Chút suy tưVăn - Nghệ

Ý Riêng | Mai Nhật Thi | Nghệ Thuật Sống

Ý RIÊNG

Người xưa có câu chuyện Gác Lại Thù Riêng sau đây :

Đời nhà Đường (619-901 sau Thiên Chúa), Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đều làm phó tướng cho nguyên soái An Tử Thuận.

Hai người vốn không ưa nhau, nên nhiều khi tuy cùng dự một tiệc, ngồi một xe, mà vẫn xem nhau như cừu địch, không ai nói chuyện với ai.

Sau khi nguyên soái An Tử Thuận mất, Quách Tử Nghi được cử lên giữ chức nguyên soái thay cho An Tử Thuận.

Lúc bấy giờ Lý Quang Bật sợ vì những chuyện sự thù ghét nhau giữa hai người mà Quách Tử Nghi sẽ làm hại ông, nên đánh bạo đến nói với Quách Tử Nghi rằng :

– Phần tôi dù chết cũng không cần, nhưng nếu ông có hại thì xin trừ vợ con tôi ra, vì chúng là những kẻ không tội.

Quách Tử Nghi nghe nói, chạy lại cầm tay Lý Quang Bật thưa :

– Tôi đâu có phải con người như thế, mà chỉ nghĩ rằng hiện nay đất nước đang bị kẻ ngoại tặc dày xéo, nhân dân lầm than, vua tôi nhục nhã, nếu không có ai gánh vác việc thiên hạ.

Nói xong, nước mắt ràn rụa. Rồi Quánh Tử Nghi đem những lời phải trái để khuyên răng Lý Quang Bật, và cử Lý Quang Bật làm Tiết Độ Sứ nắm cả quyền hành quân sự và chính trị một vùng.

Từ đó, hai người tuyệt nhiên không có gì hiềm khích ngờ vực và sau mới khôi phục được những phần đất đã mất về tay rợ Khiết Đam.

(Sưu tầm).

______________

Chút Suy Tư

1. Mọi chuyện bắt đầu từ “Ý Riêng”

Ai cũng có “một cõi riêng tư”. Ngày nay, nhiều người, đặc biệt là một số lãnh vực “Truyền Thông”, “Quảng cáo” hô hào cách suy nghĩ “hãy là chính mình”. Và, nhiều người, đặc biệt trong giới trẻ, cứ suy nghĩ và hành động “tự do” theo “Ý Riêng” mình, gần như muốn làm gì thì làm. Nên cảnh bát nháo tràn ngập.

Hãy xem một số người được mệnh danh là phục vụ nghệ thuật, là siêu sao, như một MC nổi tiếng, nhìn cách ăn mặc tưởng là đang diễn tuồng hát bội, nhiều nghệ sĩ ăn nói ngang ngược như hạng vô học lưu manh, nhiều ca sĩ khi hát cứ rống lên, mà thành Ông Hoàng Nhạc Việt hay nhạc gì gì nữa… Một vùng lầy lội được chiếu sáng rực rỡ nhờ ánh đèn sân khấu mà nội dung phần lớn chỉ là trò múa rối theo đúng nghĩa đen là rối ren vô bổ… Chưa nói tới tư cách, phẩm giá của một số người được cho là người công chúng mà cái Tâm đen tối, lòng tham không đáy, ảnh hưởng xấu đến biết bao người vì họ là thần tượng, đặc biệt là những người non trẻ.

2. “Ý Riêng” nào cũng có một tiêu chuẩn.

– “Hãy là chính mình”. “Tôi là tôi”.

Điều đó không sai. Nhưng để cái “chính mình” đó, cái “tôi” đó, có được cái giá trị “người cho ra người” nó đòi hỏi phải có một chuẩn mực của nó. Và nó chỉ “Đúng” khi đáp ứng được chuẩn mực đó.

Một đứa bé xin mẹ nó cho chơi một con dao – Tất nhiên là không được rồi.
Một ngưởi bị tâm thần đòi đưa cho một cây súng – Dĩ nhiên là bị từ chối rồi.
Một anh chàng nổi tiếng tài năng mà cũng nổi tiếng tham lam kêu gọi đóng góp tiền từ thiện – Điều đó khó có ai tin tưởng rồi.

Vậy chuẩn mực đó là gì ? Hỏi là đã trả lời rồi. – “Đạo Đức”. Nên người đời thường đánh giá một người tốt là “Tài Đức” vẹn toàn”.

Đạo Đức nói gọn là Đạo.

Có một người hỏi cưới cô gái cho con mình. Cha của đàng trai xin cho cô dâu được vào Đạo bên chồng để hai vợ chồng chung chí hướng thêm phần hòa hợp vui sống trong gia đình. Mẹ của cô dâu trả lời :”Được mà. Đạo nào cũng được, tôi chỉ sợ người vô đạo“.

Ngay cả người tự nhận mình là vô thần, không đạo, cũng phải hiểu rằng mình đang giữ Đạo Làm Người.

Đạo luôn hướng về Trời (Đấng Tối Cao) và hướng về tha nhân. Đối Thần, đối Nhân.

“Tứ hải giai huynh đệ”. Có biết bao nhiêu con người, dân tộc, cùng sống trên Hành Tinh này. Tiêu chuẩn nào để đối xử với nhau, để nhìn nhận nhau, để chấp nhận nhau.

Nếu ai đó không tin có Trời, không tin có Đấng Tối Cao, thì cũng phải tin vào “Cung Thánh Tâm Hồn”, nơi những điều thiêng liêng, cao quý, đang ngự trị. Đó mới là “Nhân Linh Ư Vạn Vật“. Nếu không, những con người đó chỉ là “Nhân sinh như Động Vật” !

3. Không ai là một hòn đảo.

Hãy là chính mình” để có bản lĩnh đóng góp vào cuộc sống trở nên người hữu ích cho cuộc đời.

Ngày xưa trên cuốn vần tập đọc chữ khi còn bé, ngoài bìa sách có câu “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời”. Những câu đơn sơ mà đầy ý nghĩa đó ngày nay trên sách giáo khoa trở thành “hàng quý hiếm” !

Chỉ riêng chữ “Giúp Đời” thôi, chúng ta thấy sự thanh cao của tâm hồn cùng với trách nhiệm và bổn phận đối với đồng loại.

Vì “không ai là một hòn đảo”, nên chúng ta không tự cô lập mình trong “hòn đảo của cái tôi ích kỷ” chỉ theo Ý Riêng mình, mà chúng ta sống chung với nhau, có sự nối kết, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.

Để sống với nhau, chúng ta chấp những dị biệt, sự đa dạng, và sự riêng tư của nhau.
Cùng tôn trọng nhau, tha thứ những lỗi lầm và bù lắp những khuyết điểm của nhau.

Hận thù riêng tư nhiều khi chỉ đến từ những Ý Riêng, vì những lợi lộc cá nhân, những phe nhóm, những Đảng Phái phục vụ cho những quyền lợi của một thiểu số người tham vọng và nhất thời. Nó không hướng đến những ích lợi chung của Đa Số, của quần chúng, của Đất Nước, của Nhân Loại dài lâu.

Trở lại câu chuyện Gác Lại Thù Riêng, Lý Quang Bật – tâm trạng chung của nhiều người – nghĩ rằng kẻ thù của mình là Quách Tử Nghi thế nào cũng trả thù nên đã đi bước trước để xin được giảm nhẹ “hình phạt” mà ông cho là phải đến.

“Lúc bấy giờ Lý Quang Bật sợ vì những chuyện sự thù ghét nhau giữa hai người mà Quách Tử Nghi sẽ làm hại ông, nên đánh bạo đến nói với Quách Tử Nghi rằng :
– Phần tôi dù chết cũng không cần, nhưng nếu ông có hại thì xin trừ vợ con tôi ra, vì chúng là những kẻ không tội”.(trích truyện).

Nhưng may mắn cho ông, chắc ông cũng không ngờ, sự đáp lại của kẻ thù mình lại như vậy:

Quách Tử Nghi nghe nói, chạy lại cầm tay Lý Quang Bật thưa :
Tôi đâu có phải con người như thế, mà chỉ nghĩ rằng hiện nay đất nước đang bị kẻ ngoại tặc dày xéo, nhân dân lầm than, vua tôi nhục nhã, nếu không có ai gánh vác việc thiên hạ.
Nói xong, nước mắt ràn rụa. Rồi Quánh Tử Nghi đem những lời phải trái để khuyên răng Lý Quang Bật, và cử Lý Quang Bật làm Tiết Độ Sứ nắm cả quyền hành quân sự và chính trị một vùng.(trích truyện).

“Hiện nay Đất Nước đang bị kẻ ngoại tặc dày xéo”

Bỏ qua Ý Riêng, Thù Riêng… Vì Đất Nước…

Thật cao đẹp !

Vâng, từ suy nghĩ đó…

Vì Dân Tộc,
Vì Lý Tưởng Niềm Tin,
Vì con người,
Vì nhân loại,
Vì Thế Giới,
Vì Trái Đất…

MAI NHẬT THI

Bài liên quan

Back to top button