Chút suy tưVăn - Nghệ

Ngâm | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

NGÂM

Chuyện Cứu Người Lúc Nguy Cấp.

Trang Chu nghèo túng, sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu. Ngụy Văn Hầu nói :

– Tôi có cái ấp, người ta sắp nộp tiền thóc, tôi sẽ cho ông vay 300 lạng, ông có bằng lòng không ?

Trang Chu giận nói :

Ảnh minh họa

– Khi Chu đến đây, đi giữa đường nghe có tiếng gọi, ngoảnh  lại trông thấy một con cá đang ngắc ngoải trong cái vết bánh xe. Chu này hỏi :

Cá ở đây làm gì thế ?

Cá đáp :

Tôi là thủy thần ở biển Đông mắc nạn  tại đây, ông có thể cho tôi bát nước để cứu tôi lúc nguy cấp này không ?

Chu này bảo rằng :

Để tôi qua chơi nước Ngô, nước Việt, rồi tôi lấy nước sông Tây Giang về đón ngươi, ngươi có bằng lòng không ?

Cá giận nói :

Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế, đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi “.

Cổ Học Tinh Hoa

____________

Chút Suy Tư

NGÂM

“Ngâm” có nhiều nghĩa…

Ngâm : Đọc thơ với giọng rung lên, kéo dài và diễn cảm: ngâm Kiều, ngâm thơ.

Ngâm : 1. Dìm lâu ở trong dung dịch lỏng cho thấm, ngấm . Ngâm mạ. Ngâm lọ giấm ớt. Ngâm rượu. su hào ngâm giấm. 2. Để lâu và kéo dài thời gian không giải quyết. Tổ chức ngâm hồ sơ của anh ta hàng tháng trời.

Ngâm tôm : 1. Trói cong người lại như con tôm đem ngâm xuống nước (một nhục hình thời phong kiến). 2. Để lâu không làm, kéo dài thời gian không xét : Vụ kiện để ngâm tôm mãi không xét.

(Đại Từ Điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên)

Ở đây muốn nói tới từ “NGÂM” theo ý nghĩa  “Để lâu và kéo dài thời gian không giải quyết.” – “Để lâu không làm, kéo dài thời gian không xét”.

Lũ lụt miền Trung

Gần đây bao nhiêu chuyện nóng bỏng nó bắt đầu từ cái vụ “Ngâm” tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung mà thời gian cả sáu tháng trời không được sử dụng đúng mục đích  và đúng lúc.

Nghe nói có người ngâm đến cả 14 tỷ – tiền của những tấm lòng tốt gởi chút tình đến những người gian khổ cửa nát nhà tan vì cơn đại họa từ thiên nhiên mà  hơn cả nửa năm nay người quản lý nó đã “Ngâm” kỹ đến mức lạnh lùng.

Internet

“Cứu binh như cứu hỏa”. Sao lại có thể làm được việc như vậy ?

Người xưa có câu “Cám treo heo chết đói”.

Chuyện đến nước này, mà còn lấy đủ thứ cớ để biện hộ việc làm Ngâm Tiền của mình, người bình tâm vẫn nghĩ đơn giản, “tiền cứu miền Trung, thì mau chóng giúp  miền Trung”,  không lẽ nửa năm trời không có được ngày nào thuận lợi để cứu giúp họ được sao?

Nếu trong cảnh điêu tàn miền Trung có người thân của họ, có dòng họ của họ, thì họ có thong thả cách lạnh lùng như vậy không ?

Internet

Đây là câu nói lạc đề nhất của một người Ngâm Tiền tên tuổi, thôi ở đây tạm gọi là Ngâm Đại Nhân cho tiện.

“Có lẽ nhiều người thắc mắc không biết tôi có “biển thủ”  không? Nếu lấy sự nghiệp 30 năm để đánh đổi mười mấy tỷ này theo mọi người nghĩ có nên không, chứ đừng nói là “muốn”, bởi mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” (Ngâm Đại Nhân)

Ngâm Đại Nhân, ông mua danh bán danh gì gì kệ ông, “nói” mà ai nói hổng được. Vấn đề ở đây là tiền chửa cháy cho nỗi đau khổ miền Trung sao ông ngâm lâu đến như vậy ? – Còn nữa, chuyện  pháp luật có lên án ông hay không chắc không ai muốn điều đó đâu, chỉ có Tòa Án Lương Tâm mới xử chính xác nhất. Đừng quanh co cong quẹo nữa, Ngâm Đại Nhân ạ !

Internet

Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế, đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi “. (trích truyện  “Chuyện Cứu Người Lúc Nguy Cấp”).

Ngâm Đại Nhân, ông cứ ôm tiền đó đi, nước mắt người miền Trung đã cạn rồi !

Lũ lụt miền Trung

Điều đau đớn trong chuyện lùm xùm của những Ngâm Sĩ là quá thanh thản trước nỗi thống khổ của những người dân gặp thiên tai. Những lời lẽ tự biện hộ chỉ có tính cách đối phó chứ không tôn trọng sự thật, nó đến sau khi không còn  Ngâm và “Ngậm … miệng” được nữa.

”Nếu lấy sự nghiệp 30 năm để đánh đổi mười mấy tỷ này theo mọi người nghĩ có nên không.” (Ngâm Đại Nhân).

Nếu nên thì sao ? Không nên thì sao ? – Không nên thì không “biển thủ” được, ăn không được ói ra, còn “nên” thì “Ngâm” đó để dành làm chuyện khác phải không ?

Có lẽ ý cái ông Ngâm  Đại Nhân này muốn nói tôi nổi tiếng đến cỡ đó, giàu đến cỡ đó không lẽ ngu đến đổi “biển thủ” chỉ có 14 tỷ chi cho thân bại danh liệt. – Chỉ có 14 tỷ ! “Mua danh 3 vạn  bán danh 3 đồng” – trong trường hợp này có thể 14 tỷ đối với Ngâm Đại Nhân này chỉ là 3 đồng thôi ! Ngâm Đại Nhân so sánh thật là đúng với trái tim đen của … chính mình !

Nhiều người bảo vệ danh dự cho mình cũng không bằng mình giữ cho chính mình đâu. Nó là chuyện lương tâm và lòng tự trọng. Đừng coi thường người nghe, đừng tưởng không ai thấu hiểu đâu nhé.

Dựa vào sự nổi tiếng, kéo theo phe nhóm, che chắn, cấu kết, bọc lót cho nhau, không xóa nhòa được sự thật đâu.

Mượn câu chuyện này để những ai chung quỹ đạo của Ngâm Đại Nhân, và mọi người chúng ta cùng suy ngẫm thêm trong thời điểm thịnh hành của nhiều Ngâm Sĩ xuất hiện nhiều nơi như hiện nay.

Một Cách Nhận Xét Người

Ngày xửa ngày xưa bên nước Sở ó người xem tướng rất giỏi. Ông nói câu nào trúng câu ấy, vì thế cả nước không ai không biết tiếng.

Nghe đồn, vua Sở Trang Công cho người mời lại hỏi:

– Nhà ngươi dùng phép thuật gì mà xem tướng giỏi thế ?

Người thầy tướng tâu rằng :

– Thần không có phép thuật gì cả, chỉ dùng cách xem bạn người để biết người mà thôi.

Trang Công hỏi :

– Cách xem bạn người là cách xem thế nào ?

Người thầy tướng thưa :

– Cách xem bạn người là để biết người hay kẻ dở. Như xem cho thường dân thấy chơi với những bạn hiếu, để, thuần, cẩn, biết giữ phép nước, thì thần đoán người dân ấy là người hay, đời sẽ một ngày một vẻ vang, gia đình sẽ ngày một thịnh vượng.

Như xem cho quan lại mà thấy chơi với những bạn thành tín, có phẩm hạnh, thích điều phải, thì thần đoán ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua mỗi ngày một ích lợi.

Như thần xem cho vua mà thấy quan gần có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi nhiều người can ngăn thì thần đoán lá ông vua giỏi, vua tốt mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một yên ổn, thiên hạ mỗi ngày một mến phục.

Thần quả không có một phép thuật gì lạ, mà chỉ xem người bằng cách xem bạn để biết người mà thôi.

Trang công nghe xong, ông gật đầu khen phải. Thế rồi, sau đó ông cố gắng sửa mình, và hết sức thu phục những người tài giỏi. Do đó, chẳng mấy năm nước sở thành một cường quốc mà ông là bá chủ chư hầu.

(Đông Tây Kim Cổ Tinh Hoa của Thái Bạch.)

Lời kết :

Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi một ít là tôi sống. Nay ông nói như thế, đợi đến lúc ông về, thì có khi ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi đấy rồi “. (trích truyện  “Chuyện Cứu Người Lúc Nguy Cấp”).

Xứng đáng với lời vàng ngọc “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng” chưa ?

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button