Quá Sức Chịu Đựng ! | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống
Quá Sức Chịu Đựng !
Đời thượng cổ, nước Hy Lạp có một hoàng đế là Denis L’Acien. Ông vua này nổi tiếng tàn bạo, nhưng tính lại thích thơ và hay làm thơ nữa.
Nghe tiếng Philoxène một thi sĩ nổi danh ở xứ Carinthe, nhà vua liền sai người đi triệu.
Thi sĩ Philoxène đến, nhà vua trịnh trọng mời ngồi để cùng nhau đàm luận. Sau đó nhà vua đưa thi sĩ một bài thơ mới sáng tác, và tự cho đó là tuyệt diệu để thi sĩ phê bình.
Philoxène nhận lấy bài thơ, ông xem một lượt, hết từ đầu đến cuối, rồi lạnh lùng phát biểu:
– Tâu bệ hạ, bài thơ của bệ hạ hoàn toàn dùng những sáo ngữ, hình thức tầm thường, nội dung nông cạn, cần phải sửa lại thật nhiều, mới gọi là thơ được.
Vì từ lúc làm thơ đến nay, Denis L’Acien không quen nghe nói thẳng, và những lời phê bình mạnh bạo bao giờ, nên vừa tức giận, vừa phải giữ thể diện với quan triều đình, ông hạ lệnh bắt giam thi sĩ liền.
Mấy hôm sau, trong một bữa tiệc hội văn nghệ, nhà vua lại sai lính cho thi sĩ Philoxène ở trong ngục ra dự. Lần này lại đưa cho thi sĩ một bài thơ mới làm và cũng đắc ý cho là tuyệt tác.
Nhưng xem xong, thi sĩ không phát biểu gì cả. Ông bảo người thị vệ :
– Thôi, xin dẫn tôi trở lại nhà giam thôi !
(Sưu tầm).
______________
Chút Suy Tư
+ 1. Nhà Vua
Làm lớn khó có thể thấy mặt yếu của mình, càng không thể chấp nhận mình dốt về phương diện gì đó.
Đâu ai đòi hỏi mình làm lớn thì cái gì cũng phải lớn và hể làm lớn thì cái gì cũng phải biết !
Vì mang ý nghĩ và tâm lý đó, nên những kẻ làm lớn thì khó lắng nghe và không muốn học hỏi.
Tệ hại hơn, là phải làm sao che dấu những điều yếu kém của mình, bằng sự khéo léo cũng có, bằng thủ đoạn cũng có. Và dùng cả quyền lực cũng có.
“Vì từ lúc làm thơ đến nay, Denis L’Acien không quen nghe nói thẳng, và những lời phê bình mạnh bạo bao giờ, nên vừa tức giận, vừa phải giữ thể diện với quan triều đình, ông hạ lệnh bắt giam thi sĩ liền.” (trích truyện).
+ 2. Thi sĩ Philoxène
Với lương tâm của một Thi Sĩ tên tuổi, ông không thể nào vì khiếp sợ quyền lực hay mơ tưởng sự trọng đãi mà cho phép mình nói sai sự thật. Không phải ánh mặt trời chiếu vào mảnh thủy tinh làm mảnh thủy tinh lấp lánh và vì thế nó trở thành viên kim cương. Không phải quyền lực tỏa sáng của nhà vua làm cho những vần thơ ngu ngơ ấy trở thành những vần thơ tuyệt tác.
Những bài thơ tầm phào dù có được thổi vào thứ sức sống nào đi nữa: quyền lực, tiền bạc, quảng cáo, lăng xê, xông hương… hay nhuộm vào đó thứ hơi hám màu mè ma mị, đồng bóng… nó vẫn là nó, bản chất nó là như thế, bài thơ … thơ thẩn…
“Tâu bệ hạ, bài thơ của bệ hạ hoàn toàn dùng những sáo ngữ, hình thức tầm thường, nội dung nông cạn, cần phải sửa lại thật nhiều, mới gọi là thơ được.” (trích đoạn).
Thà vào tù mà được bình an trong tâm hồn, hơn là phải nghe bài thơ tự phê tuyệt diệu của Đại Thi Sĩ Tự Phong là hoàng đế là Denis L’Acien.
Quá sức chịu đựng !
+ 3. Không thể gọi là “thơ” được !
Thi sĩ Philoxène : “Không thể gọi là “thơ” được !” – phải sửa lại thật nhiều, mới gọi là thơ được !
Nếu Philoxène sống trong thời này, họ – những người nghệ sĩ tự xưng – sẽ tự giới thiệu :
Đây là Bài Thơ !
Đây là Nghệ Sĩ !
Đây là Nhạc Sĩ !
Đây là Ông Hoàng Nhạc Việt !
Đây là Nữ Hoàng Boléro !
Đây là Ngôi Sao Ca Nhạc !
Đây là Siêu Danh Hài !
Hồi hộp quá… không biết thi sĩ Philoxène có thốt lên :
Thôi… Xin cho tôi vào tù đi ! Quá sức chịu đựng !
+ 4. Câu chuyện có liên quan
Bạo chúa Ne-rô cũng là người tự xưng mình là nhà thơ vĩ đại. Bên cạnh ông có Petronius, (thi sĩ trào phúng La Mã, cố vấn các vấn đề nghệ thuật của Ne-rô. Người ta vẫn thường gọi ông là arbiter elegantiarum, nghĩa là “người đánh giá khách quan những chuyện hào hoa phong nhã”) từng là vị Đại Thần của ông, sau đã chết vì không thể chịu đựng và chấp nhận nịnh hót tên bạo chúa Nê-rô.
Trước khi chết vì tự tử dưới áp lực của Ne-rô, Petronius đã để lại một bức thư cuối cùng gởi cho bạo chúa Ne-rô, đề cập tới gần như trọn vẹn cái gọi là Tài – Đức tự xưng của tên bạo chúa vĩ đại này.
Đây là nội dung bức thư, phần Suy Tư dành cho riêng mọi người, đặc biệt là những người tự xưng mình là Nghệ Sĩ hay là người nổi tiếng gì gì đó cùng một lứa, thấy đó để tự nhìn lại mình.
“Tâu Hoàng thượng, tôi biết rằng Hoàng thượng đang nóng lòng trông đợi tôi đến, rằng trái tim bạn bè trung thành của Người đang ngày đêm nhớ thương tôi. Tôi biết rằng Hoàng thượng sẵn lòng ban thưởng cho tôi bao bổng lộc và trao cho tôi chức tổng quản cấm quân, còn Tygelinux thì người sẽ bắt hắn phải làm cái việc mà các thần đã muốn hắn phải làm khi tạo hắn ra : làm một tên quản la trên đất đai của Hoàng thượng, những đất đai mà Người được hưởng quyền thừa kế sau khi đã đánh thuốc độc Đomixia. Song xin Người hãy lượng thứ cho tôi, vì thề có Hadex, chốn địa ngục đang thấp thoáng hình bóng của thái hậu, hoàng hậu và hoàng đệ của Người cũng như hương hồn ông Xeneka, tôi không thể đến chầu Hoàng thượng được.
Bạn thân mến của tôi ơi, đời người là một kho báu vô song mà tôi là kẻ biết lựa tìm trong ấy những thứ ngọc ngà quý nhất. song trong cuộc đời cũng có những thứ mà tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Ôi, xin chớ vội nghĩ rằng tôi không thể chịu đựng nổi việc bạn đã giết cả mẹ, lẫn vợ cùng em, việc bạn đã đốt trụi Rô-ma và đày đi Ereb tất cả những người trung thực ở quốc gia này ! Không phải đâu thưa chắt đích tôn của thần Kronox ! Cái chết vốn là khẩu phần chia theo đầu người, vả chăng đâu có thể trông chờ ở bạn một hành động nào khác thế.
Song, phải chịu hỏng tai thêm bao năm nữa vì tiếng hát của bạn,
phải nhìn đôi giò khẳng khiu của bạn vung vẩy trong vũ điệu Pirei,
phải nghe tiếng đàn của bạn,
lời ngâm xướng của bạn của các bản trường ca của bạn,
thì hỡi chàng thi sĩ tội nghiệp của vùng ngoại ô ơi, những điều ấy quả là vượt quá sức chịu đựng của tôi và tôi muốn chết ! Rô-ma phải bịt tai khi nghe bạn, thế giới cười mỉa bạn, còn tôi, tôi không muốn và cũng không thể chín mặt ngượng vì bạn lâu hơn được nữa!
Bạn thân yêu của tôi !
Đối với tôi, tiếng gào hú của con chó ba đầu Xerber – dù là gần giống tiếng hát của bạn – vẫn còn dễ nghe hơn, vì lẽ tôi chưa bao giờ là bạn của nó và tôi cũng không có nghĩa vụ phải xấu hổ vì giọng của nó.
Mạnh khỏe nhé… nhưng xin đừng ca hát,
Cứ giết chóc đi… nhưng xin chớ làm thơ,
hãy đầu độc nữa đi… chứ đừng cố múa may
đốt phá tràn đi… nhưng đàn tranh đừng gẩy !
Đó là lời chúc và cũng là lời khuyên bằng hữu cuối cùng mà arbiter elegantiarum gửi bạn”.
(theo Quo Vadis. Henryk Sienkievich. Nobel Văn Học 1905. Bản dịch của Nguyễn Hữu Dũng 1985)
Vâng, nếu bạn nhìn Xưa, rồi nhìn Nay, cũng thế thôi !
Quả là “Quá sức chịu đựng”, phải không bạn !
MAI NHẬT THI