Chút suy tưVăn - Nghệ

Khi không còn mái nhà chung | Câu chuyện cuối tuần

Khi không còn mái nhà chung

Ở quê tôi có một câu chuyện rất ấn tượng về “mái nhà chung”.

Có gia đình nọ gồm ba bốn  anh em đã lập gia đình rồi, nhưng tất cả anh em con cháu đều sống chung trong mái nhà ấy. Đó là một ngôi nhà cổ đã có gần cả trăm năm tuổi. Ngôi nhà dài có mặt tiền theo chiều ngang nhìn ra đường lộ trông tương tự như một dinh thự nhỏ, toàn bộ mặt tiền được xây bằng gạch đá, có hành lang tiền đường dài rộng, còn bên trong là cột tròn và bộ sườn nhà bằng cây, mái lợp ngói vảy cá xưa.

(Ảnh minh họa – Ngôi nhà trong câu chuyện tác giả kể rất giống ngôi nhà này)

Cứ nhìn bên ngoài, thấy họ sống với nhau thật đầm ấm. Nhiều người nhìn vào đó như một tấm gương “mái ấm gia đình” thật là hoàn hảo!

Dòng thời gian trôi qua, một ngày kia người mẹ trong “đại gia đình” ấy mất. Rồi sau đó một thời gian, đến lượt sự ra đi của người cha.

Rồi một ngày không lâu sau đó, con cháu trong nhà cùng với những người làm thuê đập phá tiền đường ngôi nhà và hạ xuống toàn bộ ngôi nhà ấy trước sự ngỡ ngàng của người dân trong xóm và những người quen biết. Họ “phanh thây” và chia nhau ngôi nhà cổ nhiều kỷ niệm ấy. Phần nhà xây bị đập phá thành xà bần mỗi người lấy một mớ để dành sau này rải sân nhà riêng. Phần cây cối, chia đều nhau, nhà khi còn nguyên thấy vậy, nhưng khi hạ xuống rồi cây đã hư mục nhiều, chia ra những cây xài được còn lại không có bao nhiêu. Ngói vảy cá quá xưa nên để đống đó chứ làm gì, may ra có nhà cổ nào, chùa chiền nào cần trùng tu thì… bán rẻ cho họ hay tặng hiến làm công quả.

Một thời gian sau, ai đi ngang, đều thấy ngôi nhà cổ xưa uy nghi đậm nét linh thiêng của người xưa nay đã mất, thay vào đó, trên khoảng đất trống này, lưa thưa ba bốn cái nhà trông như những cái trại nhỏ, cái thì lợp tôn, cái thì lợp lá, rời rạc và trơ trọi bên cạnh những đống xà bần và ngói rong rêu vẫn còn đó. Cảnh vật trông xơ xác và hoang tàn như sau… cuộc chiến tranh ! Mà, một cách nào đó, đúng là sau cuộc chiến thật, cuộc chiến của ý riêng và lòng ích kỷ giữa những anh em với nhau. Ai từng biết cảnh cũ người xưa nơi đây, khi đi ngang thấy cảnh đổi thay cũng cảm thấy ngậm ngùi.

_____________

Chợt liên tưởng đến câu nói “Trái Đất là Mái Nhà Chung của nhân loại”… Rồi con người chia rẽ, hận thù, chiến tranh…

Hay, nhiều loại “Mái Nhà Chung” khác, đạo đời, khi lòng người lâm vào tình trạng tương tự, xót xa thay!

MAI NHẬT THI

06.07.2019

Bài liên quan

Back to top button