Chuyện phiếm Gã SiêuVăn - Nghệ

Nàng Dâu Thời Nay | Chuyện Phiếm Gã Siêu

NÀNG DÂU THỜI XƯA

Nếu như bây giờ gã đưa ra câu hỏi:

– Ai là người vợ hạnh phúc nhất trên trần gian?

Không chừng có người sẽ trả lời:

– Đó là bà Eva.

Đúng thế, vào cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, bên cạnh Adong không hề có hình ảnh một người đẹp nào cả, để rồi phải ghen lồng ghen lộn. Và nhất là bên cạnh Adong không hề có bóng dáng một bà mẹ chồng hà khắc và những cô em chồng chanh chua, để rồi phải ngậm đắng nuốt cay những giọt nước mắt tủi hờn. Như vậy quả là một niềm hạnh phúc tuyệt vời!

Nhưng rồi sau đó suốt dọc thời gian năm tháng, mối liên hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, cũng như giữa nàng dâu và mẹ chồng đã nhuốm đủ mùi vị hỉ nộ ái ố, đã thăng trầm đủ cả ba chìm, bảy nổi và chín cái lênh đênh, đúng như bài ca hài hước về “ba bà mẹ chồng” mà ban AVT ngày xưa đã trình diễn:

Vào một ngày thứ sáu đẹp trời, ba bà đi bán lợn con, được dịp gặp nhau, bà nào cũng hăng hái, cũng ồn ào tố khổ nàng dâu của mình. Lời ca thật châm biếm, nhưng cũng phản ảnh được phần nào sự thật. Nàng dâu thì nói xấu mẹ chồng, như hai cô ca sĩ chẳng hề khen nhau. Còn mẹ chồng thì tố khổ nàng dâu, như Nga với Mỹ có thương nhau bao giờ. Và rồi bài hài hước này đã kết thúc bằng một lời kêu gọi:

– Đình chiến với nàng  dâu, mẹ chồng đình chiến với nàng dâu, ôi thôi là thế gian hết loạn, bà ơi, hãy mau mau hòa bình.

Quả thực, đây là một kinh nghiệm chua xót, đã gây nên đổ vỡ cho nhiều gia đình. Mẹ chồng không ai nói tốt cho nàng dâu, còn nàng dâu thì cũng chẳng ai nói tốt cho mẹ chồng. Mẹ chồng thì nghi ngờ nàng dâu, còn nàng dâu thì lườm nguýt mẹ chồng.

Trong ngôn ngữ bình dân, tục ngữ ca dao cũng đã đề cập rất nhiều về vấn đề này:

– Thật thà cũng thể lái trâu

Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

– Mẹ chồng nàng dâu,

Chủ nhà người ở khen nhau bao giờ.

– Đói thì ăn khế ăn sung,

Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng vô.

– Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói

Lý do gây nên tình trạng bất ổn trên cũng thật đơn giản và dễ hiểu. Người mẹ bao giờ cũng yêu thương con cái và muốn nó phải tuân theo ý muốn của mình, cũng như muốn độc quyền chi phối những tình cảm của nó. Thế nhưng bây giờ nó đã lớn và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình, nó dồn mọi yêu thương cho một kẻ xa lạ, nhất là khi kẻ xa lạ này lại không phải là người mình lựa chọn. Bởi đó, người mẹ cảm thấy tình thương như bị phản bội và hụt hẫng. Thành ra có ác cảm với nàng dâu. Từ nỗi ác cảm ấy, thường dễ có những thái độ, những lời nói thiếu tế nhị với nàng dâu và nhìn nàng dâu bằng cặp mắt soi mói để bắt lỗi: Xem nó nói năng, làm lụng như thế nào?

Với cặp mắt của một cảnh sát hình sự luôn dò xét, mẹ chồng dễ dàng nhìn ra những sơ hở, những khuyết điểm của nàng dâu, để rồi lên tiếng đả kích và chê bai, khởi đầu cho một tình trạng chiến tranh lạnh. Thêm vào đó, tình trạng chiến tranh lạnh này lại được cổ võ thêm bởi những cô em chồng, là những người con gái cưng của mình. Tục ngữ đã bảo :

– Một trăm ông chú không lo,

Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm.

– Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.

Những cô em này, trước kia chăm sóc cho ông anh của mình và cũng được ông anh thương mến. Bây giờ ông anh thương mến ấy lại đầu tư tình cảm cho một kẻ xa lạ, có khi chỉ đáng bậc đàn em của mình. Từ chỗ không ưa, nên mới hay “méc bu” về những sai lỗi của chị dâu, cũng như mới hay kiếm chuyện tỉ tê với má thế nọ thế kia. Người mẹ thế nào cũng sẽ nghiêng về phía con gái hơn con dâu, cũng sẽ nghe và chiều theo con gái hơn con dâu. Thế là có đủ đồng minh, có đủ phe cánh để cô lập nàng dâu. Và khi bầu khí căng thẳng xảy ra. Nếu như anh chồng nghe theo mẹ và những cô em nữa, thì quả thực nàng dâu lúc ấy sẽ chỉ là một người hùng cô đơn mà thôi.

Trong khi đó kể từ ngày khăn gói quả mướp “theo chàng về dinh”, nàng dâu phải gánh vác cả giang sơn nhà chồng, phải thực hiện câu nói ngày xưa các cụ ta đã đề ra: Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Có nghĩa là đi trên một khúc sông, thì phải lựa dòng của nó, còn bước vào một gia đình, thì phải tuân theo những tập tục của họ. Không được lấy gia đình mình làm khuôn mẫu cho gia đình họ. Không được lấy gia đình mình làm thước đo cho gia đình họ. Không được nhìn gia đình họ qua cái lăng kính của gia đình mình. Thế nhưng việc thích nghi với tình hình và nhiệm vụ mới không phải là không có những khó khăn.

Khó khăn ở cách xưng hô: Phải kêu những người lạ hoắc này là thầy, là bu, là anh, là chị, là em. Khó khăn ở những công việc lặt vặt trong nhà: Ngày xưa mình được chiều chuộng, chẳng phải động tay vào việc quét nhà, thổi cơm. Còn bây giờ phải loay hoay suốt ngày dưới bếp, đổ cả hôi hột mà nồi cơm vẫn trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét. Khó khăn ở thói quen, ở cung cách cư xử cũng như sinh kế làm ăn.

Bởi đó, nếu không tế nhị và kiên nhẫn, thì sẽ không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những hiểu lầm, những buồn phiền. Và một khi đã va chạm, thì bản tính tự vệ bèn nổi lên đùng đùng. Người ta đã “pháo” mình thì mình cũng phải  tìm mọi cách để “phản pháo”. Và như thế chuyện bé liền bị xé ra to.

Âm ỉ tức tối, nên mỗi lần về thăm bu là lại tỉ tê hết chuyện nọ sang chuyện kia. Người mẹ và những cô em luôn đứng sau hậu thuẫn, bày mưu đối lại. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa hai gia đình. Xui gia xui giáo thay vì nấu cháo nuôi nhau, thì nay sẵn sàng lấy giao mà đâm nhau. Một khi tình nghĩa đã sứt mẻ, rất khó mà hàn  gắn.

NÀNG DÂU THỜI NAY

Tất cả những sự việc kể trên đã, đang và sẽ còn tồn tại trong cuộc sống gia đình của người Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay do những chuyển biến ngoài xã hội, những tập tục cũ dần dần bị đào thải, hay bị đổi thay. Nếu ngày xưa mẹ chồng được sánh ví như một cơn ác mộng, như một vì sao quả tạ chiếu vào số kiếp của nàng dâu, thì bây giờ “sao” đã đổi ngôi, nàng dâu bỗng trở thành một cơn ác mộng, một vì sao quả tạ tác oai tác quái trên vận mạng của mẹ chồng.

Theo sự suy nghĩ nông cạn của gã, thì có hai lý do chính yếu đã tạo nên sự đổi ngôi và đảo lộn này.

Lý do thứ nhất đó là vì nhiều nàng dâu ngày nay đã được học hành đến nơi đến chốn, không còn bị giam hãm trong căn bếp nhỏ hay trong bốn bức tường của một ngôi nhà, với những công việc thuộc phạm vi nồi niêu xoong chảo, hay tề gia nội trợ, nhưng đã ung dung tiến ra ngoài xã hội. Họ cũng đi làm, cũng kiếm tiền và cũng nắm giữ những địa vị quan trọng. Có khi họ còn kiếm được nhiều tiền và nắm giữ những địa vị quan trọng hơn cả anh chồng.

Ngoài ra, họ còn xã hội che chắn và bênh vực với những phong trào giải phóng đàn bà con gái, đòi cho được sự bình đẳng giữa nam và nữ. Mấy anh đàn ông con giai mà nổi máu “yêng hùng”, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với họ, thì lập tức liền bị cảnh sát mò tới hỏi thăm. Và khi phải đối chất trước ba toà quan lớn, thì luật pháp thường đứng về phía họ và bảo vệ cho họ.

Lý do thứ hai đó là vấn đề con cái. Các cụ ta ngày xưa cứ “vô tư” sinh sản, bởi vì đã có ông trời. Trời sinh, trời dưỡng. Ông trời đã sinh voi, thì ông trời cũng sẽ sinh cỏ cho voi ăn. Cho nên đa tử, đa tôn, đa phú quí. Đông con nhiều cháu là một niềm tự hào và là một phúc lộc do trời ban cho.

Còn ngày nay, trước tình trạng bấp bênh về công ăn việc làm, trước sự sa sút về kinh tế, tiền vô thì ít mà tiền ra lại nhiều, khiến việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trở nên khó khăn. Vì thế, người ta hạn chế sinh sản, ấn định một số con nào đó phù hợp với khả năng của mình. Sự hạn chế này còn được xã hội ủng hộ mãnh liệt. Người đã vẽ ra cả một tương lai đen tối khi trái bom về dân số bùng nổ. Đi tới đâu cũng thấy nhan nhản những khẩu hiệu: Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ. Người ta sẵn sàng cung cấp những phương tiện để tránh thai, ngừa thai và phá thai. Một số nước trên thế giới còn liệt vấn đề này vào “quốc sách” và qui định mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép có một hay hai con là cùng. Nếu vượt quá số này, thì sẽ bị phạt tiền ngu và sẽ bị chế tài về nhiều phương diện khác nhau.

Con cái càng hiếm, càng quí và được cha mẹ hết sức cưng chiều. Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Ngày xưa con cái nghịch đất nghịch cát và lê la bẩn thỉu, còn ngày nay người ta cẩn thận giữ phép vệ sinh, áo quần lúc nào cũng thơm tho. Ngày xưa người mẹ thường mớm cơm cho con, ngày nay người ta dùng biết bao nhiêu loại sữa, từ sữa tươi cho đến sữa bột, thảo nào mà giá sữa cứ tăng lên vùn vụt.

Hơn thế nữa, một số nàng dâu còn sử dụng con cái làm vũ khí chống lại mẹ chồng, hay đỏi hỏi mẹ chồng phải thoả mãn những yêu cầu của mình. Trên báo “Phụ Nữ Chủ Nhật”, số 41 ra ngày 24.10.2010, trong một bài viết, tác giả Nguyễn Thiện đã có cùng một quan niệm trên, nhưng đưa ra những trường hợp cụ thể để minh chứng.

Chẳng hạn trường hợp của vợ chồng Hà. Hai vợ chồng xích mích nhau trong việc nuôi con. Phần lỗi của con dâu được mẹ chồng chỉ rõ cho con trai thấy. Để trả thù tội chỉ điểm, Hà bế cháu về ngoại, để mẹ chồng “biết thế nào là lễ độ”. Theo Hà, khi bị cách ly với con, với cháu, chồng khổ một, thì mẹ chồng sẽ phải khổ gấp mười! Y như rằng cả chồng lẫn mẹ chồng đều “ngấm đòn” chỉ sau một ngày xa con, xa cháu.

Được chồng yêu thương, Hà đã nhanh chóng khai thác “điểm yếu” của mẹ chồng vì không muốn cho con trai phải đau buồn, nên ngay “từ thuở bơ vơ mới về”, Hà đã giành được thế thượng phong. Ngôi vị của Hà càng được củng cố vững chắc khi Hà sinh con trai. Hà nhanh chóng biến đứa bé thành vũ khí tối thượng để đấu tranh.

Sau hai ngày trừng phạt, thấy chồng buồn, Hà cũng xao lòng, nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Muốn mang cháu về, thì bà phải thực hiện năm điều sau đây:

1- Móng tay bà phải luôn cắt ngắn.

2- Bà chỉ được cho cháu ăn và uống những thứ có trong danh sách đã “niêm yết”.

3- Dụng cụ cho cháu ăn, bà phải trụng nước sôi trước khi sử dụng.

4- Được bế cháu hai lần trong một ngày, sau khi bà đã tắm và thay đồ mới.

5- Không được chơi trò…”ú oà”, làm cháu hết hồn.

Chấp nhận năm điều kiện trên và được con dâu khoan hồng, khi bế cháu trên tay, bà thừa nhận:

– Thật ra những điều nó muốn, về lý thì không sai, nhưng về tình, thì thật là quá quắt.

Đúng là thời thế đã thay đổi. Những nàng dâu dám đặt điều kiện với mẹ chồng như Hà đang ngày càng phổ biến. Thậm chí không ít cô gái còn kén cả…mẹ chồng. Tôn ti trật tự truyền thống đang bị đảo ngược. Nhưng điều đáng nói hơn chính là sự “tự nguyện” xoay chiều của nhiều bà mẹ chồng theo hướng chịu phép nàng dâu, dù rất ấm ức.

Đó cũng chính là trường hợp của bà Thu Liên. Mặc dù đã chịu phép con dâu để giữ hoà khí trong gia đình, nhưng bà vẫn hậm hực liệt kê những điều “ngứa mắt” của nàng dâu thời hiện đại:

1- Không thích vào bếp.

2- Tự do đi sớm về khuya.

3- Làm hành làm tỏi với chồng.

4- Ăn mặc hở trên trống dưới.

5- Tiêu xài không biết thiếu thừa.

6- Sạch sẽ quá mức cần thiết.

7- Sẵn sàng đôi co với mẹ chồng.

Thế nhưng, bằng lợi thế trình độ học vấn cao hơn, giao tiếp rộng hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhanh hơn, bắt trúng điểm yếu của mẹ chồng chính xác hơn… các nàng dâu đang “nắm kèo trên” và cũng mắc không ít sai lầm khi muốn mẹ chồng phải theo ý mình.

Thực vậy, nếu hai bên cứ tiếp tục tố khổ và kể tội lẫn nhau, thì có lẽ “truyện phim buồn này” sẽ không có hồi kết thúc. Người khác đau khổ đành, mà chính bản thân mình cũng đau khổ không ít.

Vào năm 1946, sau đệ nhị thế chiến, nước Đức gặp phải nạn khan hiếm thực phẩm. Mùa xuân năm ấy, có một nhà văn đi qua một trang trại trong rừng Forêt Noir, trông thấy đàn gà tung tăng, anh ta thèm ăn trứng. Đánh bạo bước vào, anh thấy một bà già ngồi đan áo và một thiếu phụ trẻ đẹp đang ủi quần áo. Anh nói:

– Xin chào bà và cô, làm ơn bán cho vài quả trứng.

– Không có đâu ông ơi. Gà đang thay lông chưa có đẻ. Gà lúc này toi nhiều quá…

Hai mẹ con đã trả lời như thế. Anh nhà văn toan cáo lui, thì cả hai người đều mời:

– Xin ông chờ một chút để uống với chúng tôi một chén trà cho vui.

Trong khi cô con dâu vào trong bếp lúi húi pha trà, bà cụ gọi anh lại, trao cho anh quả trứng và nói:

– Ông dấu đi kẻo con dâu tôi thấy, nó lại càu nhàu. Con gái thời nay keo kiệt lắm, chỉ biết lo cho mình mà thôi.

Anh ta chưa kịp trả lời, bà cụ đã đi xuống bếp bảo con dâu đem nước lên. Giữa lúc anh ta đang cất trứng vào túi áo, cô dâu xuất hiện, đặt nước xuống bàn, đưa mắt giáo giác nhìn chung quanh, rồi bất ngờ dúi vào tay anh một quả trứng và bảo:

– Ông dấu đi, kẻo mẹ chồng tôi biết. Bà già hà tiện lắm ông ơi.

Sau đó, cả hai đến tiếp trà và còn đem cả bánh ngọt mời anh ta một cách vui vẻ.

Thật may mắn nếu chúng ta gặp được một bà mẹ chồng hiền lành và yêu thương. Như vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo, bõ công trang điểm má hồng môi son. Còn nếu chẳng may gặp phải bà mẹ chồng quay quắt, thì cũng hãy bình tĩnh, đừng vội nản chí, vì như tục ngữ cũng đã bảo:

– Chồng dữ, thì em mới sầu,

Mẹ chồng mà dữ  giết trâu ăn mừng.

– Chồng dữ, thì em mới lo,

Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao.

Trước hết, chúng ta phải xác tín rằng: Một khi đã chọn lựa, thì cũng phải chấp nhận. Chấp nhận không phải chỉ bản thân của chồng mà còn phải chấp nhận cả môi trường sống và những liên hệ của nhà chồng, rồi cố gắng dùng những biện pháp thông thường để biến đổi mối ác cảm thành thiện cảm.

Nếu chẳng may xảy ra sự căng thẳng, hãy kiên nhẫn và từ từ giải quyết. Nhất là hãy biết cảm thông với chồng trong những hoàn cảnh như vậy, bởi vì tiến thoái lưỡng nan, bên hiếu bên tình, bên mẹ bên vợ, ngả sang bên nào cũng không ổn, mà giữ thái độ yên lặng cũng chẳng xong. Thật là nan giải. Bởi vì, nếu yên lặng, bà mẹ sẽ nói:

– Đấy, con vợ mày nó như vậy, mà mày cứ câm như miệng hến được sao?

Trong khi đó, người vợ lại tỉ tê:

– Đó, mẹ mắng em như vậy mà anh cũng chẳng bênh em được lấy một nửa lời, hay là anh chẳng còn thương em nữa.

Để kết luận, tôi thiết tưởng không gì hơn, là mẹ chồng nàng dâu, mỗi người hãy kiểm thảo, hãy xét lại những thái độ cư xử đối với nhau từ trước cho đến bây giờ. Hãy lấp đầy hố sâu ngăn cách, hãy quên đi và tha thứ, hãy nhường nhịn và chịu đựng vì:

– Già néo thì đứt dây.

– Bên thẳng thì bên phải chùng,

Hai bên đều thẳng thì cùng đứt dây.

Nếu mẹ chồng và nàng dâu sống chung hòa bình, không còn giận hờn, không còn bới  móc và nói xấu nhau nữa, chắc hẳn bàu khí gia đình sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn rất nhiều.

GÃ SIÊU

 

 

Bài liên quan

Back to top button