“Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần 5 Phục Sinh năm B 29-4-2018
“Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau,”
Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi
Giọt sương vẫn rơi rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai.”
(Quốc Dũng – Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa?)
(1Corinthô 15: 48-49)
“Em đã thấy mùa xuân chưa” ư? Một câu hỏi rất khó trả lời. Bởi, mùa xuân là thứ gì mà thấy với không thấy. Chưa thấy thì sao? Và, thấy rồi thì đã sao, cơ chứ! Thôi thì, trên đời này nhiều thứ, ai cũng có mắt nhưng không thấy. Hỏi rằng, đó là thứ gì, thì xin để mỗi người và mọi người cứ tự tiện trả lờ/trả vốn cho rộng đưiờng dư luận.
Ở đây, hôm nay, bần đạo bầy tôi chỉ xin bạn và tôi, ta cứ nghe thêm câu tiếp, hạ hồi ta phân giải. Câu tiếp, như thế này::
“Trời mưa giăng lối áo em lệ rơi
Nhạt nhòa nét môi đã say quên lời
Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi
Ngày xuân vẫn trôi tình mình vẫn hoài thương nhớ đầy vơi
Chiều xưa ngồi bên em anh nghe như đã xót xa trong tay mình
Một giây hồn lênh đênh môi em thơm ngát đón đưa cơn say tình
Em biết không em anh như bóng mây tìm nơi đỗ bến
Đâu bến xa vời mà tình vẫn rơi mây hoài vẫn trôi
Trời dào dạt sóng gió reo mùa đông
Chìm trong giá băng bóng xuân mịt mùng
Vì mình xa nhau nên xuân vẫn mãi xa vời chốn nao
Còn thương nhớ nhau còn nặng u sầu muôn kiếp về sau.”
(Quốc Dũng – bđd)
Hỏi/đáp thì như thế, chứ ai lại gạn hỏi nhau những điều khó nói và khó thưa, để rồi sẽ không còn sức ta bàn tiếp. Vậy thì, cứ xin bạn và tôi, ta giữ sức để bàn tiếp rất nhiều điều. Nhưng, trước bàn tiếp nhiều điều, hãy cứ mời nhau đọc đôi ba giòng chảy có nụ cười hồn nhiên, những kể rằng:
Có ông Bác sĩ kia ế khách, bèn nghĩ ra một kế. Ông ta trưng tấm biển trước phòng mạch, nói rằng: trị dứt bịnh thì tính 20 Mỹ-kim, còn không dứt bịnh thì bồi thường cho bệnh nhơn 100 Mỹ-kim.
Bên cạnh phòng mạch có một ông luật sư ế khách đói dài, thấy vậy bèn tới phòng mạch Bác sĩ đó định kiếm 100 bạc xài chơi.
Luật sư: Tôi bị mất khứu giác, ông trị giùm tôi.
Đốc tưa: Y tá, lấy lọ thuốc số 9 và nhỏ vô lỗ mũi ông này ba giọt.
Luật sư: Ê, cái này là nước mắm mà.
Đốc tưa: Xin chúc mừng ông đã lấy lại được khứu giác. Trả tui 20 đô.
Luật sư cả giận, ba ngày sau trở lại phục hận.
Luật sư: Tui mất trí nhớ, ông trị giùm tui.
Đốc tưa: Y tá, lấy lọ thuốc số 9 và nhỏ vô mồm ông này ba giọt.
Luật sư: Đừng, đừng. Cái này là nước mắm, tôi nhớ mà.
Đốc tưa: Ông đã lấy lại được trí nhớ. Trả tui 20 đô tiền trị bịnh.
Tuần sau, luật sư tới phục hận một lần nữa.
Luật sư: Tui bị giảm thị giác, ông trị giùm tui.
Đốc tưa: Cái này thì tui chịu thua. Đây là tờ 100 đô tui bồi thường cho ông.
Luật sư nhìn tờ giấy bạc rồi nói: Đây là tờ 10 đô mà, đâu phải 100 đô ?
Đốc tưa cười hề hề: Tui đã lấy lại được thị giác cho ông. Trả tui 20 đô lẹ lên ông Luật sư.” (truyện kể rất dễ tìm ở trên mạng, cũng mới đây).
Ấy đấy là truyện kể trên mạng vi-tính. Còn đây, là truyện kể từ nhà Đạo có những vấn-đề lại-xạo miên-man thần học, cũng khá dễ cứ đưa ra những câu hỏi, rất dễ hiểu và dễ nhớ như sau:
“Thưa Cha,
Con có cô bạn rất thân luôn gặp nhau bàn đủ mọi chuyện. Chuyện gì cô ta cũng đồng ý với con
hết, duy có chuyện đạo-đức là bọn con cứ nói ra là cãi cọ đủ mọi điều. Cả đến những những điều
dễ hiểu như “cơm sườn” bày ở chợ, nhưng lại nghi-ngờ hết mọi chuyện có liên-quan đến chuyện
Đạo-giáo của ta, chí ít là chuyện sự sống sau khi chết. Cô ta những muốn con phải đưa ra chứng
cứ hiển-nhiên về chuyện này. Cô ta còn bảo: chưa một ai từng ở trên Thiên-đàng về lại trái đất để
nói cho mọi người biết về chuyện ấy. Vậy, theo cha con phải nói với cô ta như thế nào mới chịu
đây. Con xin được phép giấu tên cho tiện.” (Câu hỏi từ một bổn đạo ở tỉnh thành).
Ở đâu thì ở. Hỏi gì cũng thế. Cứ hỏi, thì cha/cố mới ttả lời, đâu cần phải chứng minh là mình ở
chốn thị-thành nhiều chuyện để thưa và để hỏi. Và mỗi lần hỏi, cha/cố đều cố mà trả lời như sau:
“Mỗi khi có ai đó cần “chứng-cứ” cho việc gì, thì chắc hẳn bạn cũng như tôi, ta cũng nên cẩn-thận và uốn lưỡi nhiều lần trước khi đưa ra câu trả lời, mới được. Bởi những gì ta đưa ra, phải là luận-cứ vững-chắc về sự sống sau khi chết mới thuyết-phục được người khác. Về sự hiện-hữu của Thiên Chúa cũng thế, rất khó mà thuyết-phục được người ngoài Đạo.
Theo nghĩa nào đó, thì việc Chúa hiện-diện ở với thế-gian đang chĩa thẳng vào ta như tạo-thành tuyệt vời, nhưng việc ấy lại khó lòng thuyết-phục những người chuyên ngờ-vực hoặc những người không tin có thần thánh nào hết. “Chứng-cứ” có thể thuyết-phục mọi người về sự sống sau khi chết dĩ nhiên ta luôn có, nhưng biết được chuyện này quả thật cũng trễ tràng rồi. Nay về với câu hỏi do anh/chị, có lẽ ta cũng nên suy về sự việc kể ở dưới.
Trước tiên, là chuyện bảo rằng: thiên-đàng đích-thực đang có người sống ở đó và họ từng xuống thế-gian để nói cho mọi người biết chuyện này. Hiển-nhiên hơn cả, là chính Đức Kitô thường vẫn nói về sự sống sau cái chết, về sự phán xét chung cuộc, về thiên-đàng và địa ngục nữa. Nhưng, tại sao những người chuyên ngờ-vực mọi chuyện lại tin rằng Đức Giêsu là Chúa Giáng trần? dù, họ vẫn biết Ngài là Con bác thợ mộc thành Nadarét và đã chết trên thập-giá ở Giêrusalem.
Quả, là ta có nhiều bằng-chứng về Đức Giêsu từ trời xuống qua các văn bản cổ/xưa được viết sau 20 hoặc 30 năm ngày Ngài về với Cha. Đương nhiên, các văn-bản ấy hiện có ở Tin Mừng trong đó đó Ngài không chỉ tuyên-bố Ngài là Thiên-Chúa mà thôi, nhưng Ngài còn chứng-minh chuyện ấy bằng các kỳ-tích như làm cho những ba người đã chết được sống trở lại. Ngài cũng chữa lành cho người mù từ bẩm sinh và đã báo trước về cái chết và sự sống lại của chính Ngài sau khi chết.
Thánh Phaolô cũng có tầm nhìn về thiên-đàng như đã từng viết trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Corinthô đoạn 12 câu 2-4 và thánh-nhân đã về kể cho mọi người biết chuyện này. Thánh-nhân đã chứng-kiến thiên-đàng là nơi tuyệt đẹp một cách không thể diễn-tả mà chỉ viết như sau: “Như đã chép: Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (Thư 1 Corinthô 2: 9)
Giả như những người chuyên ngờ-vực mọi chuyện muốn có thêm bằng-chứng rất mới về thiên-đàng, ta có thể kể cho họ biết sự việc những người từng đạt chốn đó, như Đức Mẹ từng quá vãng hồi thế kỷ thứ nhất, thế mà Mẹ đã hiện đến với dân-gian ở dưới thế rất nhiều lần và từ đó Mẹ còn làm nhiều phép lạ tuyệt-vời nhưng chẳng ai cắt-nghĩa được sự thể như thế hết.
Nay, suy về các ảnh-hình Mẹ để lại trên cây xương-rồng cho dân con ở Guadalupê xứ Mêxicô vào năm 1531, đến nỗi các khoa-học-gia đều ngạc nhiên, chẳng cắt nghĩa được nguồn gốc cũng như cách duy-trì dấu ấn ấy, đó là chưa kể về một số chi-tiết được ghi trên đó, nữa.
Sự-kiện Mẹ hiện ra ở Fatima, cũng thế. Năm đó, Mẹ báo cho 3 trẻ bé biết trước là Mẹ sẽ hiện ra ngày 13 tháng 10 và sẽ làm nhiều điều lạ lùng. Quả, là ngày ấy, có đến 70.000 người chứng-kiến hiện-tượng mặt trời vần-vũ trên không. Và, giả như không có sự sống sau khi chết, thì làm sao một đấng bậc từng quá vang đến hai ngàn năm rồi mà vẫn có thể xuất-hiện trên trái đất và làm được những sự lạ lùng như thế. Và, còn biết bao chuyện khác chứng tỏ: thiên-đàng có thật…” (X. Lm John Flader “Does Haeven exist? The Catholic Weekyly 6/7/14 tr. 18)
Kể chuyện thiên đàng/hỏa ngục, nhiều lúc cũng không dễ để trả lời/trả vốn cho xong chuyện, mà thôi đâu. Chí ít, là: kể cho người bình-dân không cần lý-luận hoặc/biện-chứng lưu-loát hoặc nói có sách mách có chứng. Nhiều khi, ta chỉ cần đưa ra một vài truyện kể có dính-dấp đến đời sống chân-phương/chân-chất của mọi người ở huyện nhà là xong.
Thế nên, hôm nay, đề nghị bạn và tôi ta tìm tòi đôi ba câu chuyện ngồi lê đâu đó cũng nghe biết, thế là xong. Và cũng xong, như truyện kể ở bên dưới tuy không măn-mà/rạch ròi cho lắm, cũng chỉ vui vui để nhớ mãi, mà rằng:
“Một ngày nọ, sau khi đi học Giáo lý về, Tèo vội vã chạy vào kiếm bố hỏi ngay một câu “xanh rờn”:
– Bố ơi! Bố có biết từ trái đất lên thiên đàng phải đi mất mấy ngày không?
Bố Tèo đang bận rộn nên trả lời cho qua chuyện:
– Có thánh mà biết được!
Tèo bèn đáp:
– Bố không biết chớ con biết đó!
Bố Tèo nổi cáu:
– Mày biết thế nào, nói nghe coi?
Tèo nhanh nhảu trả lời:
– Chỉ có 5 ngày mà thôi!
Bố Tèo gắt gỏng:
– Tại sao?
Tèo đáp tỉnh bơ:
– Này nhé! Bố tính xem, từ Lễ Thăng Thiên đến Lễ Hiện Xuống là 10 ngày. Vậy có phải là Chúa Giêsu lên trời mất 5 ngày và Chúa Thánh Thần xuống cũng mất 5 ngày không?
Bố Tèo: Thôi thì Bố cũng đành “bó tay chấm cơm thôi.”
Kể thế rồi, được dịp Tèo ta lại đố ngay ông bố đôi điều về thiên đàng như sau:
– Con đố bố làm thế nào để được lên Thiên Đàng đây? Nếu thầy sống đời thanh sạch, cố tránh tội, dù là tội nhẹ, thầy có được lên thiên đàng không?
Dĩ nhiên là “Không”
– Nếu bố bán hết của cải dâng cho người nghèo, ăn chay, hãm mình, làm việc thiện suốt đời, vậy chứ bố có lên được Thiên đàng không?
– Dĩ nhiên là “Không”
– Nếu bố thương yêu mọi người như Chúa dạy, thế bố có lên được thiên đàng không?
– Dĩ nhiên là “Không”
Thấy thế Tèo bèn hỏi bố mình một câu khá “hóc búa” rằng:
– Vậy thì bố phải làm sao mới có thể lên được thiên đàng?
– Dĩ nhiên là phải chết trước đã !?!” (Trích truyện kể nghe hơi cổ nhưng không phải là cổ tích)
Có biện-luận hoặc “kể” cho lắm về nhiều chuyện, cũng chỉ nên nói như Giáo sư Marcus J. Borg là thần-học-gia nhiên-cứu đã đưa ra một nhận-định về sử-tính của các truyện kể về Đức Giêsu, cũng như thiên-đàng, hỏa-ngục bằng lời giản đơn sau đây:
“Nhiều thập-niên qua, ta có phong-trào được biết dưới tên thần-học truyện-kể kêu gọi mọi người hãy chú-tâm vào tính “kể lể” ở Kinh thánh đóng vai-trò chủ-động của “truyện kể” về thánh kinh Do-thái-giáo và kinh thánh ở Đạo Chúa.
Điều này, thấy rõ qua 3 đặc-trưng Kinh-thánh, là: tạo cung-cách “kể truyện” kinh thánh như một tổng-thể, hầu nhìn vào bình-diện rộng/lớn hơn, thì sự việc này được coi như chuyện giản-đơn bắt đầu bằng truyện địa đàng và sự việc địa đàng biến-mất ở chương đầu sách Sáng Thế; rồi ngang qua truyện kể sẽ nói rõ hoạt-động cứu rỗi của Thiên-Chúa đối với dân Israel ngang qua Đức Giêsu, rồi kết-thúc bằng việc tập trung nhìn về địa-đàng và/hoặc thiên-đàng được tái-tạo ở Cánh-Chung-luận.
Tính tập-trung vào truyện kể ở Sách thánh, còn biểu-hiện nơi sự-kiện khác nữa là: nó bao gồm cả trăm truyện kể ở trong đó. Cuối cùng thì, Sách thánh bao gồm một số truyện kể được “phóng-đại” mức tối-đa –tức: gồm cả những truyện lúc ban đầu hầu định-vị mọi thứ tưởng-tượng ở đạo-giáo và nơi cuộc sống của chúng dân Israel thời xưa/cổ cũng như phong-trào của Đạo Chúa vào thời mới chớm.
“Thần-học kể lể”, không chỉ tập-trung vào trọng-tâm câu truyện được ghi lại ở Sách thánh mà thôi, nhưng còn phẩm-bình phần lớn nội-dung thần-học Kitô-giáo và lịch-sử cận-đại rất điển-hình từng làm lu-mờ hoặc che khuất đặc-trưng này. Thần-học kể lể, bằng vào khuynh-hướng nghiêng về ý-niệm-hóa mọi sự, đã tìm cách khai-thác ý-nghĩa cốt-tủy rút từ các câu truyện kể, để rồi diễn-giải nó bằng hình-thức không còn gì để kể nữa.
Thần-học kể lể, bằng cung-cách ở câu truyện kể, đã biến-dạng không còn tồn tại nữa. Công-cuộc nghiên-cứu lịch-sử thánh thời cận-đại, lại cũng để mất đi câu truyện kể, hoặc cách tìm cho ra tính sử nằm khuất sau câu truyện hoặc bằng các phân-tích thường làm biến dạng câu truyện kể bằng cách tập-trung vào chi tiết. Ở cả hai trường-hợp, truyện kể với tư-cách là câu truyện để kể, cũng biến-dạng dần.
“Thần-học kể lể” cũng tìm cách bắt/chụp lại đặc-trưng kể lể ở Kinh Thánh, dù đó có là phong-trào mới xảy ra đây thôi. Nhưng sự thực, thì phương-cách định-hình của nó đã mang nguồn-gốc xuất xứ từ một thời xưa cũ, rất không xa. Nói rõ hơn, Kinh thánh đã có gốc-nguồn từ truyện kể và cả từ sinh-hoạt kể lể đủ mọi chuyện, là như thế.
Và, câu truyện kể được chuyên-chở cũng như trải-nghiệm theo cung-cách khác nhau, bằng mắt thấy, qua ảnh/tượng nghệ-thuật trong Đạo, đặc-biệt là từ cửa sổ bằng kính màu ở nhà thờ thời Trung Cổ và/hoặc các ảnh/tượng vào nhiều năm sau đó. Có thể là, các trải-nghiệm ấy được chuyển-tải qua âm-nhạc như bài vịnh hoặc ca khúc dân-gian; hoặc bằng môi miệng, như: các bài giảng ở nhà thờ hoặc nghi-tiết phụng-tự và lễ hội đình đám dọc suốt tháng ngày ở lịch phụng-vụ của Giáo-hội.
Nhưng, thần-học truyện kể gợi nhiều tưởng-tượng hiện-diện bên trong con người qua đó có ảnh-hình đặc-biệt về thực-tại cuộc sống và nơi chốn ta sinh sống. Truyện kể ở thánh kinh lại cũng tạo hình-ảnh to lớn/cả thể về cuộc sống trong Đạo, là như thế.” (X. Gs Marcus J. Borg, Meeting Jesus Again for the First Time, HarperOne 1994 tr. 119-tt)
Đấng thánh hiền ở nhà Đạo còn căn dặn mọi người về thiên đàng rất như sau:
“Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra;
còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.
Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra,
thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
(1Corinthô 15: 48-49)
Truyện kể ở đâu đó, ở sách thánh hoặc trong sách truyện cũng chỉ là những câu truyện rất đáng nể, được người kể và người nghe biến thành một thứ gọi là “Thần-học kể lể” về nhiều thứ, trong đó cả chuyện thiên-đàng, nữa.
Truyện kể về thiên-đàng hôm nay, thấy rất nhiều. Tất cả cũng chỉ để nói lên một điều rằng: Thiên-đàng có thật hay không, không thành vấn-đề. Vấn-đề đích thực đối với mọi người, sẽ là và vẫn là: Thiên Chúa có thật Ngài rất giàu lòng lân-tuất và ta đang sống ở trong tình-yêu và ân-sủng của Ngài, thôi.
Thế đó, là truyện kể cũng rất phiếm hôm nay xin được chuyển đến bạn, đến tôi và mọi người ở huyện nhà Hội thánh, rất Nước Trời ở trần gian chứ không ở trên cao chốn đó, rất vần vũ.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những chuyện trần-gian
rất thiên-đàng
ở dưới thế.