“Em! hồn anh đang sầu đau” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc sau Lễ Hiện Xuống năm C 09/6/2019
“Em! hồn anh đang sầu đau”
“Hồn anh đang thổn thức
Ai se tình duyên thắm đẹp
Kề mái tóc đầy hương
Tình như áng mây hồng
(Lâm Tuyền – Trở Về Dĩ Vãng)
(Rom 5: 2-4)
Thôi thì, về đâu mà chả được. Huống chi là về “với dĩ vãng”, tức: một thời những quên lãng, với biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp, dù sầu đau có tan mau hay chậm chạp cũng muốn về.
Về với dĩ vãng, còn đẹp biết bao nhiêu khi người nghệ sĩ lại cứ viết những câu như sau:
“Anh lặng lẽ trong chiều vắng
Lòng nhớ nhung triền miên
Trăng xưa về khuya bẻ bàng
Dường như nhắn người yêu
Tình mây nước còn đâu
Bao nhiêu ngày xuân đau thương
sầu mộng chờ giai nhân
Bao nhiêu xuân qua,
bóng em mờ đắm
Bao nhiêu thu qua
nỗi đau còn mãi không phai
Biệt ly tình đôi ta vời vợi
Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi
Người em sầu mộng của muôn đời
Thề ước guồng tơ thắm không bao giờ phai
Tình em như tuyết giăng đầu núi
Tình anh nhu ánh trăng trầm suối
Tình ta như áng mây chiều trôi
Về tràn trên gối chăn mờ phai
Biệt ly! ôi biệt ly
Ngậm ngùi – thâu âm thầm đôi câu
Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi
Phiêu du khắp bốn phương trời
Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi
Men say lấp kín môi cười
Biệt ly – sầu bi
(Lâm Tuyền – bđd)
Nói về dĩ vãng xa xôi, vời vợi còn là nói về những chuyện khó quên cả trong nhà Đạo lẫn ngoài đời. Tức, những chuyện được kể lể ở xứ đạo rất như sau:
“Trên một chuyến tàu, có bốn bố con đang ngồi chăm chú vào những cuốn sách. Cảnh tượng thật mẫu mực trái với hiện nay vì bây giờ bố mẹ và trẻ thường hay chúi mắt vào chiếc điện thoại thông minh để xem tin tức hay chơi giải trí. Ấy vậy mà gia đình nhỏ này thì không, nhiều người không khỏi thầm thì vì trông bọn trẻ thật đáng yêu và ngoan ngoãn.
Có người cất tiếng hỏi:
– Anh đã khuyến khích lũ trẻ đọc sách thay vì chơi các thiết bị thông minh như thế nào mà hay vậy?
Ông bố cười tươi trả lời:
– Bọn trẻ không nghe chúng ta nói đâu, nhưng chúng thường hay bắt chước chúng ta đấy!
Chỉ một câu trả lời đơn giản vậy thôi mới thấy sức ảnh hưởng của bố mẹ đến con cái là vô cùng to lớn. Ngay từ bây giờ bố mẹ nên vì lối sống, cách cư xử của con cái sau này mà hãy xem lại và thay đổi những hành vi, lời nói chưa phù hợp của mình trước khi quá muộn nhé. Khi cha mẹ biết kiểm soát và điều khiển bản thân thì sẽ dễ dàng cho bé tấm gương noi theo mẫu mực để con cũng học được những điều tích cực nhé!
Kể chuyện Đạo với con nhà có đạo, còn phải kể đến những chuyện được cha đạo nói năng bằng từ-vựng thần học như sau:
“Nhiều năm qua, chúng ta nói không hết về các thắc mắc liên quan không chỉ các linh mục đã hoàn-tục mà thôi, nhưng cả các vị đã rời bỏ Giáo hội cùng với những đấng bậc đã phạm lỗi nặng và các đấng đã và đang ngồi tù vì nhiều tội-phạm khác nhau, nữa.
Có suy nghĩ cho rằng: Giả như các linh mục nói ở đây đã vi-phạm một số sai lầm nghiêm trọng vào lúc các ngài có quyền cử-hành bí-tích quan-trọng, thì thử hỏi hành-xử mà các ngài làm vào lúc đó có còn giá-trị gì nữa hay không, đó chính là vấn-đề.
Câu trả lời đơn giản nhất cho các câu hỏi tương-tự, hẳn sẽ bảo rằng: Các bí-tích do các đấng bậc thực-thi trước khi các ngài hồi-tục; hoặc không còn hoạt-động theo tư-cách linh-mục nữa, thật ra vẫn có giá-trị như thường và không cần lặp đi lặp lại chuyện này làm gì, nhưng hãy tìm đến lời giải-thích rõ như sau:
Câu hỏi này, từng được Hội thánh đề cập từ thế kỷ thứ tư. Đó, là lúc xảy ra sự việc Giáo hội miền Bắc châu Phi bị bách hại đủ điều, tức là lúc nhiều vị giáo sĩ cũng như giáo-dân muốn chạy thoát để không bị bắt ngồi tù hoặc có khi còn dẫn đến chỗ chết nữa. Nên, có vị buộc phải giao nộp sách thánh cho đám cầm quyền người La Mã coi như dấu hiệu chứng tỏ họ rẫy bỏ niềm tin của mình.
Tiếng La-tinh mô tả những người làm như thế là “Traditor” xuất-xứ từ động từ “tradere” từ đó tiếng Anh dịch ra thành “Traitor” (tức: kẻ phản bội). Có giáo-phái ở Carthage được gọi là “Donatists”, tức đặt theo tên gọi của vị Giám mục cầm đầu Donatus Magnus từng dạy rằng: Giáo hội là nhóm hội gồm các đấng bậc lành thánh, chứ không phải hối-nhân.
Thế nên, bất cứ bí-tích nào do linh-mục cử-hành dù đấng ấy là “kẻ phản bội” hoặc người bội-giáo cử-hành từng chối bỏ niềm tin trong đạo, cũng đều vô hiệu-lực hết. Nhóm “Donatist”, cho đến nay, được bảo là: Ngay cả khi vị linh-mục ấy sau này hồi hướng trở về với Giáo hội, thì các bí-tích được cử-hành sau đó cũng bị coi là vô-hiệu-lực.
Nhóm bội-giáo là những người có niềm tin dị-biệt từng bị ủy ban do Đức Giáo Hoàng Miltiades thiết-lập đã lên án họ vào năm 313. Sau đó, thánh Âu-Tinh (354-430), Giám mục thành Hippo miền Bắc châu Phi dạy rằng: Các bí-tích nào xuất tự hiệu-năng của họ không do sự lành thánh của vị linh-mục đã từng thực-thi bí-tích ấy mà lại do chính sức mạnh của bí-tích mà tiếng La-tinh gọi là “ex opera operato”, tức: do công việc mà thành.
Hơn thế nữa, hiệu năng của các phép bí tích đều xuất từ chính Đức Kitô, là Đấng hoạt động ngang qua các bí-tích mà thành. Bởi thế nên, các bí-tích đều là hành-xử của chính Ngài nên có đủ hiệu-lực như đã gọi là “ex opera operato Christ, tức: do công-việc Đức Kitô làm.
Nói theo cách tự nhiên, thì: Người lĩnh-nhận phép bí-tích đóng vai-trò quyết-định thành-quả là hoa trái của bí-tích ấy. Người nào nhận lãnh bí-tích với lòng tin, thương yêu, buồn sầu cho tội lỗi, vv… sẽ nhận nhiều ơn lành hơn những ai lĩnh-nhận mà chẳng tin tưởng hoặc lòng sốt sắng, hạnh đạo gì hết. Và, những ai nhận lĩnh bí-tích trong tình-huống mắc tội trọng, sẽ không có được ơn lành Chúa ban, bao giờ.
Tuy nhiên, nhìn vào bản-chất của nó, thì chính các phép bí-tích đếu có năng-quyền ban ơn lành là nhờ vào hành-xử của Đức Kitô hiện-diện trong bí-tích ấy. Với lập-trường này, thì ngay đến vị linh-mục nào đang ở trong tình-huống mắc tội trọng thì khi vị ấy có cử-hành thánh lễ hoặc ban phép rửa tội hoặc giải tội cho ai đó ngang qua bí-tích hóa-giải, vv… thì bí-tích đó vẫn có hiệu-lực.
Giả như vị linh-mục có cơ hội đi xưng tội trước khi cử-hành bi-tích nào đó, nhưng lại không tự mình lướt vượt tình-trạng tội-lỗi, thì vị ấy dù đã hành-xử không đúng luật nhưng bí-tích nói đây vẫn có hiệu-lực như thường.
Vậy thì, trường-hợp vị linh-mục nào đó đã hồi-tục rồi thì sao? Các phép bí-tích do ông ta cử-hành sau đó có hiệu-lực không?
Theo Giáo-luật, khi vị linh mục nào để mất đi tính-chất giáo-sĩ của mình, tức: đã hồi-tục rồi, ông bị cấm sử dụng quyền thực-thi các chức thánh được đề ra (x. Giáo luật số 292). Nói thế, có nghĩa là, ông ta không được phép cử-hành thánh-lễ hoặc bất cứ bí-tích nào khác nữa.
Giả như ông coi thường luật pháp do Giáo hội đề ra thì các thánh-lễ do ông cử-hành có thể sẽ bất hợp pháp, nhưng do tính hiệu-lực của năng-quyền ông nhận lãnh khi chịu chức và là chức thánh không bao giờ biến mất, thì ông có thể sẽ đem sự hiện-diện của Chúa trong bánh thánh do mình làm phép trở-thành thân mình của Chúa khi rước lễ.
Ngang qua việc linh-mục để mất đi chức-năng linh-mục của mình hoặc các phép tắc do Giám-mục ban hầu có thể cử-hành các bí-tích, ông cũng không thể hóa-giải mọi tội lỗi hoặc cử-hành lễ cưới nam-nữ một cách có hiệu-lực được.
Duy nhất chỉ một luật trừ, là: Bất cứ linh-mục nào, kể cả những vị đã hồi-tục, đều có thể thực-thi hóa-giải đúng theo luật các hối-nhân đang trong tình-trạng sắp ra đi, cũng đều được (Giáo luật số 292, 976) (X. Lm John Flader, The effects of laicisation, The Catholic Weekly 26/5/2019 tr. 21)
Hôm nay, cứu xét hiệu-năng/hiệu-lực của các đấng bậc đã hồi tục như trên, cũng là cách để bạn và tôi, ta rà lại chút Giáo-luật, mà có lẽ ngày nay ít người để tâm hoặc để bụng hoặc lo-lắng.
Có để tâm lo-lắng chăng, hẳn cũng nên lo và để những gì được đấng thánh hiền bảo ban như sau:
“Vì chúng ta tin,
nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta
vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa,
như chúng ta đang được hiện nay;
chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng
được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
Nhưng không phải chỉ có thế;
chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân,
vì biết rằng:
ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;
ai quen chịu đựng,
thì được kể là người trung kiên;
ai được công nhận là trung kiên,
thì có quyền trông cậy.”
(Rôma 5: 2-4)
Nói khác đi, ưu-tư hoặc để tâm, để bụng về một vài trường hợp trong Đạo, cũng là cách để ta học hỏi những điều, ta quên sót. Suốt một đời.
Để minh họa những điều nêu trên bằng một truyện kể dùng làm kết luận, nay mời bạn/mời tôi, ta đi ngay vào ý chính của câu truyện như sau:
“Một hôm, cô gái và bà mẹ cãi nhau. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi. Cô ta chạy rất lâu. Thấy phía trước có tiệm mì, lúc đó, cô mới cảm thấy đói bụng. Nhưng khi cô sờ vào túi, thì một xu cũng không có.
Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, tinh tế. Thấy cô gái đứng đó liền hỏi:
– Có phải con muốn ăn mì.
Cô gái trả lời một cách ngại ngùng:
– Nhưng con không mang theo tiền.
– Không sao, bà có thể mời con ăn.
Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi. Cô ta rất cảm kích, mới ăn được một ít, thì nước mắt đã chảy ra, rơi xuống tô mì.
Bà chủ an ủi:
– Con làm sao vậy?.
Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói:
– Con không sao cả, con chỉ cảm kích. Con và bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa. Nhưng con đã cãi lời mẹ và bà đã đuổi con ra khỏi nhà. Bà còn bảo con đừng quay trở lại nữa.
Bà chủ nghe xong, rồi bình tĩnh nói:
– Sao con lại nghĩ như vậy? Con nghĩ thử xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nấu mười mấy năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mẹ mà còn cãi nhau với mẹ.
Nghe xong cô gái lặng người. Cô ăn hết tô mì một cách vội vã, rồi lập tức chạy về nhà. Khi về đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng trước cửa đợi. Vừa thấy cô người mẹ rất vui mừng:
– Mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong rồi, thức ăn nguội hết rồi.
Lúc đó, nước mắt của cô gái lại chảy!
Có chảy nước mắt xuống bát cơm hoặc tô mì hay không, điều này vẫn tùy tình-huống trong đó mỗi người đang sống. Có chảy nhiều nước mắt trong suốt cuộc đời, lại cũng tùy mỗi người và mọi người suy và nghĩ thế nào về những gì mình học được trong cuộc đời. Thế đó, là lời cuối của tôi, của bạn và của ai đó làm bằng chứng cho tình thân thương, rất để đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng lòng nhủ lòng
Trở về với những gì cứng ngắc
rất đúng luật.