biệt được Chúa tuyển chọn. Tức: những người có khả năng chỉnh sửa mọi thứ, cả những thứ mình không có thẩm quyền cùng chức năng, trọng trách. Nói tóm lại, những nghĩ mình có khả năng giải quyết hết mọi chuyện trong huyện/ngoài đời dù nhiều lúc không được Cha uỷ thác. Dù, nhiều khi chính mình cũng không rành rẽ, bằng người đời.
Nhiều lúc, Hội thánh những muốn lôi kéo Chúa vào với lập trường rất riêng tư của một nhóm người chưa thành thánh, vẫn muốn dân con Đạo mình luôn ở bên trên. Trên mọi cơ chế, hoặc tôn giáo khác. Trên mọi sự. Hơn mọi người. Chính vì lý do này, mà một số người trong Đạo ngoài làng, nay bớt tin vào thánh hội của Chúa, dù vẫn tin vào tình thương của Ngài đối với mọi Đạo. Mọi người.
Nhiều lúc, Hội thánh cũng đối xử với con dân trong Đạo như khách lạ người dưng, cùng lắm chỉ như kẻ đứng ngoài dự khán, không hơn không kém. Thế nên, mới bỏ giờ ra mà thêm thắt cho diện mạo Đạo mình thêm phần hấp dẫn. Chính vì thế, nên người người mới không thấy được ý nghĩa của cuộc sống đích thực, trong Đạo. Không còn mong đợi Hội thánh giúp mình sống xứng hợp với Lời của Chúa. Lời, làm sống dậy như Chúa từng khuyên dạy.
Nhiều vị trong thánh hội của ta, vẫn sống cuộc đời phụng tự, cũng rất thật. Nhưng, quá đặt nặng hình thức rất lễ nghi, chỉ muốn điệu võ dương oai, nên đôi lúc hiểu sai ý nghĩa niềm tin rất thực. Nói tóm lại, dân con Hội thánh nay có lúc đặt quá nặng phần hình thức với diễn trình, cốt để khuyến dụ nhiều người vào Đạo, và theo Đạo. Phải chăng, đó cũng là thử và thách rất khuyến dụ, thời hôm nay.
Nếu quả có thế, cũng nên nguyện cầu cho thánh hội mình có lại cơ hội lướt thắng chính mình, mà hồi hướng trở về với con đường chính mạch do Đức Giêsu vạch ra. Hội thánh nói ở đây vẫn là mỗi người và mọi người trong thánh hội Công giáo rất La Mã, chứ không chỉ là cơ chế mạnh mẽ, rất Vaticăng.”
Nguyện cầu cho Hội thánh của Chúa, là nguyện và cầu trong tâm tưởng có những lời ghi chép một dặn dò khi xưa rằng:
“Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1: 12-15)
Thử thách và nguyện cầu thật liên-tu bất-tận, để rồi có được những tâm-trạng chịu được tất cả. Chịu đựng, để cùng chung một tâm-trạng như Đức Giêsu từng chịu vào hồi ấy, cũng không ít. Thử thách và nguyện cầu, để rồi sẽ bất chấp mọi sự mà cùng vui với người vui, khổ với người khổ, trong mọi sự.
Nguyện cầu thật lâu và thật nhiều, rồi cứ theo cơn trầm-thống, trỗi dậy mà ngẩng đầu lên rồi cũng sẽ vui vẻ với mỗi người và mọi người, qua truyện buồn/vui đầy kể lể gọi là “Câu chuyện của cha xứ vùng Angevin giúp chúng ta tập trung vào điều thiết yếu” như sau:
Có ai chưa bao giờ bực mình vì ca đoàn hát sai, vì linh mục giảng quá dài, vì người bên cạnh dám nghe điện thoại cầm tay không? Cám dỗ quá lớn đối với một số người, họ tức tối và bỏ nhà thờ ra đi không trở lại! Linh mục Matthieu Lefrançois, cha xứ họ đạo Thánh Antôn ở Angers tìm được một bài trên Facebook của “Giáo hội Công giáo Guinea” để kêu gọi chúng ta chỉ tập trung nhìn Chúa Kitô.
“Một thanh niên trẻ đến gặp một linh mục và nói:
– Thưa cha, con không đi nhà thờ nữa!
Linh mục hỏi:
– Vậy à, con có thể cho cha biết lý do không?
Người thanh niên trả lời:
– Lạy Chúa tôi, ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh đọc Sách Thánh đọc dở; ca đoàn vừa chia rẽ vừa hát sai; người đi xem lễ chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến ngoài nhà thờ họ là những người ích kỷ, cao ngạo…
Linh mục nói với anh:
– Con có lý. Nhưng trước khi dứt khoát rời nhà thờ, con có thể làm cho cha việc này: con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt. Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ.
Người thanh niên tự nhủ: quá dễ!
Và anh đi ba vòng như cha xứ dặn. Đi xong, anh về nói với cha:
– Rồi, con đi xong rồi.
Linh mục hỏi:
Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?
Người thanh niên trả lời:
– Thưa cha không.
Con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?
Người thanh niên:
– Thưa cha không.
Con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?
Người thiên nhiên:
– Không, con không thấy.
– Con có biết vì sao không con không thấy không: Vì con tập trung để ly nước không bị đổ. Con biết… cuộc đời cũng vậy. Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác. Ai ra khỏi nhà thờ vì các kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu”.
Nghe kể thế rồi, thiết tưởng bạn và tôi, sẽ không còn lý do gì để phàn nàn hoặc than-phiền về cuộc đời người lắm thứ chuyện lỉnh-kỉnh chẳng ra làm sao, nhưng vẫn chấp-nhận, để còn sống những ngày cuối cuộc đời mình, cũng vui tươi, san-sẻ với mọi người.
Nhận-định thế rồi, nay xin đi vào kết-đoạn của mục “phiếm-luận” dài giòng, chẳng ra làm sao. Nhưng vẫn mong bạn bè chấp-nhận cái sự thể “chẳng ra làm sao” ấy cho an-bình cuộc đời, của riêng tôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ xin bạn bè
Những chuyện lẩm cẩm
Đến độ thế.